Vào nội dung chính
VIỆT NAM - PHÁP LUẬT - CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Công nhận nghề mại dâm : chủ đề gây tranh luận tại Việt Nam

Ngày 28/6/2011, theo báo chí Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong Hội nghị Triển khai chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011–2015 tại Quảng Ninh đã phát biểu : không nên coi mại dâm là một « tệ nạn xã hội ».

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng (ảnh do tác giả gửi)
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng (ảnh do tác giả gửi)
Quảng cáo

Nhiều ý kiến vui mừng cho rằng, đây là một ngày quan trọng đối với những phụ nữ làm nghề bán dâm. Tuy nhiên, phát biểu kể trên sau đó đã không được một số viên chức thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công nhận.

Trên thực tế, tại Việt Nam theo ước tính của giới chuyên môn hàng trăm nghìn phụ nữ kiếm sống bằng nghề bị coi là bất hợp pháp này. Rất nhiều tệ nạn xã hội đi kèm với nghề mại dâm đã phát triển ngoài khả năng kiểm soát của chính quyền, cũng như nhiều căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, đặc biệt là nhiều phần của dịch virus HIV/SIDA đã phát triển ngoài sự theo dõi của các cơ quan y tế.

Từ khoảng mươi năm trở lại đây, bản thân quan điểm chính thống tại Việt Nam cho mua bán dâm là hành động phạm pháp, đã trở thành đối tượng chỉ trích của nhiều công dân trong đó có những người thuộc giới khoa học và hoạt động xã hội.

Để đưa đến thính giả với một trong những tiếng nói có uy tín trong vấn đề này, RFI đặt câu hỏi với tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDC), người đã nhiều năm nghiên cứu về đề tài này và kiên trì bảo vệ quan điểm cần coi mại dâm là một "dịch vụ xã hội", để có thể hạn chế được những tiêu cực trong môi trường này. 

10:33

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng (Hà Nội)

RFI : Xin chào tiến sĩ Khuất Thu Hồng. Như chị biết, tại Việt Nam, trong vấn đề mại dâm – là chủ đề được sự quan tâm của xã hội từ lâu nay -, mới đây có thông tin về việc Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội cho rằng không nên coi những người hành nghề mại dâm là các tội phạm, gây ra các tệ nạn xã hội. Chị có thể cho biết nhìn nhận của chị về sự kiện mới xảy ra ?

Khuất Thu Hồng : Theo tôi biết, trong một cuộc Hội thảo tại Quảng Ninh, Bộ trưởng Lao động, Thương Binh và Xã hội có nêu vấn đề như anh vừa trao đổi, rằng chúng ta không nên coi mại dâm là một tệ nạn xã hội, và nên đặt vấn đề có thể nhìn nhận nó như một công việc, như một nghề được hay không ?

Đấy là cách mà báo chí Việt Nam đưa tin về phát biểu của bà Bộ trưởng. Nhưng mới gần đây, có những thông tin khá chính thống từ Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội. Những người phụ trách cục đó phát biểu rằng mại dâm vẫn phải bị coi là một tệ nạn xã hội và không thể coi mại dâm là một nghề. Cái lý do mà họ đưa ra thì nó gây ra nhiều tác hại về xã hội cũng như về sức khỏe, đặc biệt là liên quan đến HIV. Có phát biểu của các lãnh đạo của cục đó nói rằng, báo chí không hiểu đúng tinh thần của bà bộ trưởng. Bà bộ trưởng nói với tinh thần là cố gắng để những người làm công việc mại dâm không bị tổn thương, để tránh cho họ không có nguy cơ về sức khỏe,… chứ không có ý là coi mại dâm là một nghề.

Những câu chuyện này có lẽ chỉ người trong cuộc mới biết rõ.

Khi nghe tin đầu tiên, tôi cảm thấy phấn khởi, vì trong nhiều năm nay, tôi đã cố gắng để kêu gọi xã hội và những người làm chính sách thay đổi cách nhìn đối với mại dâm, và nên coi nó là một nghề, mặc dù cái nghề đó nhiều người không tán thành. Đứng về mặt đạo đức xã hội, phần lớn mọi người trong xã hội, cũng như phần lớn các xã hội đều không tán thành. Tôi nghĩ rằng ở Mỹ hay ở Pháp, hay ở bất cứ nước nào, đa số người dân cũng không ưa thích mại dâm cả. Nhưng mại dâm cũng là một thực tế xã hội mà nhiều nơi đã chấp nhận rằng, nó không thể không tồn tại.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, như tôi được biết, có những cân nhắc nên « giải quyết » mại dâm như thế nào. Có những ý tưởng như : có thể coi đó là một công việc, hay một nghề, cũng có ý tưởng những "khu đèn đỏ". Nhưng cũng còn rất nhiều tranh luận xung quanh giải pháp đó. Cho đến hiện nay, quan điểm chính thống coi mại dâm là "tệ nạn xã hội" và chưa thừa nhận đó là một nghề.

Quá trình xã hội để đi đến sự thống nhất, coi mại dâm là một nghề, tôi nghĩ rằng còn phải cần thời gian nữa.

RFI : Xin phép hỏi chị, việc coi nghề bán dâm là một tệ nạn xã hội, thì sẽ có hệ quả gì về mặt xã hội ?

Khuất Thu Hồng : Hệ quả thứ nhất là dẫn đến việc mại dâm đi vào hoạt động bí mật. Bởi vì dù muốn hay không, mại dâm vẫn tồn tại. Một số người ở trong xã hội vẫn cần đến dịch vụ đó. Ví dụ như, những người đàn ông chưa có vợ, những người đàn ông vợ chết, hay ly dị, hay những người không có khả năng để cưới vợ.

Việc mại dâm hoạt động bí mật rất khó kiểm soát và dễ dẫn đến tình trạng tội phạm, như buôn bán phụ nữ, cưỡng ép phụ nữ hành nghề mại dâm, rồi nhiều hành động phạm pháp liên quan đến vấn đề này, rồi trẻ em sẽ bị ép buộc…

Thứ hai là, việc mại dâm bị coi là bất hợp pháp và phải hoạt động bí mật dẫn đến việc khó cung cấp các dịch vụ y tế sức khỏe một cách thường xuyên cho những người bán dâm. Tất nhiên họ cũng đi chữa bệnh, nhưng là ở những chỗ không đáng tin cậy. Và điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe của họ thì không chỉ hại cho họ, mà còn hại đến khách hàng của họ. Và từ khách hàng của họ, thì có thể dẫn đến vợ con, rồi bạn gái, bạn tình của những khách hàng đó, ảnh hưởng như thế sẽ lan truyền đến cộng đồng và xã hội.

Ít nhất là có hai hậu quả nghiêm trọng như vậy, nếu như mại dâm không đươc quản lý chính thức.

RFI : Thưa chị, là người nghiên cứu trực tiếp và đồng thời là người có hiểu biết rộng về lĩnh vực này, chị có thể cho biết một vài con số để cho thấy ảnh hưởng của việc mua bán dâm tại Việt Nam ?

Khuất Thu Hồng : Ở Việt Nam, mại dâm không được coi là một nghề, nên việc nghiên cứu mại dâm là một việc rất khó khăn. Rất khó để tiếp cận với những người làm nghề này để phỏng vấn và ước lượng xem là bao nhiêu người. Nhưng theo những số liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội, thì ở Việt Nam có khoảng 30.000 người bán dâm, và hành nghề trên khoảng 100.000 có kinh doanh dịch vụ này, hoặc các cơ sở trá hình, như tiệm mát xa, gội đầu, cắt tóc, nhà tắm hay karaoke, … Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ước tính con số người hành nghề mại dâm tại Việt Nam có thể dao động từ 300.000 đến 500.000 người. Đấy là một con số đáng kể.

Nếu nói về những tác hại do mại dâm không được quản lý chính thức, nó có thể đẻ ra chuyện như tôi vừa nói, những người mắc bệnh qua đường tình dục, như HIV, không được điều trị. Theo các nghiên cứu về HIV và những người bán dâm, thì có rất nhiều người làm nghề mại dâm không dùng các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như dùng bao cao su một cách thường xuyên và nhất quán. Ví dụ phần lớn những người bán dâm dùng bao cao su với khách hàng quen, hoặc khách hàng mới, nhưng với khách hàng quen, hoặc người tình hay người yêu của họ thì họ lại không dùng. Trong khi đó, trong số những người yêu, người tình hay chồng của những người làm nghề này lại có nhiều người tiêm chích ma túy. Mà những người tiêm chính ma túy hay phải tiêm chích chung, vì họ ít tiền. Khi tiêm chích chung thì khả năng lây nhiễm rất cao. Như thế, anh có thể hình dung đường lây truyền nó lan từ đâu, tới đâu, đúng không ?

Hiện nay, về dịch HIV ở Việt Nam, các nghiên cứu cũng như các dự báo về dịch tễ học cho thấy cái tỷ lệ lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy thì đang có chiều hướng giảm, trong khi đó, tỷ lệ lây HIV qua đường tình dục đang có chiều hướng tăng. Đấy là điều đáng lo ngại.

RFI : Thưa chị, việc tiếp tục coi mại dâm là một tệ nạn xã hội theo quan điểm « đạo đức » gắn liền với cái giá phải trả, như chị vừa nói, về bệnh tật không được kiểm soát, cũng như những tệ nạn đi kèm theo. Vậy cái « đạo đức » đó có phải trả giá quá đắt với những thiệt hại kia không ?

Khuất Thu Hồng : Cá nhân tôi cho rằng cái giá như vậy là đắt. Tuy nhiên, nếu đặt mình ở địa vị những người quản lý, lãnh đạo đất nước, tôi cũng hình dung được các áp lực lên họ. Áp lực về mặt chính trị, áp lực về mặt xã hội, trong việc có công nhận mại dâm là một nghề hay không.

Tại vì ở Việt Nam, tôi cho rằng, nếu bây giờ trưng cầu ý kiến của người dân, tôi sợ còn rất nhiều người phản đối và cũng coi đó là « một tệ nạn xã hội ». Họ đã quen nghĩ như thế quá lâu rồi ! Và đặc biệt, phụ nữ rất lo sợ cho an nguy của gia đình, cho chồng, con. Cho nên, chắc chắn (đa số) phụ nữ sẽ phản đối.

Vấn đề là, người ta thường hình dung và tưởng tượng khá dễ những nguy hại cho « hạnh phúc gia đình », đứng từ góc độ chung thủy hay không chung thủy. Đấy là « đạo đức xã hội » được đề cao, còn tác hại của mại dâm có thể gây ra đến sức khỏe thì lại chỉ liên quan đến từng cá nhân cụ thể, nên rất khó để « nhìn thấy ». Vấn đề là nghiên cứu để chứng minh được rằng, mại dâm đi vào bí mật có thể gây ra các tác hại, khiến cho bao nhiêu người bị mắc bệnh, thì các nghiên cứu như vậy rất khó được thực hiện. Vì vậy, khó có bằng chứng để thuyết phục mọi người rằng : nếu tiếp tục coi mại dâm là một tệ nạn xã hội, các vị sẽ phải trả một cái giá x, với việc một năm sẽ có từng ấy người bị mắc HIV chẳng hạn. Rất khó để mà có được những con số để thuyết phục mọi người.

Vấn đề tình dục ở Việt Nam là một vấn đề rất là bị kiêng kỵ. Người ta rất là ghét. Nghĩ đến nó đã là xấu xa rồi. Vậy mà lại còn dịch vụ tình dục, còn bán dâm, thì đó là điều không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ rằng để cân nhắc giữa hai cái giá đấy, người ta sẽ thường chọn giải pháp đầu. Tức là, cứ tiếp tục coi mại dâm là một vấn đề « đạo đức xã hội ».

Để gọi là « tỉnh táo » xét đoán giữa các nguy hại của các vấn đề sức khỏe và « đạo đức », thì có lẽ lúc nào người ta cũng thường lựa chọn « đạo đức » nhiều hơn.

RFI : Đứng ở góc độ của một người hoạt động xã hội và làm khoa học, chị làm gì và sẽ làm như thế nào trong tình trạng hiện nay trong lĩnh vực này ?

Khuất Thu Hồng : Từ rất nhiều năm nay, tôi luôn kêu gọi để có thay đổi quan điểm đối với mại dâm, chẳng hạn có thể coi là một nghề, cũng có thể không hợp pháp hóa nó, nhưng cho phép hoạt động, như ở Thái Lan, tại một số khu vực nhất định, thì điều này sẽ giúp cho việc giảm đi các nguy cơ đối với những người làm nghề mại dâm, cũng như các khách hàng của họ. Để những người này có thể được cung cấp các dịch vụ về y tế, dịch vụ về an ninh, … Nhiều năm nay, tôi đã kiên trì quan điểm này, và tôi cũng cố gắng rằng, dù chúng ta ghét mại dâm, dù chúng ta không chấp nhận, nó vẫn tồn tại, chừng nào còn loài người, mại dâm vẫn tồn tại, vì vẫn còn những người cần đến dịch vụ này.

Dù rằng đại đa số trong xã hội có thể có gia đình tốt đẹp và hạnh phúc, thì vẫn có một số người nào đó không có điều kiện để có gia đình, thì những người đấy vẫn cần một dịch vụ tình dục, và nếu một dịch vụ tình dục được tổ chức một cách nghiêm túc và an toàn, thì có lẽ nó mang lại lợi ích cho những người cần nó, đồng thời mang lại an toàn cho xã hội. Đấy là quan điểm của tôi.

RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Khuất Thu Hồng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.