Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Bờ biển đồng bằng Cửu Long sạt lở nghiêm trọng vì phát triển không đúng cách

Đăng ngày:

Hồi nhỏ, khi học địa lý Việt Nam, chúng ta vẫn được dạy rằng: “ Đất nước Việt Nam kéo dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau". Ải Nam Quan thì đã lọt vào tay Trung Quốc từ lâu, nhưng đến lượt mũi Cà Mau rồi cũng sẽ biến mất khỏi bản đồ Việt Nam, nếu không có những biện pháp ngăn chận tình trạng sạt lở.

111 THAO GENERIC MEKONG DELTA RICE VIETNAM RIZ
111 THAO GENERIC MEKONG DELTA RICE VIETNAM RIZ
Quảng cáo

Trong một bài đăng trên trang web ngày 21/5 vừa qua, tờ Lao Động cho biết là tình trạng sạt lở bán đảo Cà Mau đã đến hồi báo động, tức là dù chưa đến mùa mưa bão, nhưng bán đảo Cà Mau đang có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Hàng chục km đê bao đang có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào, đe doạ đến tính mạng và tài sản của hàng ngàn ngưòi dân.

Báo điện tử Văn hóa Online ngày 25/5 cho biết là theo thống kê mỗi năm, sạt lở đã làm Cà Mau mất đi khoảng 900 ha, trong đó hơn 120 ha là đất ven biển, còn lại là đất ven sông. Theo báo này, nguyên nhân gây ra sạt lở nghiêm trọng là “do biến đổi khí hậu, dòng chảy, thi công đào bới bờ kênh không đúng quy trình kỹ thuật, các phương tiện giao thông thủy chạy với công suất lớn. “.

Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau, trước mắt cần phải đầu tư ngay 3.000 tỷ để củng cố những đoạn đê biển, đê sông có nguy cơ cao về sạt lở.

Thật ra muốn hiểu được vì sao Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng như vậy, chúng ta phải đặt hiện tượng này trong bối cảnh chung của việc phát triển vùng ven biển châu thổ đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua.

Đặc trách nghiên cứu về những biến đổi trong khu vực sông Cửu Long trong Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long Úc châu, tiến sĩ Huỳnh Long Vân vào tuần trước đã nói về tác động của cơ sở hạ tầng lên vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam ( ĐBCLVN ). Trong phần tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự tuần này, ông Huỳnh Long Vân trình bày về những sai lầm trong việc phát triển vùng ven biển châu thổ ĐBCLVN trong những năm qua, gây tác hại cho môi trường của vùng này và góp phần khiến tình trạng sạt lỡ bờ biển thêm nghiêm trọng. Từ đó, tiến sĩ Huỳnh Long Vân đề nghị một số biện pháp để ngăn chận những tác hại đối với toàn bộ vùng châu thổ ĐBCLVN.

12:47

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân

Thanh Phương

RFI: Thưa tiến sĩ Huỳnh Long Vân, cho tới nay, vùng ven biển châu thổ ĐBCLVN được khai thác như thế nào?.

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân: Vùng ven biển châu thổ ĐBCLVN có ít người định cư vì điều kiện sinh sống nơi đây rất khắc nghiệt do nước mặn, đất phèn và nước bị ứ đọng. Ở đây, canh tác cổ truyền được điều chỉnh để thích hợp với những thay đổi theo mùa của môi trường: trồng lúa vào mùa mưa và nuôi tôm vào mùa khô.

Nuôi trồng thủy sản là một phần trong cuộc sống nông nghiệp lâu đời của người dân vùng châu thổ ĐBCLVN. Từ thập niên 1980, ngành nuôi tôm quảng canh trong ao được bành trướng nhanh chóng. Tuy nhiên, do kỹ thuật kém, nên năng suất giảm dần. Để bù đắp vào những giảm sút về lợi tức, một số nông dân bỏ những ao cũ, phá thêm rừng, đào thêm những ao mới. Điều này đưa đến hậu quả là cả một khu rừng đước trở thành vùng đất hoang đầy cỏ dại. Trong khoảng thời gian từ 1983 đến 1995, Cà Mau và Bạc Liêu mất một nửa diện tích rừng đước !

Thiết kế cống ngăn nước mặn và chuyển dòng nước sông Hậu để ngọt hoá bán đảo Cà Mau giúp thiết lập tiểu vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp và nhờ đó mà lúa được trồng 2-3 mùa mỗi năm, thay vì chỉ một mùa như trước kia. Diện tích trồng lúa thủy lợi tiếp tục được tăng thêm trong tương lai nhờ vào các công trình thủy lợi khác. Ở Bạc Liêu, người ta có kế hoạch mở rộng diện tích trồng lúa đến những vùng đất trước đây bị ngập mặn suốt năm.

RFI : Theo ông thì hiện tượng sạt lở các vùng bờ biển như ở Cà Mau không chỉ là do hiện tượng biến đổi khí hậu, mà còn do kế hoạch phát triển không đúng ?

TS Huỳnh Long Vân : Muốn nuôi tôm thì phải đào kinh ven biển. Đào kinh nuôi tôm đem chất trầm tích từ ngoài biển vào bồi lấp vùng ven biền hai bên bờ kinh cũng như đào ao nuôi tôm, đất đào lên dùng đắp bờ ao. Hai động tác này làm cho mặt đất của một số nơi vùng ven biển trở nên cao thêm, điều kiện này không thích hợp cho sự sinh tồn của một số các loại cây có tác dụng giữ đất chống sạt lỡ bờ biển. Vì thế các cây mấm, cây đước bị chết dần.

Nước xả dơ bẩn từ các ao nuôi tôm và acid phóng thích từ đất ngậm phèn của các bờ ao làm cây đước còi cọc. Đặt cống ngăn nước mặn để trồng lúa thủy lợi, làm mất đi môi trường nước lợ, khiến các cây dừa nước, cây đước mọc dọc theo bờ kinh bị hủy diệt.

Những ảnh hưởng tiêu cực nêu trên dẫn đến tình trạng sạt lỡ bờ biển rất trầm trọng như nhận thấy ở Vĩnh Châu, Bạc Liêu.

Ngoài ra, những kinh đào dọc theo bờ biển phía Đông (dùng để dẫn nước vào các ao nuôi tôm) làm gián đoạn hệ thống chuyên chở phù sa dọc theo bờ biến, khiến khối lượng trầm tích chuyển xuống phía Nam để bành trướng mũi Cà Mau cũng bị giảm dần.

Việc chuyển một khối nước khổng lồ từ sông Hậu để ngọt hoá bán đảo Cà Mau và trồng lúa 2-3 mùa, làm trầm trọng thêm tình trạng nước mặn xâm thực vào các vùng hạ nguồn châu thổ vào mùa khô.

Việc bành trướng kế hoạch trồng lúa thủy lợi đến những vùng ngập mặn vĩnh viễn sẽ làm giảm diện tích nuôi tôm của một số người dân trong vùng, vì thế có thể tạo ra những xung đột trong xã hội do mâu thuẫn trong sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất và nước), đe doạ khả năng sinh tồn của người dân địa phương.

RFI : Kế hoạch phát triển vùng ven biển có những ảnh hưởng tiêu cực nào đối với môi trường ?

TS Huỳnh Long Vân : Phát triển các cơ sở hạ tầng để gia tăng sản xuất nông nghiệp tạo ra một số vấn đề cho môi trường châu thổ ĐBCLVN. Đây là hậu quả của những sai lầm, không nhận ra châu thổ ĐBCLVN là một hệ thống gồm nhiều hệ môi sinh khác nhau, nhưng có tính liên kết.

Chận đứng khả năng bồi lấp của lũ lụt và hủy diệt rừng đước thật sự đã chấm dứt khuynh hướng bồi lấp thiên nhiên nhằm bành trướng diện tích của châu thổ, lấn biển để dần dần biến đổi môi trường nước mặn trở thành ngọt. Ở những khu đầm lầy của châu thổ, nước ngập tràn bờ mang phù sa bồi lấp vùng đất thấp ngậm phèn, một hình thức cải tạo tự nhiên đất đai.

Nếu những cơ chế thiên nhiên cải thiện môi trường này bị hủy bỏ, thì trong tương lai, châu thổ ĐBCLVN khó tránh khỏi những vấn đề về môi trường và kinh tế liên quan đến đất mặn, đất phèn.

RFI : Như vậy, chúng ta nên có kế hoạch phát triển vùng ven biển châu thổ ĐBCLVN như thế nào để ngăn chận những tác hại nói trên ?

TS Huỳnh Long Vân : Ví dụ như tái qui hoạch các vùng trồng trọt, khuyến khích nông dân trồng những loại hoa màu thích hợp với đất phèn như khóm, khoai từ, cây điều, tràm, ở vùng Đồng Tháp, Tứ giác Long Xuyên và Cà Mau v.v, giúp tiết kiệm một khối nước khổng lồ dùng để rửa đất xả phèn.

Ở xứ Úc, Murray-Darling là một hệ thống hai con sông với dòng nước được 5 tiểu bang và 1 lãnh thổ sử dụng. Từ nhiều thập niên trước đây, một khối nước quá lớn đã dành cho sản xuất nông nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở Adelaide, một thành phố hạ nguồn và nguồn nước ở đây ngày càng mặn hơn. Để giải quyết tình trạng khó khăn này, cắt giảm khối nước dành cho nông nghiệp là một trong những biện pháp được chính phủ Úc đem ra thi hành.

Do ảnh hưởng tàn phá rừng ngập mặn của nuôi tôm quảng canh và hủy hoại các loài cây có chức năng che chở bờ biển chống sạt lỡ gây ra bởi các cống ngăn mặn, thiết tưởng nhà cầm quyền địa phương và trung ương cần có những biện pháp thích ứng để bảo vệ và duy trì các khu rừng ven biển, vì nếu không, bờ biển phía Đông sẽ trở nên trơ trọi, gây nhiều thiệt hại cho người dân trong vùng khi gặp thiên tai.

Để bảo đảm ĐBCLVN được tăng trưởng một cách bền vững, đề nghị trong tương lai các kế hoạch phát triển vùng châu thổ phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc và dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế (được Ủy hội Mekong sử dụng) để đánh giá những lợi ích lẫn tổn hại mà chương trình có thể đem lại, đặc biệt đối với môi trường của toàn vùng châu thổ, cùng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, tác động của các đập thủy điện thượng nguồn và những thay đổi nhanh chóng trên mặt xã hội.

RFI : Xin cám ơn tiến sĩ Huỳnh Long Vân, Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long Úc châu.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.