Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Hướng đạo Việt Nam cần được chính thức phục hồi hoạt động trên toàn quốc

Đăng ngày:

Nhiều cựu huynh trưởng và hướng đạo sinh từ những năm đầu tiên của Hướng đạo Việt Nam, mà một số nay đã quá tuổi 90, vẫn rất mong nhìn thấy phong trào được phục hồi và chính thức được công nhận trên toàn quốc. Thay mặt cho nhóm này, ông Đặng Văn Việt, nguyên cựu trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã viết đơn gởi các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước để xin phục hồi phong trào Hướng đạo.

Ngày họp mặt truyền thống Hướng đạo Việt Nam 31/ 5/1993 tại Hà Nội (Hoàng Đạo Thúy là người mặc áo trắng, ngồi giữa)
Ngày họp mặt truyền thống Hướng đạo Việt Nam 31/ 5/1993 tại Hà Nội (Hoàng Đạo Thúy là người mặc áo trắng, ngồi giữa) DR
Quảng cáo

Được thành lập từ năm 1930 dưới thời Pháp thuộc, Hướng đạo Việt Nam, đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Sau năm 1945 và nhất là sau khi nổ ra chiến tranh Việt – Pháp 1946, Hướng đạo Việt Nam đã ngưng hoạt động một thời gian. Cho đến năm 1954, khi đất nước bị chia đôi theo Hiệp định Genève, Hướng đạo Việt Nam ở miền Bắc bị đình chỉ hoàn toàn, trong khi tại miền Nam, phong trào phát triển mạnh mẽ.

Ngay từ năm 1957, Hội Hướng đạo Vìệt Nam đã được công nhận là hội viên của Phong trào Hướng đạo Thế giới. Sau ngày 30/4/ 1975, Hội Hướng đạo Việt Nam bị giải tán, một số huynh trưởng và hướng đạo sinh di tản ra nước ngoài, gầy dựng phong trào ở nhiều nước. Đến năm 1983, Hội đồng Trung ương Hướng đạo đã được thành lập để thống nhất hoạt động ở hải ngoại.

Hiện nay, ở miền Nam, một số đơn vị Hướng đạo Việt Nam đã được thành lập và hoạt động tuy chưa được chính phủ công nhận, nhưng trong khi đó ở miền Bắc, phong trào Hướng đạo vẫn bị cấm ngặt hoàn toàn.

Nhiều cựu huynh trưởng và hướng đạo sinh từ những năm đầu tiên của Hướng đạo Việt Nam, mà một số nay đã quá tuổi 90, vẫn rất mong nhìn thấy phong trào được phục hồi và chính thức được công nhận trên toàn quốc. Họ đã tập hợp lại trong một Ban chấp hành lâm thời xin phục hồi Hướng đạo.

Thay mặt cho nhóm này, ông Đặng Văn Việt, nguyên cựu trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, nổi tiếng với nhiều thành tích lẫy lừng trong thời kháng chiến chống Pháp, đã viết đơn đề ngày 01/03/2011 gởi các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước để xin phục hồi phong trào Hướng đạo. Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn ông Đặng Văn Việt từ Hà Nội :

10:33

Phỏng vấn ông Đặng Văn Việt

Thanh Phương

Vì sao Hội Hướng đạo Việt Nam chưa được Nhà nước Việt Nam cho tái lập ?

Trong một bài viết gởi riêng cho trang mạng Bauxite Việt Nam, luật sư Nguyễn Lệnh, nguyên là một cựu hướng đạo sinh, đã nhắc lại rằng, mặc dù đã có Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 qui định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, tức là trên nguyên tắc có cơ sở pháp lý để Hội Hướng đạo Việt Nam được thành lập, nhưng trong một thông báo đề ngày 20/4/2004, gởi đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lại ngăn cản, không cho đặt vấn đề tái lập tổ chức Hướng đạo. Trong một thông báo khác, đưa ra vào năm 2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nhắc lại chủ trương cấm đoán ấy.

Theo luật sư Nguyễn Lệnh, chính chủ trương này đã gây nên tình trạng sinh hoạt tự phát và chia rẽ ngày càng trầm trọng giữa các nhóm Hướng đạo. Mỗi nhóm chọn cách thức sinh hoạt khác nhau, có nhóm Hướng đạo chỉ sinh hoạt tại nhà, không tham gia với một đơn vị Hướng đạo nào cả, để được yên thân. Có nhóm Hướng đạo tự nhận mình chỉ là một "Gia đình" để Nhà nước không để ý, nhưng có tham gia vận động xin Nhà nước công nhận Hướng đạo. Có nhóm Hướng đạo mới hình thành 5, 6 năm, nhưng có số đoàn sinh khá đông và chọn cách sinh hoạt truyền thống, bài bản như ở miền Nam Việt Nam trước 1975. Họ dựa vào những Nhà thờ, dòng tu để sinh hoạt, vừa tiết kiệm chi phí, vừa ít bị chú ý. Có nhóm Hướng đạo may lá quốc kỳ Việt Nam trên ngực áo như một hình thức tạo niềm tin cho phía Nhà nước để sinh hoạt công khai và tham dự huấn luyện, họp bạn ở nước ngoài. Có nhóm Hướng đạo gần như công khai trong sinh hoạt và vận động Nhà nước công nhận Hướng đạo. Nhóm này có nhiều huynh trưởng là đảng viên Cộng sản và chủ trương lấy quy trình (điều lệ) đầu tiên 1946 làm căn cứ pháp lý duy nhất, không thừa nhận các quy trình đã được sửa đổi bổ sung sau năm 1946.

Thật ra thì việc tái lập hoạt động của Hội Hướng đạo Việt Nam gặp cản trở không phải là về mặt pháp lý, nhưng là về mặt chính trị, bởi lẽ, như luật sư Nguyễn Lệnh có nêu lên trong bài viết nói trên, trong các thông báo, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã cho rằng nhiều nhóm Huớng đạo « có quan hệ móc nối với các phần tử phản động và số cầm đầu các nhóm Hướng đạo ở hải ngoại và với tổ chức Hướng đạo thế giới, với sứ quán, lãnh sự quán ở Việt Nam để tuồn thông tin, vu cáo chế độ ta, xin chỉ đạo và tài trợ cho hoạt động của mình ». Thông báo của Ban Bí thư còn khẳng định là « Các tổ chức Hướng đạo Công giáo, Cao đài, Tin lành công khai dùng phương pháp hoạt động Hướng đạo để giáo dục tôn giáo, thực hiện tôn chỉ của các Giáo hội được các Giáo xứ và Nhà nhờ ủng hộ mạnh mẽ về vật chất và tinh thần. ».

Thay vì cho phục hồi Hội Hướng đạo, các thông báo của Ban Bí thư Trung ương chỉ đạo cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam « tiếp thu có chọn lọc hình thức, phương pháp của Hướng đạo trong giáo dục và tổ chức hoạt động của thanh thiếu niên...". Điều này cho thấy là Đảng Cộng sản Việt Nam nhìn nhận những mặt tốt của Hướng đạo, vì rõ ràng lịch sử đã chứng minh Hướng đạo chính là môi trường tốt nhất để đào tạo những công dân có ích, sẳn sàng xả thân vì đất nước, cứu giúp kẻ hoạn nạn, có tâm hồn trong sáng. Trong bối cảnh mà ở Việt Nam, giáo dục khủng hoảng, đạo đức suy đồi, xã hội đầy rẫy bạo lực, phong trào Hướng đạo càng cần phải được nhanh chóng chính thức phục hồi, đó là điều mà những vị cựu huynh trưởng, cựu hướng đạo sinh như ông Đặng Văn Việt mong muốn nhìn thấy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.