Vào nội dung chính
VIỆT NAM - MÔI TRƯỜNG

Cần xác định đúng nguyên nhân để cứu mũi Cà Mau đang bị sạt lở nghiêm trọng

Hàng năm, Cà Mau bị mất đến trên 900 hecta đất do hiện tượng sạt lở ở mũi Cà Mau và các tuyến bờ biển. Liệu có nguy cơ mũi Cà Mau, vùng đất địa đầu cực Nam của đất nước sẽ biến mất trong tương lai ?

Mũi Cà Mau, vùng giới tuyến cực Nam của Việt Nam.
Mũi Cà Mau, vùng giới tuyến cực Nam của Việt Nam. Nguồn:wikipedia
Quảng cáo

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, thì hàng năm tỉnh này bị mất đến trên 900 hecta đất, do mũi Cà Mau cũng như các tuyến bờ biển bị sạt lở.

Trả lời RFI Việt ngữ, Tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, thành viên Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước của Bộ Khoa học Công nghệ về phòng chống thiên tai, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường đã nhận định về hiện trạng trên. Ông cũng góp ý về các phương cách để bảo vệ vùng đất địa đầu phía Nam của tổ quốc Việt Nam.

08:48

Tiến sĩ Tô Văn Trường - Việt Nam

 Thưa tiến sĩ, được biết mũi Cà Mau, miền đất cực nam của Việt Nam hiện đang bị sạt lở với tốc độ đáng lo ngại. Như thế liệu có nguy cơ mất mũi Cà Mau trong tương lai ?

Hiện nay thì chưa có con số thống kê tổng thể về nạn xói lở ở mũi Cà Mau. Năm năm trước đây, dọc theo đường cong của mũi đất thì có một con lộ đá rộng khoảng 4m, dài gần 1km, nằm trong một bờ kè đá hộc vững chắc. Ở phía trong con lộ bộ hành này là một rừng mắm bạt ngàn xen dầy vài chục mét và có những nhà chòi để cho khách du lịch đến nghỉ ngơi. Nhưng nay thì tất cả đều đã biến mất không còn một vết tích nào. Các con lộ, bờ kè này cũng đều bị biến mất. Ở đây có tình trạng sạt lở xảy ra đặc biệt là trong bốn năm gần đây, nhất là những tháng mùa mưa của năm 2007, khiến cho những con lộ, bờ kè bị chìm nghỉm xuống lòng sông. Còn bờ biển thì có một số đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Chỉ tính riêng đoạn từ Tiểu Dừa đến sông Ông Đốc 55km đã có tới 9 điểm bị sóng biển làm xói lở, với chiều dài sạt lở khoảng 1.515m. Và ở bốn cửa biển thí dụ Đá Bạc, Hương Mai, Lung Danh, Khánh Hội, Rạch Chèo vân vân. Thì tất cả những phần thuộc mũi Cà Mau này là cũng bị sạt lở.

Hiện nay tình hình sạt lở rất đáng lo ngại. Nếu sau này cộng thêm hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thì điều gì cũng có thể xảy ra. Nếu nói là nguy cơ mũi Cà Mau biến mất ngay thì cũng còn hơi sớm, nhưng nếu chúng ta không phòng bị và không có biện pháp, thì điều gì cũng có thể xảy ra.

Theo tiến sĩ thì nguyên nhân là từ đâu ? Đây là hiện tượng thiên nhiên hay do bàn tay con người ?

Trong những năm qua, do thời tiết diễn biến phức tạp, sóng gió, lốc xoáy tác động của thủy triều, biến đổi của dòng chảy…đấy là những yếu tố tự nhiên làm xói lở mũi Cà Mau. Ngoài ra còn có nguyên nhân là do tác động của con người. Ví dụ như khi người ta mới thành lập khu du lịch ở mũi Cà Mau, thì đã có sai lầm là cho múc đất ven bờ biển để làm một con lộ bộ hành phục vụ khách du lịch. Chính cái hào sâu do xáng múc này đã nuốt sạch hai bên bờ kè và con lộ đá bộ hành.

Ngoài ra việc lấy cát để xây dựng cũng tác động đến môi trường sinh thái, và chưa coi trọng rừng ngập mặn, nhất là cây mắm, cây bần, cây dừa nước, coi như một lớp đệm để bảo vệ vùng ven bờ. Đây là vùng rất đa dạng về sinh học, và là tấm đệm rất chắc chắn cho vùng đất ở phía trong. Như vậy có thể nói là nguy cơ mất mũi Cà Mau là do cả thiên tai và « nhân tai ».

Tác động của các đập thượng nguồn sông Mêkông như thế nào trong việc mũi Cà Mau đang bị gặm mòn, vì các đập này giữ lại phù sa ? Đặc biệt là các đập đã có của Trung Quốc, và dự án xây đập Xayaburi của Lào sắp được tiến hành ?

Các công trình thủy điện, mà hiện nay là bốn hồ chứa thủy điện Trung Quốc đã xây dựng xong, và các nước ở phía hạ lưu, mười hai cái bậc thang trong đó công trình Xayaburi của Lào thì coi như là một công trình mới dự kiến xây dựng và còn nhiều tranh cãi, chưa có quyết định cuối cùng. Nhưng chỉ riêng bốn cái hồ chứa của Trung Quốc, thì nó có chứa, bởi vì nguyên tắc hoạt động của hồ chứa là, khi ngăn lại và giữ nước trong mùa lũ mà xả nước trong mùa khô thì nó ngăn phù sa lại, thì chắc chắn là nó có ảnh hưởng giảm lượng phù sa về các vùng hạ lưu, đặc biệt là ở dưới đồng bằng sông Cửu Long.

Thế nhưng theo quan điểm cá nhân của tôi, thì chúng ta nhìn xa hơn, không nên quan trọng hóa cái phù sa về đồng bằng sông Cửu Long. Bởi vì nếu mình cứ nghĩ là mong có nhiều phù sa về, thì có nghĩa là mình đang hưởng cái tài nguyên đất và chất dinh dưỡng nhờ xói mòn ở thượng lưu trôi về. Nếu bây giờ các nước ở thượng lưu người ta tiếp tục trồng rừng, bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn, duy trì thảm thực vật chống xói mòn, thì tất nhiên lượng phù sa về hạ lưu sẽ ít đi. Lúc đó chúng ta sẽ phải chấp nhận bởi vì cái gì cũng có hai mặt của nó. Nhờ trồng rừng có thảm thực vật, phù sa về hạ lưu ít đi, nhưng giòng chảy nước ngầm được bổ sung nhiều hơn, nó sẽ hữu ích trong mùa khô.

Nhưng còn cái công trình Xayaburi nó là đập dâng, không phải là hồ chứa, nên khi thiết kế là phải có cống xả cát để không bị bồi lấp dung tích lòng hồ làm ảnh hưởng đến công suất phát điện.

Còn phù sa có hai loại. Một loại mà lắng đọng ở dưới đáy là loại phù sa nặng, loại đó người ta thường dùng để lấy cát xây dựng. Còn đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta lại cần loại phù sa lơ lửng, chứa nhiều chất dinh dưỡng, trọng lượng nhẹ thì nó dễ trôi theo dòng nước chảy về xuôi. Thế nhưng hiện nay lượng phù sa về hạ lưu thì rõ ràng là xu thế càng ngày càng giảm. Thì chúng ta cũng phải đưa ra các phương án để phòng ngừa, vì phù sa thì xưa nay cũng rất cần đối với đồng bằng sông Cửu Long, nhất là coi nó như là phân bón trong việc trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long nên rất quan trọng. Thứ hai nữa là phù sa về ít thì đâu có ảnh hưởng đến diễn biến của dòng chảy để có thể gây ra hiện tượng xói lở cục bộ ở nơi này hay nơi khác.

Để ngăn chặn hiện tượng mũi Cà Mau bị xâm thực, theo tiến sĩ, Việt Nam phải có những biện pháp nào ?

Để chống nguy cơ mất mũi Cà Mau, phải có những biện pháp thích ứng. Loại biện pháp thứ nhất là « phi công trình », như các công tác dự báo, di dời, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, trồng rừng ngập mặn. Loạt biện pháp « công trình » là việc làm đê, làm kè ở những nơi cần thiết. Nhưng công trình cứng thường rất tốn kém, nên chúng ta phải nghiên cứu rất kỹ.

Trước hết, muốn có được biện pháp phòng chống các nguy cơ một cách bài bản, phải xác định được đúng nguyên nhân thực chất bằng định lượng của các xói lở. Đầu tiên phải đánh giá hiểm họa, cần thu thập các số liệu cơ bản trên Biển Đông và vùng biển xung quanh khu vực Cà Mau, như trường gió, trường áp suất, các thành phần của thủy triều, cũng như tài liệu địa chất của vùng ven bờ Cà Mau. Cần tính toán mô hình thuỷ lực có hiệu chỉnh cho Biển Đông, để xác định các dòng chảy theo các mùa khác nhau như thế nào.

Kết quả của mô hình (được xác lập) này sẽ được dùng làm điều kiện « biên » cho mô hình vùng ven biển Cà Mau. Làm mô hình tính sóng biển, có hiệu chỉnh cho vùng ven biển Cà Mau. Xây dựng mô hình thủy lực kết nối với mô hình « sóng » cho vùng ven biển. Và các mô hình này được kết nối với mô hình « biến hình », có hiệu chỉnh cho vùng ven biển.

Tiếp đến là phải xây dựng bản đồ xói lở, và kể cả bản đồ bồi lắng, bởi vì dòng sông bao giờ cũng có bên lở, bên bồi. Đây là bản đồ cho vùng ven biển Cà Mau với các kịch bản khác nhau, để có các biện pháp chủ động. Đề xuất các quy hoạch thích hợp, trong đó có quy hoạch sử dụng đất theo nghĩa rộng, quy hoạch đô thị, kết hợp với phát triển du lịch, các công trình bảo vệ bờ, kết hợp với đường giao thông, công trình giảm thiểu năng lượng sóng.

Việc tiến hành đánh giá hiểm họa phải dựa trên quy hoạch đề nghị và tính toán hiệu quả kinh tế, xã hội – dân sinh của phương án quy hoạch. Bởi vì, bất cứ dự án nào, quy hoạch nào cũng phải có các tính toán kinh tế, xã hội và môi trường.

Các bước trên phải được lặp đi, lặp lại để có được một quy hoạch bền vững. Nếu ta không thực hiện theo các bước kể trên, mà vội vã xây dựng các công trình chống xói lở mũi Cà Mau, thì tiền mất, tật mang và rất nhiều công trình dễ làm mồi cho Hà Bá.

Chúng ta đã có kinh nghiệm thành công trong việc sống chung với lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long, và hiện đang dồn sức để nghiên cứu tìm cách ứng phó với nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Từ sự việc mũi Cà Mau bị xói lở, thì phải biết hành động, lo xa ngay từ bây giờ, đừng để nước đến chân mới nhảy.

Dạ thưa, nhưng trước mắt, việc mũi Cà Mau bị mất hàng năm khoảng 900 ha, thì phải làm như thế nào để miền đất cực Nam của tổ quốc không bị xói lở đi nhiều ?

Như tôi đã nói, đầu tiên phải xác định được đúng nguyên nhân đã, sau đó mới dùng biện pháp. Trong số các biện pháp có thể ứng dụng được ngay, có biện pháp trồng rừng ngập mặn. Trồng những bần, cây đước, cây mắm, là những loại cây thích ứng với vùng ven biển, chúng có tác dụng lấn biển. Những cây đó mình trồng theo mật độ và hướng dòng chảy thích hợp để chúng bảo vệ những vùng đó.

Điều thứ hai là bắt đầu nghiên cứu các bài học kinh nghiệm vừa qua, vấn đề nào do thiên tai, vấn đề nào do nhân tai gây ra xói lở, để rút ra kinh nghiệm để mình thực thi.

Còn phần ứng dụng xây dựng các công trình, có thể ứng dụng các công nghệ mới, như kè chữ T, hay là dùng các « mỏ hàn », để vừa giữ được cát không bị các dòng chảy xói lở lôi đi, và vừa hướng được dòng chảy đi theo hướng thích hợp do con người xác định. Như vậy, kết hợp các biện pháp « công trình » với các biện pháp « phi công trình », thì mình có thể chống đỡ hay bảo vệ được mũi Cà Mau một cách thích hợp hơn và hiệu quả hơn.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.