Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Hà Nội về đêm : Khi không gian riêng tư mở ra đường phố

Đăng ngày:

Nói đến Hà Nội, mọi người đều nghĩ ngay đến Hồ Gươm, Tháp Rùa, Chùa Một Cột…, các hình ảnh hầu như lúc nào cũng xuất hiện trong những tập sách ảnh về thủ đô của Việt Nam. Thế nhưng, lẽ dĩ nhiên Hà Nội không chỉ có thế, và mới đây, André Lützen, một nhiếp ảnh gia người Đức đã cung cấp cho mọi người một khía cạnh mới lạ, ít thấy về thủ đô Việt Nam, đặc biệt là về đêm, qua tập ảnh mang tựa đề tiếng Anh Public Private Hanoi ("Hà Nội riêng tư nhưng công khai").

Bìa tập ảnh về Hà Nội của André Lützen
Bìa tập ảnh về Hà Nội của André Lützen DR
Quảng cáo

Tập ảnh dày 112 trang vừa được nhà xuất bản Đức Kehrer (Heidelberg) cho ra mắt độc giả vào hạ tuần tháng 12/2010, giới thiệu hơn 70 bức ảnh màu trong loạt ảnh về Hà Nội của André Lützen, kèm theo một bài khảo luận về cuộc sống tại Hà Nội của Nora Luttmer, một nhà báo Đức từng nghiên cứu về Việt Nam. Quyển sách được viết bằng hai ngôn ngữ Anh và Đức.

Lược qua các hình ảnh được nhà nhiếp ảnh Đức ghi lại, điểm đầu tiên thu hút độc giả là các bức ảnh cho thấy cảnh Hà Nội về đêm, nhưng không phải là tại các khu thị tứ đông người thường thấy, mà là trong các ngõ hẻm hay dãy phố bình dị, lúc thì vắng vẻ, khi thì ồn ào náo nhiệt.

Qua ống kính của André Lützen, diện mạo các khu phố cổ Hà Nội, các địa điểm như Phúc Tân, Phúc Xá, hay Thanh Xuân, Văn Chương vân vân, đều thay đổi hoàn toàn dưới ánh đèn nhân tạo, mang một vẻ thi vị khác thường, không khác gì tranh vẽ.

André Lützen

Một loạt ảnh thứ hai cũng thu hút người xem không kém, đặc biệt là độc giả phương Tây, đó là không gian riêng tư của người Hà Nội, lại được phô bày công khai dưới mắt mọi người, một cách rất tự nhiên, qua những sinh hoạt rất bình bình thường vào buổi tối như nghỉ ngơi, xem truyền hình, chơi đùa với trẻ con…

Điểm độc đáo mà nhiếp ảnh gia Lützen đã thực hiện được, là đã đi vào tận bên trong các căn hộ của người Hà Nội để thu vào ống kính những hình ảnh thân mật rất thực, tại một đô thị mà như nhận xét của chính tác giả, ranh giới phân cách không gian riêng tư của từng gia đình, từng cá thể, với xã hội bên ngoài, với đường phố, như không hề tồn tại.

Diện mạo thành phố thay đổi hoàn toàn dưới ánh đèn ban đêm

Trả lời RFI qua điện thư, nhiếp ảnh gia Lützen cho biết anh đã thực hiện các bức ảnh về Hà Nội trong những điều kiện nào : 

Tôi chụp ảnh Hà Nội nhân một chuyến ghé thăm một vài năm trước đây. Khi lang thang trong thành phố vào ban đêm, tôi đã nhận thấy rằng cuộc sống riêng tư bên trong các căn nhà như lại được phô bày công khai ra trước mắt mọi người. Các cánh cửa hầu như đều rộng mở ra ngoài đường, vì vậy tôi có thể thấy cảnh các gia đình ăn uống ra sao, xem TV hoặc chơi đùa với con cái của họ như thế nào.

Sở dĩ tôi quyết định chụp ảnh Hà Nội vào ban đêm, đó là do vấn đề ánh sáng và không khí. Ánh đèn vào ban đêm thay đổi hoàn toàn diện mạo thành phố. Buổi tối, sắc thái khác nhau của đèn đường, ánh nê-ông khác nhau trong các cửa hiệu hay phòng khách tạo ra cho bức ảnh một không khí đặc biệt mà ta không hề thấy lúc ban ngày.

Đối với Lützen, cuộc sống sinh động của thủ đô Việt Nam chính là hấp lực thu hút sự chú ý của anh, nhất là sự « liền mạch » giữa hai không gian riêng và chung tại nơi này.

Hà Nội thu hút tôi ở chỗ : đó là một thành phố đầy sức sống, sinh động như nhịp đập của trái tim, với các dạng thức khác nhau của cuộc sống và truyền thống văn hóa, hiện diện mọi nơi trên đường phố. 

Các khu phố cổ với bề dày lịch sử cũng như các khu nhà mới hơn ở Phúc Tân gần bên sông chẳng hạn, là những ví dụ rõ nhất về sự liền mạch giữa hai không gian cá nhân và công cộng tại Hà Nội. Người dân ở Hà Nội không có không gian rộng rãi để sống. Gia đình thì đông người, căn hộ thì chật hẹp, hệ quả là sự riêng tư không có. Người Hà Nội đã phải sáng tạo và tìm mọi cách để có thể làm việc, thậm chí để có thể có được một cuộc sống tươm tất.

Theo tôi, Hà Nội sẽ thay đổi nhanh chóng để trở thành một đô thị hiện đại, một thủ đô với nhà cao tầng, đường phố rộng rãi và các trung tâm mua sắm. Tôi tin rằng hầu hết những gì tôi đã ghi lại bằng hình ảnh trong quyển sách này sẽ không còn được thấy trong những năm sắp tới đây.

Theo Lützen, để thực hiện loạt ảnh này, anh không gặp khó khăn gì nhiều, cho dù có những bức chụp cảnh rất riêng tư. Lý do là vì người Hà Nội rất hiếu khách.

Đôi khi không có vấn đề gì để chụp ảnh bên trong nhà và đôi khi khá khó khăn để rời khỏi nhà, bởi vì người Việt Nam rất hiếu khách. Tôi đã được nhiều người mời đến nhà chơi, ăn uống hoặc trò chuyện, và không muốn xúc phạm chủ nhà khi bỏ đi quá sớm.

Thông thường tôi làm việc với một người phiên dịch, và người này hỏi giùm tôi xem có thể chụp hình hay không. Các bức ảnh tôi chụp hoàn toàn không phải là chụp lén. Tất cả các nhân vật trong ảnh đều biết rõ là họ được chụp ảnh.

André Lützen

Lützen đặc biệt tâm đắc với một tấm ảnh mà anh chụp được ở khu Văn Chương, nơi đường xe lửa đi vào thành phố. Anh giải thích :

Nếu phải chọn một bức ảnh tiêu biểu cho những gì tôi muốn nói, tôi sẽ chọn tấm ảnh cuối cùng trong cuốn sách. Theo tôi, đường rầy xe lửa đi xuyên qua các tòa nhà hai bên đã tượng trưng được cho vấn đề quản lý không gian tại Hà Nội. Khi nhìn bức ảnh này, tôi luôn luôn tự hỏi là các tòa nhà có trước, hay đường tầu có trước ?

Những bức ảnh Hà Nội về đêm trong tập Public Private Hanoi có lẽ không xa lạ gì với người Hà Nội, vì đã được Viện Văn Hóa Đức Goethe Institute ở thủ đô Việt Nam triển lãm vào hạ tuần tháng 12/2010. Đối với Lützen, anh đã cố gắng thiết kế sự kiện đó một cách khác lạ, sao cho thể hiện được đầy đủ nhất những gì anh cảm nhận về Hà Nội.

Cuộc triển lãm tại Hà Nội chính ra là một cuộc chiếu ảnh, với màn hình mỗi lần cho thấy ba bức ảnh cạnh nhau. Vì vậy, khán giả có thể xem những bức ảnh theo từng chuỗi liên tục, cứ mỗi 14 giây là hình ảnh thay đổi. Đôi khi chỉ có một bức thay đổi, hoặc cả ba cùng một lúc. Tổng cộng có 90 bức ảnh được chiếu lên. 

Chủ ý của tôi khi chọn cách triển lãm như vậy là để kết nối các bức ảnh lại với nhau và lồng các bức ảnh này vào một toàn cảnh rộng lớn hơn. Thay vì cô lập và cắt khúc thực tế bằng hình thức triển lãm truyền thống, nghĩa là dùng khung ảnh treo trên tường, hình thức mới đó cho phép ta thể hiện được nhịp điệu của sự chuyển động, thể hiện được dòng chảy sinh động của thực tế. 

Nhiếp ảnh gia André Lützen, sinh năm 1963 tại Hamburg, theo theo hoc ngành Truyền thông Nghe nhìn tại Học viện mỹ thuật Hamburg và nhiếp ảnh tại Trung tâm Quốc tế về Nhiếp ảnh New York. Hiện anh tham gia giảng dạy nhiếp ảnh ở Kiel và Essen.

"Quyển sách này là một tài liệu về một Hà Nội sắp biến mất"

Cùng góp phần vào quyển sách ảnh về Hà Nội có nhà báo Nora Luttmer, sinh năm 1973, cư ngụ tại Hamburg. Cô từng nghiên cứu về lịch sử, chính trị và văn hóa Đông Nam Á  ở trường đại học Đức Passau, cũng như ở Hà Nội và Paris, sau đó theo học ngành báo chí tại Mainz. Là người nói tiếng Việt thông thạo, kể từ giữa thập niên 1990, cô thường xuyên về Hà Nội, nghiên cứu sâu về Kiến trúc chùa chiền Việt Nam.

04:10

Phỏng vấn Nora Luttmer

Trọng Nghĩa

Là người viết phần dẫn nhập cho tập ảnh của Lützen, chị Nora Luttmer đã đồng ý trả lời một số câu hỏi của RFI bằng tiếng Việt. Trước hết, khi so sánh Hà Nội với những thành phố khác mà chị đã có dịp viếng thăm, Nora ghi nhận : 

Hà Nội là một thủ đô Châu Á chưa bị phá để xây dựng một thành phố bằng bê tông và thép như ví dụ Singapore. Hà Nội rất đặc biệt với kiến trúc cũ, nhiều chùa, đền, phố xá, quán ăn ở ngoài đường và nhiều cây. Hà Nội là một thành phố rất xanh, rất đẹp. Đời sống hơi lung tung nhưng cùng lúc duyên dáng và vui vẻ.

André Lützen

Em thấy tại Hà Nội, đường ranh giới không rõ ràng giữa cuộc sống riêng và sinh hoạt nơi công cộng. Chỗ em ở tại Hà Nội, đặc biệt là khu Hà Nội cổ, đông dân. Người ta dùng các vỉa hè, lòng đường và trong nhà để làm nơi sinh hoạt và mưu sinh, đời sống ở ngoài đường rất là nhiều.

Trái với ví dụ như ở Đức, người ta luôn ở trong nhà chứ không phải ở ngoài đường, tại Hà Nội, em thấy rất nhiều người sống ở ngoài đường. Ngoài đường phố (ở Hà Nội), đời sống sinh động, vui vẻ nhiều hơn ở Châu Âu.

 Trong quyển sách Public Private Hanoi, Nora rất chú ý đến hai bức ảnh chụp cảnh gần chợ Đồng Xuân và dưới cầu Vĩnh Tuy

Có hai bức ảnh em nhận xét rất đặc biệt cho Hà Nội hiện nay. Trang 41 có bức ảnh chụp gần chợ Đồng Xuân ban đêm. Đêm không có xe máy, không có người buôn bán, Hà Nội yên tĩnh và như 15 năm trước, người sống tại gần đấy vẫn ở ngoài đường, ngồi nói chuyện, ăn uống.

Một bức ảnh nữa, ở trang 84, chụp cầu Vĩnh Tuy, một cây cầu mới và hiện đại, nhưng ở phía dưới, người ta vẫn ngồi uống bia hơi, hút thuốc lá như không có gì thay đổi.

André Lützen

Quyển sách này như là một loại tài liệu về một Hà Nội sắp biến mất, chậm chậm nhưng mà liên tục, và Hà Nội sẽ rất khác bây giờ.

Em hơi sợ là Hà Nội cũ sẽ bị phá đi vì bây giờ có rất nhiều nhà mới. Rất nhiều nhà cũ bị phá để xây dựng các tòa nhà lớn. Theo người Hà Nội, có lẽ hiện đại thì tốt hơn, nhưng riêng em thì thỉnh thoảng cũng hơi buồn vì thành phố cũ bị phá đi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.