Vào nội dung chính
VIỆT NAM

ADB cho Việt Nam vay 540 triệu đô la để làm đường metro tại TPHCM

Hôm nay 14/12, theo hãng thông tấn AFP, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã quyết định cho Việt Nam vay tiền để xây dựng tuyến đường metro số 2 tại thành phố lớn nhất Việt Nam. Đường metro dài 11,3 cây số này sẽ nối liền trung tâm của Sài Gòn cũ với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, với tổng số chi phí là 1,4 tỷ đô la.

Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.
Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Reuters
Quảng cáo

Theo AFP, việc xây dựng tuyến đường này sẽ bắt đầu vào đầu năm tới và sẽ phải được hoàn tất trước năm 2017. Vào tuần trước, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu cũng tuyên bố cho Việt Nam vay 150 triệu euro để làm tuyến đường metro số 2 này.

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, để chi phí cho tuyến metro này, chính phủ Việt Nam sẽ bỏ ra 326 triệu đô la, bên cạnh khoản cho vay 313 triệu đô la của ngân hàng Đức KfW Bankengruppe.

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, khi thiếu các phương tiện vận tải công cộng, tăng trưởng kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị cản trở, bởi việc tắc nghẽn giao thông xảy ra thường xuyên và giá cả vận tải đắt đỏ. Dân số thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tăng từ 9 triệu người hiện nay cho đến 14 triệu người vào năm 2025.

Hiện tại, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch xây dựng tổng cộng 10 tuyến đường sắt đô thị, bao gồm 7 tuyến metro và 3 tuyến xe điện tốc độ cao. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có tuyến nào đi vào hoạt động.

Xin nhắc lại là tuyến đường metro đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu được khởi công vào năm 2008.
Các nhà đầu tư nước ngoài thường xuyên khuyến cáo Việt Nam nên cải thiện hệ thống giao thông và các cơ sở hạ tầng nói chung để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.