Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Văn học Việt Nam trên đường đi tìm những tác phẩm lớn

Đăng ngày:

Đã nhiều mùa Nobel văn chương trôi qua, có bao giờ những người Việt mơ tới tên tuổi của một người Việt Nam được nhắc đến ? Nếu giải Nobel là quá xa vời, thì khiêm tốn hơn, cũng chưa có những nhà văn Việt Nam, những tác phẩm văn chương Việt Nam nào được thế giới được xếp vào hàng đại thụ trong văn học.

Tạp Chí Văn Hóa
Tạp Chí Văn Hóa RFI
Quảng cáo

Vì sao văn chương Việt Nam chưa có được những tác phẩm lớn ? Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên ở Hà Nội, và một nhà văn nữ trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo phân tích của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, thì có ba nguyên nhân chủ yếu. Trước hết là vấn đề tài năng có hạn, rồi nền tảng văn hóa, lịch sử của dân tộc, và sau đó là nỗ lực của nhà văn còn ít, trong hoàn cảnh xã hội hiện tại.

Văn học Việt Nam chưa có tác phẩm lớn vì sao, là một câu hỏi được treo lên trước mắt những người viết văn làm thơ, những người làm văn học Việt Nam, có lẽ không chỉ trong nước mà ở nước ngoài nữa, có nghĩa là với tất cả những người Việt cầm bút sáng tạo văn chương.

Tác phẩm lớn có thể nói là một tác phẩm có thể gây vang dội trong nước, vang dội ra cả nước ngoài, có thể đặt cạnh, sánh ngang hàng những tác phẩm lớn của nhân loại, của văn học thế giới, dự tranh được những giải thưởng cao quý, danh giá trên thế giới. Tác phẩm đạt vừa tầm dân tộc, vừa tầm nhân loại ; nói chuyện Việt Nam nhưng cũng đồng thời nói chuyện thế giới, vì văn học là vấn đề của con người. Địa dư, lãnh thổ, màu da, sắc tộc…là cái khu biệt bên ngoài. Còn đã nói chuyện Mỹ, hay Âu, Á, Phi, trên mặt trăng đi nữa – mà con người lên rồi – lên sao Hỏa đi nữa, thì là chuyện con người, mà phải nói một cách sâu sắc, thấm thía, nghệ thuật.

Một tác phẩm như thế ở Việt Nam chưa có, là vì sao ?

Trước hết có lẽ là vì tài năng chăng ? Bởi vì văn chương nghệ thuật, cái lĩnh vực sáng tạo đòi hỏi phải có tài năng, thiên tư cá nhân. Nhưng đã bàn về chuyện tài năng thì cái này là thuộc của trời rồi chứ không do con người quyết định. Vậy thì nguyên do thứ nhất là vì không có tài năng, hay là tài năng chỉ vừa vừa thôi, độ tầm trung, hạ chứ không đến tầm thường được. Đó là lý do của trời, thôi chúng ta gác sang một bên. Đó là lý do thứ nhất.

Nhưng thật ra ngay cả chuyện tài năng thì có lẽ dân tộc nào cũng có những con người tài năng, trước hết là trên mặt bằng của dân tộc mình. Vậy tại sao ở Việt Nam chưa có tác phẩm lớn ? Phải chăng ở đây lý do thứ hai - nền tảng văn hóa, nền tảng lịch sử của mỗi dân tộc quyết định, bởi vì không có ai sống tách rời cộng đồng dân tộc, đất nước mình cả. Phải chăng cơ tầng văn hóa, nền tảng lịch sử của chúng ta còn thấp, cái bệ đỡ cho người viết còn thấp, để khi muốn suy nghĩ, đào sâu, khái quát hiện thực mà nêu lên vấn đề, thì cũng chỉ đến thế thôi.

Có nhiều người bảo rằng người Việt không mạnh về tư tưởng. Nói về dân tộc Đức chẳng hạn thì ai cũng nói rằng Đức là đất nước của những nhà triết học. Còn Việt Nam không có một hệ thống tư tưởng, nhà tư tưởng, triết thuyết, mà văn học không lớn được nếu không mang tư tưởng, chưa kể phải là những tư tưởng lớn, và không lớn được nếu nhà văn không phải là nhà tư tưởng, không biết đào sâu. Có thể lịch sử rất nhiều biến động, rất nhiều chất liệu ; có thể đời sống hiện thực - ngay cả trong thế kỷ 20, trải qua mấy cuộc cách mạng, chiến tranh, bao nhiêu là đảo lộn xáo trộn. Hiện thực thì ngồn ngộn thế, nhưng vì nhà văn không có truyền thống tư tưởng trong lịch sử dân tộc nên chỉ biết mô tả, kể lại, phản ánh thôi, mà không biết khái quát, xây dựng những nhân vật để truyền tải được các vấn đề mang thông điệp lớn. Có phải thế chăng ?

Lý do thứ ba thì ôi thôi, tài năng đã ít, nền tảng đã thấp, nhưng dù sao vẫn có người tài, vẫn có truyền thống dân tộc, dù truyền thống đó có thể so với các dân tộc khác có truyền thống lớn hơn thì mình không bằng, nhưng vẫn là có truyền thống. Có phải chăng đây là vấn đề của hoàn cảnh xã hội hiện tại, thể chế, điều kiện sống hiện nay, điều kiện xuất bản, in ấn, quản lý hiện nay. Có phải đó là lý do thứ ba hay không ?

Thì cũng có một phần. Từ chỗ những việc quản lý, kiểm duyệt, biên tập có thể là có những hạn chế, đóng cửa, khép cửa, có mở ra nhưng mở ra chừng mực. Vẫn có những nỗi sợ hãi lơ lửng ở đâu đó, có cái vòng kim cô đâu đó đối với người viết, người in, người xuất bản, phát hành, và cả đối với người đọc nữa, người đọc cũng bị điều kiện hóa trong không gian ấy, môi trường ấy. Thì có phải thế chăng ? Cũng có thể có.

Vậy thì từ chuyện tài năng là của trời, truyền thống là của lịch sử, cho đến điều kiện hiện nay là của con người, thì có vẻ như là không phải là những yếu tố mang dấu dương, mang dấu tích cực cho việc xuất hiện những tác phẩm mà trong nước hay nói là tác phẩm mang tầm thời đại, mang kích cỡ lớn của nhân loại, những tác phẩm lớn.

Một nhà văn nữ từng đoạt giải nhất dành cho các cây bút trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh, cũng cho rằng các tài năng văn chương Việt Nam chưa đủ lớn. Tuy nhiên chị cho rằng điều quan trọng vẫn là chưa có lực lượng người dịch đủ mạnh, cũng như các tác giả có khả năng bằng tiếng nước ngoài để có thể phổ biến các tác phẩm Việt Nam trên thế giới.

Trước tiên, thế nào là tác phẩm lớn và tác phẩm nhỏ. Tôi xin giả định, tác phẩm lớn là một tác phẩm mang tầm cỡ quốc tế và gây có thể chấn động thế giới chẳng hạn. Một tác phẩm lớn là tác phẩm văn học có độ phổ biến rộng rãi và tác động đến công chúng độc giả không chỉ của Việt Nam mà còn cả thế giới. Và thế giới này không là một hay hai nước trong phạm vi trao đổi văn hóa, mà là buộc độc giả các nước khác tìm đọc, để hiểu về văn học Việt Nam. Tạm thời chúng ta định nghĩa như vậy, vì tôi nghĩ cần một luận văn, thậm chí một hoặc vài luận án tiến sĩ cũng chưa đủ. Nhưng trong phạm vi chủ quan và tầm suy nghĩ hết sức hạn hẹp của mình thì tôi xin tạm đưa ra một vài nguyên nhân.

Thứ nhất là nguyên nhân có tính lịch sử. Văn học cận đại và hiện đại - không xét tới văn học phong kiến – của chúng ta được sáng tác bằng tiếng Việt. Và rõ ràng khi không có những người dịch tốt và những người sáng tác bằng tiếng nước ngoài tốt, cụ thể là bằng tiếng Anh, Pháp hoặc Trung Quốc để đến với lượng độc giả đông đảo nhất trên thế giới, thì đó là thiệt thòi thứ nhất, xét về mặt khách quan lịch sử.

Nguyên nhân thứ hai, tôi nghĩ nhà văn Việt Nam chưa có đủ tài năng lớn thực sự để có thể chạm đến những vấn đề mang tính toàn cầu. Nói về tài năng, tôi vẫn muốn quay lại với nguyên nhân thứ nhất là hoàn cảnh lịch sử chủ quan của Việt Nam. Và nếu chúng ta nhìn một cách bình tĩnh, gạt ra bên ngoài tất cả những định kiến về chính sách cầm quyền, về chế độ…thì có thể thấy rằng thời gian mà nền văn học đương đại được sáng tác trong điều kiện bình thường rõ ràng không quá lâu. Không phải là đổ lỗi, nhưng xét một cách toàn cục thì những điều kiện lịch sử khách quan của Việt Nam chưa cho phép Việt Nam có tác phẩm tốt, có tiếng vang với công chúng toàn cầu. Cái thứ hai là bản thân nhà văn Việt Nam tài năng cũng chưa đủ lớn.

Theo chị, thì nhà văn không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh xã hội không thuận lợi nên chưa có được những tác phẩm lớn.

Còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định, không phải là người viết và người đọc Việt Nam không trăn trở về vấn đề trên, nhưng có vẻ lực bất tòng tâm.

Thật ra những vấn đề này trên các diễn đàn, trên báo chí, trong các cuộc trao đổi trên bàn trà, bàn rượu, ngay cả trong đại hội nhà văn - dù không mang ra thảo luận nhưng thực ra mọi người cũng có sự bức xúc. Nhưng rồi những sự bức xúc đó vẫn chỉ treo đấy thôi. Ví dụ như người ta bảo rằng vì sự hạn chế tự do sáng tạo. Thế thì nhiều người bảo rằng người Việt ở nước ngoài tha hồ tự do sáng tạo, tác phẩm lớn ở đâu ? Nếu nói trong nước là tự do sáng tạo bị hạn chế về viết, về in, về phát hành, cuốn nào có một chút gì thì có thể bị phê phán, cấm đoán. Thế thì các nhà văn Việt ở hải ngoại, ở những nước rất tự do dân chủ, tại sao văn chương hải ngoại cũng không có tác phẩm nào ? Ở đây khi nói thế này chúng ta gọi văn chương Việt, như tôi nói lúc đầu, là văn chương của người Việt và viết bằng tiếng Việt. Dù sinh sống ở đâu nhưng dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ để viết ra những tác phẩm văn chương bằng tiếng Việt, dù phát hành, in ấn ở đâu và cho người Việt đọc.
Tất nhiên phải đấu tranh cho tự do sáng tạo. Nhưng giả dụ bây giờ cho tự do tuyệt đối đi, liệu có tác phẩm lớn được ngay không ? Đó chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ chính là người viết, nỗ lực nội tâm của người viết, mà người viết thì chúng ta biết như thế, là con người Việt Nam tầm vóc trí tuệ, tài năng tư tưởng hình như chỉ mới đến thế thôi

Có cái gì đó nửa vời, không triệt để, không chỉ trong văn học đâu, trong khoa học xã hội, trong đời sống văn hóa, tinh thần tư tưởng của người Việt nữa. Như chúng ta thấy, cá tính của người Việt hình như nó chỉ nửa vời, nông cạn, thiên về kể hơn là nghĩ. Cho nên khi đọc văn học nước ngoài, các nhà văn Việt Nam nhiều lúc cũng rất ngạc nhiên, tại sao chỉ là những câu chuyện rất bình thường, hiện thực rất bình thường mà các nhà văn lớn họ biết viết một cách như thế, biết nâng tầm tác phẩm lên như thế. Mà không phải người viết không đặt ra, người đọc không đòi hỏi, họ cũng rất cố gắng muốn viết nhưng lực bất tòng tâm, tài chỉ đến đó, lực chỉ đến đó.

Nói như thế không phải là biện hộ cho ai hết, cái chính vẫn là bản thân người viết - ở đây không chỉ là khả năng mà còn là thái độ sống. Bực bội chửi bới, bức xúc quá có khi cũng không thành văn chương được. Anh có thể thể hiện về mặt công dân, nhưng văn chương hình như nó khác.

Tôi nhắc lại, khi nói nhà văn Việt Nam ở đây là nói chung, không phân chia trong hay ngoài nước. Văn học hải ngoại chẳng hạn, thử nhìn lại xem nào. Tôi đọc văn học hải ngoại cũng khá nhiều, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức kể thôi, kể lại quá khứ, lấy mình ra làm chất liệu, kể lại chuyện của mình. Cho nên dù đi đâu, dù sống ở Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Nhật…thì cong người Việt Nam vẫn thế, sức nghĩ sức viết của con người Việt Nam vẫn thế.

Thôi thì chúng ta cứ tự an ủi với mình rằng là, trước hết hãy viết cho sâu sắc những gì mình có cái đã, những gì mà có thể thuyết phục được người đọc Việt Nam trước hết. Vì bây giờ không nhiều tác phẩm có thể thuyết phục được người đọc Việt Nam, chứ đừng nói thế giới.

Có lẽ để đạt đến đó là một quá trình, một chặng đường dài, mà theo tôi nghĩ trước hết các nhà văn Việt Nam hãy sáng tác thế nào đó để chinh phục được người đọc Việt Nam cái đã. Dù bên này hay bên kia, dù thái độ thế nào, nhưng khi đọc vừa thoát lên những hận thù, động chạm đến những vấn đề của lịch sử, của dân tộc, anh không giải quyết được vấn đề đó, thì anh chưa mong có được những tác phẩm lớn. Tại sao những đất nước cũng trải qua chiến tranh, chết chóc như Đức, Hungary, họ cũng lấy từ những trải nghiệm của bản thân, của dân tộc, nhưng họ đạt được ? Có lẽ các nhà văn suy nghĩ vẫn ao làng, chúng ta vẫn là văn học làng, chưa nói đến văn học thành phố, văn học thế giới được.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi, như vậy có lẽ các nhà phê bình văn học Việt Nam chưa có nhiều việc để làm, ông Phạm Xuân Nguyên không đồng tình :

Không, có nhiều việc chứ ! Các nhà phê bình phải cùng với các nhà văn, cùng với độc giả, cũng phải đầu tư trên từng áng văn đó. Phải đọc, cũng phải cùng động não, chia sẻ nỗi bức xúc, khổ sở của người viết và người đọc.Thỉnh thoảng các nhà văn và bạn đọc đôi khi cũng tặc lưỡi suýt soa, trời ơi, những mẩu chuyện ấy, những cảnh đời này rất tiểu thuyết, giá như Nam Cao mà sống lại bây giờ sống lại, giá như Vũ Trọng Phụng sống ở thời này thì tha hồ viết. Thời nay có biết bao nhiêu là Chí Phèo, bao nhiêu là Xuân tóc đỏ, bao nhiêu là cảnh ngộ… mặc dù Chí Phèo, Xuân tóc đỏ thì cũng mới tầm cỡ Việt Nam thôi, chưa đạt mức như là Don Quichotte.

Ở đây có một điều nữa là văn học dịch vào cũng rất nhiều ở Việt Nam, và cũng là một thách thức, một câu hỏi lớn cho cả người viết và người đọc Việt Nam, nhất là tác phẩm của những tác giả được giải thưởng uy tín như Nobel, Booker, Goncourt. Ví dụ như tác phẩm của một tác giả Đức vừa rồi chuyển thể thành phim, được giải Oscar dành cho nữ diễn viên chính ; cả một quá khứ của nước Đức thời Hitler, cả một nỗi đau của dân tộc gói gọn, cô đúc trong một cuốn sách chưa đầy 200 trang.

Nhiều người cứ bảo tại sao các nhà văn mình không viết được như thế này về hiện thực lịch sử nước mình nhỉ. Rồi các nhà văn tự hỏi, tại sao mình không viết được như thế này nhỉ. Các câu hỏi có vẻ luẩn quẩn loanh quanh, nhưng có lẽ đây là một điều mà chúng ta không đổ lỗi cho lịch sử, cho thể chế nữa, mà trước hết phải nâng tầm văn học Việt Nam lên, tự chúng ta thôi, phải làm nghiêm túc.

Theo ông, các nhà văn Việt Nam hình như vẫn chưa thực sự đầu tư thật nghiêm túc cho tác phẩm :

Tôi nghĩ hình như rất nhiều nhà văn Việt Nam cả trong và ngoài nước ăn xổi ở thì. Rất ít người đầu tư được nghiêm túc cho một tác phẩm. Ngay cả tôi lấy ví dụ như cuốn của Jonathan Littell « Những kẻ thiện tâm ». Khi giới thiệu tôi đã nhấn mạnh, tác giả là một người Mỹ sinh năm 67, rất trẻ đọc được một bản tin trên báo về cuộc chiến tranh Xô Đức, về việc hành hình một nữ Hồng quân Liên Xô, thế thì bị đánh thức dậy một sự quan tâm đặc biệt, lao vào thư viện đọc tài liệu 5 năm để rồi viết một cuốn sách bằng tiếng Pháp, đoạt luôn hai giải Goncourt và giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp. Việt Nam, một đất nước chiến tranh khốc liệt, dằng dai như thế, thì bài học gì từ Jonathan người Mỹ viết bằng tiếng Pháp về nước Đức phát xít ? Kinh nghiệm gì ở đây ?. Nhất là những tác phẩm viết về chiến tranh, sau « Nỗi buồn chiến tranh » gần 20 năm nay đều rất là hời hợt, đều dừng lại ở mức kể, khá lắm thì tả, chưa đạt đến mức nghĩ, tức là mức tầm tư tưởng.

Nói bao nhiêu cũng không đủ, nhưng để trả lời câu hỏi của chị tôi có thể nói, văn học Việt Nam chưa có tác phẩm lớn vì tài năng có hạn, điều kiện, truyền thống lịch sử không thuận lợi, và cái chính là sự thôi thúc, nỗ lực của nhà văn còn ít và thiếu.

Về mặt khách quan, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng Hội Nhà văn Việt Nam nếu hoạt động đúng nghĩa của một hội nghề nghiệp, thì có thể bảo vệ cho các nhà văn trước các ngoại lực để họ có thể tự do sáng tạo.

Thật ra hội có thể giúp được đứng trên khía cạnh nghề nghiệp và ở phía khách quan. Tức là có thể bảo vệ cho nhà văn trước những cản trở, chỉ làm được thế thôi nếu đúng là hội nghề nghiệp. Còn về việc chuyên môn thì mỗi nhà văn là một thế giới biệt lập của họ, không giúp gì được. Tôi xin nhắc lại là nếu Hội hoạt động theo đúng tính chất của một hội nghề nghiệp chuyên nghiệp thì có thể giúp cho nhà văn tránh được những ngoại lực, để bảo đảm cho nhà văn tự do sáng tạo, chỉ thế thôi. Còn thì các nhà văn Việt Nam vẫn sống trong bầu không khí ấy, khí quyển ấy, và khả năng của họ cũng chỉ đến thế thôi.

Nhà văn nữ trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh trên đây thì vẫn muốn nhấn mạnh đến việc quảng bá, tiếp thị sách của các nhà văn Việt Nam ra nước ngoài.

Về khách quan, từ góc độ khách quan của các hội nghề nghiệp, cụ thể ở đây là Hội Nhà văn Việt Nam, nên chăng quan tâm một cách thiết thực hơn công tác quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, bằng thực chất hơn là bằng hình thức. Tôi có quan sát rất kỹ các tác giả trẻ hiện nay đang là hiện tượng toàn cầu, tác phẩm của họ hay, nhưng không hay đến mức như là nó được quảng bá. Cái còn lại chính là công nghệ tiếp thị sách, mà Việt Nam lại không có, và bản thân nhà văn cũng không thể nào làm thay công việc của cả một bộ máy được.

RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn chị, và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên ở Hà Nội, đã vui lòng dành thì giờ trao đổi trong tạp chí văn hóa hôm nay.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.