Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Những ca khúc còn mãi với thời gian về Hà Nội

Đăng ngày:

Đối với mỗi người Việt Nam hôm nay, Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội luôn là biểu tượng của mảnh đất ngàn năm văn hiến, một trung tâm văn hóa còn chứa đựng trong lòng nó biết bao điều bí ẩn, quyến rũ, qua những chứng tích lịch sử, những dấu ấn về con người qua truyền thuyết và huyền thoại. Trong tạp chí Âm nhạc tuần này, các ca sĩ Thu Phương, Bằng Kiều, Mỹ Linh, Thanh Lam và Cẩm Vân sẽ cùng chia sẻ với thính giả của RFI, những cảm xúc của mình, qua các ca khúc đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người nghe. 

Hà Nội xưa
Hà Nội xưa Ảnh Wikipedia
Quảng cáo

Từ những hàng cây, đường phố cũ, tường thành xưa, mái ngói liêu xiêu trong khu phố cổ, hay chỉ dung dị một tiếng rao đêm của vài người bán hàng rong, lờ mờ rảo bước dưới ánh đèn khuya heo hắt, cho đến sự hỗn độn bon chen của một bộ mặt Hà Nội mới, đang trên đà đô thị hóa, nhà chen nhà, người chen người, công việc chen công việc... thì tất cả những "chất liệu" ấy, vẫn luôn là những cảm hứng vô biên, khiến cho biết bao nhiêu các thế hệ văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà văn nhà thơ, phải tốn giấy mực.

Còn đối với giới nhạc sĩ thì thôi, khỏi phải nói. Họ có yêu hết mình, khắc khoải hết mình, cống hiến hết mình và thậm trí "tiêu" hết cả một cuộc đời âm nhạc, thì cũng chỉ mong manh phần nào phác họa một cách khiêm tốn những tinh hoa và tâm hồn Hà Nội. 

Hà Nội đang rầm rộ kỉ niệm một nghìn năm Thăng Long, tuy giờ đây, kinh thành Thăng Long chỉ còn vài phế tích. Người dân Hà Nội hồ hởi đổ ra đường chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoành tráng, nhưng mang tính chất tạo dựng của ngày đại lễ. Thời gian dường như chuyển động nhanh hơn giữa lòng Hà Nội, bồi hồi hay vô cảm, những khoảnh khắc ấy chắc hẳn cũng va đập trong tiềm thức của những người con Hà Nội xa xứ, khiến lòng xe lại.

Trong khoảnh khắc vô thức nào đó, người ta khao khát được trở về sống với thiên nhiên, đắm mình trong trời nước, trăng sao, mây gió, mưa, nắng, cỏ, cây, hoa, lá… mà xót xa để đòi giữ lại bằng được cho Hà Nội một khoảng trời trong vắt, một hồ nước, một hàng cây, một thảm cỏ, một quán cóc liêu xiêu, hay một lối mòn ngôi chùa cổ.

Là người Hà Nội, ai mà chả có lúc đã từng thả hồn mình theo một thoáng mùa thu, để rồi mãi một đời nồng nàn thương nhớ. Mùa thu Hà Nội đẹp lắm, chính bởi thế mà nhạc sĩ Trần Quang Lộc, mặc dù là người gốc Quảng Trị, nhưng điều đó cũng không ngăn cản ông viết lên những nét nhạc ngọt ngào say đắm qua ca khúc "Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội", trên nền thơ của Tô Như Châu, mà từ lâu đã in đậm trong tâm trí của biết bao nhiêu thế hệ người yên nhạc Việt Nam.

Rất nhiều giọng hát nổi tiếng đã từng thể hiện ca khúc này, nhưng truyền cảm nhất, để lại ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ vấn là ca sĩ Thu Phương, ngay cả khi Thu Phương giờ đây đã sang định cư tại Hoa Kỳ, và bản thân cũng không phải là ca sĩ sinh ra từ mảnh đất Hà Nội, nhưng cách xử lý bài hát thật tinh túy và những cảm xúc mà Thu Phương truyền tải đến người nghe, một lần nữa khiến người ta thầm khẳng định : Hà Nội là của tất cả mọi người. 

Riêng đối với những ca sĩ sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, có lẽ những cảm nhận của họ khi trình bày các ca khúc về Hà Nội còn là cả một vùng trời tuổi thơ, một mái ấm gia đình với bóng dáng của người thân nơi khu phố, trong một không gian Hà Nội vừa bình thản trầm lắng, vừa bừa bộn mà mơ hồ mỏng manh, lồng ghép trong một khoảng trời riêng đơn côi lặng lẽ của tâm hồn người nghệ sĩ. Bằng Kiều cũng là một nam ca sĩ xuất thân từ Hà Nội, cũng như Thu Phương, giờ đây Bằng Kiều hiện đang định cư tại Mỹ, nhưng không phải chờ đến khi Bằng Kiều thể hiện ca khúc “Em ơi Hà Nội phố” (thơ Phan Vũ, nhạc Phú Quang), thì anh mới khẳng định được chỗ đứng "thật Hà Nội" của mình trong lòng người yêu nhạc, mà điều đó dường như đã được hình thành từ những ngày Bằng Kiều còn sống tại Hà Nội. 

Cũng trong cuộc hành trình tìm về ký ức không phai nhòa của một thời thơ ấu "Hà Nội Đêm Trở Gió" (nhạc Trọng Đài, lời Chu Lai) lại khắc họa hình ảnh Hà Nội ở một khía cạnh khác, một Hà Nội nhẹ nhàng trong sáng, luồn lách trong dòng chảy của cuộc sống đã đôi chút mang dáng màu hiện đại, đặc biệt hơn nữa khi ca khúc được thể hiện qua giọng hát đầy "dư giả" và điêu luyện của ca sĩ Mỹ Linh, một ca sĩ cũng trưởng thành từ Hà Nội, giúp bài hát thăng hoa và đạt đến đỉnh cao chót vót của hình tượng Học Trò với Hà Nội. Thành công của giọng hát Mỹ Linh trong Hà Nội đêm trở gió từ thập niên 90 đến bây giờ vẫn luôn được giới học sinh, sinh viên xem như là một biểu tượng của giới học đường gắn liền với tình yêu Hà Nội. Còn riêng đối với cá nhân Mỹ Linh thì chị xem đây như là một món quà nhỏ góp phần cho dịp kỉ niệm một ngàn năm Thăng Long. 

Hà Nội 36 phố phường đang vặn mình chuyển động, những tháp Hà Nội, tòa nhà trung tâm, khách sạn, nhà hàng, vũ trường, sàn nhảy đua nhau mọc lên như "nấm sau cơn mưa". Những tòa nhà cao ngất ngưởng như đang dần che lấp bầu trời xưa của Hà Nội, thênh thang trên mái phố, nhưng nhà càng cao, thân phận con người càng nhỏ bé và càng bị lãng quên. Đâu đó vẫn còn có những con người nhạy cảm với thân phận mình, chìm đắm đi tìm mình trong ký ức. Ngày xưa phố Hà Nội êm đềm lắm, phố và người rất gần nhau, hương hoa Sữa ven đường luôn tỏa mùi thương mùi nhớ, điều làm ta cảm nhận thật rõ nét như chính trong nhạc phẩm Hoa Sữa của nhạc sĩ Hồng Đăng, được thể hiện qua chất giọng đầy cá tính của Thanh Lam, một nữ ca sĩ cũng mang đậm tâm hồn Hà Nội.

Đối với người Hà Nội, hoa Sữa luôn là biểu tưởng hẹn hò của tình yêu, của trai gái thì thầm trao nhau nụ hôn nồng dưới những gốc cây mộc mạc, cứ thản nhiên lan tỏa mùi hương ngọt ngào. Mặc dù trong ca khúc không hề thấy xuất hiện bóng dáng ca từ Hà Nội nào, nhưng chỉ mới nghe đến hoa Sữa thôi là người yêu nhạc đã lập tức hình dung ra ngay một bức tranh Hà Nội. 

Quả thực, Hà Nội chưa bao giờ là của riêng ai, cho dù những ca sĩ trình bày các ca khúc về Hà Nội không sinh ra và trưởng thành từ Hà Nội đi chăng nữa, thì điều đó cũng không ngăn cản nổi những cảm xúc đậm đà họ dành cho mảnh đất của "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương" này. Ca sĩ Cẩm Vân là một điển hình. Sinh trưởng tại Sài Gòn, nhưng khi Cẩm Vân thể hiện ca khúc "Hà Nội Mùa Này vắng Những cơn Mưa" – nhạc Trương Quý Hải, thơ Bùi Thanh Tuấn, người nghe nhạc đã không khỏi ngạc nhiên về vẻ thắm đượm của một tâm hồn Hà Nội, như thể chính chị cũng được mẹ đưa nôi từ mảnh đất kinh kỳ vậy.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.