Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

An ninh Biển Đông, ưu tiên trong chiến lược mới của Mỹ

Đăng ngày:

Vào hạ tuần tháng 7 tới đây, ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton sẽ đến Hà Nội tham gia Diễn đàn An ninh Asean, ARF, một diễn đàn mà ngoại trưởng tiền nhiệm, bà Condoleeza Rice, thời ông Bush đã từng phớt lờ. Bà Clinton tham dự Diễn đàn ARF trong bối cảnh Hoa Kỳ chính thức công bố bản ''Chiến lược an ninh quốc gia''.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (DR)
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (DR)
Quảng cáo

Văn kiện dày khoảng 50 trang, với phần đề tựa của chính Tổng Thống Mỹ Barack Obama, đã chính thức hóa đường lối đối ngoại được Washington áp dụng từ ngày ông Obama lên nắm quyền cách nay gần hai năm. Lẽ dĩ nhiên,trọng tâm chủ yếu trong chiến lược an ninh mới của Hoa Kỳ vẫn là làm sao đánh quỵ kẻ thù số một là ''Al Quaeda và tay sai'', hợp tác chặt chẽ với các đồng minh truyền thống của Mỹ ở khắp nơi, từ Âu sang Á.

Tuy nhiên, trong chính sách ngoại giao của chính quyền Obama, tính chất đa phương đã được nhấn mạnh nhiều hơn trong đó châu Á đã có thêm trọng lượng so với trước đây.

Những ai quan tâm đến khu vực Đông Nam Á đều thấy rằng Hoa Kỳ đã nhắc đến vùng Southeast Asia như một thực thể, chứ không chỉ nói tới Đông Á (East Asia) một cách chung chung. Hoa Kỳ cũng xem ASEAN là một cơ cấu khu vực có trọng lượng mà Mỹ cần củng cố quan hệ hợp tác, tương tự như Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương APEC, sáng kiến của Mỹ, hay là nhóm Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Trans-Pacific Partnership trong khuôn khổ APEC, hoặc là Khối Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á East Asia Summit mà Washington muốn tham gia.

Chính sách châu Á của Mỹ dĩ nhiên không thể xem nhẹ Trung Quốc, một thế lực đang lên mà Hoa Kỳ xác định là sẽ tiếp tục thúc đẩy một quan hệ ''tích cực, xây dựng và toàn diện''. Tuy nhiên, Washington sẽ ''theo dõi chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc và chuẩn bị một cách thích ứng sao cho các quyền lợi của Mỹ và các đồng minh, trong khu vực và trên thế giới, không bị tác hại''.

Gắn với vấn đề trên, dù không minh thị nói đến Biển Đông, nhưng Chiến lược an ninh mới của Mỹ đã nói lên quyết tâm bảo vệ quyền tư do lưu thông ''trên biển, trên không và trong vũ trụ'', chống lại bất kỳ ai muốn ''cản trở thông thương hay sử dụng các lãnh vực này vói ác ý''. Trong số những biện pháp mà Hoa Kỳ quyết tâm áp dụng, có việc duy trì quyền tự do lưu thông cho ''các eo biển chiến lược và các tuyến hàng hải trọng yếu''.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề Biển Đông cũng như chính sách Đông Nam Á mới của Hoa Kỳ, trong đó Việt Nam có một vai trò quan trọng, RFI đã phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia Châu Á thuộc trường Đại Học Maine Hoa Kỳ.

Với chiến lược an ninh mới của Mỹ, Đông Nam Á được coi trọng hơn trước

Lý do chính là vì Trung Quốc trong hai năm qua bành trướng và có thái độ gây mất an ninh cho khu vực. Chiến lược của Mỹ hiện nay là làm thế nào vận động và phối hợp càng nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á càng tốt.
Trước đây Mỹ chủ yếu chú trọng đến vùng biển đảo Đông Nam Á, tức là vùng có Philippines, Indonesia, Malaysia. Trên đất liền Mỹ chủ yếu coi trọng Thái Lan. Gần đây Thái Lan bị khó khăn rất nhiều. Trước sự đe dọa của Trung Quốc, Mỹ thấy không thể tiếp tục chính sách cũ, mà phải có chính sách mới, làm sao vận động và phối hợp được tất cả các nước trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương, và trong đó Việt Nam quan trọng nhất vì là nước lớn nhất trong đất liền, lại có lãnh hãi và lãnh thổ dài nhất ở khu vực Biển Đông. Vì thế Mỹ cần nhất sự hợp tác của Việt Nam.

Trên thực tế Mỹ đã áp dụng chiến lược này ngay sau khi ông Obama lên nắm quyền. Bà ngoại trưởng Clinton đã lập tức được ông cử đến các nước Đông Nam Á, và tuyên bố ''Mỹ đã trở lại''. Trong chuyến đi đó, bà cũng đã loan báo một số đề án cụ thể như đề án sông Mêkông v.v. Tất nhiên là Mỹ hiện nay có những chính sách mới cho khu vực.

Biển Đông : vị trí thiết yếu trong chiến lược an ninh mới của Mỹ

Chiến lược của Mỹ là cố gắng giữ an ninh trong khu vực Biển Đông, tìm ra những phương thức để giải quyết các tranh chấp trong vùng một cách hoà bình, trong khuôn khổ luật quốc tế, trong đó có các ''quy tắc ứng xử trên Biển Đông'' năm 2002 mà Trung Quốc đã ký kết. Mỹ luôn luôn muốn giải quyết hoà bình các vấn đề trong khu vực Biển Đông.

Hoa Kỳ không đưa ra quan điểm của họ về các vụ tranh chấp chủ quyền, nhưng thấy là cần phải duy trì tình hình tự do hàng hải, tự do thông thương ở Biển Đông.

Điều mà Mỹ quan tâm nhất trong vấn đề Biển Đông là sự đe doạ của Trung Quốc. Bắc Kinh đã đe dọa nhiều lần. Không những họ đã đưa ra bản đồ ‘’đường lưỡi bò’’ đòi hỏi khoảng 80% các vùng biển ở Biển Đông, mà vào tháng 3 vừa rồi chẳng hạn, khi thứ trưởng ngoại giao Mỹ Jim Steinberg vả cố vấn an ninh Mỹ sang thăm Trung Quốc, họ còn nói riêng với Hoa Kỳ là bây giờ Biển Đông trở thành ‘’khu vực quyền lợi trọng tâm’’ của Trung Quốc.

Trước đây, Trung Quốc chỉ xác định ba vùng Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng là khu vực quyền lợi trọng tâm, bây giờ họ nói với Mỹ là tất cả khu vực Biển Đông là của Trung Quốc, ai đến đây thì sẽ bị họ đánh đuổi. Mỹ dĩ nhiên không đồng ý và chính sách lớn của Mỹ hiện nay là bảo đảm an ninh và vùng Biển Đông cho mọi người.

An ninh Biển Đông hệ trọng không chỉ đối với Đông Nam Á mà đối với cả các đồng minh Bắc Á của Mỹ

Trong vấn đề an ninh trên Biển Đông, quyền tự do thông thương rất quan trọng: từ 56% cho đến 60% hàng hoá chuyên chở bằng đường biển mỗi năm đều đi qua vùng biển này, trong đó 90% dầu hỏa cho Đài Loan, cho Hàn Quốc, cho Nhật Bản là những đồng minh của Mỹ. Bên cạnh đó, còn có nhiều quyền lợi kinh tế và quân sự khác cho các nước Đông Nam Á. Nếu Trung Quốc cứ lấn chiếm hay là cứ đe dọa, thì tình trạng mất an ninh không chỉ ảnh hưởng đến các nước Đông Nam Á mà cũng tác động tới các quốc gia Bắc Á. Cho nên Mỹ cần phải duy trì an ninh trong khu vực Biển Đông.

Khi coi trọng Đông Nam Á trong chính sách của mình, điều đó có nghĩa là Mỹ cũng muốn xây dựng một cái vòng đai để ngăn chặn đà vưon lên của Trung Quốc. Đối với Hoa Kỳ, nếu Trung Quốc hành động có trách nhiệm, thì Mỹ sẽ không có phản ứng. Nhưng gần đây Bắc Kinh đã đổi thái độ.

Không chỉ đổi thái độ gần đây, mà vào năm 2007, Trung Quốc đã nói với Hoa Kỳ cùng chia Thái Binh Dương làm hai khu vực, phiá Tây Hawai do Trung Quốc kiểm soát, còn phiá bên kia dành cho Mỹ. Hoa Kỳ không đồng ý, thế là Trung Quốc lập tức gây hấn, cho đụng tàu của Mỹ năm sau đó, và bắt bớ ngư dân Việt Nam... Chính vì Bắc Kinh gây hấn như vậy, mà Mỹ phải có chính sách và thái độ như hiện nay.

Vai trò và vị trí quan trọng của Việt Nam trong chiến lược Đông Nam Á của Mỹ

Việt Nam trở thành một nước rất quan trọng đối với Mỹ, vì Việt Nam có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong khu vực... Trong vùng Đông Nam Á ‘’đất liền’’, Việt Nam là nước lớn nhất về mặt dân số, diện tích không lớn bằng hay tương đương với Thái Lan, nhưng chạy dài trên vùng Biển Đông, cho nên phải có sự đồng ý của Việt Nam hay sự giúp đỡ của Việt Nam thì chính sách của Mỹ hay chính sách của các nước khác trong khu vực mới có thể thành công.

Chính quyền Mỹ còn phải vận động dân chúng trong nước họ để đẳy mạnh chính sách trở lại Đông Nam Á. Việt Nam là một nước lớn, nếu không có sự ủng hộ của Việt Nam cùng với các nước Đông Nam Á lớn khác như Indonesia, Malaysia, Philippines thì chính phủ Mỹ khó có thể nói với dân chúng họ là bây giờ các nước ASEAN đồng thuận với chính sách của Mỹ. Một khi được Việt Nam, một nước lớn ở trên đất liền ủng hộ, Chính quyền Mỹ có thể nói cho dân chúng họ là đã có đồng thuận chung, không cần phải có những nước nhỏ khác như Miến Điện, Lào hay Cam Bốt, bởi vì không cần đồng thuận hoàn toàn.

Tranh thủ được sự hợp tác của Việt Nam sẽ giúp cho Mỹ rất nhiều trong việc điều phối các cố gắng đa phương để giải quyết các vấn đề tranh chấp trong khu vực. Do đó, Mỹ hướng tới Việt Nam và chính quyền Mỹ cần Việt Nam trợ giúp trong việc vận động dân chúng để Hoa Kỳ có thể trở lại Đông Nam Á. Đây là một vấn đề rất khó. Hiện nay Mỹ ''ve vãn'' Việt Nam vì lý do đó. Họ muốn Việt Nam chứng tỏ mình sẽ là một nước có trách nhiệm trong khu vực.

Trong giai đoạn này Việt Nam cần Mỹ hơn là Mỹ cần Việt Nam

Muốn cho Mỹ có thể hoạt động tốt với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực thì Việt Nam phải giúp Mỹ, mà một trong những vấn đề giúp Mỹ, là phải chứng tỏ cho người Mỹ thấy là Việt Nam bây giờ đáng giúp. Việt Nam phải có một bộ mặt chính trị tự do dân chủ khả dĩ, nếu không thì chính phủ Mỹ dầu có muốn lắm đi nữa thì cũng khó có thể thúc đẩy việc ủng hộ Việt Nam lên một mức cao hơn nữa.

Đại sứ Mỹ được báo Vietnamnet phỏng vấn đã nói : ‘’Tôi nghĩ trước hết Việt Nam phải tự quyết định Việt Nam muốn gì, rồi cần làm gì. Vì việc trở thành một nước có vai trò lãnh đạo toàn cầu không chỉ đem lại lợi ích cho mà còn mang lại trách nhiệm cho Việt Nam. Việt Nam phải quyết định rằng Việt Nam muốn cái quyền lợi đó và cái trách nhiệm đó hay không’’.

Để có quyền lợi và trách nhiệm đó, Việt Nam phải có một số hành động. Ví dụ như người Mỹ thích vấn đề tự do, tự do tranh luận... Nếu Việt Nam trong khi muốn vận động Mỹ, mà lại đàn áp, bắt bớ .. thì gây khó khăn cho chính phủ Mỹ trong việc thực hiện chính sách của họ ở Đông Nam Á. Cho nên ông Michalak có nói là Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ trong lãnh vực kinh tế nhưng cần có nhiều tiến bộ hơn nữa trong lãnh vực chính trị. Không phải Hoa Kỳ muốn Việt Nam đa đảng... nhưng muốn Việt Nam chứng minh cho dân chúng Mỹ, cũng như trên thế giới là Việt Nam là một nước có tự do dân chủ.

Việt Nam không nên sợ mất lòng Trung Quốc khi tăng cường hợp tác với Mỹ

Bây giờ không còn gì để mà tế nhị với Trung Quốc nữa. Trung Quốc đã ép Việt Nam cho đến điểm rất cao rồi. Bây giờ là vấn đề tùy thuộc vào Việt Nam chứ không phải là vào Mỹ. Trong thực tế, Hoa Kỳ hoàn toàn có thể tự mình bảo vệ quyền thông thương, đường hàng hải trên Biển Đông. Nhưng vấn đề không chỉ là bảo vệ thông thương trên biển, mà bảo đảm an ninh cho toàn khu vực.

Cho nên nếu ví dụ như Việt Nam đi với Trung Quốc chẳng hạn, hay là Việt Nam để cho Trung Quốc bắt ép, thì đến một lúc nào đó, có chuyện gì xẩy ra thì sẽ mất an ninh. Ví dụ như bị ép quá cuối cùng Việt Nam phải phản ứng lại đơn phương, thì làm sao mà Mỹ và các nước khác mà có thể kịp vận động dân chúng họ để vào hỗ trợ cho Việt Nam ? Thành ra vấn đề là phải đi từng bước, đi trước chứ để nước đến chân rồi mới nhảy thì rất khó. Cho nên vấn đề chính là của Việt Nam chứ không phải là của Mỹ.

Với chiến lược an ninh mới, Hoa Kỳ coi trọng Diễn đàn An ninh ARF hơn trước

Diễn đàn ARF sẽ rất quan trọng cũng như tất cả các diễn đàn khác trong khu vực Đông Nam Á bởi vì các diễn đàn đó giúp cho các nước đối thoại với nhau, để đi đến tin tưởng nhau hơn. Mỹ trước đây đúng là không để ý đến các diễn đàn này, nhưng bây giờ thì khác. Ngoài vấn đề Diễn đàn ARF, Hoa Kỳ cũng đã bổ nhiệm một đại sứ cho cả ASEAN.

Bên lề cuộc phỏng vấn, Giáo sư Ngô Vĩnh Long còn nêu lên một nhận xét của ông về quan hệ Mỹ - Việt nói chung :

« Tôi vừa đi Việt Nam về và tôi biết là trong chính quyền nhiều người vẫn còn sợ là Mỹ sẽ lật đổ chính phủ Việt Nam. Hoa Kỳ đã nói rất nhiều lần là họ hoàn toàn công nhận chính phủ Việt Nam, công nhận sự toàn vẹn của chủ quyền Việt Nam và sẽ phản đối bất cứ ai, bất cứ lực lượng nào sử dụng vũ lực để lật đổ chính phủ Việt Nam. Họ nói như vậy là quá rõ ràng. Còn nói đến vấn đề diễn biến hoà bình tức là để không có dân chủ trong nước thì đó là vấn đề ''dùng ngáo ộp'' để dọa dân chúng Việt Nam. Nhưng nếu làm như vậy, không đi đến dân chủ hoá, thì khó mà giúp cho Chính quyền Mỹ vận động dân chúng họ ủng hộ Việt Nam được ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.