Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Quốc tế Công đoàn chỉ trích Việt Nam đàn áp các công đoàn độc lập

Báo cáo của Liên đoàn Quốc tế Công đoàn (CSI) về tình hình năm 2009 cho biết có đến 101 nhà hoạt động công đoàn đã bị giết hại trong năm qua, tăng 30%. Riêng về Việt Nam, báo cáo lên án việc chính phủ tiếp tục đàn áp các công đoàn độc lập.

Công nhân nhà máy Vedan tại Việt Nam.
Công nhân nhà máy Vedan tại Việt Nam. Ảnh: Reuters
Quảng cáo

Hôm nay, nhân hội nghị Tổ chức Lao động Quốc tế ở Genève, Liên đoàn Quốc tế Công đoàn ( CSI ) đã ra một báo cáo về tình hình thực hiện quyền công đoàn trên toàn thế giới trong năm 2009. Trong bản báo cáo này, Liên đoàn quốc tế công đoàn đặc biệt lên án việc có đến 101 nhà hoạt động công đoàn đã bị giết hại trong năm qua, tăng 30% chỉ trong một năm, phần lớn là ở châu Mỹ Latinh.

Trong phần nói về Việt Nam, Liên đoàn quốc tế công đoàn lên án việc chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp các công đoàn độc lập. Bản báo cáo nhắc lại là ở Việt Nam, người lao động không có quyền tự thành lập hoặc gia nhập một công đoàn không thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, tức là công đoàn chính thức, do Đảng Cộng sản kiểm soát. Nhưng Tổng liên đoàn này ngày càng bị chỉ trích vì làm việc thiếu hiệu quả. Ở Việt Nam, các cuộc đình công thường do chính các nhóm người lao động phát động, ngay cả tại những nơi có đại diện công đoàn chính thức. Chính quyền điạ phương và đại diện công đoàn chính thức thường đứng ra làm trung gian thương lượng giữa công nhân với ban giám đốc. Nhưng trong các cuộc thương lượng đó, Tổng liên đoàn lao động thường lo bào vệ quyền lợi của chính quyền và công ty.

Người lao động phải đình công tự phát bởi vì các thủ tục để tổ chức đình công theo đúng luật rất là phức tạp và bởi vì người lao động cho rằng đình công là phương cách duy nhất để buộc tôn trọng quyền lợi của họ và đa số các công đoàn cơ sở không làm đúng chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Theo báo cáo của Liên đoàn quốc tế , trong năm 2009, số vụ đình công tự phát ở Việt Nam đã giảm 70% so với năm 2008, theo các số liệu của chính phủ, nhưng đó không phải là do điều kiện làm việc được cải thiện, mà là do nhiều người sợ bị mất việc, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Vào tháng 5 vừa qua, tổ chức Human Rights Watch cũng đã ra một báo cáo về việc đàn áp những người muốn thành lập các công đoàn độc lập ở Việt Nam. Bản báo cáo nhắc lại là ở Việt Nam, từ năm 2006, ít nhất tám nhà hoạt động công đoàn độc lập đã bị kết án tù, dựa trên những lời cáo buộc rất đáng ngờ về xâm hại an ninh quốc gia. Hai người đã được trả tự do , đó là Trần Thị Lệ Hồng, một trong những người sáng lập Hiệp hội Đoàn kết Công nông , được thả vào tháng 2/2009 và Huỳnh Việt Lang, thành viên Đảng Dân chủ Nhân dân, ra tù vào tháng 5 năm ngoái. Ít nhất ba người hiện còn bị giam giữ tính đến hết năm 2009, đó là Đoàn Văn Diên, cũng là một trong những người sáng lập Hiệp hội Đoàn kết Công nông, Trần Quốc Hiền, phát ngôn viên của tổ chức này và luật sư Lê Thị Công Nhân. Lê Thị Công Nhân thì đã mãn hạn tù và hiện đang thi hành lệnh quản chế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.