Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Nợ công của Việt Nam đã lên đến mức báo động

Đăng ngày:

Hôm thứ năm tuần trước, trong ngày khai mạc kỳ họp thứ bảy của Quốc hội Việt Nam, các đại biểu đã nghe báo cáo về dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, chủ đầu tư của dự án, muốn Quốc hội thông qua ngay trong kỳ họp lần này. Một số bộ trưởng cũng lên tiếng ủng hộ dự án. Nhưng rất nhiều chuyên gia kinh tế đã không đồng tình, vì dự án này được cho là không cần thiết, rất tốn kém và nhất là sẽ làm tăng thêm công nợ của Việt Nam, hiện đã lên đến mức báo động.

Quảng cáo

Số vốn sơ bộ của dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam được thẩm định là 55 tỷ đôla, nhưng theo ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, phát biểu hôm khai mạc kỳ họp, tổng số vốn đầu tư sẽ vượt quá mức dự kiến nói trên. Ông Đặng Vũ Minh lưu ý là với tổng mức đầu tư của giai đoạn đầu là 21 tỷ đôla, như vậy là mỗi năm Việt Nam cần tới hơn 2,6 tỷ đôla, trong đó, 2/3 là vốn vay nước ngoài.

Ông Đặng Vũ Minh cho biết, trong bối cảnh nợ công của Việt Nam ngày càng tăng, tích lũy nội địa và dự trữ ngoại tệ thấp, việc vay thêm vốn đầu tư cho dự án này sẽ làm tăng gánh nặng nợ quốc gia. Cũng theo ông Đặng Vũ Minh, với thu nhập quốc dân GDP của Việt Nam chỉ vào khoảng 110 tỷ đôla và với tốc độ tăng trưởng hàng năm kể từ nay chỉ vào khoảng 6 hoặc 7% thì Việt Nam chưa đủ vốn đầu tư cho nhiều ngành kinh tế, trong khi đó nhu cầu về vốn của dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam quá lớn. 

Cho tới gần đây, nợ công của Việt Nam vẫn là một trong những thông tin bí mật Nhà nước. Nay các số liệu về các món nợ khác nhau đã được Bộ Tài chính Việt Nam đăng công khai trên trang web. Luật về quản lý nợ công cũng đã có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 1/1/2010. Nhưng các số liệu được công bố vẫn chưa đầy đủ và nói chung bức tranh tổng thể về nợ công của Việt Nam cũng chưa thật sự rõ ràng, để chính phủ, Quốc hội và người dân có thể biết được các nguồn vốn vay được dùng vào việc gì, chi tiêu ra sao, có hiệu quả hay không. Với nạn tham nhũng tràn lan ở mọi cấp, với những cơ quan Nhà nước đua nhau bày ra những dự án tốn kém, nợ công của Việt Nam có nguy cơ tăng nhanh nếu không được kiểm soát chặt. 

Trên Tạp chí Tài chính điện tử eFinance.vn, vào đầu tháng ba, ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính đã nhận định về những bất cập trong hệ thống quản lý nợ công của Việt Nam : « Quy định nợ công/GDP không quá 50% nhưng lại không chỉ rõ nợ công gồm những khoản vay nào. Trong khi Việt Nam cũng chưa thực hiện nguyên tắc quản lý thống nhất: nợ nước ngoài, nợ trong nước, nợ nước ngoài do doanh nghiệp và các địa phương tự đi vay khiến công tác quản lý nợ phân tán, không thống nhất, chi phí giao dịch, chi phí vay cao, thiếu sự phối hợp trong điều hành vĩ mô. » 

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thành Đô, « Việt Nam cũng chưa xác định rõ mục tiêu quản lý nợ, mới chỉ tập trung chủ yếu vào khâu huy động mà chưa quản lý nợ một cách chủ động (về chi phí và rủi ro), thường chạy theo các chủ nợ để vay, dẫn tới tiền vay về không giải ngân được bị ứ đọng mà vẫn trả lãi ». Ông ông Đô cho rằng : « Nợ như “con dao hai lưỡi”, chúng ta phải chủ động vay nợ và không nên chạy theo các chủ nợ, bởi nếu quản lý không tốt thì con cháu chúng ta sẽ nhận họa... » 

Hiện giờ, theo số liệu của Bộ này, tổng số dư nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm 2009 được ước tính khoảng 44,7% GDP . Nhưng đó là theo khái niệm nợ công của Việt Nam, hẹp hơn là khái niệm phổ biến của quốc tế, cho nên nợ công của Việt Nam trên thực tế chắc chắn là cao hơn, hay ít ra là cao hơn so với tỷ lệ của các nước đang phát triển, theo như nhận định của Quỹ tiền tệ quốc tế. Theo tài liệu World Factbook của CIA, nợ công của Việt Nam trong năm 2008 chỉ ở mức hơn 38% GDP, nhưng đến năm 2009 đã tăng vọt lên hơn 52%, đứng hàng thứ 44/129 quốc gia về nợ công. 

Một số quan chức Việt Nam so sánh tỷ lệ nợ của Việt Nam với những nước như Hoa Kỳ hay Nhật Bản, để khẳng định rằng nếu nợ công của Việt Nam cao hơn nữa thì cũng không sao. Nhưng theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, tỷ lệ trên 44% GDP là đáng báo động vì đã gần bằng mức an toàn 50% theo quy định của Ngân hàng thế giới. Mời quý vị nghe phần phỏng vấn với tiến sĩ Lê Đăng Doanh từ Hà Nội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.