Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Những tình khúc song ca

Đăng ngày:

Có lẽ ở Việt Nam, hiếm thấy một công trình nghiên cứu thực sự đầy đủ và sâu rộng về các hình thức song ca trong nghệ thuật biểu diễn.

Quảng cáo

Người ta chỉ nôm na biết rằng, cùng với đơn ca, tam ca, hợp ca hay đồng ca… thì thể loại "hát song" đã tồn tại từ rất lâu đời. 

Rõ nét nhất là trong kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam, như cách "Nói lối" trong Tuồng cổ của miền Trung, gồm có hai giọng chính là "Xuân" và "Ai", "Xuân" là giọng hát vui tươi, còn "Ai" là bi thương ai oán, hay như cách hát Đối của Quan Họ Bắc Ninh, hát Xoan, hát Ghẹo của vùng trung du Phú Thọ hay đến những lời đối đáp duyên dáng hóm hỉnh trong các câu hò điệu lý của đồng bằng Nam bộ như Hò cạn, Hò sông nước, Hò giao duyên vv…

Trong nền ca khúc hiện đại của Việt Nam nếu lấy mốc thời gian từ trước và sau năm 1975, có thể nói "song ca" là một hình thức kết hợp biểu diễn khá phổ biến và thực sự thấm sâu vào đời sống âm nhạc của mọi thành phần công chúng.

Nếu như ở đơn ca, một ca khúc hay được thể hiện qua một giọng hát đẹp, thì nó chỉ vỏn vẹn tôn vinh được một ca sĩ. Thế nhưng cũng vẫn cùng một ca khúc ấy mà được thể hiện bằng hình thức "song ca", với hai chất giọng đẹp, thì chắc chắn công chúng sẽ ghi nhớ đến cả hai ca sĩ khi mỗi lần ca khúc ấy được vang lên. Chính nhờ thế "song ca" cũng là hình thức góp phần kéo dài thêm "tuổi thọ" của bài hát.

"Bèo Dạt Mây Trôi", dân ca quan họ Bắc Ninh, được cặp song ca Anh Khang và Quang Thắng thể hiện, với lối hòa âm vượt ra khỏi biên giới của nhạc cụ dân tộc truyền thống, bằng giọng hát mộc accoustique, mang nhiều tính tự sự, dập dìu trên nền nhạc đệm piano, khiến người nghe như hòa vào cảm giác hoài niệm, nhung nhớ đến nao lòng.

Nhiều năm trở lại đây, trong khi các ca khúc nhạc trẻ đang thực sự chiếm lĩnh sân khấu ca nhạc, thì người ta vẫn thấy không ít các ca sĩ trẻ tìm về những dòng nhạc xưa, để khai thác những khía cạnh mà lớp ca sĩ đàn anh đàn chị chưa thể hiện triệt để

Dẫu rằng “sức bền” với thời gian của những sự tìm tòi sáng tạo đó còn phải tiếp tục tôi luyện qua quá trình thử thách, song trào lưu làm mới lại nhạc xưa cũng góp phần thổi một sinh lực mới vào đời sống âm nhạc của Việt Nam nói chung.

"Nước non ngàn dặm ra đi", một đoản khúc trích trong Trường ca "Con đường cái quan" của Phạm Duy, trước kia đã từng được thể hiện qua giọng hát đơn của Thái Thanh, Duy Khánh, nay được cặp song ca Quang Lê và Mai Thiên Vân làm mới lại, trên nền nhạc thánh thót của tiếng đàn bầu, hòa quyện với dàn nhạc mới, nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn âm hưởng Huế, cái cốt cách của Nam Ai Nam Bình, nghẹn ngào đưa người nghe trở về với không gian sử thi của một Huyền Trần Công Chúa.

Tình yêu, đề tài muôn thủa mà có lẽ trong cuộc đời sáng tác nhạc của mình, không một nhạc sĩ nào lại không muốn một lần được bám víu. Nhạc bản "Em về tinh khôi" của Quốc Bảo, với giai điệu và ca từ trong trẻo, nhưng mong manh, phiêu bạt, đưa ta về với những hương vị tình yêu ngọt ngào của tuổi đôi mươi. 

Bài hát đó tạo nên một sức biểu cảm kỳ diệu, nhất là phần điệp khúc của bài hát, với tiết tấu bỗng trở nên gấp gáp dồn dập, khiến người nghe như buộc phải chạy theo, hòng níu kéo lại con tim yêu. Ca khúc còn đặc biệt hơn, da diết hơn khi được thể hiện qua giọng hát của Phương Thanh và Bằng Kiều, hai phong cách mà khi nhắc tới, người nghe hoàn toàn cảm thấy yên tâm, phó mặc cho cảm xúc của mình lần lượt phiêu lãng

Trong gia tài âm nhạc đồ sộ của Trịnh Công Sơn, bên cạnh những "bóng cây cổ thụ" hát đơn như Khánh Ly, Trịnh Vĩnh Trinh, Hồng Nhung hay Quang Dũng, thì việc tìm ra một ca khúc để có thể hát song ca cũng không phải là hiếm. "Biển Nhớ" là một nhạc phẩm tiêu biểu của dòng nhạc Trịnh.

Khó có thể liệt kê hết được những biến tấu, những chuyển thể dành cho kèn saxophone, đàn Guitare, cho Piano hay cho cả một dàn nhạc không lời dựa cảm hứng từ Biển Nhớ. Tuy nhiên việc làm mới lại ca khúc này qua giọng hát của Quang Dũng và Thanh Thảo cũng đã được nhiều người yêu nhạc Trịnh chấp nhận. Bởi khai thác sự kết hợp tương phản giữa hai phong cách : một chất giọng của Thanh Thảo có quãng âm cao, với những thuận lợi ở phần trung, trầm của giọng hát Quang Dũng. Chính điều đó đã đem lại hiệu ứng đa dạng thông qua việc thể hiện ca khúc dưới hình thức song ca.

Trong nhịp sống tất bật, hối hả quay cuồng, nếu không có một khoảng lặng, một phút dừng lại ngắm nhìn cuộc đời, hẳn con người ta sẽ không bao giờ tìm được chút bình yên, thanh thản cho tâm hồn mình, và cũng từ khoảng lặng ấy, chúng ta sẽ lục lại trí nhớ và tự hỏi xem mình đã từng xa ai đó chưa ? Nếu có thì chắn hẳn chúng ta sẽ không thể thờ ơ với nhạc bản "Chiếc Lá Cuối Cùng" của Tuấn Khanh.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh tên thật là Trần Trọng Ngọc, sinh năm 1933, người gốc Hà Nội, từ nhỏ đã tiếp xúc với âm nhạc, ông chơi vĩ cầm rất thành thạo, nhưng khởi nghiệp lại là một ca sĩ dưới tên Trần Ngọc, và sau này chuyển sang sáng tác ca khúc lấy ký bút là Tuấn Khanh.

Tuấn Khanh thuộc thế hệ các nhạc sĩ bắt đầu sáng tác từ những năm 1954, ông rời Hà Nội vào Nam năm 1955, rồi sau này qua Hoa Kỳ định cư từ năm 1983 đến nay. Trước nhạc phẩm Chiếc Lá Cuối Cùng, tên tuổi Tuấn Khanh đã được biết đến qua các ca khúc như Quán Nửa Khuya, Hoa Soan Bên Thềm Cũ... . Nhưng Chiếc Lá Cuối Cùng là một trong số các nhạc bản được công chúng yêu nhạc biết đến rộng rãi nhất.

Trước năm 1975, nhạc bản này được ca sĩ Lệ Thu thể hiện rất thành công. Thế rồi cuối năm 2006, Chiếc Lá Cuối Cùng được trình bày dưới hình thức song ca của hai giọng ca nữ là Bảo Yến và Y Phương do trung tâm Asia phát hành, và đã thực sự đem lại cho ca khúc một sức sống mới, thật sâu lắng, khiến người nghe có cảm giác luôn chìm đắm trong từng lời hát

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.