Vào nội dung chính
PHÁP

"Người rừng" Việt sống vất vưởng chờ sang Anh

Từ hai năm qua, nhiều người Việt nhập cư lậu đã đến thành phố Téteghem ở miền bắc nước Pháp, chờ cơ hội đi sang Anh. Họ sống vất vưởng trong khu rừng bên cạnh xa lộ dẫn đến đường hầm qua eo biển Manche, đêm đêm chong mắt chờ những người trung gian dẫn đường. Nhưng bắt đầu từ hôm nay, họ có nguy cơ bị trục xuất...

Người nhập cư sống trong rừng Calais ở miền bắc nước Pháp. Ảnh chụp năm 2009.
Người nhập cư sống trong rừng Calais ở miền bắc nước Pháp. Ảnh chụp năm 2009. Ảnh: Reuters
Quảng cáo

« Những người Việt sống âm thầm bên con đường dẫn đến nước Anh ». Đó là tựa đề bài phóng sự trên nhật báo công giáo La Croix hôm nay.

Từ hai năm qua, nhiều người Việt nhập cư lậu đã đến thành phố Téteghem ở miền bắc nước Pháp, như một chốn dừng chân để tìm cách sang Anh. Xa lộ A16 chạy băng qua thành phố chỉ có 7.500 dân này dẫn tới vùng Calais, đến đường hầm xuyên qua eo biển Manche – trở ngại cuối cùng trước khi đến được miền đất hứa. Tác giả bài báo đã tìm đến tận những ngôi lều dựng tạm của họ, bên cạnh một hồ nước trong khu rừng Téteghem. Từ đó có thể nhìn thấy trạm nghỉ của xa lộ. Ban đêm, họ đến đó chờ đợi các trung gian dẫn đường. Ban ngày, họ nghỉ ngơi, sinh hoạt tại khu lều trại tạm bợ. Quần áo được phơi trên các nhành cây, một chiếc kính chiếu hậu mắc trên thân cây dùng làm gương soi mặt. Còn trong lều, những tấm mền để vương vãi trên các thanh pa-lét gỗ để tránh lấm bùn.

Những « người rừng » Việt Nam bắt đầu tìm đến Téteghem từ năm 2008, sau những người Afghanistan và Irak. Người dân địa phương biết đến sự hiện diện của người nhập cư gốc Việt, khi họ gõ cửa xin nước uống. Thị trưởng thành phố, ông Franck Dhersin cho biết, ông đã đề nghị với một gia đình đến tạm trú trong một ngôi nhà ở đây, vì thời tiết lạnh giá. Nhưng họ từ chối vì cần phải canh để gặp những người đưa đường vượt biên sang Anh, sợ bị lỡ dịp.

Làm cách nào họ đến được nước Pháp, thì vẫn là một chủ đề cấm kỵ. Những «người rừng » Việt thường giữ im lặng một cách lịch sự trước câu hỏi này, vả lại họ chẳng biết nói tiếng Anh cũng như tiếng Pháp. Tao, một thanh niên đang ngồi sưởi ấm bên bếp than hồng, cho biết anh 17 tuổi bằng cách dùng ngón tay vẽ lên băng ghế. Anh chàng có vẻ già hơn, nhưng không thể nào biết được anh có nói dối hay không. Là vị thành niên, thì sẽ được nhiều ưu đãi hơn, trong trường hợp bị cảnh sát bắt. Người ngồi bên cạnh, khi được hỏi đến đây bằng phương tiện nào, đã trả lời gọn lỏn : « Boeing », nhưng vài giây sau đó lại nói là đến bằng xe tải, qua ngả Ba Lan ; rồi bỗng chốc nhớ ra là đã nói hớ, anh ta lại im lặng.

Hết sức tình cờ, vị linh mục ở Téteghem, cha Dominique Pham lại là người gốc Việt. Những người đồng hương dễ dàng tâm sự với ông hơn. Ông cho biết, có rất nhiều đường dây đưa người sang đây. Một số đi qua ngả Trung Quốc và Nga, số khác sang trực tiếp bằng visa du lịch. Đường dây quan trọng nhất nằm tại Đông Âu, đặc biệt là ở Hungary và Cộng hòa Sec. Nhiều người Việt Nam đã sang lao động tại đó, nhưng rồi bị mất việc do khủng hoảng. Những « người rừng » Việt sáng mắt lên khi nghe nhắc đến nước Anh – vùng đất hứa mơ ước của họ. « London good », họ giơ cao ngón tay để tán thưởng.

Theo cha Dominique Pham,đa số là người miền Trung, dải đất còn nghèo nàn của Việt Nam. Họ ra đi để trốn cái cảnh nghèo khó,hơn là trốn chế độ cộng sản. Để vượt biên,nhiều người phải mang công mắc nợ, cầm cố nhà cửa, và không mặt mũi nào trở về nước nếu không thành công.

Những người tình nguyện ở giáo xứ địa phương, của hiệp hội trợ giúp người nhập cư Salam và Y sĩ thế giới đã cố gắng giúp cải thiện cuộc sống hàng ngày của họ. Từ các bữa ăn, quần áo, rồi cả nơi tắm rửa, nhưng người Việt thường từ chối những sự giúp đỡ. Họ thích tự nấu ăn hơn. Khi phân phối thực phẩm, chỉ có mỗi một người Việt đến lãnh, rồi đứng ăn riêng một góc; trong khi trước mặt anh là các thiếu niên Afghanistan ồn ào, tay ôm đầy thức ăn đủ loại. Bà Francine, một tình nguyện viên kín đáo quan sát họ. Những người nhập cư gọi bà là mama, bà luôn luôn có mặt bên họ ngay cả trong những giây phút đau buồn nhất. Năm ngoái, Mac, một thanh niên Việt Nam 26 tuổi bị chết – vì tai nạn hay thanh toán nhau không rõ – chính chồng bà đã mang giùm tro hài cốt của anh về Việt Nam, còn cha Dominique Pham lo liệu các thủ tục. Bản thân cha Pham là thuyền nhân vượt biên vào cuối thập niên 70.

Thời hạn mà tòa thị chính đã thương lượng với cảnh sát không trục xuất người nhập cư bất hợp pháp vào mùa đông, sẽ chấm dứt vào hôm nay. Những căn lều có nguy cơ bị tháo dỡ. Còn những người nhập cư Việt, họ hy vọng rằng khi đó họ đã đi thật xa rồi.

« Belarus vẫn còn ở thời kỳ Liên Xô cũ »

Trong một bài viết công phu, đặc phái viên báo Le Figaro tại Grodno và Minsk nhận xét, nước cộng hòa mẫu mực của Liên bang Xô Viết trước đây vẫn duy trì cách quản lý cũ, do vị tổng thống đang thâu tóm mọi quyền hành.

Tại thành phố Grodno, có những con đường mang tên là đường Xô Viết, đường Karl Marc, bức tượng Lênin sừng sững trước quảng trường trước tòa thị chính. Hai ngôn ngữ chính thức ở đây là tiếng Nga và tiếng Belarus, các phương tiện truyền thông hoàn toàn bị kiểm soát, và sách giáo khoa vẫn không hề nhắc đến các vụ đày ải của Staline, trong khi khoảng một triệu người Belarus từng bị cơ quan mật vụ sát hại. Từng là một mắt xích trong các nước Liên Xô cũ, chuyên sản xuất xe ca, xe tải và dụng cụ gia đình ; và giờ đây vẫn thế. Belarus tiếp tục xuất xe ca và xe tải sang Nga để đổi lấy dầu thô giá rẻ, rồi lọc hơn hai phần ba số đầu này để bán lại cho thị trường châu Âu. Nhờ đó mà chế độ vẫn vững vàng, không có tư hữu hóa, 80% dân số hoạt động làm việc cho khu vực nhà nước. Tổng thống Belarus, ông Loukachenko đã ba lần tái đắc cử với tỉ lệ phiếu bầu khoảng 80%. Bí quyết thành công của ông có lẽ là nhờ chế độ hợp đồng theo từng năm, liên quan đến 90% số công nhân viên. Hợp đồng được gia hạn mỗi năm tùy theo người nhân viên đó có tỏ ra trung thành với chế độ hay không.

Trong thời ông Yelsine trước đây, tổng thống Loukachenko từng mơ ước sáp nhập với Nga và có tham vọng trở thành người đứng đầu liên bang, vì ông Yelsine luôn ốm đau. Nhưng giấc mơ này đã tan vỡ khi ông Poutine lên cầm quyền, và từ năm 2006 Nga không còn dành giá dầu thô ưu đãi cho Belarus nữa. Ông ta đang quay sang tìm các nguồn dầu thô khác như từ Vénézuela, Iran, và nguồn tín dụng từ Trung Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tể cũng như châu âu.

Paris và Washington : Đang trong thời kỳ trăng mật

Về mối quan hệ Pháp – Mỹ, nhật báo cánh hữu Le Figaro nói đến « Tuần trăng mật giữa Paris và Washington ».
Tờ báo nhận xét, trên cả ba hồ sơ nóng bỏng là Afghanistan, Iran và việc chỉnh đốn lại hệ thống tư bản, cả hai vị tổng thống Pháp và Mỹ đều tỏ ra đồng thuận, tuy họ né tránh đề cập đến những chi tiết còn khác biệt. Nước Pháp rất cần đến Hoa Kỳ và ngược lại ; tuy Paris vẫn muốn duy trì sự độc lập của mình, còn Washington thì luôn ưu tư về vị trí cường quốc hàng đầu thế giới. Về cơ bản, chưa bao giờ hai nước lại gần gũi nhau đến thể. Trước hểt là tính cách của hai vị nguyên thủ. Cả hai đều còn trẻ, đều có ý chí cải cách, muốn gây được dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình. Nếu ông Sarkozy chủ trương tự do kiểu Mỹ, thì ông Obama lại có chính sách đối nội rất gần với châu Âu, như việc cải cách hệ thống bảo hiểm y tế. Le Figaro nhận định, khác với Bắc Kinh, Paris sẽ không bao giờ là kẻ thù của Washington.

Tổng thống Sarkozy vẫn không nhượng bộ về chế độ thuế cho người giàu

Liên quan đến nội bộ nước Pháp, việc tổng thống Sarkozy vẫn không chịu nhượng bộ trước áp lực đòi sửa đổi chính sách đánh thuế đối với những người giàu có, là đề tài được các báo Pháp chú ý nhiều nhất hôm nay. Le Figaro nhận định : « Ông Sarkozy không hề nhân nhượng trước các đại biểu đảng UMP ». Tương tự, Les Echos chạy tựa : « Ông Sarkozy từ chối chìu theo áp lực ». Còn nhật báo La Croix ưu tư : « Làm thế nào để chế độ thuế được bình đẳng hơn ».

Nhật báo Le Monde nhận xét, tuy chủ trương này lâu nay vẫn được ông Sarkozy kiên quyết bảo vệ, thì giờ đây ngay cả trong phe hữu cũng đã có những tiếng nói bất đồng. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và thâm hụt ngân sách trầm trọng, việc miễn cho những người giàu nhất khỏi đóng thuế cao thật khó chấp nhận. Đối với nhật báo công giáo La Croix, nếu đòi hỏi những người sống dư dả đóng góp thêm trong thời kỳ khủng hoảng này không phải là một ý tưởng gây sốc gì cả, mà đó là công lý. Chỉ có tờ báo kinh tế Les Echos nhận định, việc này chẳng đem lại bao nhiêu lợi lộc.

Một tổ hợp ngành du lịch sẵn sàng mua các đảo của Hy Lạp

Cũng tại châu Âu, một tập đoàn du lịch sẵn sàng mua lại các hòn đảo của Hy Lạp. Đặc phái viên nhật báo cộng sản L’Humanité cho biết, trong khi Liên hiệp Châu Âu xoa tay thỏa mãn về kế hoạch cứu vãn nền kinh tế Hy Lạp, thì đề nghị mang tính khiêu khích của hai nghị sĩ bảo thủ Đức rất có thể sẽ trở thành sự thật.

Từ đầu tháng ba, tờ báo hàng đầu của Đức Bild Zeitung đã chạy hàng tít đầy mỉa mai « Nước Hy Lạp đang phá sản, vậy thì hãy bán các hòn đảo của quý vị đi ». Một làn sóng dư luận đã phản kháng lại việc tham gia cứu vãn nền kinh tế Hy Lạp, và hai nghị sĩ bảo thủ Đức đã tuyên bố rằng, Hy Lạp có thể bán các dinh thự, nhà máy và các hòn đảo không người ở để trả nợ. Thậm chí, tờ Bild còn ước tính trị giá « Tòa thành Thượng » Acropole nổi tiếng ở Athènes là 100 tỉ đô la.

Nhưng hôm qua người ta được biết một liên hợp gồm các tập đoàn khách sạn du lịch lớn đã bắt đầu thương lượng để mua hàng chục hòn đảo. Các đảo này hoặc sẽ được chia lô ra để bán lẻ, hoặc để quy hoạch thành những khu du lịch tầm cỡ, bất kể giá trị văn hóa đầy huyền thoại của nền văn minh Hy Lạp. Nhiều đơn vị du lịch đang dòm ngó hòn đảo Lesbos, nơi có đỉnh núi Olympia, sẽ là một chốn hẹn hò thú vị cho các cặp tình nhân. Lesbos cũng có thể trở thành nơi quá cảnh của các chuyến tàu du lịch qua Đại Tây Dương.

Dù chính quyền Hy Lạp vẫn giữ im lặng, nhưng tin đồn này đã làm cho nhiều người tức giận. Tuy có ý kiến cho rằng như thế còn hơn là cắt giảm tiền lương, nhưng dư luận đang ngả về hướng bảo tồn các di sản văn hóa. Đặc biệt là đảo Lesbos từng bị phát xít Đức chiếm đóng trong thế chiến thứ hai, thì họ càng không thể chấp nhận việc quay ngược lại lịch sử.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.