Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Người Việt khắp nơi đòi Hội địa lý Mỹ sửa bản đồ về Hoàng Sa

Đăng ngày:

Trong những ngày qua, thư ngỏ hay kiến nghị đã liên tục được gởi đến Hội Địa Lý Quốc Gia Mỹ, National Geographic Society, yêu cầu hội này phải điều chỉnh ghi chú bị đánh giá là sai lạc về chủ quyền Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa, mà tên quốc tế là Paracel.

Bản đồ thế giới của NGS : Phía dưới quần đảo Hoàng Sa có ghi China - Trung Quốc. (Ảnh chụp lại ngày 16/03/2010)
Bản đồ thế giới của NGS : Phía dưới quần đảo Hoàng Sa có ghi China - Trung Quốc. (Ảnh chụp lại ngày 16/03/2010)
Quảng cáo

Các phản ứng kể trên đã bùng lên sau khi nhiều người phát hiện ra rằng mới đây, một tấm bản đồ do Hội này công bố lại ghi rõ ràng Paracel Islands (tức là quần đảo Hoàng Sa), với một hàng chữ đỏ phía dưới là China, (tức là Trung Quốc). Ghi chú này như vậy có nghĩa là theo tấm bản đồ thì quần đảo Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc. Điều này hoàn toàn sai lạc với thực tế, vì cho đến nay vấn đề chủ quyền trên Hoàng Sa vẫn chưa được giải quyết dứt khoát.

Như tin chúng tôi đã loan, một nhóm độc giả của tạp chí National Geographic đã viết thư cho toà soạn tờ báo này để khiếu nại về ghi chú sai lạc nói trên. Bên cạnh đó, một bản kiến nghị do Quỹ Nguyễn Thái Học soạn thảo cũng đang được lưu hành trên mạng, yêu cầu Hội Địa Lý Quốc Gia Mỹ phải sửa đổi lại bản đồ nói trên, theo đúng quan điểm của cộng đồng quốc tế hiện nay, tức là Hoàng Sa thuộc diện '' quần đảo đang tranh chấp '', chứ chưa bao giờ xác nhận quần đảo này thuộc về một quốc gia cụ thể nào.

Cũng trong chiều hướng đó, trên trang web GoPetition.com, ngày 13/0 3 vừa qua cũng xuất hiện một lời kêu gọi của ông Phạm Long, đề nghị mọi người ký tên vào một bản kiến nghị gởi đến Hội Địa Lý Quốc Gia Hoa Kỳ để yêu cầu định chế này hủy bỏ ghi chú sai lạc trên tấm bản đồ của họ. Tính đến 12 giờ trưa hôm nay, 17/03/2010, kiến nghị này đã vượt mức 500 chữ ký.

Điểm đáng chú ý là lời kêu gọi trên trang web GoPetition.com có kèm theo một bức thư của ba học giả Việt Nam tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi hồ sơ Biển Đông, gởi cho ông Chris Johns, tổng biên tập Tạp chí National Geographic của Hội Địa Lý Hoa Kỳ, nêu bật những sai sót của Hội này khi tự động ghi chú là Hoàng Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Tác giả của bức thư kể trên là giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc Đại Học Maine chuyên về châu Á và quan hệ Á châu - Hoa Kỳ, tiến sĩ Tạ Văn Tài, giảng viên và nghiên cứu viên Đại Học Luật Harvard, và tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên trưởng Ban Thống Kê tại Liên Hiệp Quốc, tác giả nhiều công trình về tranh chấp Biển Đông, mà gần đây nhất là bài tham luận trình bày ngày 18 tháng 11, 2009 tại Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á, Đại học Yale Hoa Kỳ.

Trả lờI phỏng vấn của RFI về bức thư kể trên, giáo sư Ngô Vĩnh Long xác nhận là ông đã gởi đến hai bức thư chứ không phải là một bức cho Hội Địa Lý Quốc Gia Mỹ, trong đó ông nêu rõ hai điểm cần điều chỉnh : Một liên quan đến việc ghi chú Hoàng Sa thuộc Trung Quốc và hai là dùng tên Trung Quốc Xisha Qundao / Tây Sa Quần Đảo để gọi Hoàng Sa thay vì tên quốc tế Paracel Islands.

Bản đồ châu Á của NGS : Dưới quần đảo Hoàng Sa được ghi mầu đỏ Xisha Qundao - Do Trung Quốc quản lý và Việt Nam đòi chủ quyền" (Ảnh chụp ngày 16/03/2010)
Bản đồ châu Á của NGS : Dưới quần đảo Hoàng Sa được ghi mầu đỏ Xisha Qundao - Do Trung Quốc quản lý và Việt Nam đòi chủ quyền" (Ảnh chụp ngày 16/03/2010)

Giáo sư Long đồng thời xác định là bức thư của bản thân ông và hai đồng tác giả Tạ Văn Tài và Vũ Quang Việt hoàn toàn độc lập với các kiến nghị được gởi đến Hội Địa Lý Mỹ.

Xin nhắc lại là ngày 13/03 vừa qua, chính quyền Việt Nam qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cũng đã chính thức yêu cầu Hội Địa Lý Quốc Gia Mỹ sửa lỗi trên bản đồ về Hoàng Sa. Trả lời câu hỏi của báo chí, bà Nguyễn Phương Nga một lần nữa khẳng định: "Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.