Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Chống biến đổi khí hậu : Sáng kiến nhỏ vì mục đích lớn

Đăng ngày:

Ép nước trái cây bằng năng lượng chính mình tạo ra, tủ lạnh không dùng điện, tái chế vải dù lượn thành quần áo thời trang, thiết kế túi xách, giày dép từ da cá hồi, xây dựng một thành phố sạch với những tòa cao ốc tự tạo ra nguồn điện để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ của chính mình. Đó là một vài sáng kiến nhỏ đã được giới thiệu với khách tham quan khu triển lãm Espace Générations Climat tại Le Bourget bên lề hội nghị khí hậu COP21.

Reuters
Quảng cáo

Thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu Paris không chỉ là diễn đàn để 150 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ chỉ ra nhu cầu cấp bách hành động vì Trái đất, hay nhấn mạnh đến « quyết tâm bảo vệ » ngôi nhà chung của nhân loại. Khu triển lãm Le Bourget cũng không là không gian dành riêng cho các phái đoàn đàm phán của 195 quốc gia, cho các bộ trưởng, phóng viên quốc tế và đại diện của một số tổ chức dân sự từ lâu nay vẫn đấu tranh để được sống trong một thế giới trong và sạch.

Không gian Espace Générations Climat tại Le Bourget sát ngay cạnh các phòng họp của các chuyên gia và phái đoàn chính thức là điểm hẹn để những nhà phát minh đem một vài những ý tưởng mới lạ đến gần với đại chúng. Mở cửa từ ngày 01 đến 11/12/20015, Không gian Thế hệ Khí hậu trải rộng trên 27.000 mét vuông, quy tụ 117 hội đoàn, các tổ chức phi chính phủ… Nhưng thú vị nhất là tại Không gian này có đến trên 600 dự án giới thiệu tới công chúng những giải pháp lớn nhỏ, để cùng nhau làm một việc gì đó cho Trái đất.

Đạp xe để ép nước trái cây.
Đạp xe để ép nước trái cây. RFI/ThanhHà

Trồng cây xanh, vắt nước trái cây không tốn điện

Hội La Ferme de la Cauchetière từ vùng Calvados miền bắc nước Pháp đến Le Bourget với dự án khuyến khích trồng rừng, trồng cây xanh để chống lại hiệu ứng lồng kính. Hội liên kết với Sénégal, giúp quốc gia Châu Phi này đối phó với hiện tượng đất đang bị sa mạc hóa.

Nhìn đến các hoạt động văn hóa, đoàn múa Oceania Dance Theatre & Pasifika từ đảo Fiji tới để đưa khách tham quan đến gần với đời sống của những thổ dân sống trên các hòn đảo trong vùng Thái Bình Dương phải đối mặt với biển cả qua vở múa hết sức trữ tình và thơ mộng « Moana: the Rising of the Sea ». Buổi biểu diễn đã rất thành công.

Gian triển lãm của hội An Eye for An Eye (xin được tạm dịch là "Trong ánh mắt ai") quy tụ những bức ảnh 170 em học sinh người Pháp, Ấn Độ, Cam Bốt, Bolivia, Trung Quốc, Nam Phi và từ vùng đất Groeland lạnh lẽo đã trao đổi với nhau : đó là những cái nhìn đa chiều của tuổi thơ về khí hậu và môi trường sống của mỗi nơi. Qua hàng trăm bức ảnh đó, những nhà nhiếp ảnh tí hon đều chứng minh rằng, các em đã sãn sàng bước lên tuyến đầu bảo vệ Trái Đất.

Không tĩnh lặng như ở gian triển lãm nhiếp ảnh, quán nước trái cây Juice Energy Bar của Michael thu hút rất đông khách. Ở đây không ai tốn đến 1 xu tiền điện để có một cốc nước trái cây. Máy ép nước rau, quả chạy bằng năng lượng do chính mình tạo ra. Michael, điều khiển Juice Energy Bar, không ngơi tay phục vụ nhưng rất nhiệt tình giải thích với RFI :

« Quán bar của chúng tôi ở đây sử dụng năng lượng tự tạo, có nghĩa là bạn muốn có được một ly nước rau hay quả thì phải tự chế tạo ra năng lượng để ép nước củ, quả. Quán nước này dùng toàn quả và củ tươi, mùa nào thức nấy và nhất là rau quả được thu hoạch cách Paris không quá 50 cây số. Vì bớt tốn kém chi phí chuyên chở chừng nào, tức là xài ít xăng dầu hơn, thì ta bớt gây ô nhiễm cho không khí chừng nấy. Chị thấy đó, trên quầy của Juice Energy Bar có cà-rốt, có củ cải đỏ, có táo. Bây giờ nếu chị muốn có nước táo để uống, thì mời chị lên xe đạp. Chị đạp cho cật lực vào, đạp nhanh và khỏe thì khoảng 1 phút là có được cốc nước quả và như vậy sức đạp của chị tạo ra khoảng 130 kilowatt/giờ.

Quán nước chúng tôi đề nghị sáng kiến này trong khuôn viên Không gian Générations Climat bởi vì ta làm được cùng lúc nhiều việc : vừa tập thể dục này, vừa có nước trái cây để uống cho đẹp da này, lại vừa không hao tốn năng lượng, phải không ? Nói thật ra là gian hàng của chúng tôi được khách tham quan chiếu cố tận tình đến nỗi, có ba cái máy để ép nước quả, nhưng rồi vì khách hàng đạp xe hăng say quá, một cái máy đã bị hỏng! »

Thành phố của tương lai

Không xa quán nước của Michael là cả một gian trưng bày đồ sộ dành cho « La Ville Durable-Thành phố Bền Vững » dưới màu cờ của Ngân hàng Caisse des Dépôts et Consignations/CDC,một đối tác quan trọng của Hội nghị khí hậu COP21 Paris. Ngân hàng CDC là một tổ chức tài chính công chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công thay mặt cho chính phủ Pháp và chính quyền địa phương. Tại đây, nổi bật hơn cả là bốn màn hình phẳng và khoảng 5-6 máy tính bảng được dành để giới thiệu về những « thành phố tương lai ».

Hiện nay một nửa dân số trên địa cầu sống ở các thành phố. Tỷ lệ này sẽ tăng lên thành 70% vào năm 2050. Bên cạnh đó thì 70% khí carbon do các thành phố thải ra. Quản lý từ hệ thống giao thông, đến các nguồn cung cấp nước ngọt, xử lý nước và rác thải là những thách thức lớn nhất đối với các chính quyền địa phương. Chính vì vậy, các dự án « thành phố tương lai » chiếm một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.

Trả lời RFI Việt ngữ, cô Neila Bueta, phụ trách báo chí chương trình đầu tư vào tương lai, ngân hàng CDC hăng say nói về một số khái niệm mới trong cái được gọi là « thành phố tương lai » :

« Ngân hàng CDC đã được thành lập từ năm 1816 và chúng tôi có mặt ngày hôm nay tại Hội nghị khí hậu COP21 Paris. Chúng tôi là một trong những đối tác của sự kiện trọng đại này. Công cuộc chuyển giao năng lượng là chìa khóa cho tương lai. Đây là cơ hội để ngân hàng CDC giới thiệu với công chúng những dự án đã hoặc đang được thực hiện với vốn do CDC bảo lãnh. Để thu hút chú ý của khách tham quan ở khu vực này, chúng tôi dùng kỹ thuật quay phim ba chiều để giới thiệu một thành phố mà chúng ta tạm gọi là ‘thành phố của tương lai’.

Một cách cụ thể thì thành phố trong tương lai phải như thế nào ? Đó là một thành phố tự sản xuất ra năng lượng để phục vụ cho nhu cầu của mình. Hiện nay bất kỳ một thành phố nào cũng phải sử dụng điện do các công ty điện lực hay các nhà máy năng lượng hạt nhân cung cấp. Trên màn ảnh nhỏ này chẳng hạn chị có thể dạo chơi trong một thành phố lý tưởng. Ở đây, tất cả các quần thể kiến trúc đều được xây dựng theo những chuẩn mực xanh. Có nghĩa mỗi khu xây dựng đều sẽ sử dụng ít điện hơn là so với các công trình hiện tại.

Những khu xây cất đó tự tạo ra được năng lượng cho mỗi hộ ; hệ thống điều hòa không khí dùng sức gió để làm hạ nhiệt trong cả tòa nhà khi trời nắng nóng. Ngược lại vào mùa đông thì khả năng cách nhiệt cũng cao hơn. Thế rồi những tòa cao ốc này cũng phải có một hệ thống xử lý rác thông minh, ít gây ô nhiễm cho môi trường …

Thật ra trên toàn nước Pháp hiện có tổng cộng 19 dự án ‘thành phố của tương lai’. Trong số đó phải kể đến dự án Paris và vành đai mở rộng, rồi một số các thành phố khác như ở Brest ở miền tây bắc, hay Marseille ở miền nam nước Pháp ».

Một cách cụ thể hơn thì thưa chị những thành phố trong tương lai sẽ như thế nào ?

« Liên quan đến dự án đối với thủ đô Paris và vành đai mở rộng, còn được gọi là Le Grand Paris, thì đã có nhiều đề án đã hay sắp được thực hiện. Tất cả chủ yếu xoay quanh các công trình xây dựng và hệ thống chuyên chở công cộng, nhà ga…

Về giao thông, tôi xin đơn cử dự án sẽ được khởi động trước cuối năm nay là hệ thống xe điện trên dây cáp treo ở Toulouse, dài gần 3 cây số, vắt ngang con sông Garonne và đồi Pech David. Để dễ hình dung, chị cứ tưởng tượng là thay vì dùng xe điện trên mặt đất, thì chúng ta cũng có xe điện nhưng treo lơ lửng trên cao, và mỗi toa sẽ phải là một cabine được đóng kín. Khi đưa được hệ thống xe điện lên cao như vậy thì chúng ta giải quyết được một phần tắc nghẽn giao thông trên bộ. Hơn nữa, một khi đi vào hoạt động thì mỗi ngày sẽ có từ 6 đến 7 ngàn người sử dụng, họ sẽ không phải dùng xe hơi hay xe buýt, không thải khí carbon trong khâu di chuyển. Hơn nữa người sử dụng sẽ chỉ mất 10 phút để đi suốt tuyến đường dài gần 3 cây số đó. Không có dự án này người ta mất 20 phút lái xe hay 40 phút nếu sử dụng các phương tiện chuyên chở công cộng.

Tôi cũng xin lưu ý về tòa nhà cao tầng trên màn ảnh ba chiều : đây là một tòa nhà tự tạo ra điện để đáp ứng nhu cầu, chẳng những thế mà khối lượng điện sản xuất ra còn dư giả để có thể bán lại cho một khách hàng nào đó. Chính vì vậy, tòa nhà cao ốc này được gọi là ‘Tour à énergie positive.’ Cụ thể hơn thì thành phố Strasbourg vừa đặt viên đá đầu tiên cho tòa nhà này. Tòa nhà cao tầng trên màn ảnh bao gồm 66 căn hộ cho tư nhân và nhiều văn phòng làm việc. Điện để dùng cho cầu thang máy, hệ thống đèn điện của cả một công trình cao 50 mét này đều do những tấm phim mặt trời trải rộng trên một diện tích từ 800 đến 1 ngàn mét vuông cung cấp ».

Shamengo tại Hội nghị khí hậu COP21
Shamengo tại Hội nghị khí hậu COP21

Shamengo, dung hòa đời sống vật chất và thiên nhiên

Vẫn tại Espace Générations Climat, gian hàng của hội Shamengo đập vào mắt khách tham quan. Đây là nơi hôm khai mạc Không gian Thế hệ Khí hậu, Tổng thống Pháp François Hollande và Bộ trưởng Môi trường Ségolène Royal đã ghé qua.

Theo giải thích của chị Pascale, người phụ trách gian triển lãm này, cái tên Shamengo được ghép từ ba chữ « Shaman » (Thầy pháp) « Men » (nhân loại) và « Go » (tiến về phía trước).

Shamengo là điểm hẹn của những nhà phát minh, đem lại những sản phẩm mới, những ý tưởng mới để cùng bảo vệ môi trường. Cô Pascale vui vẻ chào mừng khách đến tham quan gian triểm lãm bằng gỗ rất đẹp của Shamengo được trang trí bằng cả một bức tường xanh, đầy hoa lá cành. Nhưng nhìn kỹ thì đó là cỏ và hoa giả bằng nhựa, được sản xuất từ những « phế phẩm, phế liệu » :

« Chào mừng bạn đến với Shamengo. Gian triển lãm của chúng tôi được đặt trong khuôn viên của Không gian Générations Climat. Chính xác hơn là chúng tôi có mặt trong khu vực triển lãm những phát minh, dành cho những nhà sáng tạo trên khắp thế giới đóng góp cho việc bảo vệ môi trường, ít gây tổn thương đến thiên nhiên. Ở đây mọi người cùng hướng tới một mục tiêu : bảo vệ hành tinh của chúng ta. Shamengo, ban đầu là một hiệp hội được lập ra để giúp đỡ cho những nghệ nhân có những ý tưởng mới, lạ và muốn giới thiệu tới công chúng để rồi được phân phối một cách rộng rãi hơn. Những người này gửi về Shamengo những đoạn băng video tự giới thiệu các sản phẩm của họ.

Những sản phẩm được trưng bầy trong gian hàng của Shamengo tại COP21 lần này chủ yếu nhấn mạnh đến khía cạnh bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Thí dụ như cái tủ lạnh được trưng bày ở đây không cần phải cắm điện mà vẫn bảo quản được thức ăn. Thế rồi nếu ai vừa muốn tập thể dục để giảm cân, vừa tạo ra năng lượng để nạp pin cho điện thoại thì có thể thử nghiệm với hai chiếc xe được trưng bày. Đây là một sản phẩm đã được sử dụng chứ không mới, nhưng nó khuyến khích chúng ta tiết kiệm điện. Điều đó cũng tốt chứ phải không ?

Toàn bộ gian hàng của chúng tôi được dựng lên bằng gỗ. Nhưng đó là gỗ phế thải, chúng tôi ‘nhặt lại’ từ một tòa nhà người ta phá đi. Chúng tôi mang về, đánh ver-ni và chế biến lại thành những sản phẩm đẹp mắt để có được một căn nhà ở COP21. Những bức tường có trải thảm xanh rêu, có trang trí hoa lá cành cũng đều là hàng tái chế.

Bộ bàn ghế, tủ sách ở góc kia là toàn bằng carton … Những sản phẩm này cho thấy là chúng ta vẫn có thể trang bị đầy đủ đồ nội thất và vẫn có thể sống trong đầy đủ tiện nghi mà không bắt buộc phải phí phạm những gì mà con người đã tạo ra. Đó chính là tinh thần của hội.

Trong Shamengo, có một nhà tạo mẫu chuyên sản xuất quần áo và nhất là áo đầm từ những tấm vải từng được dùng để làm dù lượn Parapent. Thế rồi chúng tôi có một nhà tạo mẫu người Chilê, chế biến túi xách tay hay giày dép, từ da cá hồi. Anh ấy sống ở vùng Patagoni. Đây là một nơi ngành công nghiệp đánh bắt cá hồi phổ biến lắm. Thấy vất hàng tấn da cá hồi mỗi ngày là phí phạm quá thế là anh ấy đã tìm cách bảo quản và nhất là tạo ra độ dai cho da cá để có thể sử dụng vào những việc hữu ích khác »

Tìm đến với trang mạng của Shamengo, ta thấy Pier Francesco Maran vừa sáng chế ra loại túi nhựa có thể tự phân hủy để ta vứt rác xanh. Loại rác đó sau này trở thành phân bón tự nhiên cho các nhà trồng trọt. Tại Đài Loan, Jason Chen vừa gửi đến Shamengo video để giới thiệu sản phẩm mới. Vốn trong ngành dệt may, Jason Chen đã dùng bã cà phê để chế biến ra một loại sợi vải hút được những mùi hôi chung quanh. Sáng chế này đang được các nhà sản xuất quần áo lót và tất, vớ đua nhau đặt hàng.

Cách nay bốn năm, Awen Delaval một doanh nhân trẻ tuổi của Pháp, trong một chuyến du lịch đến xứ chùa tháp đã khám phá ra những sợi tơ từ cành hoa sen có độ dai đủ để dệt thành vải. Từ đó Delaval nảy sinh ý tưởng dệt lụa bằng tơ loài hoa tinh khiết này. Một mặt hàng rất cầu kỳ nhưng tuyệt đẹp.

Những mặt hàng trưng bày ở gian hàng của hội Shamengo chưa hẳn đã là những sáng chế mới nhất, hay những khám phá công phu chưa từng được biết đến bao giờ, nhưng những sản phẩm đó có được chỗ đứng trong khuôn viên hội nghị khí hậu COP21 vì chúng mang đến một thông điệp : Chúng ta có thể sống đầy đủ tiện nghi, vẫn có bàn ghế, tủ lạnh, điện thoại di động hay máy tính bảng… nhưng không nhất thiết là phải lãng phí những gì mà thiên nhiên ban tặng cho con người.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.