Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Việt Nam gia tăng áp lực lên các nhà quảng cáo trên YouTube

Việt Nam đã yêu cầu các công ty không đăng quảng cáo trên các video có những nội dung « tuyên truyền chống Nhà nước » trên kênh YouTube của Google. Reuters dẫn tin từ báo chí trong nước hôm nay 12/06/2019 cho biết như trên, trong bối cảnh Việt Nam gia tăng áp lực lên các tập đoàn công nghệ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. REUTERS/Dado Ruvic/File Photo
Quảng cáo

Thông tấn xã Việt Nam viết : « Google đã bị phát hiện quản lý nội dung một cách lỏng lẻo, cho phép người sử dụng mua quảng cáo trực tiếp từ YouTube và Google mà không thông qua các đại lý kinh doanh dịch vụ quảng cáo ».

Thông cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông hôm 7/6 đã nêu tên nhiều công ty ngoại quốc, trong đó có Samsung Electronics, Huawei Technologies, Yamaha Motors, ứng dụng gọi xe Grab, đã quảng cáo trong các video có nội dung « bất hợp pháp và phản động ».

Cũng theo Thông tấn xã Việt Nam, bộ Thông tin đã phát hiện khoảng 55.000 video trên YouTube là « vô cùng độc hại », hoặc vi phạm luật pháp Việt Nam. Trong số đó có 8.000 video đã bị gỡ bỏ theo yêu cầu của chính quyền. Bộ Thông tin cho biết : « Sắp tới chính quyền sẽ đòi hỏi YouTube nhận diện các kênh Việt Nam, chỉ những kênh nào được xác nhận mới có thể được chia sẻ thu nhập quảng cáo ».

Các doanh nghiệp được yêu cầu « tích cực xem xét lại » các quảng cáo trên mạng xã hội. Bộ Thông tin sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đại lý liên quan để quản lý chặt chẽ hơn luồng thu nhập từ YouTube và Google.

Hãng tin Anh hiện chưa liên lạc được với phát ngôn viên của Google về việc này.

Theo Reuters, mặc dù có những cải cách về kinh tế và ngày càng cởi mở hơn trước những thay đổi của xã hội, nhưng đảng Cộng Sản cầm quyền vẫn kiểm duyệt chặt chẽ truyền thông, không chấp nhận những tiếng nói phản kháng. Luật An ninh mạng có hiệu lực từ đầu năm nay đòi hỏi các công ty internet phải mở văn phòng ở Việt Nam và lưu trữ dữ liệu trong nước. Tháng trước Facebook nhìn nhận các nội dung bị hạn chế phổ biến đã tăng lên 500% tại Việt Nam.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.