Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO - VIỆT NAM

Việt Nam: Mừng cho tăng trưởng vững chắc, lo vì đầu tư Trung Quốc

Thời sự châu Á nổi bật với bài viết « Việt Nam được kích thích nhờ sức tăng trưởng vững mạnh » của nhật báo kinh tế Les Echos ngày 06/07/2018.

Đại biểu Quốc Hội Việt Nam bỏ phiếu luật an ninh mạng, ngày 12/06/2018, tại Hà Nội.
Đại biểu Quốc Hội Việt Nam bỏ phiếu luật an ninh mạng, ngày 12/06/2018, tại Hà Nội. Vietnam News Agency / AFP
Quảng cáo

Với tỷ lệ tăng trưởng 7,1% trong quý I năm 2018, Việt Nam là một trong số những nước có sức tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Tháng 10/2018 sẽ đánh dấu tròn 30 năm Việt Nam mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Nhật báo Les Echos đánh giá đây là một thành công trong kế hoạch kinh tế của Việt Nam vì đầu tư nước ngoài hiện chiếm tới 20% GDP và chiếm khoảng 72,6% tổng giá trị hàng xuất khẩu. Chính tính riêng quý I năm 2018, khối lượng xuất khẩu đạt 20,3 tỉ đô la.

Tuy nhiên, với Les Echos, đằng sau thành công kinh tế này vẫn còn có mặt trái. Việt Nam vừa trải qua một giai đoạn căng thẳng do một dự luật về đặc khu kinh tế. Ba đặc khu (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) với chế độ thuế khóa và thủ tục hành chính gọn nhẹ được chủ trương thành lập nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mới.

Theo dự án ban đầu, thời hạn cho thuê dự trù là 99 năm. Nhưng ẩn sau đó là một nỗi lo quan trọng, theo nhật báo Les Echos : đó là sợ Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào ba đặc khu đó. Chính vì vậy, rất nhiều người đã xuống đường phản đối, ngày càng dè chừng hơn nước láng giềng và cũng là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Mối quan hệ với Bắc Kinh không thường xuyên suôn sẻ, trong đó phải kể đến tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông.

Trước sức ép bất ngờ của dân chúng, chính phủ đã lùi bước và hoãn thảo luận văn bản về đặc khu, đồng thời hứa giảm thời hạn cho thuê. Đây chỉ là kế hoãn binh của chính phủ, theo nhận định của những người phản đối, vẫn còn bức xúc về một đạo luật khác, liên quan đến an ninh mạng, được thông qua ngày 12/06 và có hiệu lực từ tháng 01/2019.

Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định Việt Nam là nước thứ hai tại châu Á, sau Trung Quốc, vô hiệu hóa internet và các mạng xã hội. Để đối phó với người dân Việt rất chuộng « lướt nét », đạo luật an ninh mạng sẽ buộc các trang phải lưu trữ dữ liệu cá nhân của các bloggeur và người sử dụng internet tại Việt Nam, chứ không được sử dụng các máy chủ ở Hồng Kông hay Singapore. Các nhà cung cấp dịch vụ internet cũng phải dỡ bỏ mọi thông tin bị cho là mối đe dọa đến an ninh quốc gia. Mọi kêu gọi biểu tình đều bị cấm.

Đạo luật này khiến các tập đoàn nước ngoài lo ngại về không khí kinh doanh ở Việt Nam, cũng như có nguy cơ hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Cuối cùng, Les Echos trích lại phát biểu của bà Clare Algar, giám đốc phụ trách các hoạt động toàn cầu của tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), lo ngại : « Căn cứ vào quyền lực rộng lớn mà luật (an ninh mạng) giao cho chính phủ để giám sát hoạt động trên mạng, việc thông qua đạo luật này cho thấy không còn nơi nào an toàn tại Việt Nam nơi người dân có thể được tự do ngôn luận ».

Liên Hiệp Châu Âu đau đầu vì đầu tư Trung Quốc ở Đông Âu

Đầu tư của Trung Quốc cũng đang làm Liên Hiệp Châu Âu đau đầu, đặc biệt là các dự án tại Đông Âu. Trước thềm thượng đỉnh với Bruxelles, diễn ra trong hai ngày 16-17/07/2018 tại Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ lần lượt gặp từng nước trong số 16 nước Trung và Đông Âu trong một cuộc họp khác diễn ra tại Sofia ngày 09/07.

Vẫn nhật báo kinh tế Les Echos đặt câu hỏi : « Phải chăng (Bắc Kinh) chia để trị tốt hơn ? » Trong khuôn khổ dự án Con đường tơ lụa mới, Trung Quốc vung tiền cấp tín dụng cho các nước này để xây dựng cơ sở hạ tầng (đường sắt, cầu cống…).

Vấn đề được một quan chức ở Bruxelles cảnh báo, là « do bất lực vì không hoàn trả được khoản vay, một nước có phải nhượng lại cổ phần cho Trung Quốc và như vậy quốc gia Đông Á này trở thành chủ sở hữu. Hãy nhìn những gì đang diễn ra ở Sri Lanka với cảng Hambantota. Công ty nhà nước China Merchants Port Holdings đã nhận được nhượng quyền sử dụng trong 99 năm để Sri Lanka được xóa nợ ». Một số quan chức nghi ngờ Trung Quốc chơi bài chia rẽ các nước châu Âu trong bối cảnh Bruxelles và Bắc Kinh vẫn đang đàm phán một thỏa thuận đầu tư song phương.

Mỹ-Trung khơi mào chiến tranh thương mại

Vẫn trong lĩnh vực thương mại, ngày 06/07/2018, « Washington và Bắc Kinh khai mào cuộc chiến », theo thông tin của nhật báo Les Echos. Các biện pháp thuế mới của Mỹ nhằm vào 34 tỉ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Bắc Kinh tuyên bố đáp trả tương tự.

Mỹ và Trung Quốc đều đổ lỗi cho nhau dẫn đến tình trạng hiện nay. Bắc Kinh lên án Washington « châm lửa đốt thế giới »« tự bắn vào chân mình » vì trong danh sách 34 tỉ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc bị áp thuế mới, có khoảng 20 tỉ (tương đương 59% trong tổng số hàng bị tăng thuế) là do các doanh nghiệp có vốn nước ngoài sản xuất ở Trung Quốc.

Nguy cơ leo thang xung đột thương mại khiến các thị trường tài chính căng thẳng. Vì chưa dừng ở đó, một danh sách mới gồm 16 tỉ đô là hàng nhập khẩu Trung Quốc đã được chính quyền Mỹ lập, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực trong kế hoạch công nghiệp « Made in China 2025 », sẽ sớm có hiệu lực. Bắc Kinh cũng đã lập danh sách tương tự gồm 16 tỉ giá trị hàng hóa của Mỹ, tập trung chủ yếu vào dầu hỏa và khí đốt.

Tổng thống Mỹ lại muốn tỏ ra cao tay hơn khi yêu cầu (ngày 16/06) lập thêm danh sách thứ ba gồm 200 tỉ, thậm chí là tận 450 tỉ đô la sản phẩm Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh không chấp nhận những yêu cầu tôn trọng cạnh tranh của Washington.

Không chỉ gây chiến với Trung Quốc, Washington đã mở nhiều mặt trận thương mại với Canada, châu Âu… Và theo Hội đồng Phân tích Kinh tế (CEA) ở Paris, một cuộc chiến thương mại toàn diện chỉ gây nguy cơ suy thoái nghiêm trọng.

Thương trường Mỹ bắt đầu « cằn nhằn » vì đối đầu thương mại

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu gây lo ngại tại Mỹ. Theo bài « Ngày G của thuế Mỹ nhằm vào Bắc Kinh » trên nhật báo Le Figaro, nhiều nhà công nghiệp, nông dân, nghiệp đoàn và nghị sĩ Cộng Hòa đã rung hồi chuông cảnh báo vì sợ những biện pháp trừng phạt nền kinh tế thứ hai thế giới có thể sẽ tác động lâu dài đến nền kinh tế Mỹ nếu như cuộc đối đầu kéo dài.

Thực vậy, Viện Kinh tế Thế giới Peterson cảnh báo 85% sản phẩm Trung Quốc bị nhắm tăng thuế là các sản phẩm và thành phần cấu tạo điện tử được lắp trong các mặt hàng hoàn chỉnh « Made in America ». Tăng thuế là đang bắn vào chân các doanh nghiệp Mỹ cần đến những sản phẩm này.

Bản báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ cũng cảnh báo những hệ quả của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà mỗi bang của Hoa Kỳ phải gánh chịu. Điều ngạc nhiên là ba bang (Wisconsin, Pennsylvania, Michigan) từng ngả theo ứng viên Cộng Hòa nằm trong số những bang bị tác động nhiều nhất. Chỉ tính riêng đậu nành, thường xuất khẩu đến 60% sang thị trường châu Á, sẽ mất khoảng 3,5 tỉ đô la vì bị Trung Quốc tăng thuế.

Chiến tranh thương mại : Đức lùi bước trước Mỹ ?

Để đối phó với cuộc chiến thương mại mà Mỹ khai mào, tình đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu là điều cốt yếu, theo nhận định của xã luận trên La Croix.

Ngày 05/07/2018, để giảm bớt cuộc xung đột giữa Bruxelles và Washington, thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố « sẵn sàng » tính đến việc giảm thuế chung đối với xe hơi, với điều kiện « tất cả các nước » liên quan cùng tham gia. Đây là hồi âm của bà Merkel trước một đề xuất được đại sứ Mỹ tại Berlin đưa ra khi gặp gỡ các nhà sản xuất xe hơi Đức.

Ngành công nghiệp xe hơi là lĩnh vực trọng điểm của Đức. Theo La Croix, vì vậy dễ hiểu tại sao Đức lại tỏ ra nhân nhượng và điều này lại không nhằm phục vụ lợi ích chung của toàn khối Liên Hiệp, cũng như cho thương mại thế giới trong bối cảnh tổng thống Mỹ muốn bẻ từng chiếc đũa thay vì bẻ cả bó.

Di dân chia rẽ châu Âu

Ngay khi bắt đầu giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, từ ngày 01/07/2018 trong vòng sáu tháng, Áo tỏ ra cứng rắn trong hồ sơ di dân.

« Áo muốn đóng cửa châu Âu trước làn sóng di dân », theo thông tin của nhật báo Le Monde. Chính phủ Vienna, do liên minh cánh hữu và cực hữu đứng đầu, đã đưa ra « nhiều đề xuất đáng ngại về di dân » theo chủ trương của nhóm Visegrad (Hungari, Cộng Hòa Séc, Slovakia và Ba Lan), trong đó có đề xuất đóng cửa biên giới Liên Hiệp, không một đơn xin tị nạn nào được nộp trên lãnh thổ của khối. Mục tiêu chính là đến năm 2025, chỉ đảm bảo quyền tị nạn cho những người « tôn trọng các giá trị của Liên Hiệp Châu Âu và các quyền và quyền tự do cơ bản của châu Âu ».

Với nhật báo Le Figaro, sau thời gian ngắn ngủi tỏ ra « tâm đầu ý hợp » về di dân, « Vienna, Berlin và Roma lên giọng với nhau về người nhập cư », sau khi mỗi bên đòi trả người nhập cư về nước châu Âu cuối cùng trước khi đến nước họ.

World Cup 2018 : « Gà trống Gaulois » gáy trước « Bầu trời xanh » Uruguay

Trận đấu một mất một còn giữa Pháp và Uruguay chiều 06/07 trên sân Novgorod  được tất cả các nhật báo Pháp quan tâm trong hồ sơ World Cup 2018.

Với Le Figaro, « những chú gà trống Gaulois phải mổ Uruguay để vươn đến bầu trời xanh ». Với La Croix, « tự tin là kẻ thù đáng sợ nhất của các tuyển thủ áo Lam ». Sau chiến thắng trước Achentina, giờ đến lúc phải kiềm chế sự tự tin thái quá vì từ năm 1985, chưa bao giờ Uruguay khuất phục trước đội tuyển Pháp. Nhật báo thiên tả Libération phác họa chân dung của Antoine Griezmann.

Cải cách tại Pháp : Hồ sơ chính trên trang nhất

Việc thảo luận nhiều chính sách cải cách được tổng thống Pháp quyết định lùi lại đến dịp khai giảng tháng Chín. Nghèo đói, Hồi Giáo, chi tiêu công, bệnh viện… đều là các chủ đề gây tranh cãi và đang gây nghi ngờ về mong muốn cải cách của điện Elysée. Đây là nhận định của nhật báo Le Figaro.

« Nhiều đề xuất gây sốc về Hồi Giáo tại Pháp » của bà Hakim El Karoui, một nhân vật thân cận của tổng thống Macron, được Le Monde đưa trên trang nhất. Theo đó, sẽ có một hiệp hội do những người Pháp theo đạo Hồi điều hành, có thể sẽ đào tạo và trả lương cho các giáo sĩ (imam), cách tân các đền thờ Hồi Giáo và quản lý truyền thông… nhằm thoát khỏi xung đột lợi ích trong đạo Hồi. Tổng thống Pháp có thể sẽ công bố vào mùa thu tới.

Nhật báo kinh tế Les Echos tiếp tục quan tâm đến những khó khăn trong việc thu thuế thu nhập từ gốc, đặc biệt trong lĩnh vực lao động tại nhà.

Trong bối cảnh này, tỉ lệ ủng hộ tổng thống Macron bị sụt giảm. Đây là kết quả thăm dò ý kiến của Odoxa-Dentsu Consulting cho nhật báo Le Figaro và đài truyền hình France Info.

Sự kiện Festival Avignon khai mạc là chủ đề trên trang nhất của La Croix và hồ sơ của Libération.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.