Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

“Thức tỉnh” - L’éveil, những câu chuyện tình giữa lòng Hà Nội

Đăng ngày:

L’éveil (tạm dịch: Thức tỉnh, nhà xuất bản Stock) là tác phẩm đầu tay của Line Papin, nữ nhà văn trẻ nhất của làng văn học Pháp trong mùa sách 2016-2017. L’éveil là những câu chuyện tình với nhiều cung bậc khác nhau, vừa đam mê khát khao, vừa ngây thơ trong trắng song vẫn bị lý trí chi phối. Câu chuyện tình xoay quanh bốn nhân vật, tất cả đều là người nước ngoài, sống ở Hà Nội.

Nhà văn Line Papin trả lời phỏng vấn ban tiếng Việt đài RFI.
Nhà văn Line Papin trả lời phỏng vấn ban tiếng Việt đài RFI. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Juliet, con gái của đại sứ Úc tại Việt Nam, gặp tiếng sét ái tình với một người đàn ông Pháp có “đôi mắt mầu vàng” làm phục vụ cho một nhà hàng nổi tiếng và hơn cô rất nhiều tuổi. Mối tình đầu rụt rè và tự nguyện của cô khiến người đọc liên tưởng đến cuốn Người tình (L’amant) của Marguerite Duras. Người đàn ông, mà người đọc không bao giờ biết được tên, đã đánh thức trong cô cảm xúc trong trắng nhất, giúp cô khám phá một Hà Nội với những con phố nhỏ náo nhiệt và nóng nực, khác hẳn với thế giới trong khu ngoại giao sang trọng, tiện nghi và yên tĩnh nơi cô sống với gia đình.

L’éveil còn là chuyện tình giữa người bồi bàn Pháp không tên với Laura, một cô gái đồng hương phóng khoáng, quyết tâm chu du thế giới để quên nỗi bất hạnh gần như đoạn tuyệt với cha mẹ. Giữa hai con người sống xa nhà đã nảy sinh tình yêu, tình thương mà họ thiếu, mà họ cần, để bù đắp nỗi cô đơn nơi miền đất lạ. Họ hiểu nhau mà không cần nói, qua cùng sở thích đọc sách, nơi mỗi người có thể trốn trong thế giới riêng của mình suốt cả buổi chiều mà vẫn ở bên cạnh nhau.

L’éveil còn là chuyện tình giữa các nhân vật với Hà Nội, nơi người ta có thể hình dung ra được “một con ngõ nhỏ với ánh đèn le lói, lọt thỏm giữa hai dãy nhà, chằng chịt dây điện trên nền trời đen, đan xen giữa các mái nhà”.

Hà Nội thường xuyên xuất hiện qua lời của người bồi bàn có “đôi mắt mầu vàng” :“Điều làm tôi phát điên với những người nước ngoài sống ở Hà Nội, như Klin (giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp trong chuyện) là họ không dám hòa nhập với dân địa phương mà chỉ nhốt mình trong tòa tháp ngà. Tại sao phải đến tận Hà Nội nếu như không phải để ăn “xôi ruốc”, hít không khí đầy ngực, dám hòa mình vào bụi bẩn và tiếng ồn ã?”.

Tại sao lại chọn Hà Nội làm bối cảnh của câu chuyện? Line Papin đã dành cho RFI tiếng Việt một buổi nói chuyện để giải đáp thắc mắc này.

Nhà văn Line Papin.
Nhà văn Line Papin. RFI / Tiếng Việt

RFI : L’éveil là câu chuyện tình đầy đam mê, trong bối cảnh lãng mạn nhưng cũng đầy đau khổ mà chị muốn đưa đến cho người đọc. Câu chuyện diễn ra ở Hà Nội. Tại sao chị chọn thành phố này? 

Line Papin : Câu chuyện diễn ra ở Hà Nội, vì tôi sinh ra ở Hà Nội năm 1995 và sống ở đó đến năm 10 tuổi. Vì sống 10 năm ở Hà Nội nên tôi muốn viết về những cảm tưởng và kỉ niệm của mình. Không chỉ để Hà Nội làm nền cho câu chuyện, tôi muốn đi sâu vào chi tiết, như những món ăn mà người ta có thể thưởng thức, những tiếng ồn mà người ta có thể nghe thấy, từ tiếng tiếng rao “Bánh mì nóng đây!” đến những tiếng còi xe… Tôi muốn ghi lại tất cả những điều đó, vì thế bối cảnh câu chuyện diễn ra ở Hà Nội.

Tôi giữ rất nhiều kỉ niệm về Hà Nội. Thật tuyệt vời được lớn lên ở đó! Chính vì thế, khi đến Paris, tôi rất nhớ Hà Nội. Paris rất khác, yên tĩnh hơn nhiều và không có cảnh hòa quện giữa cái nóng oi ả và tiếng ồn ào. Những điểm khác biệt này làm tôi nhớ Hà Nội vô cùng, vì thế tôi đưa những kỉ niệm của mình vào trong cuốn sách.

RFI : L’éveil (Thức tỉnh) là tiêu đề của cuốn sách. Người đọc cũng thấy sự “thức tỉnh” trong mỗi nhân vật. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Họ đến Hà Nội vì những lý do cá nhân khác nhau. Sự tiếp xúc, gặp gỡ với người kia, tiếp theo là mối quan hệ của họ, đã giúp người kia thức tỉnh. Họ bổ sung cho nhau và họ tìm được điều mình thiếu ở người kia. Liệu mọi chuyện có thể diễn ra như vậy được không, nếu như không phải là ở Hà Nội hay ở bất kỳ một địa điểm nước ngoài nào khác?

Line Papin : Tôi nghĩ là không. Tôi cho rằng câu chuyện diễn ra ở Hà Nội là điều rất quan trọng. Vì Hà Nội gần như là nhân vật thứ năm, thành phố cũng đóng một vai chính trong câu chuyện. Các nhân vật đều là người nước ngoài, họ gặp nhau ở Hà Nội, nhưng họ cũng gặp thành phố. Họ thức tỉnh vì gặp được những nhân vật khác, những người đã khơi dậy cảm xúc trong lòng họ và giúp họ thể hiện những tình cảm đó, có thể là tình yêu, là sự giận dữ. Nhưng chính thành phố cũng khơi dậy những cảm xúc trong lòng họ. Với tất cả những yếu tố này, tôi nghĩ nếu câu chuyện xảy ra ở một Paris tĩnh lặng hơn nhiều, thì có thể buổi tối họ đi tầu điện về nhà và chỉ gửi tin nhắn cho nhau. Nhưng vì là ở Hà Nội, nên họ bị kéo theo với nhịp độ xoay tròn của thành phố.

RFI : Trong câu chuyện, các nhân vật chính không đi làm. Liệu ngoài yếu tố xa nhà, có phải sự nhàn rỗi cũng là một yếu tố khiến tình yêu của họ mãnh liệt hơn?     

Line Papin : Quả thực, điều này cũng đúng. Vì họ không theo nhịp sống đơn điệu, ngày nào cũng như ngày nào, họ không bị ràng buộc vào gia đình, thậm chí họ không làm việc. Nhân vật chính không tên là bồi bàn trong một nhà hàng, cuối cùng cũng xin nghỉ việc. Juliet cũng không đi làm, cô ấy còn đang đi học và đang nghỉ hè. Laura cũng vậy, cô không làm việc. Tất cả đều nhàn rỗi. Chính vì thế, cảm xúc và tình yêu của họ mạnh mẽ và rạo rực như những mối tình trong những kì nghỉ khi chúng ta còn trẻ mà không bị trói buộc vào bất kỳ nghĩa vụ gì. Cuối cùng, chính những mối tình này, những cảm xúc này chiếm hết vị trí.

RFI : Cách chị miêu tả những con phố nhỏ ở Hà Nội và mối tình ngây thơ của Juliet khiến người đọc cảm tưởng có chút gì đó của Người tình (L’amant, 1984) của Marguerite Duras trong tác phẩm của chị. Liệu có đúng thế không?   

Line Papin : Không, đó không phải là chủ ý. Tôi chưa đọc cuốn Người tình và tôi sẽ đọc vì người ta vẫn nói với tôi như vậy, nên tôi phải đọc để xem giống nhau đến mức nào. Có thể họ có liên tưởng đến sự giống nhau do câu chuyện tình đều diễn ra ở Việt Nam, và những câu chuyện tương tự như vậy không có nhiều trong văn học. Đây cũng là điều tình cờ vì tôi lớn lên ở Hà Nội và nhà văn Marguerite Duras cũng sống ở Việt Nam. Về mặt ngôn từ, tôi nghĩ có sự khác biệt, vì lời văn của bà gọn hơn. Trong Thức tỉnh (L’Eveil), lời văn được viết mềm mại hơn, dài hơn, đôi lúc có thể là quá dài. Nhưng đó lại là điểm phong phú hơn so với lời văn của Duras.

RFI : Người ta vẫn nói trong tác phẩm đầu tay thường có một phần câu chuyện của tác giả. Trong Thức tỉnh, chị thấy mình là ai trong số bốn nhân vật?

Line Papin: Tôi thấy mình trong cả bốn nhân vật, vì tôi thấy mỗi người có một cảm xúc riêng. Trong Juliet là sự bừng tỉnh, sự ngây thơ với mối tình đầu. Trong Laura là nỗi buồn và một chút thất vọng. Trong người bồi bàn không tên là một chút bị mất phương hướng nhưng vẫn có tính trung lập. Còn trong Raphael là lý chí. Raphael đóng vai một người lắng nghe. Anh nghe những gì Juliet nói, qua hội thoại với Juliet, người ta biết được chuyện gì xảy ra. Anh cũng là người để người đàn ông có “đôi mắt mầu vàng” thổ lộ tâm sự. Tương tự, Raphael cũng là người để Laura kể chuyện riêng của nàng.

Mỗi người có một cung bậc tình cảm khác nhau. Và tôi, không hẳn có đủ hết tính cách đặc biệt của mỗi người nên tôi thấy mình trong cả bốn nhân vật.

***

Cách dẫn chuyện của Line Papin rất đặc biệt. Người đọc lúc nhập vai Juliet, lúc thì hòa vào vai của người đàn ông không tên. Họ hiểu được cảm xúc, suy nghĩ và băn khoăn của mỗi nhân vật. Nếu như phần hội thoại mở đầu giữa Juliet và Raphael (đồng nghiệp và là bạn tâm giao của người bồi bàn không tên) khá dài, đôi khi người đọc bị phân tâm không biết ai đang nói, thì khi đọc đến những dòng cuối, họ buộc lật lại những trang đầu để hiểu rõ hơn. Line Papin cho biết, mục đích của chị là “kể chuyện thành một vòng. Đây là trò chơi quay lại quá khứ”. Juliet nói ở thời hiện tại với Raphael về quá khứ với người bồi bàn. Người đàn ông không tên này lại hồi tưởng về quá khứ cho đến khi câu chuyện khép lại thành một vòng tròn.

Bìa cuốn sách L'éveil (Thức tỉnh) của nhà văn Pháp Line Papin.
Bìa cuốn sách L'éveil (Thức tỉnh) của nhà văn Pháp Line Papin. Editions Stock

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.