Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - VIỆT NAM

Trung Quốc đòi Việt Nam điều tra vụ hộ chiếu lưỡi bò bị bôi bẩn

Hãng tin AP hôm nay 28/07/2016 cho biết Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam điều tra về thông tin một nhân viên cửa khẩu ở sân bay Thành phố Hồ Chí Minh đã bôi bẩn lên hộ chiếu của một người Trung Quốc, sau khi báo chí đăng ảnh tấm hộ chiếu có bản đồ đường lưỡi bò bị ghi hai chữ « f***you » (có ý nghĩa thô tục).

Trang hộ chiếu Trung Quốc có in hình bản đồ "đường chín đoạn" ở Biển Đông Kunming (ảnh chụp ngày 23/11/2012)
Trang hộ chiếu Trung Quốc có in hình bản đồ "đường chín đoạn" ở Biển Đông Kunming (ảnh chụp ngày 23/11/2012) REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm qua đã ra thông cáo mạnh mẽ lên án hành động mà họ gọi là « đáng xấu hổ và hèn nhát », yêu cầu chính quyền Việt Nam điều tra và trừng phạt nhân viên liên quan. Bà Phạm Thu Hằng, phó phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết cơ quan chức năng đang kiểm tra lại thông tin trên.

Sự cố này xảy ra trong lúc tình hình khu vực vẫn căng thẳng, hơn hai tuần sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye ra phán quyết cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông dựa trên đường 9 đoạn tự vẽ, thường gọi là « đường lưỡi bò », là không có cơ sở pháp lý.

Hà Nội đã hoan nghênh phán quyết, mặc dù thường ngần ngại trong việc chỉ trích Bắc Kinh.

Từ năm 2012, Trung Quốc bắt đầu phát hành các hộ chiếu có in hình tấm bản đồ có « đường lưỡi bò », bao trùm lên hầu hết Biển Đông. Philippines, Việt Nam đã phản ứng bằng cách cấp thị thực rời, từ chối đóng dấu lên các trang có in hình bản đổ này trong hộ chiếu, để chứng tỏ không công nhận « bản đồ lưỡi bò ».

Trung Quốc và Việt Nam từ lâu vẫn bất đồng về chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông. Căng thẳng tăng cao vào năm 2014, sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa, gây ra những cuộc biểu tình hàng loạt phản đối.

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung trong tuần đã nói với hãng tin AP là Hà Nội cũng muốn giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh thông qua đối thoại song phương. Đây là điều mà Trung Quốc muốn ép buộc ASEAN, cho dù không loại trừ việc áp dụng luật quốc tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.