Vào nội dung chính
VIỆT NAM

World Bank : Lộ trình để Việt Nam thành nước thu nhập trung bình cao

Chủ tịch Nhóm Ngân Hàng Thế Giới, Jim Yong Kim, hiện đang thăm Việt Nam. Ngày 23/02/2016, Chính phủ Việt Nam và Ngân Hàng Thế Giới vừa công bố Báo Cáo Việt Nam 2035, trong đó có khuyến nghị lộ trình đưa Việt Nam thành nước thu nhập trung bình cao trong 20 năm tới.

Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới (WB) Jim Yong Kim (G) họp báo về chuyến thăm Việt Nam tại Hà Nội ngày 23/02/2016.
Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới (WB) Jim Yong Kim (G) họp báo về chuyến thăm Việt Nam tại Hà Nội ngày 23/02/2016. REUTERS/Kham
Quảng cáo

Báo cáo Việt Nam 2035, do Chính phủ Việt Nam và Nhóm Ngân Hàng Thế Giới cùng thực hiện, đề ra những biện pháp cải cách chủ yếu nhằm giúp Việt Nam - một nước thu nhập trung bình thấp - phát triển kinh tế, nâng cao công bằng xã hội, và xây dựng được một nền quản trị hiện đại trong vòng 2 thập kỉ tới.

Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng là trở thành nước thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm, để nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 USD vào năm 2035 - khoảng 18.000 USD nếu tính theo sức mua tương đương - so với 2.052 USD năm 2014 - khoảng 5.370 USD tính theo sức mua tương đương.

Ba hướng chính được nêu trong bản báo cáo Việt Nam 2035 gồm : Nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy công bằng - hoà nhập xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Về mặt thứ nhất, báo cáo Việt Nam 2035 đề xuất một số biện pháp tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế và khu vực tài chính, trong đó tập trung vào nâng cao hiệu quả quản lí, bảo vệ quyền sử hữu tài sản, và thực thi chính sách cạnh tranh.

Báo cáo gợi ý cần các chính sách và đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng các ngành công nghiệp có liên quan đến các chuỗi cung ứng toàn cầu, sử dụng khôn ngoan hơn các hiệp định thương mại tự do, kể cả Hiệp định Hợp Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Báo cáo cũng đề xuất cải tiến ngành nông nghiệp hiện vẫn chiếm gần một nửa lực lượng lao động của cả nước, tăng cường bảo vệ môi trường và tăng cường qui hoạch phát triển sản xuất năng lượng sạch.

Tiếp theo, cần phải thúc đẩy công bằng và hoà nhập xã hội, đặc biệt là khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm dân tộc thiểu số và nhóm đa số tại Việt Nam. Nhóm thiểu số chỉ chiếm 15% dân số nhưng chiếm 50% số người nghèo. Bản báo cáo khuyến nghị Việt Nam cần phải có một nền quản trị tốt, các thể chế hiện đại và một xã hội thượng tôn pháp luật.

Cuối cùng, cần phải nâng cao hiệu quả Nhà nước. Việt Nam cần một hệ thống chính quyền thống nhất hơn với quy định về chức năng kinh tế của nhà nước rõ ràng hơn, giảm vai trò trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất và qui định rõ ranh giới giữa khu vực công và khu vực tư, và tuyển dụng và bổ nhiệm dựa trên năng lực. Bên cạnh đó cần tăng cường trách nhiệm giải trình của Nhà nước dựa trên chức năng kiểm soát giữa ba nhánh quyền lực và tạo cơ hội cho người dân góp ý về việc cung cấp dịch vụ công của chính phủ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.