Vào nội dung chính
VIỆT NAM - CHÍNH TRỊ

Việt Nam trỗi dậy dưới sự kiểm soát của Trung Quốc

Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 12 đang diễn ra tại Việt Nam. Bầu ban lãnh đạo mới gồm cả thủ tướng, tổng bí thư, chủ tịch nước và thực hiện các cải cách để thích hợp với hiệp ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương-TPP là những phần chính trong chương trình nghị sự của đại hội Đảng. Báo kinh tế Les Echos số ra ngày 21/01/2016 nhận định : sau đại hội, « Việt Nam sẽ trỗi dậy, nhưng dưới sự kiểm soát của Trung Quốc ».

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (T) và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tại Đại hội Đảng lần thứ 12.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (T) và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tại Đại hội Đảng lần thứ 12. REUTERS/Hoang Dinh Nam
Quảng cáo

Theo Les Echos, ban lãnh đạo mới sẽ phải thông qua kế hoạch kinh tế trong 5 năm tới. Lộ trình đó bao gồm nâng mức thu nhập đầu người từ 3.200 đô la/năm như hiện nay lên 3.500 đôla vào năm 2020 ; duy trì lạm phát dưới ngưỡng 5% và thâm hụt ngân sách không vượt quá 4% GDP.

Tăng trưởng năm nay sẽ phải tăng lên ở mức 6,7% như năm 2015, dựa trên cơ sở tiêu thụ nội địa ổn định (+9,3% năm 2015) và nguồn đầu tư nước ngoài đặc biệt năng động đạt 14,5 tỷ đô-la trong năm vừa qua (+17,4% so với 2014). Thị trường tài chính tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, những nhà đầu tư chính của Việt Nam từ 10 năm qua.

Với 90 triệu dân, Việt Nam có một thị trường lao động trẻ dồi dào. Bên cạnh đó, Việt Nam không chỉ đã hội nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới - WTO, mà còn đã trở thành thành viên của hiệp ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương-TPP.

Thế nhưng, Les Echos lưu ý là hiệp ước này chỉ sẽ có lợi cho Việt Nam với điều kiện nước này phải có những nỗ lực thật sự để thích ứng. Ông Nicolas Audier, có văn phòng luật sư tại Việt Nam từ lâu nay, giải thích:

« Để có thể y theo một cách nhanh nhất, các nhà chức trách sẽ phải cải thiện hơn nữa sự minh bạch trong thị trường công, chống tham nhũng và giám sát việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ ».

Những công việc được cho là đầy gian nan. Chẳng hạn như việc thay đổi duy nhất hệ thống thị trường công buộc phải xem xét lại một phần nguồn hỗ trợ tài chính cho đảng ở cấp độ tỉnh. Tất cả những điều đó đang bị Bắc Kinh theo dõi một cách sít sao.

Trung Quốc huấn luyện dàn lãnh đạo

Les Echos khẳng định đó là một thực tế : Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam rõ ràng đang diễn ra dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát đã ví chuyến công du Hà Nội của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11/2015 giống như việc đóng ấn thông qua các chọn lựa của đảng cộng sản Việt Nam.

Tờ báo mỉa mai nhận định Trung Quốc đang huấn luyện các nhà lãnh đạo của nước láng giềng. Mà quốc gia này không tỏ ra cho thấy cảm giác ngờ vực đối với người anh cả. Về điểm này, ông Benoit de Tréglodé, giám đốc chương trình châu Á tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược của Trường Quân sự Irsem, trực thuộc bộ Quốc phòng Pháp tóm tắt như sau: « Người ta có thể bất đồng về một vấn đề nào đó và hợp tác với nhau trong một lĩnh vực khác. Thực hiện cùng lúc hai việc này là điều bình thường ».

Hơn nữa, tuy Bắc Kinh rõ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, nhưng cả hai quốc gia này cũng đang có những tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông. Cả hai đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, đang tìm cách giải quyết tình huống và vạch ra giới hạn không nên vượt qua.

Theo nhận định của ông Sebastien Colin, giám đốc Trung tâm nghiên cứu của Pháp về Trung Quốc đương đại tại Hồng Kông : « Đó chính là lý do vì sao Hà Nội không nối gót Manila, kiện Bắc Kinh ra trước Tòa Án Trọng Tài của Liên Hiệp Quốc. Bởi vì việc này có lẽ sẽ đầu độc mối quan hệ với Bắc KInh. Điều đó chẳng có lợi cho họ ».

Kinh tế suy thoái: Nga chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất

Một bầu không khí ảm đạm như trời mùa đông đang đè nặng lên kinh tế nước Nga. Giá dầu thô tụt giảm. Đồng rúp liên tục mất giá, chỉ số RTS niêm yết trên sàn chứng khoán Matxcơva bằng đô la giảm đến 15%. Lạm phát tiếp tục tăng từ 12-15% trong năm 2015, thu nhập người dân giảm. Tình trạng suy thoái đang có tác động mạnh lên người nghèo.

« Kinh tế Nga giờ đang chuẩn bị đối mặt với những kịch bản tệ hại nhất », tựa trên Le Monde. Trước tình hình đáng báo động đó, ngày 19/01/2016, Hội Đồng An Ninh Liên bang Nga đã điều chỉnh lại các ưu tiên chiến lược của đất nước. Chính quyền Matxcơva đã nâng tình trạng « mất cân đối hệ thống ngân sách quốc gia » lên mức đe dọa tiềm tàng, cũng như là « tính chất mong manh của hệ thống tài chính quốc gia ».

« Nước Nga giờ đang trong vòng xoáy kinh tế », tựa nhận định của bài xã luận trên Le Monde. Đây rất có thể sẽ là năm thứ hai liên tiếp đất nước của 146 triệu dân phải đương đầu tình trạng suy thoái kinh tế. Le Monde chỉ ra hai lý do chính.

Thứ nhất là do cơ cấu vận hành của Nga. Đất nước này sống nhờ vào nguồn thu từ dầu hỏa, nhưng lại chậm trễ trong các khoản đầu tư cho tương lai : Đó là các loại sản phẩm phái sinh từ dầu mỏ. Việc thiếu vắng nhà nước pháp quyền gần như là nguyên nhân chính làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài.

Lý do thứ hai do tình huống, trong đó nguyên nhân số 1 là giá dầu thô giảm. Ngân sách dành cho năm 2016 của Nga lúc ban đầu được dựa trên mức bán là 50 đô la/thùng, trong khi mà giá trên thị trường hiện nay là 30 đô la/thùng. Nếu như xuất khẩu khí đốt chiếm đến một nửa nguồn thu quốc gia, việc Iran quay trở lại thị trường này sẽ còn gây thêm rắc rối cho Nga.

Nguyên nhân thứ hai là do tác động lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu vì Nga can thiệp vào Ukraina. Cuối cùng là do chi phí các chiến dịch quân sự bên ngoài lãnh thổ cũng đã bắt đầu đè nặng lên ngân sách.

Hệ quả là người dân Nga, những người có thu nhập thấp đã bị ảnh hưởng nặng. Ngay đầu năm, 39% người dân Nga được hỏi thú nhận không có đủ tiền chi tiêu cho các nhu cầu ăn mặc. Đó là chưa kể đến các khoản nợ của các chính quyền cấp vùng.

Trước thực trạng bi quan này, bài xã luận cho rằng quan hệ giữa Nga và phương Tây có nhiều khả năng được xem xét lại. Trả lời phỏng vấn báo Đức, tổng thống Nga Putin đã có lời kêu gọi châu Âu gỡ bỏ lệnh cấm vận. Có vẻ như là ông đã quyết định không làm rối thêm tình hình Ukraina nữa. Trong khi đó Syria cần đến Nga, nhưng đất nước này không muốn rơi vào bẫy cam kết quân sự lâu dài.

Du khách Trung Quốc không biết đến khủng hoảng kinh tế

Kinh tế suy thoái, người dân Nga lo âu nhưng Trung Quốc thì không. Bất chấp tăng trưởng trì trệ, nhưng theo dự đoán đến năm 2020, gần 200 triệu du khách Trung Quốc sẽ đi du lịch ở nước ngoài. Năm vừa qua, con số này chỉ dừng ở mức 125 triệu. Các địa điểm du lịch được họ ưa chuộng là Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.

« Tại Tokyo, Seoul và Bangkok, du khách Trung Quốc không biết đến khủng hoảng » là hàng tựa nhận định trên Les Echos. Theo một báo cáo công bố hôm thứ Ba 19/01/2016 của chính phủ Nhật Bản, trong năm 2015 đất nước Hoa Anh Đào này đã tiếp đón 19,7 triệu khách du lịch, trong đó chỉ riêng 5 triệu du khách Trung Quốc đã chiếm 41% tổng chi tiêu « nước ngoài » tại đất nước này.

Nếu như việc mua sắm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ của du khách Trung Quốc, thì giờ đây họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho mục đích du lịch, ưu tiên cho « du lịch văn hóa ».

Tương tự, tại Thái Lan, du khách Trung Quốc bắt đầu « thám hiểm » ra khỏi hai thành phố Bangkok và Pattaya. « Họ bắt đầu đi tham quan những địa điểm văn hóa như Chiang Mai và Chiang Rai hoặc các bãi biển như Rayong và Krabi », theo lời nhận định của một người hướng dẫn tên Suchart Techaposai với Les Echos.

Xu hướng du lịch kết hợp mua sắm và văn hóa này cũng được du khách áp dụng tại Hàn Quốc, một trong ba địa điểm du lịch yêu thích của họ trong tương lai. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng kinh tế trì trệ tạm thời có vẻ như không phá vỡ được nguồn hứng đi du lịch của người dân Trung Quốc, thì các chuyên gia vẫn cảnh báo nguy cơ mất giá mạnh của đồng nhân dân tệ.

Không động lòng với tượng chủ tịch Mao

Le Monde, trong mục Thư từ Bắc Kinh, thông tín viên nhật báo Harold Thibault, trở lại vụ pho tượng Mao bị phá dỡ chỉ trong vòng có một ngày. Theo giải thishc của một quan chức địa phương với tờ Nhân dân nhật báo, được Le Monde dẫn lại thì các nhà tài trợ xây pho tượng đã không tuân thủ quá trình phê duyệt của chính phủ. Tác giả mỉa mai : « Không chút thương xót với tượng Mao chủ tịch ».

Điều lạ lẫm là công việc xây dựng bức tượng khá là rầm rộ, diễn ra trong hàng tháng trời có vẻ như đã không hề gây phiền toái cho giới chức địa phương. Phải chăng « chủ nghĩa tôn sùng Mao » làm nhà cầm quyền quan ngại? Vào tháng 12 năm 2015, báo chí rầm rộ đưa tin cuộc tụ tập qui mô lớn của những người theo chủ nghĩa « mao » tại Thiều Sơn, tỉnh Hồ Nam cùng hô vang khẩu hiệu « chủ tịch Mao muôn năm ».

Tuy nhiên, theo tờ South China Morning Post của Hồng Kông, một số người đã không thể đến cuộc tụ tập tập này do bị đe dọa. Ngoài ra, nhiều buổi tưởng niệm cũng đã bị chính quyền địa phương hủy bỏ do e sợ thái độ phấn khích này ủng hộ cho sự quay trở lại chủ nghĩa cộng sản « thuần khiết » của giai đoạn trước thời kỳ mở cửa của Đặng Tiểu Bình thập niên 1980.

Trong mắt những người ủng hộ Mao, những điều tồi tệ mà xã hội đang gánh chịu hiện nay bắt nguồn từ sự chệch hướng tư tưởng : nạn tham nhũng lan tràn, bất công xã hội, giá trị đạo đức suy đồi. Vì vậy mà hành động cất tiếng hát ngợi ca công lao chủ tịch Mao ngày xưa chẳng khác nào đang chỉ trích giới cầm quyền ngày nay.

Tờ Global Times thuật lại một cảnh thần bí diễn ra vài ngày trước, trước cửa một đền thờ Lão tử, nơi có bức tượng Mao đặt ngay lối vào, tại tỉnh Cam Túc. Sáu bô lão cất tiếng hát bài Đông phương hồng, bài quốc ca thời Mao chủ tịch. « Tiếp theo, một gương mặt như đến từ thế giới khác, giống như một pháp sư, mặc áo dài cúng, tay cầm kiếm, niệm một tràng dài thần chú với vẻ mặt tươi cười của nhà lãnh đạo vô thần », tờ báo cho biết.

Điều này chẳng nghịch lí chút nào với Mao sao ? Người đã chủ trương phá bỏ triệt để từ năm 1966 các thói tật mê tín dị đoan trong chiến dịch tiêu hủy Bốn cũ (ý tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ và tập quán cũ). Có lẽ lễ kỉ niệm 50 năm buổi đầu thời kì đen tối của lịch sử sẽ kém tưng bừng hơn.

Cam Bốt phát hiện thành phố cổ trong rừng rậm

Trên trang nhất, Le Monde loan báo phát hiện « Một thành phố Khmer cổ trong rừng rậm ». Thủ phủ của « vị thần sấm sét và giông tố » có lẽ đã được tìm thấy nằm cách Angkor 40 km.

Theo các nhà khảo cổ học người Pháp, dường như thành phố Mahendraparvata, thủ đô bí ẩn của đế chế Khmer cổ, ẩn nấp trong một khu rừng rậm tại Cam Bốt. Nhiều dấu tích đã từng được xác định ngay từ đầu thế kỷ XX. Nhưng nhờ vào kỹ thuật laser năm 2015, các nhà khoa học đã làm sáng tỏ một thành phố có thật ẩn trong rừng, còn cổ xưa hơn là những đền đài tại Angkor. Vấn đề còn lại là phải phát quang các bụi cây bao phủ khoảng 100km² đường và đền đài.

Trang nhất các báo Pháp

Chủ đề trên trang nhất các tờ báo lớn của Pháp khá đa dạng. Les Echos báo động tình trạng « Khủng hoảng tài chính leo thang ». Giá dầu thô ngày lại tụt mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, dầu thô đã bị mất đến 10 đô la/thùng, tức mất đến 26%. Hệ quả là gây ra những tác động thảm hại lên nền tài chính các nước sản xuất dầu. Thêm vào đó là tình hình kinh tế Trung Quốc bị chựng lại. Chỉ số chứng khoán CAC40 của Pháp đã bị mất đến hơn 11%, gần như trở về mức thấp nhất trong năm 2015.

Một báo động khác cũng được La Croix đưa ra « Các thành phố thiếu bác sĩ ». Ngày càng có nhiều bác sĩ tổng quát nghỉ hưu nhưng không được thay thế, kể cả trong các khu đô thị lớn. Tờ báo dành hai trang lớn cho biết việc « Tìm một bác sĩ trong thành phố ngày càng khó khăn hơn ». Đối mặt với tình trạng này, La Croix cho biết bộ Y tế Pháp đang có những chính sách « Củ cà rốt hơn là cây gậy ».

« Thế giới đối đầu với tình trạng thánh chiến lây lan » là hàng tít nhận định trên trang nhất của Le Figaro. Bộ trưởng Quốc phòng các nước phương Tây đã tụ họp tại Paris hôm 20/01/2016 để cùng đưa ra các chiến lược. Như vậy là « Liên quân muốn đánh mạnh vào lòng tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS và các di căn của chúng », tựa bài viết trên trang 2 và 3.

Theo nhật báo, quân thánh chiến Daech đã có một kế hoạch rất « chi tiết để vươn ra nước ngoài ». Trong khi đó, tại châu Phi, al-Qaida đang chống chọi với sự cạnh tranh của Daech đến từ Irak. Đặc biệt, tờ báo lưu ý là khu vực « Afghanistan-Pakistan vẫn là mũi nhọn chính của quân thánh chiến tại châu Á ».

Le Monde và Libération đồng quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, khi cùng thông báo sự ra đi của đạo diễn người Ý lần lượt với các tít lớn : « Ettore Scola, bậc thầy bi kịch của hài kịch Ý » và « Scola rời vũ hội ». Đạo diễn của bộ phim « Một ngày đặc biệt » đã từ giã cõi đời ở tuổi 84. Cả hai tờ báo đều dành hẳn một trang riêng để điểm lại cuộc đời và sự nghiệp của nhà đạo diễn này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.