Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Trần Văn Khê : Suốt đời quảng bá âm nhạc dân tộc

Đăng ngày:

Khi biết mình khó qua khỏi cơn bệnh nặng lần này, giáo sư Trần Văn Khê đã lập di nguyện, nêu rõ là một khi ông vĩnh viễn ra đi, căn nhà mà ông đang ở tại quận Bình Thạnh sẽ được dùng là Nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Toàn bộ các hiện vật liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của ông từ Pháp mang về Việt Nam như: sách vở, báo chí, đĩa hát các loại, phim ảnh, nhạc khí, máy ghi hình, máy ghi âm, tranh, hình ảnh... được giao lại cho ban quản lý nhà lưu niệm này.

Giáo sư Trần Văn Khê - DR
Giáo sư Trần Văn Khê - DR
Quảng cáo

Về khoản tiền phúng điếu cho tang lễ, giáo sư bày tỏ mong muốn ban tang lễ dùng số tiền này để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng mang tên ông để hàng năm trao cho người được giải thưởng về nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Hai ý nguyện nói trên cho thấy hoài bão của người quá cố từ xưa đến nay vẫn là cố gắng duy trì di sản âm nhạc của Việt Nam và truyền đạt những kiến thức mà ông đã hấp thụ từ bao nhiêu năm qua. 

Theo tiểu sử đăng trên trang web cá nhân của con trai của ông là giáo sư Trần Quang Hải ( cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam danh tiếng ), giáo sư Trần Văn Khê sinh ngày 24/07/1921 trong gia đình có bốn đời là nhạc sĩ truyền thống tại Mỹ Tho. Cụ cố Trần Quang Thọ trước kia là nhạc công Triều đình Huế. Ông nội là Trần Quang Diệm, tục danh là Ông Năm Diệm, biết đàn kìm, đàn tranh, nhưng chuyên đàn tỳ bà theo phong cách Thần kinh. Cha là Trần Quang Triều, mà giới tài tử trong Nam thường gọi là Ông Bảy Triều, biết đàn nhiều cây, mà đặc biệt nhất là đờn độc huyền (đàn bầu), và đờn kìm (đàn nguyệt). Người cô thứ ba Bà Trần Ngọc Viện, tục gọi là Cô Ba Viện, nguời sáng lập gánh hát Đồng Nữ Ban, toàn diễn viên con gái, con của nông dân vùng Vĩnh Kim, Đông Hòa, Long Hưng. Do ba mẹ Trần Văn Khê mất sớm, Cô Ba Viện đã nuôi ba anh em Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch và Trần Ngọc Sương cho đến ngày khôn lớn. 

Nhờ có dòng máu nhạc sĩ từ mấy đời như vậy, nên ngay từ năm 6 tuổi, cậu bé Trần Văn Khê đã biết đàn kìm, đàn cò, đàn tranh. Với năng khiếu âm nhạc bẩm sinh, Trần Văn Khê tham gia rất nhiều sinh hoạt văn nghệ trong thời gian học trung học và đại học. Khi tham gia kháng chiến từ năm 1945 đến năm 1948, Trần Văn Khê chủ yếu cũng dùng âm nhạc làm vũ khí chiến đấu, chứ không cầm súng. 

Trần Văn Khê sang Pháp du học từ năm 1949. Hè năm 1951, ông thi đậu vào trường Chính trị Khoa giao dịch quốc tế, nhưng chưa kịp nhận nhiệm sở thì bị bệnh nặng, phải nằm bệnh viện liên tục trong suốt mấy năm. Chính trong thời gian bị « giam lỏng » trong nhà thương mà Trần Văn Khê đã có thời giờ tìm đọc nhiều sách tại các thư viện và từ đó sự nghiệp của ông rẻ sang một ngõ khác, vì sau khi khỏi bệnh, Trần Văn Khê quyết định theo học khoa nhạc học và đậu Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne năm 1958. 

Năm 1960, giáo sư Trần Văn Khê được bổ nhiệm vào Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp CNRS, nơi mà ông làm Giám đốc nghiên cứu. Từ năm 1963, ông dạy trong Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương, dưới sự bảo trợ của Viện Nhạc học Paris (Institut de Musicologie de Paris). 

Giáo sư Trần Văn Khê là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế. Ông là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu của Đức. Có 43 nước trên thế giới đã mời Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê thuyết trình và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam. Những hoạt động giảng dạy, diễn thuyết không ngừng nghỉ của ông suốt hơn 50 năm đã giúp quảng bá rộng rãi âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Cho đến khi quay về Việt Nam sống, ở tuổi hơn 90, ông vẫn miệt mài tiếp tục công việc này cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. 

Theo thống kê của giáo sư Trần Quang Hải, 27 năm làm việc, giáo sư Trần Văn Khê đã đăng gần 200 bài, đa số viết bằng tiếng Pháp, một số nhỏ bằng tiếng Anh, có môt số bài được dịch ra tiếng Đức, tiếng Trung quốc, tiếng Ả Rập và những bài đăng trong tạp chí Le Courrier de l'Unesco được dịch ra hơn 15 thứ tiếng. 

Ông đã được các nước mời hay được Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp và UNESCO phái đi dự gần 200 hội nghị quốc tế trên 67 nước trên thế giới. 

Giáo sư Trần Văn Khê cũng đã tự ghi âm trên 600 giờ âm nhạc và trao đổi với nghệ nhân, nghệ sĩ Việt Nam, trên 300 giờ âm nhạc Châu Á, châu Phi, chụp hơn 8.000 tấm ảnh, dương bản, ảnh màu hoặc đen trắng về sinh hoạt âm nhạc tại Việt Nam và tại nhiều nước đã đi qua, thu thập được gần 500 dĩa hát của các nước trên thế giới, thực hiện được hơn 15 dĩa hát về âm nhạc truyền thống Việt Nam, 4 dĩa được 5 giải thưởng lớn của Hàn lâm viện dĩa hát Pháp, năm 1960, 1970, dĩa hát Đức quốc năm 1969, Diapason d'or của tạp chí chuyên về giới thiệu và phê bình dĩa hát tại Pháp, và Giải các nhà phê bình dĩa hát tại Đức quốc năm 1994. 

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 18/06/2015, giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam điểm lại những đóng góp của giáo sư Trần Văn Khê trong việc nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Đối với giáo sư Tô Ngọc Thanh, căn nhà của giáo sư Trần Văn Khê nay đã trở thành « tụ điểm » cho những ai yêu thích âm nhạc dân tộc. 

Về phần nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân ở Huế, vừa là học trò vừa là bạn của giáo sư Trần Văn Khê, trước hết kể về cơ duyên đã đưa ông đến với nhà âm nhạc dân tộc này. Ông đặc biệt nêu lên những cái « lớn » của giáo sư Trần Văn Khê, đồng thời nhắc lại những gì mà ông đã học được từ thầy Trần Văn Khê.

Nghe toàn bộ tạp chí với phần phỏng vấn giáo sư Tô Ngọc Thanh và nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.

18:42

Tưởng niệm GS TRẦN VĂN KHÊ 24/06/2015

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.