Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Việt Nam bị cáo buộc "xuất khẩu nạn phá rừng"

Đăng ngày:

Báo cáo ngày 28/7/2011 của Cơ quan Điều tra về Môi trường EIA nêu bật tình trạng doanh nghiệp Việt Nam nhập ồ ạt gỗ thô từ Lào. Điều này bị đồng hóa với việc "xuất khẩu nạn phá rừng", vào lúc Việt Nam đang thúc đẩy việc bảo vệ rừng trên lãnh thổ của mình.

Trang bìa báo cáo ngày 28/07/2011của Cơ quan Điều tra Môi trường về việc buôn lậu gỗ từ Lào qua Việt Nam.
Trang bìa báo cáo ngày 28/07/2011của Cơ quan Điều tra Môi trường về việc buôn lậu gỗ từ Lào qua Việt Nam. Nguồn : eia-international.org
Quảng cáo

Ngày 28/7/2011, Việt Nam đã bị tổ chức phi chính phủ mang tên Cơ quan Điều tra về Môi trường (Environment Investigation Agency - EIA), trụ sở tại Luân Đôn, tố cáo là đã góp phần phá hoại rừng tại Lào. Trong một bản báo cáo công bố tại Bangkok, tổ chức bảo vệ môi trường này đã cáo buộc đích danh một tập đoàn chế biến gỗ thuộc quân đội Việt Nam là đã thu mua gỗ lậu từ Lào để dùng vào công việc kinh doanh của mình.

Tập đoàn bị nêu tên là Tổng Công ty Hợp tác Kinh Tế COECCO, bị coi là một trong những kẻ « đốn rừng » sừng sỏ nhất tại Lào, đã đóng một « vai trò then chốt » trong việc buôn lậu gỗ qua Việt Nam.

Theo Cơ quan Điều tra về Môi trường, cho dù Lào đã có luật lệ nghiêm cấm việc xuất khẩu gỗ thô, nhưng hàng năm có ít nhất 500.000 mét khối gỗ lậu, trị giá khoảng 150 triệu đô la, được chuyển qua Việt Nam. Số gỗ này được dùng vào việc sản xuất đồ gỗ để xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu.

Lẽ dĩ nhiên, Việt Nam không phải là nước duy nhất bị cáo buộc khuyến khích tệ nạn phá rừng tại Lào. Nằm trong danh sách đen của EIA còn có hai láng giềng khác của Lào là Trung Quốc và Thái Lan.

"Bảo vệ rừng của chính mình, nhưng lấy cây rừng một cách vô tội vạ ngay nhà bên cạnh"

Khi công bố bản báo cáo, ông Julian Newmans, một giám đốc tại tổ chức EIA đã nêu bật nghịch lý là Việt Nam « công nhận sự cần thiết phải bảo vệ rừng của chính mình, nhưng lại đi lấy cây rừng một cách vô tội vạ ở ngay nhà bên cạnh ». Đối với nhân vật này, tình trạng đó gần giống như là việc chuyển dịch nạn phá rừng.

Nhận định trên đây của tổ chức bảo vệ môi trường Anh Quốc không phải là điều mới lạ. Vào trung tuần tháng Bảy vừa rồi, một công trình nghiên cứu mới của Liên Hiệp Châu Âu đã báo động rằng một số nước, ngoài mặt thì có vẻ rất tiến bộ trong việc cắt giảm khí nhà kính thải ra nhờ trồng lại rừng, nhưng trong thực tế thì như đã « di dời » việc thải khí qua nước khác bằng cách tăng gia lượng lâm sản nhập khẩu từ các quốc gia đó.

Bản nghiên cứu nêu trường hợp của Trung Quốc, Việt Nam và Costa Rica, đã gia tăng đáng kể diện tích rừng của mình, nhưng cũng tăng gia nhập khẩu lâm sản để đáp ứng cho nhu cầu trong nước.

Phải nói rằng Việt Nam là một trong số nước đang phát triển được khen ngợi về thành tích trồng thêm rừng. Theo số liệu của chương trình bảo vệ rừng Liên Hiệp Quốc UN-REDD, diện tích rừng của Việt Nam đã trải qua những thay đổi đáng kể trong vòng 50 năm trước đây và theo chiều hướng tích cực.

Từ năm 1945 đến đầu những năm 1980 khoảng 50% rừng Việt Nam đã bị phát quang, chủ yếu để cho canh tác nông nghiệp. Vào khoảng năm 1990, mật độ che phủ rừng đã bị rơi xuống mức tối thiểu, chỉ còn khoảng 27%.

Tuy nhiên, từ năm 1990 đến 2000, kế hoạch trồng lại rừng trên quy mô rộng lớn đã mang lại kết quả : Việt Nam đã đạt được trung bình 236.000 ha rừng mới mỗi năm, tương đương với mức tăng 2,5% hàng năm.

Từ năm 2000 đến 2005, tỷ lệ tăng trưởng chậm lại đôi chút, chỉ còn là 2,1% mỗi năm, và đến năm 2008 độ che phủ rừng đạt 38,7%.

Thành tích này rất được chú ý, nhưng lại khiến cho mâu thuẫn tiềm tàng trong việc trồng rừng trong nước và phá rừng ngoài nước bị bộc lộ. Vào năm ngoái, một bài viết trên chuyên san Stanford Report (08/09/2010) của trường đại học Stanford rất có uy tín tại Hoa Kỳ đã giới thiệu nghiên cứu của ông Eric Lambin, giáo sư ngành Hệ thống Môi trường Trái Đất và chuyên gia nghiên cứu cao cấp Viện Môi trường Woods thuộc Đại học Stanford, giáo sư địa lý tại Đại học Louvain ở Bỉ.

Khi nghiên cứu về các quốc gia thành công trong việc trồng rừng, giáo sư Lambin đã quan tâm đến trường hợp Việt Nam và ghi nhận một xu hướng rất tích cực. Đó là sau một thời gian dài bị tàn phá, kể từ đầu thập niên 1990, rừng Việt Nam đã tái sinh, với diện tích mới hơn hẳn diện tích bị phá.

Việt Nam : Công nghiệp đồ gỗ tăng gấp năm nhưng chủ yếu dùng gỗ nhập

Tuy nhiên ông cũng ghi nhận một hiện tượng khác thường là cũng trong thời điểm đó, ngành xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã tăng vọt, được nhân lên gấp 5 lần trong khoảng thời gian từ 1987 đến năm 2006.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà Việt Nam có thể đẩy mạnh ngành công nghiệp sản xuất đồ gỗ trong khi ít đụng chạm đến các khu rừng của mình vốn là nguồn nguyên liệu chính cho lãnh vực sản xuất này ?

Và giáo sư Lambin đã tìm ra câu trả lời : Việt Nam không sử dụng nhiều gỗ bản địa, mà chủ yếu dùng gỗ nhập từ các nước láng giềng, như Lào hoặc Cam Bốt, nơi mà luật lệ về môi trường lỏng lẻo hơn. Vấn đề theo ông là gần một nửa lượng gỗ nhập khẩu của Việt Nam lại là nhập lậu, cho nên rất khó theo dõi và điều hòa.

Một cách hình tượng, có thể nói là Việt Nam đã xuất khẩu nạn phá rừng qua các nước khác, trong khi thúc đẩy việc bảo vệ rừng trên lãnh thổ của mình. Và Việt Nam không phải là trường hợp duy nhất.

Trong một công trình nghiên cứu chung, công bố cuối năm 2010 (23/11/2010), trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS), giáo sư Eric Lambin cùng hai đồng nghiệp Patrick Meyfroidt, Đại học Louvain (Bỉ) và Thomas Rudel, Đại học Rutgers, tiểu bang New Jersey (Hoa Kỳ) đã tập trung nghiên cứu 6 quốc gia đang phát triển được đánh giá là có thành tích tốt trong công cuộc khôi phục rừng, tức là chuyển từ tình trạng mất rừng qua tình trạng có thêm rừng.

Sáu quốc gia được nghiên cứu là Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ ở châu Á, cùng với ChiLê, Costa Rica và El Salvador ở châu Mỹ La Tinh. Kết luận của các tác giả rất rõ ràng : Ngoại trừ Ấn Độ, năm nước còn lại đều “chuyển dịch nạn phá rừng ra ngoại quốc”, và việc phục hồi rừng ở nhà đã dẫn đến nạn phá rừng ở nước ngoài.

Theo ông Patrick Meyfroidt, chủ biên của công trình nghiên cứu, tại 5 nước gọi là “xuất khẩu” nạn phá rừng, sự trở lại của rừng nguyên sinh luôn đi kèm với việc giảm thu hoạch gỗ và giảm diện tích đất nông nghiệp mới, do đó tạo ra nhu cầu đối với gỗ và nông sản nhập khẩu.

Một cách cụ thể, theo các tác giả, trong vòng 5 năm gần đây, mỗi khi các nước kể trên trồng thêm được 100 mẫu rừng mới, thì lập tức có 52 mẫu rừng bị phá tại các quốc gia khác, kể cả tại Brazil và Indonesia, hai nước tập trung 61% diện tích rừng nhiệt đới bị phá trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2005.

Về bản báo cáo của Cơ quan Điều tra Môi trường, trả lời phỏng vấn của RFI, chuyên gia môi trường Nguyễn Đức Hiệp tại Úc, đã cho rằng EIA là một tổ chức rất có uy tín, khi đưa ra một thông báo nào thì đều căn cứ vào quá trình điều tra cụ thể tại chỗ, với những bằng chứng, tài liệu, hình ảnh cụ thể. Chính vì đây là một tổ chức có uy tín, mà những khuyến cáo của họ thường được các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam lắng nghe.

10:41

Chuyên gia môi truờng Nguyễn Đức Hiệp tại Sydney (Úc)

Trọng Nghĩa

Trong tình hình đó, theo chuyên gia Nguyễn Đức Hiệp, chính quyền Việt Nam cần chấn chỉnh lại vấn đề sử dụng nguồn gỗ nhập khẩu, nếu không thì ngành xuất khẩu đồ gỗ đang rất phát triển sẽ bị tác hại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.