Vào nội dung chính
VIỆT NAM - NHÂN QUYỀN - ĐẶNG ĐÌNH BÁCH

Việt Nam: Chuyên gia Liên Hiệp Quốc quan ngại về tình trạng của nhà hoạt động Đặng Đình Bách

Trong thông cáo hôm 14/02/2024, các chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại về tình trạng của nhà hoạt động bảo vệ môi trường Đặng Đình Bách và kêu gọi Việt Nam ngừng « truy bắt », ngừng « giam giữ trong những điều kiện tồi tệ » những nhà hoạt động nhân quyền và môi trường.

Dang Dinh Bách is a human rights defender and community lawyer who has been a leader of the climate change movement in Vietnam, seeking a just transition from fossil fuels. He was arrested on 24 June
Luật sư, nhà bảo vệ môi trường Đặng Đình Bách, bị bắt ngày 24/06/2021. © twitter.com/IHSR
Quảng cáo

Luật sư Đặng Đình Bách là một nhà hoạt động đã lên tiếng về nạn ô nhiễm môi trường tại Việt Nam và những ảnh hưởng đến đời sống của người dân từ các dự án điện than và dự án công nghiệp gây ô nhiễm khác.

Ông đã bị bắt hồi tháng 6/2021 và sau đó bị tuyên án 5 năm tù vì tội « trốn thuế ». Trong phiên xử phúc thẩm tháng 8/2022, tòa đã xử y án. Luật sư Bách đã ba lần tuyệt thực để phản đối bản án này.

Trong bản thông cáo, 10 chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc bày tỏ « quan ngại sâu sắc về mức độ an toàn và những điều kiện giam giữ nhà bảo vệ môi trường Đặng Đình Bách ». Bản thông cáo nói rõ là ông Đặng Đình Bách bị « phân biệt đối xử trong trại giam », hay « có thông tin cho rằng ông bị hành hung và đánh đập trong nhà tù ».

Vẫn theo các chuyên gia nói trên, nhà hoạt động môi trường này đã bị « tước đoạt một số quyền tự do cơ bản », trong đó có « quyền hội họp và bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa ». Họ kêu gọi chính quyền Việt Nam « ngừng ngược đãi » luật sư Đặng Đình Bách, « không nên dùng việc tước đoạt tự do và ngược đãi tù nhân như một công cụ để bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền và những tiếng nói trong xã hội dân sự dám đề cập đến những vấn đề nhạy cảm. »

Nhóm chuyên gia độc lập, hay báo cáo viên đặc biệt, tuy làm việc theo ủy quyền của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhưng không phát biểu nhân danh Liên Hiệp Quốc. Các báo cáo viên đặc biệt này tham gia «Thủ tục Đặc biệt » của Hội đồng Nhân quyền (Special Procedures), tức « cơ quan chuyên gia độc lập lớn nhất trong hệ thống các cơ quan phụ trách Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc », có nhiệm vụ « giám sát và tìm hiểu một cách độc lập » về thực trạng nhân quyền tại các nơi trên thế giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.