Vào nội dung chính
VIỆT NAM - DOANH NGHIỆP - THUẾ

Việt Nam sẽ áp thuế tối thiểu 15% với các công ty đa quốc gia

Quốc Hội Việt Nam hôm nay, 29/11/2023, đã thông qua nghị quyết về việc áp dụng mức thuế toàn cầu tối thiểu 15% đối với các công ty đa quốc gia, mà cho tới nay vẫn được hưởng mức thuế ưu đãi ở Việt Nam. Nghị quyết sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024.

This picture taken on January 11, 2017 shows a truck leaving the main gate of the Ford automotive plant in the northern province of Hai Duong.
Một chiếc xe tải rời khỏi nhà máy lắp ráp ô tô Ford ở Hải Dương, Việt Nam, ngày 11/01/2017. AFP - HOANG DINH NAM
Quảng cáo

Việc áp thuế toàn cầu tối thiểu chính là nhằm ngăn chặn tình trạng các tập đoàn đa quốc gia tập trung đầu tư vào những nước có mức thuế thấp. Trong năm 2021, hơn 130 nước đã đồng ý sẽ áp mức thuế toàn cầu tối thiểu 15%. Theo tính toán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE, việc áp thuế toàn cầu tối thiểu sẽ làm tăng thêm 200 tỷ đôla tiền thuế cho các chính phủ trên thế giới.  

Trên nguyên tắc, mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam là 20%, nhưng để thu hút đầu tư ngoại quốc, chính phủ Hà Nội vẫn áp mức thuế ưu đãi, rất thấp, đối với các công ty đa quốc gia. Với nghị quyết vừa được Quốc Hội thông qua, như vậy là kể từ đầu năm tới, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoảng 100 tập đoàn lớn của ngoại quốc đặt cơ sở tại Việt Nam sẽ tăng mạnh. 

Theo hãng tin AFP, mặc dù các đại biểu Quốc Hội đã thông qua mức thuế tối thiểu 15%, chủ tịch Ủy ban Tài chính của Quốc Hội báo trước là Việt Nam sẽ đưa ra những biện pháp mới để hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài, để các công ty này “cảm thấy yên tâm trong môi trường đầu tư ở Việt Nam”.

Việt Nam nay đã trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn đối với một số tập đoàn lớn của thế giới, nhất là Samsung và Foxconn, để thay thế Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.