Vào nội dung chính
VIỆT NAM - ĐẤT HIẾM

Việt Nam : Nhen nhóm tham vọng vào tốp đầu các nước sản xuất đất hiếm

Hãng tin Reuters ngày 25/09/2023,  dẫn các nguồn từ nhiều doanh nghiệp cho hay, Việt Nam đang có kế hoạch khởi động lại mỏ đất hiếm lớn nhất của mình vào năm tới bằng các dự án được hỗ trợ tài chính từ phương Tây để có thể cạnh tranh với đối thủ đất hiếm lớn nhất thế giới là Trung Quốc để thúc đẩy phát triển công nghệ tiên tiến.

Ảnh minh họa: Khai thác đất hiếm tại một khu mỏ trong tỉnh Giang Tây, Trung Quốc.
Ảnh minh họa: Khai thác đất hiếm tại một khu mỏ trong tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. AP
Quảng cáo

Động thái này có thể sẽ là một bước tiến hướng tới mục tiêu của Việt Nam  là thiết lập chuỗi cung ứng đất hiếm, bao gồm mở rộng khả năng tinh chế quặng thành kim loại được sử dụng chế tạo các trong nam châm cho xe điện, điện thoại thông minh và tua-bin gió.

Tessa Kutscher,  giám đốc điều hành của công ty Blackstone Minerals Ltd. của Úc, cho biết bước đầu tiên là chính phủ Việt Nam có ý định tổ chức đấu thầu một số lô tại mỏ Đông Pao( Lai Châu) trước khi kết thúc năm nay, dự kiến ít nhất sẽ có một hợp đồng nhượng quyền khai thác. Bà trích dẫn thông tin chưa được công bố từ Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và từ chối bình luận.

Thời điểm đấu thầu có thể sẽ thay đối, tuy nhiên chính phủ dự kiến khởi động lại khai thác mỏ vào năm tới, ông Lưu Anh Tuấn, chủ tịch Công ty cổ phần  Đất hiếm Việt Nam ( VTRE), công ty khai thác, tinh luyện chế đất hiếm chủ yếu của Việt Nam, đồng thời là đối tác trong dự án với Blackstone, khẳng định.

Đề xuất khởi động lại mỏ Đông Pao diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia lo ngại về khả năng bị gián đoạn nguồn cung do sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các khoáng sản chiến lược cũng như tranh chấp của nước này với Hoa Kỳ và các đồng minh. Năm nay, Bắc Kinh đã áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu các kim loại hiếm được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn. Theo một cố vấn chính sách có ảnh hưởng của Trung Quốc thì đó mới chỉ là bước khởi đầu.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ U.S. Geological Survey, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới. Nhưng những mỏ đó phần lớn vẫn chưa được khai thác, với các khoản đầu tư không được khuyến khích do giá thấp, do Trung Quốc đặt ra vì họ gần như độc quyền trên thị trường toàn cầu.

Đến thăm Hà Nội trong tháng này để cải thiện quan hệ song phương, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường khả năng thu hút các nhà đầu tư cho trữ lượng đất hiếm của Việt Nam.

Trong các trao đổi với Reuters, 12 lãnh đạo công nghiệp, đầu tư, nhà phân tích và quan chức nước ngoài đã phác thảo các dự án của họ đối với Việt Nam, bao gồm cả các đầu tư mà theo họ các dự án đó cho thấy những phát ngôn về việc thu gọn chuỗi cung ứng nhằm giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc đang được thể hiện bằng hành động cụ thể. Một số người thừa nhận có những khó khăn trong việc tạo ra một trung tâm đất hiếm tại Việt Nam, nhưng đều cho biết dự án có thể biến Việt Nam thành một tác nhân vững vàng đồng thời là giảm mối lo lắng chiến lược, kể cả nếu Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế.

Bà Kutscher cho biết đầu tư của Blackstone trong dự án này có trị giá khoảng 100 triệu đô la trong trường hợp thắng thầu. Bà cho biết công ty đang thảo luận với các khách hàng tiềm năng, nhất là với các nhà sản xuất ô tô điện VinFast và Rivian ( nhà chế tạo xe hơi Mỹ), về các hợp đồng giá cố định để cho phép bảo vệ các nhà cung cấp khỏi những biến động và đảm bảo cho khách hàng chuỗi cung ứng an toàn.

Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư Nhật Bản Toyota Tsusho và Sojitz đã bỏ các dự án của họ ở Đông Pao sau khi Trung Quốc tăng nguồn cung, khiến giá sụt giảm. Khi được hỏi về khả năng VinFast tham gia dự án, người phát ngôn của công ty mẹ Vingroup cho biết đơn vị cung ứng nguyên liệu thô của tập đoàn là VinES không có dự án nào đang triển khai với Blackstone liên quan đến đất hiếm.

Theo một quan chức của công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu Lavreco, việc khai thác hiệu quả mỏ Đông Pao, ngừng hoạt động ít ra là từ 7 năm qua - sẽ đẩy Việt Nam lên tốp đầu các nước sản xuất đất hiếm.

Nhưng việc tinh chế đất hiếm rất phức tạp và Trung Quốc kiểm soát nhiều công nghệ chế biến. Theo Blackstone, trữ lượng ước tính ở Đông Pao cũng cần được đánh giá lại bằng các phương pháp hiện đại.

Tuy nhiên, đất hiếm ở Đồng Pao tương đối dễ khai thác và chủ yếu tập trung trong quặng bastnaesit, theo Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội. Những quặng này thường giàu cerium, được sử dụng sản xuất màn hình phẳng hay nam châm.

Ông Tuấn cho biết VTRE hy vọng sẽ đạt được nhượng quyền cho phép họ khai thác khoảng 10.000 tấn oxit đất hiếm (REE) mỗi năm, tương đương khoảng 1/3 sản lượng hàng năm theo kế hoạch của mỏ. Việc sản xuất có thể bắt đầu vào cuối năm 2024. Theo U.S. Geological Survey (USGS), sản lượng của Đông Pao có thể sẽ thấp hơn một chút so với Mountain Pass, California, một trong những mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới, nơi sản xuất 43.000 tấn oxit đất hiếm REO vào năm 2022.

Việt Nam cũng có kế hoạch phát triển các mỏ khác. Hồi tháng 7, Hà Nội đặt mục tiêu sản xuất tới 60.000 tấn tương đương REO mỗi năm vào năm 2030. Năm ngoái, Trung Quốc đặt hạn ngạch quốc gia là 210.000 tấn.

David Merriman, nhà phân tích nghiên cứu tại công ty tư vấn Project Blue, cho biết những mục tiêu đó sẽ cho phép Việt Nam sản xuất từ ​​5% đến 15% sản lượng dự kiến ​​của Trung Quốc vào cuối thập kỷ này. Ông kỳ vọng Trung Quốc sẽ tăng sản lượng trong giai đoạn này.

Ông nói thêm rằng các mục tiêu của Việt Nam là “đầy tham vọng, ngay cả khi chúng không hoàn toàn nằm ngoài khả năng”.

Được Hoa Kỳ khích lệ 

Theo một bản tin của Nhà Trắng, Hoa Kỳ đã đồng ý giúp Việt Nam khải thiện việc lập bản đồ tài nguyên đất hiếm và “thu hút đầu tư có chất lượng, điều này có thể khuyến khích các nhà đầu tư Mỹ  tham gia vào các dự án .  Reuters không thể xác định liệu có dự án cụ thể nào liên quan đến các nhà đầu tư Mỹ ở giai đoạn này hay không. Các quan chức tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Nhà Trắng và Bộ Thương mại đã từ chối trả lời.

John Rockhold, nhà tư vấn trong lĩnh vực đất hiếm và chủ tịch chi nhánh Hà Nội của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, cho biết những nỗ lực gần đây của Hoa Kỳ nhằm giành được chỗ đứng trong ngành đất hiếm của Việt Nam đã không thành công và một dự án thuộc loại này liên quan đến VTRE đã thất bại trong năm nay.

Kế hoạch này dự trù chuyển đất hiếm được VTRE tinh chế sang Hoa Kỳ và một khoảng đầu tư trị giá 200 triệu đô la vào Việt Nam, theo một báo cáo riêng cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ mà Reuters được biết. VTRE đã xác nhận thỏa thuận chuyển đất hiếm này đã thất bại. Thay vào đó, hồi tháng 4, Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam thông báo một thỏa thuận cung cấp 1000 tấn oxit đất hiếm trong năm nay cho tập đoàn Úc Australian Strategic Materials (ASM).

Từ quặng đến thành phẩm không đơn giản

Về lâu dài, VTRE dự kiến phải đóng một vai trò trong toàn bộ ngành công nghiệp đất hiếm, từ khai thác quặng đến thành phẩm, ông Tuấn, người cùng vợ sở hữu phần lớn cổ phần của VTRE cho biết.

Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Mỹ hiện xuất khẩu quặng đất hiếm sang Trung Quốc để chế biến vì nước này không có cơ sở riêng. Hiện VTRE đã có một nhà máy ở miền bắc Việt Nam chuyên tách oxit đất hiếm khỏi quặng khai thác. Ông Tuấn cho biết, nhà máy có công suất chế biến 5.000 tấn đất hiếm mỗi năm nhưng công ty có kế hoạch tăng gấp ba công suất đó để đáp ứng nhu cầu của Đông Pao.

Sau khi được phân tách, các oxit được chế biến thành kim loại dùng trong chế tạo nam châm và các ứng dụng công nghiệp khác. Quy trình tinh chế thành kim loại hiện do Trung Quốc kiểm soát. Theo bộ Năng Lượng Mỹ, Trung Quốc sản xuất 90% kim loại đất hiếm hiếm.

Nhưng VTRE đang tiến hành một dự án thí điểm xây dựng một nhà máy tinh luyện kim loại đất hiếm hợp tác với công ty Hàn Quốc Setopia, một công ty không có kinh nghiệm nhiều trong lĩnh vực này.

Đầu tư ban đầu hai bên sẽ khoảng 4 triệu đô la, Setopia đóng góp chính, một quan chức của công ty cho Reuters hay. Năm tới, nhà máy này có thể sẵn sàng đi vào hoạt động.

Theo Dudley Kingsnorth, giáo sư tại Trường Mỏ Tây Úc thuộc Đại học Curtin, Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đạt mục tiêu về đất hiếm, nhất là trong việc cải thiện bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ông cho biết Việt Nam “có nguồn tài nguyên, có chuyên môn khai thác và xử lý  quặng để có thể đưa ra những lựa chọn thay thế cho Trung Quốc”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.