Vào nội dung chính
VIỆT NAM - VATICAN

Việt Nam và Vatican đồng thuận mở văn phòng đại diện thường trực của Tòa Thánh tại Hà Nội

Chiều qua 27/07/2023, tại Vatican, giáo hoàng Phanxicô đã tiếp chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và phu nhân. Nhân dịp này hai bên chính thức ký thỏa thuận về quy chế của đại diện thường trú Tòa Thánh tại Việt Nam. Văn phòng đại diện của Vatican sẽ được đặt tại Hà Nội.  

Giáo hoàng Phanxicô tiếp chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng, Vatican, ngày 27/07/2023.
Giáo hoàng Phanxicô tiếp chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng, Vatican, ngày 27/07/2023. via REUTERS - VATICAN MEDIA
Quảng cáo

Trong thông cáo chung, chính quyền Việt Nam và Vatican mong muốn « tiếp tục đẩy mạnh quan hệ song phương ». Hai bên tin rằng đại diện thường trú của Tòa Thánh ở Hà Nội sẽ góp phần « hỗ trợ cộng đồng Công Giáo Việt Nam thực hiện nhiệm vụ của họ trong tinh thần tôn trọng luật pháp (…), sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với Vatican » Thỏa thuận về quy chế của đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam là kết quả của nhiều vòng đàm phán đã được khởi động từ 2009. Quan trọng hơn cả là cuộc trao đổi lần thứ 10 hôm 31/03/2023 tại Vatican.  

Trả lời Trọng Thành, cựu giám mục Giáo phận Vinh, Phao Lồ Nguyễn Thái Hợp, cho biết về  tầm mức quan trọng của việc Vatican bổ nhiệm đại diện thường trú tại Việt Nam và nguyện vọng của cộng đồng Công Giáo: 

 

01:35

Giám mục Phao Lồ Nguyễn Thái Hợp (Vinh)

Đức cha Phao lồ Nguyễn Thái Hợp : ‘‘Đây là một cuộc đối thoại dài giữa Tòa Thánh và chính phủ Việt Nam. Sau năm 1975, hai bên không có quan hệ ngoại giao. Cầu nối đầu tiên bắt đầu vào tháng 11 năm 1990. Và từ đó đã có đến 17 cuộc đối thoại, dẫn đến quyết định đầu tiên là Việt Nam đồng ý thành lập văn phòng, hay là ''đặc phái viên không thường trú'' của Tòa Thánh tại Hà Nội năm 2009.

Ngày 31 tháng 3 năm 2023 Tòa Thánh và chính phủ Việt Nam đã đồng ý để nâng thỏa thuận trước đây lên một bậc. Tức là quan hệ chính thức, chính thức ở bậc thấp nhất. Quy chế cao hơn sau đó có thể lên đến chỗ chấp nhận cử ‘‘sứ thần’’, như trong ngạch ngoại giao thường có. Như người ta vẫn nói là ‘‘khâm sứ Tòa Thánh'', như hiện thời tại các nước khác.

Nhiều người cũng vui mừng, vì bây giờ vị đại diện của Tòa Thánh sẽ hiện diện thường xuyên ở Việt Nam, và nhờ vậy thì rất có thể những vấn đề tôn giáo sẽ được giải quyết sớm hơn, chẳng hạn vấn đề bổ nhiệm các giám mục, vấn đề các giáo phận mới. Ngày xưa thì rất khó. Phải chờ để gặp gỡ để đối thoại trực tiếp, thành thử lâu hơn.

Chúng tôi hy vọng rằng tiến trình bình thường hóa ngoại giao sẽ tiếp tục đi tới với một thời gian ngắn hơn, và với một kết quả tốt đẹp hơn. Để rồi tại đất nước của mình, Tòa Thánh cũng có những tương quan và liên hệ ngoại giao bình thường như tại rất nhiều nước khác trên thế giới.’’

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.