Vào nội dung chính
HRW - VIỆT NAM - NHÂN QUYỀN

HRW kêu gọi Liên Âu gây sức ép để Việt Nam chấm dứt vi phạm nhân quyền

Trong một thông cáo công bố vào hôm nay, 08/06/2023, một ngày trước cuộc Đối Thoại Nhân Quyền Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam tại Hà Nội hôm 09/06, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, trụ sở tại Hoa Kỳ, đã kêu gọi Liên Âu gây áp lực để buộc Việt Nam chấm dứt các hành động “vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống”.

(Ảnh minh họa) - Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của HRW, cầm trên tay báo cáo thường niên về nhân quyền tại một cuộc họp báo ở Jakarta, Indonesia, ngày 12/01/2022.
(Ảnh minh họa) - Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của HRW, cầm trên tay báo cáo thường niên về nhân quyền tại một cuộc họp báo ở Jakarta, Indonesia, ngày 12/01/2022. AP - Achmad Ibrahim
Quảng cáo

Theo HRW, bất chấp những cam kết về tôn trọng nhân quyền đã đưa ra khi ký kết Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam-EU vào năm 2020, Việt Nam vẫn “gia tăng đàn áp qua việc kết án sai trái các nhà hoạt động với những bản án tù nhiều năm, hạn chế các quyền tự do dân sự và chính trị, và vi phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng”.

Đối với ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của HRW, Liên Hiệp Châu Âu từng cho rằng Hiệp định Thương mại Tự do 2020 sẽ khuyến khích Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền, nhưng thực tế chỉ cho thấy điều ngược lại”. Do đó EU “cần cân nhắc các hành động xa hơn là chỉ đưa ra các tuyên bố rồi mong chờ điều tốt đẹp nhất xảy ra, cần xác định nghiêm túc về việc tạo áp lực để chính quyền Việt Nam biến các cam kết nhân quyền thành hành động cải cách thực sự”.

Trong bản thông cáo, HRW nhắc lại là hôm 26/05 vừa qua, tổ chức này đã gởi đến Liên Hiệp Châu Âu một “Tờ Trình” (submission) về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, yêu cầu EU gây sức ép để chính quyền Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho những người đang bị giam giữ vì lý do chính trị, sửa đổi hoặc hủy bỏ một số điều khoản trong bộ luật hình sự, vốn thường được viện dẫn để đàn áp các quyền dân sự và chính trị, chấm dứt việc hạn chế quyền tự do đi lại đối với các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ.

HRW cũng nhắc lại những trường hợp đàn áp nhân quyền cụ thể, mà gần đây nhất là vụ kết án nhà vận động nhân quyền Đặng Đăng Phước, một thầy giáo dạy nhạc, với mức án 8 năm tù và 4 năm quản chế, vì ông đã bày tỏ quan điểm phê phán về các vấn đề chính trị, môi trường và xã hội. Vụ này đáng chú ý vì xảy ra hôm 06/06, chỉ 3 ngày trước cuộc đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam.

Theo ông Robertson, đối thoại cần phải có thực chất, vì “chẳng thể nào gọi là đối thoại nhân quyền nếu giới chức Việt Nam chỉ họp lấy lệ, đưa ra những tuyên bố sáo rỗng, và đợi cho cuộc gặp kết thúc.”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.