Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Paris trong mắt các nhà nhiếp ảnh Magnum

Đăng ngày:

Paris Magnum là tựa đề của cuộc triển lãm miễn phí được tổ chức tại Toà Đô chính Paris từ trung tuần tháng 12 cho tới cuối tháng 3 năm 2015. Cuộc triển lãm này trưng bày khoảng 150 bức ảnh chụp về Paris của các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng thuộc công ty Magnum, trong đó có rất nhiều tên tuổi lẫy lừng thế giới như Henri Cartier-Bresson, Robert Capa, Raymond Depardon, David Seymour …

Triển lãm Paris Magnum tại Toà Đô Chính (www.paris.fr)
Triển lãm Paris Magnum tại Toà Đô Chính (www.paris.fr)
Quảng cáo

Tựa như một quyển hồi ký, một album lưu niệm, cuộc triển lãm Paris trong mắt của các nhiếp ảnh gia Magnum đưa người xem tìm lại thủ đô Pháp những năm 1930 cho tới tận bây giờ (nói cho chính xác là từ năm 1932 đến năm 2012). Một cuộc hành trình xuôi dòng thời gian để cho thấy cuộc sống muôn mặt của Paris, nhìn từ dưới nhiều góc độ, đôi khi bổ sung nhưng cũng nhiều lúc tương phản, nếu không nói là đối chọi với nhau.

Nhãn quan về Paris của các nhà nhiếp ảnh Magnum không những bổ túc cho nhau về hình thức : trắng đen hay ảnh màu, cận ảnh hay toàn cảnh, chân dung hay phong cảnh, mà còn về nội dung và chủ ý : góc nhìn của các tác giả ở đây rất khác nhau, khi họ chụp nhiếp ảnh phóng sự hay là chụp Paris dưới góc độ nghệ thuật.

150 bức ảnh chụp được tuyển lựa kỹ càng từ kho tư liệu gồm hơn 600.000 ngàn bức ảnh chụp của hãng Magnum. Cuộc triển lãm được chia thành năm phần, sắp đặt theo trình tự thời gian. Gian phòng ở đại sảnh tập hợp các bức ảnh chụp những khung cảnh xã hội, gian phòng bên cạnh chủ yếu trưng bày các bức chân dung của giới văn nghệ sĩ tiêu biểu cho Paris xuyên qua mọi thời đại : nhà thơ Jacques Prévert, nữ văn hào Colette, nhà điêu khắc Giacometti, cặp bạn văn Beauvoir và Sartre, đạo diễn François Truffaut, triết gia Deleuze, danh ca Edith Piaf, tác giả Serge Gainsbourg, nhà biên kịch Ariane Mnouchkine .…

Về nội dung, các bức ảnh cho thấy thủ đô Pháp theo năm chủ đề : Paris thời chiến, cuộc sống hàng ngày, các biến cố xã hội, kinh đô thời trang, Paris về đêm ... phần triễn lãm đầu tiên có thể được gọi là giai đoạn tiền Magnum, do công ty này được thành lập vào năm 1947, tập hợp các nhà nhiếp ảnh độc lập, nắm giữ tác quyền của các bức ảnh chụp.nắm giữ tác quyền của các bức ảnh chụp, để rồi sau đó trở thành một trong những công ty nhiếp ảnh báo chí nổi tiếng nhất trên thế giới như theo lời của bà Andrea Olser, thuộc ban tổ chức triển lãm.

Thế nhưng, nhiều năm trước khi hãng Magnum ra đời, nhiều nhiếp ảnh gia đều từng hoạt động trong ngành báo chí, họ sau đó nổi tiếng nhờ các bài phóng sự xã hội (tiêu biểu nhất là Henri Cartier-Bresson hay Raymond Depardon) hay nhờ làm phóng viên chiến trường (hai nhiếp ảnh gia Robert Capa và David Seymour đều tử nạn khi thi hành công tác trong thời chiến). Trong giai đoạn tiền Magnum, các nhà nhiếp ảnh chủ yếu nắm bắt các biến chuyển đầu tiên trong xã hội Pháp.

Từ nếp sống sinh hoạt của giới công nhân thợ thuyền (năm 1932) trong các công xưởng nhà máy ở Montrouge, vùng ngoại ô Paris, cho tới những ngày nghĩ lễ đầu tiên được trả lương (Henri Cartier Bresson, năm 1936). Phúc lợi xã hội được thể hiện qua các bức ảnh cho thấy người dân tận hưởng những thú vui bình dị như tổ chức ăn uống ở ngoài trời bên bờ sông Marne. David Seymour chụp nếp sống của giới công nhân hãng xe hơi Renault, cũng như các tay thợ luyện kim trong các nhà máy ở Saint-Ouen. Trong khi Robert Capa thu vào ống kính các cuộc biểu tình đòi tăng lương cũng như cải thiện điều kiện lao động.

Đến những năm 1940, dân Paris trải qua thời kỳ "nghèo đói, khắc khoải", giai đoạn chiến tranh có thể được thấy trên những nét mặt lo âu khốn khổ, ánh mắt sợ sệt hoang mang. Tiêu biểu nhất là bức ảnh Paris năm 1949 trong mắt của nhiếp ảnh gia người Mỹ Elliott Erwitt. Thời hậu chiến, ít ra là trong những năm tháng đầu cũng không khấm khá hơn, hình ảnh của những quán cà phê tối tăm vắng khách. Paris sau cuộc chiến đang hàn gắn tâm hồn, băng bó vết thương : trẻ con ngây thơ còn biết nô đùa, nhưng trên khuôn mặt của người lớn, dù họ có nở nụ cười trước ống kính, nhưng trong ánh mắt vẫn đượm nét buồn bã của sự mất mát tang thương.

Niềm hy vọng xuất hiện trở lại trong giai đoạn tái thiết. Cuộc sống thời bình tuy an lành nhưng chưa hẳn sung túc. Cách biệt giàu nghèo trở nên rõ nét. Marc Riboud đi theo vết chân của cha Pierre (Abbé Pierre) kêu gọi sự đoàn kết tương trợ trong xã hội, người có tiền giúp đỡ người nghèo trong mùa đông khắc nghiệt năm 1954. Robert Capa thu vào ống kính cảnh tượng người đi làm tìm hơi ấm trong quán rượu tồi tàn.

Một số nhà nhiếp ảnh khác như Burt Glinn, (năm 1956) thì cho thấy tầng lớp trưởng giả vui chơi tại trường đua ngựa Longchamp, hay tại nhà hát vũ kịch Crazy Horse. Qua ống kính của Raymond Depardon, giới trẻ không có tiền tìm cách chen chân vào các quán nhạc jazz ở phố Saint Germain des Prés (1953), con nhà giàu thì đi tắm tại hồ bơi Deligny (Henri Cartier-Bresson – 1955).

Qua thủ pháp hoán dụ, Marc Riboud thể hiện tài tình công trình tái thiết nước Pháp sau thời chiến, ảnh chụp của ông cho thấy một người thợ đang sơn quét tháp Eiffel (1953). Lối chụp chi tiết của Marc Riboud gây nhiều ấn tượng, người thợ chỉ có một thùng nước sơn nho nhỏ treo lủng la lủng lẳng, mà phải sơn lại cả một ngọn thép khổng lồ bằng sắt. Điều đó cho thấy việc tái thiết là một công trình dài hơi, đòi hỏi thời gian và sức chịu đựng bền bỉ.

Những năm 1960, nước Pháp trở thành một xã hội tiêu thụ. Một mặt, đời sống ngày càng sung túc hơn, thị trường lao động dồi dào hầu như không có thất nghiệp. Trong ảnh chụp xuất hiện nhiều thiếu nữ mặc váy ngắn, giới trẻ bắt đầu nghe nhạc rock đến từ Anh Mỹ, sau giai đoạn khám phá nhạc jazz. Nhưng xã hội vẫn chưa cởi mở thông thoáng, trường lớp vẫn còn những bộ đồng phục và tuyệt đối cám để tóc dài theo kiểu hippie.

Trong cái bối cảnh đó, đột ngột bùng dậy phong trào đòi thay đổi xã hội của giới sinh viên ở Pháp, dẫn đến xung đột với cảnh sát. Bruno Barbey là một trong số những nhà nhiếp ảnh từng làm nhiều bài phóng sự về cuộc ‘’Cánh mạng tháng Năm năm 1968’’, ông hồi tưởng lại những bức ảnh chụp, về phong trào biểu tình của giới sinh viên đại học ở Paris :

Để chụp những tấm hình này, tôi buộc phải trèo lên những cột đèn giao thông, do đường phố ngỗn ngang, tầm nhìn bị hạn chế do khói mù. Những bức ảnh lúc đó không dễ chụp, nhiều tấm hình bị mờ, do tôi bị mất thăng bằng, thiếu sự linh hoạt và thiếu thời gian để chỉnh độ ống kính. Nếu tôi nhớ không lầm, thì bức ảnh được trưng bày trong cuộc triển lãm lần này, đã được thực hiện nhân một cuộc biểu tình gần quảng trường République, một số khác (với chủ đề Đêm bạo loạn giữa lòng thủ đô) chụp trên đại lộ Saint Michel, ở khu phố La tinh, trong hai đêm liền (10/05 và 11/05/1968).

Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh tượng thô bạo, khi cảnh sát xung đột với người biểu tình, tôi có thu vào ống kính cảnh một phụ nữ té ngã xuống đường do bị đánh, một giáo sư đại học ôm đầu chảy máu, mất cả kính lẫn cặp, giới phóng viên nhiếp ảnh chúng tôi đôi khi cũng ăn đòn, do bị cảnh sát xua đuổi bằng dùi cui. Tôi lúc đó mới 25 tuổi, và dĩ nhiên là tôi đồng cảm với cái tinh thần phản kháng của giới sinh viên thời bấy giờ đòi thay đổi một xã hội mà lớp trẻ cho là quá khuôn phép cứng nhắc.

Những năm 1970 mở ra giai đoạn hào nhoáng hơn. Sự xuất hiện của ảnh màu dần dần lấn lướt các bộ ảnh chụp trắng đen. Đó là những năm tháng trỗi dậy của pop culture, văn hóa phổ thông đại chúng nhờ vào phim ảnh, truyền hình, mà phát triển mạnh mẽ. Trong thời đại của chủ nghĩa cá nhân và tiêu thụ quảng cáo, nhiếp ảnh tài liệu nhường chỗ lại cho một hình thức nghệ thuật nhiếp ảnh trau chuốt bóng bẩy hơn.

Ảnh trắng đen ít còn được phổ biến, và nếu có sử dụng thì thường được dùng dưới góc độ nghệ thuật trong cách sắp đặt bố cục, ngôn ngữ chi tiết hay thiết kế ánh sáng … Đây cũng là giai đoạn phát triển mạnh của hai ngành thời trang và quảng cáo tại Pháp. Các nhà nhiếp ảnh nắm bắt sự biến đổi trong xã hội Pháp, qua chi tiết trang phục và nhất là vóc dáng của phụ nữ. Không phải ngẫu nhiên mà trong ảnh chụp bắt đầu xuất hiện những cặp chân thon dài trên đường phố, ở những góc quán cà phê vỉa hè …

Nhịp sống về đêm của Paris vốn đã khởi sắc từ những năm 1960 lại càng sôi động hơn trong hai thập niên sau đó. Saint Germain hay Rue de Lappe trở thành những tụ điểm ăn chơi thâu đêm suốt sáng như thể không bao giờ chịu đi ngủ. Paris By Night trở thành sở trường của nhiều nhà nhiếp ảnh Magnum, trong đó có ông Patrick Zachmann chuyên chụp các bức ảnh của thủ đô Paris về đêm, nhưng với một góc nhìn khác :

Từ khi mới vào nghề, phong cách chụp ảnh của tôi mang đậm ảnh hưởng của tác giả Brassaï, nhất là loạt ảnh chụp trắng đen mà Brassaï đã thực hiện vào những năm 1930. Tôi thường gọi loạt ảnh chụp này là những góc khuất của Paris, tức là thay vì cho thấy những nét lộng lẫy hào nhoáng, nhà nhiếp ảnh Brassaï chụp Paris với những góc nhìn từ ‘’hậu trường’’, những khu phố nghèo, những con lộ vắng tanh bóng đèn, những ngõ hẻm tối tăm. Bên cạnh những bức ảnh ‘’hậu trường’’ phản ánh bóng đêm rất hiện thực ấy, tôi cũng rất thích mặt tiền của một Paris kỳ diệu huyền ảo, một Paris thắp sáng màn đêm.

Trong vòng nhiều năm trời, tôi chủ yếu chụp Paris nhân ngày hội văn hóa Nuit Blanche (Đêm Trắng), khi mà các viện bảo tàng, các phòng triển lãm, các dinh thự mở cửa ban đêm đón công chúng vào xem. Mặt tiền của các toà nhà được rọi đèn thắp sáng một cách khác thường, khác hẳn với những gì ta thường thấy với ánh sáng ban ngày. Tôi cũng rất thích chụp mặt tiền của các toà nhà nằm sát dọc hai bờ sông Seine. Góc chụp đẹp nhất là từ du thuyền Bateaux Mouches, ở hai bên thuyền có gắn đèn rọi lên mặt tiền các toà nhà một thứ ánh sáng như ngọn lửa bập bùng nhảy múa.

Từ cuối những năm 1970 trở đi, Paris thay đổi điện mạo với hàng loạt công trình xây cất, và các bức ảnh của Magnum thiên về nhãn quan nghệ thuật khi thu vào trong ống kính các danh lam thắng cảnh của Paris. Koudelka thực hiện những bức ảnh chụp tuyệt đẹp về kim tự tháp thủy tinh tại viện bảo tàng Louvre. Martine Franck thực hiện loạt ảnh chúp về công trình Grande Arche ở La Défense, rồi nào là Đại Thư viện Quốc gia, Bảo tàng Nghệ thuật Nguyên thủy Quai Branly, hay nghệ thuật khoác ánh sáng trên các công trình kiến trúc nổi tiếng lần lượt được thu vào ống kính của thế hệ các nhà nhiếp ảnh đời sau của hãng Magnum (như Martin Parr, Georgi Pinkhassov, Alex Majoli … )

Thoạt nhìn có vẻ hơi khuôn sáo, nhưng dù muốn hay không các bức ảnh này vẫn nói lên ma lực quyến rũ của Paris trong tiềm thức của rất nhiều người nước ngoài, và khi đối chiếu với cái nhìn ấy thì người dân thủ đô mới chợt nhận ra rằng Paris có nhiều vẻ đẹp, chỉ có điều là họ bị lôi kéo vào cuộc sống thường ngày cho nên không còn nhìn thấy.

Phố xá Paris đã nhiều lần thay đổi nhưng vẫn giữ được một nét gì đó của riêng mình. Qua việc phản ánh thủ đô Pháp trong 80 năm liền, các nhiếp ảnh gia của hãng Magnum đã làm một công hai chuyện : gợi lại những hình ảnh của Paris mà ngay cả nhiều người dân sống ở thủ đô đã quên hay chưa hề biết tới.

150 bức ảnh chụp tựa như 150 chi tiết mà khi gộp lại tạo nên được một cái nhìn tổng thể về sự biến chuyển của thủ đô nước Pháp, diện mạo có thể tân trang, nhưng cốt cách vẫn không biến chất. Điều đó giống như tâm niệm của nhiều nhà nhiếp ảnh của Magnum : Nhiếp ảnh không thay đổi thế giới nhưng nó giúp ta nhận thức về sự chuyển mình của xã hội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.