Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Cuộc đời của Yves Saint Laurent lên màn bạc

Đăng ngày:

Cuộc đời đầy sóng gió của Yves Saint Laurent được đưa lên màn bạc. Sự nghiệp của ông không chỉ gợi hứng cho một tác phẩm duy nhất, mà lại có đến hai bộ phim được quay hầu như cùng lúc. Trong tuần này, tác phẩm Yves Saint Laurent của đạo diễn Jalil Lespert ra mắt khán giả Pháp. Bộ phim thứ nhì đề tựa Saint Laurent của đạo diễn Bertrand Bonello sẽ được trình làng vào tháng Năm 2014.

Yves Saint Laurent với ngôi sao màn bạc Catherine Deneuve trong buổi trình diễn cuối cùng tháng Giêng năm 2002
Yves Saint Laurent với ngôi sao màn bạc Catherine Deneuve trong buổi trình diễn cuối cùng tháng Giêng năm 2002 AFP
Quảng cáo

Trong hai tác phẩm vừa kể, bộ phim của đạo diễn Jalil Lespert được xem như là tác phẩm chính thức, do có sự đồng thuận của ông Pierre Bergé, người bạn đời của nhà tạo mốt Yves Saint Laurent. Ông Pierre Bergé hiện điều hành Viện lưu trữ các tác phẩm của Yves Saint Laurent và chính ông đã giúp đoàn làm phim tái tạo cảnh thực, bằng cách cho mượn tất cả các tư liệu, các bản phác họa, các kiểu áo thời trang … Đoàn làm phim đã quay một số cảnh tại nhà riêng ở Marrakech của cặp bài trùng Yves Saint Laurent - Pierre Bergé.

Gọi hai gương mặt này là một cặp bài trùng có lẽ cũng không sai, vì nhà thiết kế Yves Saint Laurent (do Pierre Niney thủ vai) có vươn lên tột đỉnh nghệ thuật thời trang phần lớn cũng nhờ vào cái tài kinh doanh của ông Pierre Bergé (diễn viên Guillaume Gallienne), vận động hành lang, huy động vốn tài trợ cho các bộ sưu tập thời trang.

Bộ phim của Jalil Lespert tập trung khai thác mối quan hệ tình cảm giữa hai người đàn ông này trong vòng 20 năm. Từ lúc họ gặp nhau vào năm 1957 nhân buổi biểu diễn thời trang Christian Dior, cho đến năm 1976, ngày Yves Saint Laurent lên ngôi ông hoàng của làng thiết kế, với bộ sưu tập gọi là "ballet russe" do gợi hứng từ các kiểu trang phục của làng kịch múa balê của Nga. Nhưng đó cũng là năm mà Yves Saint Laurent và Pierre Bergé chia tay nhau. Những bước thăng trầm trong sự nghiệp của Yves Saint Laurent gắn liền đi đôi, khó thể tách rời với cuộc đời tình ái.

Yves Saint Laurent sinh năm 1936 tại thành phố Oran vào thời mà nước Algérie còn là thuộc địa của Pháp. Ông xuất thân từ một gia đình khá giả thuộc dòng dõi quý tộc, ông cố là nam tước Mauvières. Thân phụ của Yves (Charles Mathieu Saint-Laurent) là giám đốc của một công ty bảo hiểm, còn thân mẫu bà Lucienne Wilbaux là con gái của một dòng họ thương gia giàu có. Thời còn nhỏ, Yves Saint Laurent đã có năng khiếu hội họa, nhưng không được gia đình khuyến khích để theo đuổi ngành thiết kế.

Vào năm 17 tuổi, nhân dịp đi theo mẹ về Pháp thăm gia đình bên ngọai, ông mới ghi tên vào một cuộc thi thiết kế (1953) mà không cho gia đình hay biết. Ban giám khảo cuộc thi gồm những tên tuổi lớn của làng may mặc thời bấy giờ là Balmain, Givenchy và Balenciaga. Một cách bất ngờ, Yves đoạt giải nhất. Bố của Yves lúc đó mới khám phá ra cái tài thiết kế của đứa con trai. Ông đồng ý cho con ghi tên vào trường thiết kế của ngành kỹ nghệ may mặc, nhnưg với điều kiện là Yves phải đỗ bằng tú tài.

Sau khi ra trường, Yves Saint Laurent đến Paris lập nghiệp. Ông lại về đầu nhân một cuộc thi cấp quốc tế, người đứng hạng nhì vào lúc đó là Karl Lagerfeld. Quan hệ đối nghịch nếu không nói là mối tư thù giữa hai tên tuổi lớn của ngành thời trang sau này cũng bắt nguồn từ đó. Tên tuổi của Yves Saint Laurent lên như diều gặp gió, trong khi đó Karl Lagerfeld lại vạn sự khởi đầu nan, những bước đầu trong sự nghiệp của Karl luôn gặp trở ngại, khó khăn.

Tài thiết kế của Yves Saint Laurent lọt vào mắt của ông Michel de Brunhoff, nguyên là giám đốc của Vogue, tạp chí thời trang nổi tiếng hàng đầu thời bấy giờ. Ngoài việc cho đăng báo các bản phác họa của Yves Saint Laurent, ông còn giới thiệu tài năng mới này với bạn của ông là nhà tạo mốt lừng danh Christian Dior nổi tiếng trên khắp thế giới nhờ bộ sưu tập thời trang New Look. Nhờ vào sự gửi gấm đó, mà Yves Saint Laurent ngay lập tức được thuê làm trợ lý.

Thời gian đầu, Yves Saint Laurent được giao nhiệm vụ thiết kế và trang trí cửa hiệu Dior vừa được khai trương vào mùa hè năm 1955, trên đại lộ Montaigne, thủ đô Paris. Cửa hàng này cho tới nay vẫn là một trong những địa điểm sáng giá, đắt tiền nhất của ngành may mặc. Tuy chỉ thuộc hàng hậu bối, nhưng khiếu thẩm mỹ của Yves Saint Laurent, đơn giản trong tổng thể nhưng tinh tế trong chi tiết khiến cho Christian Dior dù là bậc thầy phải khâm phục.

Ông thường khen Yves Saint Laurent tuổi trẻ mà tài cao, xứng đáng nối nghiệp để tiếp tục gầy dựng uy tín của thương hiệu Dior. Một quan điểm mà không phải ai cũng đồng ý : nhiều người trong êkíp của ông tỏ vẻ ganh tỵ khi nhận xét rằng : Yves Saint Laurent là lính mới nhưng không hiểu vì sao lại được trọng dụng, vả lại Yves còn quá non tuổi đời để điều hành một thương hiệu lớn như công ty Dior.

Năm 1956, Yves Saint Laurent tròn 20 tuổi. Đây cũng là thời điểm khá quan trọng trong sự nghiệp của nhà thiết kế trẻ tuổi. Trong bộ sưu tập thời trang Dior trình làng trong năm ấy, có đến một phần năm các kiểu áo là do Yves Saint Laurent thiết kế. Người Pháp gọi đó là coup d’essai … coup de maître : tưởng rằng làm thử nhưng lại cao tay như bậc thầy. Yves Saint Laurent bắt đầu thu hút sự chú ý khi loạt ảnh chụp của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Richard Avedon được đăng trên tạp chí thời trang Mỹ Harper Bazar. Chính vào thời điểm này mà Yves Saint Laurent gặp Pierre Bergé và bắt đầu sống chung chỉ vài tháng sau đó.

Nhà may Christian Dior sẽ không bao giờ có một trợ lý nào khác. Ông đột ngột qua đời sau khi lên cơn đau tim vào tháng 10 năm 1957. Nhà triệu phú Marcel Boussac, người bỏ vốn tài trợ kinh doanh hiệu Dior lúc bấy giờ muốn đóng cửa công ty này, nhưng thương hiệu Dior vào cuối những năm 1950 đang rất thành công phát đạt với hơn một ngàn nhân viên làm việc trong 24 xưởng may, 8 công ty chi nhánh, vì ngoài y phục còn sản xuất mỹ phẩm và phụ kiện thời trang. Doanh thu của Dior thời đó ước tính đến 2 tỷ quan Pháp, và chiếm đến một nửa doanh số xuất khẩu hàng năm của làng thời trang cao cấp ‘‘haute couture’’ của Pháp.

Theo đề nghị của giám đốc tài chính Jacques Rouet, Yves Saint Laurent tuy còn rất trẻ, nhưng lại được bổ nhiệm cuối năm 1957 làm giám đốc nghệ thuật của công ty Dior. Vào năm 21 tuổi, Yves thừa hưởng một di sản đồ sộ nhưng đồng thời là một gánh nặng rất lớn. Ông vùi đầu vào công việc, vẽ mẫu không ngơi nghỉ. Theo lời kể của Pierre Bergé, thì Yves Saint Laurent tự nhốt mình vào trong một căn phòng, cho mỗi bộ sưu tập thời trang ông vẽ đến 800 bức phác họa khác nhau. Trong ba năm liền, ông là người duy nhất thực hiện 6 bộ sưu tập thời trang Dior, ba bộ xuân hạ, ba bộ thu đông.

Theo ngòi bút phê bình người Mỹ Eugenia Sheppard, chuyên viết bài cho nhiều tờ báo lớn trong đó có hai tờ The Boston Post và New York Herald Tribune, thì nhà thiết kế Yves Saint Laurent giúp cho thời trang Dior trở nên trẻ trung hơn, chất liệu nhẹ nhàng, đường nét linh hoạt, phù hợp với phụ nữ trước nếp sống mới. Về tương lai của hiệu Dior sau khi Christian Dior qua đời, tờ báo New York Times đánh giá : Càng mong muốn, thì người ta lại càng ít nhìn thấy phép lạ, với Yves Saint Laurent thì thương hiệu Dior dù không nguyện cầu, nhưng phép lạ nhiệm mầu vẫn xẩy ra. Cũng từ đó mà báo chí mệnh danh Yves Saint Laurent là vị Hoàng tử nhỏ của làng thời trang.

Sự nghiệp của Yves Saint Laurent bắt đầu cất cánh, nhưng không kéo dài được lâu. Đang trên đà thành công, thì chiến tranh Algérie bùng nổ. Yves Saint Laurent buộc phải rời công ty Dior để thi hành nghĩa vụ quân sự mà lẽ ra phải kéo dài trong ba năm. Đối với một người như Yves Saint Laurent sinh trưởng tại thành phố Oran, tuổi thơ gắn liền với đất nước Algérie, thì ông không thể cầm súng chiến đấu chống lại những người mà ông xem như là ‘‘đồng hương’’. Nỗi bồn chồn lo lắng đó khiến Yves Saint Laurent bị xuống tinh thần ngả bệnh, đến mức phải nhập viện điều trị. Do sức khỏe yếu kém, nên ông được miễn quân dịch, nhưng ông lại bị công ty Dior sa thải. Nhà triệu phú Marcel Boussac chê Yves Saint Laurent là một kẻ nhu nhược hèn nhát, và viện cớ ông đang nhập viện, để tuyển dụng một người khác (nhà tạo mốt Marc Bohan) lên thay thế.

Chán nản tuyệt vọng, Yves Saint Laurent không còn muốn làm việc trong ngành thời trang. Nhưng Pierre Bergé thuyết phục ông điều ngược lại : đây chính là cơ hội để cho Yves Saint Laurent thoát khỏi tầm ảnh hưởng của bậc đàn anh, không còn phải nấp mình dưới bóng cây đại thụ. Pierre Bergé lúc đó mới trổ tài ăn nói để thuyết phục nhà tỷ phú người Mỹ J.Marck Robinson tài trợ cho bộ sưu tập thời trang haute couture đầu tiên gắn nhản hiệu YSL chữ viết tắt của Yves Saint Laurent.

Làm ăn kinh doanh trước hết cần chữ tín, nhưng nếu chỉ dùng lời lẽ thuyết phục chưa chắc gì đã đủ. Ông Pierre Bergé mới táo bạo làm liều bằng cách bán căn nhà của ông trên đường Saint-Louis en l’Ile, với số tiền này ông mướn một căn hộ nhỏ để làm xưởng may, ông tuyển hai người thợ may để giúp Yves Saint Laurent thực hiện các kiểu áo thời trang đầu tiên và mời phóng viên báo Paris Match đến xem bộ sưu tập đang trong quá trình thực hiện. Chính bài phóng sự đăng trên báo Paris Match đã làm xiêu lòng ông J.Marck Robinson, cuối cùng nhà tỷ phú người Mỹ chịu bỏ tiền đầu tư vào thương hiệu Yves Saint Laurent.

Có gan mới làm giàu : ở đây ta có thể thấy bản lĩnh kinh doanh của ông Pierre Bergé. Ông đánh một ván bài đầy rủi ro khi đặt cược hầu như toàn bộ tài sản vào một canh bạc duy nhất. Về thực lực, hiệu Yves Saint Laurent vào năm 1961 chưa bằng một phần trăm thương hiệu Dior. Nhưng khi được trình làng vào tháng Giêng năm 1962, thì tất cả các kiểu áo thời trang của Yves Saint Laurent đều được bán sạch. Với sự hỗ trợ của nhà tỷ phú người Mỹ J.Marck Robinson, chỉ mười năm sau khi tung ra thị trường, hiệu Yves Saint Laurent đã đuổi kịp thương hiệu Dior cả hai mặt : doanh thu lẫn uy tín.

Từ năm 1962 trở đi, Yves Saint Laurent thành công rực rỡ trong bốn thập niên liền. Ngay từ năm 1966, tạp chí Harper Bazaar đã trao tặng cho Yves Saint Laurent danh hiệu nhà tạo mốt xuất sắc nhất làng thời trang quốc tế. Năm 1982, Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Mỹ trao tặng cho ông giải nhất, nhân sinh nhật 20 năm ngày thương hiệu Yves Saint Laurent ra đời. Một năm sau vào năm 1983, Yves Saint Laurent là nhà thiết kế đầu tiên có tác phẩm trưng bày tại một viện bảo tàng, trong lúc ông còn sống. Sau Viện Bảo tàng Metropolitan ở New York, cuộc triển lãm này lần lượt được tổ chức ở Sydney, Bắc Kinh, Tokyo để rồi kết thúc tại Paris vào năm 1986.

Yves Saint Laurent từ trần vào năm 2008 vì bệnh ung thư não, hưởng thọ 71 tuổi. Bốn thập niên sau ngày thành lập thương hiệu mang tên ông, Yves Saint Laurent đã chính thức giải nghệ vào năm 2002, nhưng thật ra vầng hào quang của ông đã có dấu hiệu lu mờ từ năm 1998. Sinh thời, Yves Saint Laurent nổi tiếng là một thiên tài, từ một thần đồng của ngành thiết kế ông nhanh chóng trở thành ông hoàng của làng thời trang. Nhưng người có tài đôi khi cũng lắm tật.

Bộ phim của đạo diễn Jalil Lespert cho thấy được điều này khi tái tạo trên màn ảnh lớn nhân vật Yves Saint Laurent trong một thế giới lộng lẫy hào nhoáng, nhưng đồng thời tàn nhẫn lạnh lùng. Từ thời niên thiếu, Yves Saint Laurent mắc chứng suy nhược thần kinh, mà không có bác sĩ nào chẩn đoán. Theo lời kể của ông Pierre Bergé, càng lớn lên, thì Yves Saint Laurent càng có tính khí thất thường : mới hôm trước cực kỳ hưng phấn yêu đời, đến hôm sau chán nản tuyệt vọng đến mức ông không còn muốn sống.

Yves Saint Laurent cũng dễ bị ảnh hưởng lôi kéo. Ông sa ngã vào rượu chè ma túy, ăn chơi trác táng, ông nghiện cả hai loại thuốc kích thích và an thần với hệ quả là khi thuốc hết tác dụng ông lại lâm chứng trầm cảm kinh niên. Trên đỉnh cao thành công, vầng hào quang của tiền tài và danh vọng lại càng thu hút nhiều kẻ ăn bám. Nhắc đến người bạn đời, ông Pierre Bergé nói rằng : Yves Saint Laurent yêu nghệ thuật thời trang nhưng lại chán ghét cuộc sống đời thường. Ngồi trên ngai vàng, nhưng ông hoàng lại ngự trị một lũ nịnh thần hoạn quan.

Không phải ngẫu nhiên mà bộ phim của đạo diễn Jalil Lespert tập trung khai thác câu chuyện trong hai thập niên, giai đoạn từ năm 1957 đến năm 1976, tức là từ lúc Yves Saint Laurent gặp Pierre Bergé cho đến khi hai người chia tay nhau. Sau gần 20 năm sống chung, Pierre Bergé không còn chịu đựng nổi nên mới quyết định dọn ra ở riêng vào tháng Ba năm 1976. Với tư cách là giám đốc tài chính, Pierre Bergé tiếp tục điều hành công ty, làm việc chung với Yves Saint Laurent cho đến khi nhà thiết kế tuyên bố giải nghệ vào năm 2002. Mối tình giữa hai nhân vật này đầy rẫy trắc trở. Ông Pierre Bergé nổi tiếng cứng đầu và có tánh nóng cho nên quan hệ của họ lại càng nhiều phong ba sóng gió.

Làm thế nào để yêu một người luôn tự hủy hoại bản thân ? Bộ phim của Jalil Lespert đặt ra câu hỏi, nhưng để cho khán giả tự tìm câu trả lời. Tuy gọi là biopic, nhưng tác phẩm Yves Saint Laurent không đơn thuần là phim tiểu sử, mà chủ yếu là một mối tình dựng từ một câu chuyện có thật. Những tình tiết cực kỳ lâm ly tột cùng ngang trái của bộ phim tạo ra hiệu ứng ngoại khổ ‘‘bigger than life’’, khi mà cuộc sống "tả chân" ly kỳ hơn cả tiểu thuyết hư cấu. Nơi nhân vật Yves Saint Laurent phảng phất cả hai vầng hào quang thánh thiện và tội lỗi, ma lực sa đọa in đậm dấu ấn trên đôi cánh thiên thần.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.