Vào nội dung chính
Y HỌC - COVID-19

Covid-19: Hội chứng suy nhược hậu siêu vi Corona chủng mới

Dù là bệnh phát ra dưới dạng nào, sốt nhẹ hay nghiêm trọng phải vào nhà thương cấp cứu, đại dịch Covid-19 có thể gây tổn hại cho cơ thể người bệnh với những hệ quả bất trắc.

Ảnh minh họa: Hình dạng con virus corona chủng mới.
Ảnh minh họa: Hình dạng con virus corona chủng mới. © NEXU Science Communication/REUTERS
Quảng cáo

Không kể những biến chứng đe dọa sinh mạng như tim mạch,gan, phổi, não, thận bị tấn công, SARS-CoV-2 còn gây ra hội chứng "hậu siêu vi" kỳ lạ làm bệnh nhân hoang mang, bác sĩ bối rối. Một trong những hội chứng đó là tình trạng cơ thể suy nhược kéo dài, không còn biết mùi vị, cho dù không còn siêu vi trong cơ thể. Kết quả  kiểm chứng qua các loại xét nghiệm đều âm tính.

Tại Pháp, bệnh nhân "hậu nhiễm trùng corona chủng mới" được phân loại ra sao và được theo dõi chăm sóc như thể nào?

Triệu chứng nhẹ không nguyên nhân mà cũng không dứt

Bác sĩ Yazdan Yazdanpanach, trưởng khoa bệnh nhiễm trùng bệnh viện Bichat, Paris, khiêm nhường: "Chúng ta còn trong giai đoạn chưa biết gì hết. Hội chứng hậu nhiễm trùng là hiện tượng cổ điển nhưng với con siêu vi mới SARS-CoV-2 này, rất hiếm tài liệu, sách vở y khoa nói đến. Do vậy, các nhà  nghiên cứu quốc tế cần phải phối hợp với nhau để trao đổi hiểu biết".

Tại Pháp, có một nhóm bệnh nhân, nói là nhóm nhưng khá đông, 3500 người, tham gia vào chương trình nghiên cứu "hậu nhiễm trùng" từ tháng Giêng đến nay. Theo kế hoạch, thời gian theo dõi kéo dài sáu tháng có triển hạn.

Song song với nhóm tiên phong này, mỗi bệnh viện lớn tại Pháp còn có một chương trình theo dõi bệnh nhân Covid-19 đã hết bệnh và xuất viện .

Dạng suy nhược : khoảng 80%

Gồm những bệnh nhân SARS-CoV-2 không hoàn toàn bình phục cho dù kết quả xét nghiệm âm tính với siêu vi. Họ không bị tái nhiễm siêu vi, nhưng triệu chứng cũ tái xuất hiện. Dấu hiệu lâm sàng cụ thể là mệt mỏi, khó thở, hồi hộp, tim đập nhanh, nhưng xét nghiệm không có tải lượng siêu vi, theo bác sĩ Pierre Tattevin, đại học Y khoa Rennes.

Vấn đề rắc rối ở chỗ, theo bác sĩ Dominique Salmon, bệnh viện Hotel Dieu, Paris, những triệu chứng kể trên là cổ điển, vẫn thường thấy ở nhiều bệnh nhân sau khi lành bệnh cúm hay virus d'Epstein-Barr. Tuy nhiên, trường hợp SARS-CoV-2 làm các y sĩ không biết đâu là đầu dây mối nhợ. Mệt mỏi làm cho người đã lành bệnh ngủ vùi 15 tiếng đồng hồ mỗi ngày, tuần này sang tuần khác. Có người còn cảm thấy đôi chân nặng như hóa đá. Khả năng tập trung tư tưởng suy yếu đi, bắt buộc phải bỏ dở công việc đang làm. Rồi trạng thái nhức đầu hay ngứa ngáy như kiến trên người .

Tội nghiệp nhất là nhiều bệnh nhân (đã lành bệnh virus corona) mang các triệu chứng trên bị bác sĩ riêng hay ở khoa cấp cứu xem là những người bị bệnh tưởng tượng theo kiểu "đau bụng thì nghi bị ung thư dạ dày".

Vấn đề còn phức tạp hơn vì triệu chứng không nghiêm trọng mấy như hơi khó thở, ê răng (chu nha) lại kéo dài từ tuần này qua tuần khác làm như bệnh nhân giả vờ than thở để được bác sĩ quan tâm.

Dạng triệu chứng thứ hai: 20% mất mùi lẫn vị

Một triệu chứng thường thấy ở 20% bệnh nhân hậu SARS-CoV-2 là mũi không nhận ra mùi, lưỡi không nhận được vị. Có người phục hồi được phần nào khả năng của khứu giác và vị giác sau nhiều tuần nhưng người khác thì cho đến hai ba tháng sau vẫn không thuyên giảm.

Theo kết quả nghiên cứu của đại học Y khoa Rennes, tiếp tục theo dõi 400 bệnh nhân Covid-19 xuất viện, cho dù cơ thể đã hết siêu vi, nhưng những bệnh nhân cũ này vẫn bị mệt mỏi, suy nhược cùng các triệu chứng như tim đập nhanh, khó thở... mà các bác sĩ bệnh viện đại học Y khoa Rennes không tìm ra nguyên nhân.

Có điều, nếu cho bệnh nhân sử dụng thuốc suyễn thì từ từ triệu chứng giảm dần.

Tại Paris, bệnh viện Saint-Joseph ghi nhận các trường họp tương tự: Bệnh nhân hậu Covid-19 ho khan như trong cổ họng bị đốt. Nhưng khám nghiệm, chụp ảnh, soi rọi, thử máu đều không thấy gì bất bình thường .

Nghi vấn được nêu lên: Phải chăng người bệnh hậu Covid-19 bị dị ứng phấn hoa vì 30% dân Pháp mỗi năm đến mùa xuân là hắt hơi, ho, nghẹt mũi? Covid-19 lây sang Pháp cũng vào mùa này.

Về triệu chứng mệt mỏi dài hạn, đại đa số là bệnh nhân trẻ, bác sĩ Pierre Tattevin, trích dẫn bên trên, đưa ra giả thuyết: đó là hiện tượng kháng thể đang được huy động tiêu diệt siêu vi chứ không phải triệu chứng bệnh tái phát.

Câu hỏi then chốt: Liệu trong những năm tháng tới đây, có xuất hiện những bệnh viêm hay tự miễn dịch do siêu vi corona chủng mới gây ra hay không?

Trước loại siêu vi mà cách nay 6 tháng còn là một kẻ thù bí ẩn và xa lạ, giới y sĩ tỏ ra khiêm nhường và thận trọng. Họ không đưa ra một dự báo phiêu lưu nào cả nhưng không ngừng nỗ lực tìm tòi và chia sẻ kinh nghiệm. Các sáng kiến và phản ứng nhanh chóng này cho phép hy vọng tìm ra thuốc trị liệu. Nhưng trong lúc chờ đợi, các biện pháp vệ sinh phòng bệnh lây lan vẫn là vũ khí hiệu quả nhất.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.