Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Giới trẻ Pháp : Sức khỏe tâm thần xuống cấp, việc dùng khí cười tăng bùng nổ

Đăng ngày:

Theo một báo cáo của Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) hồi cuối năm 2022, việc sử dụng khí cười đang gia tăng một cách đáng lo ngại tại nhiều quốc gia thành viên Liên Âu, trong đó có cả Pháp, và nhất là ở giới trẻ. Điều đáng lưu ý hơn là thông tin về những tác dụng phụ nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong, của khí cười lại ít được công chúng biết đến, trong khi loại khí này lại rất dễ mua.

Những vỏ ống khí cười vứt lăn lóc trên đường phố.
Những vỏ ống khí cười vứt lăn lóc trên đường phố. Getty Image/Malcolm P Chapman
Quảng cáo

Riêng tại Pháp, gần đây nhất, theo AFP, cảnh sát hôm 22/07/2023 đã thu giữ được số lượng cao kỷ lục - 21 tấn khí cười tại Vénissieux, vùng Lyon. Để hiểu thêm về loại khí được gọi là khí cười, được giới trẻ ngày càng dùng nhiều, nhưng cũng đã bị chính quyền Pháp cấm bán cho trẻ vị thành niên, RFI Tiếng Việt đã có cuộc phỏng vấn phó giáo sư, tiến sĩ hóa học Phạm Quốc Nghị, đại học Paris-Saclay của Pháp. 

RFI : Khí cười cụ thể là gì ? Chất này ra đời từ khi nào ? Ứng dụng chính là gì ?

TS. Phạm Quốc Nghị : Khí cười có công thức hóa học là N2O, với tên gọi là dinitơ oxít. Trong điều kiện thường, chất này tồn tại dạng khí, không mầu, có mùi và vị hơi ngọt. Khí N2O do nhà khoa học người Anh, Joseph Priestley, khám phá ra vào năm 1772. Khí này được sử dụng trong lĩnh vực y khoa, pha trộn cùng với khí oxy, để gây mê hoặc giảm đau.

Trong chế biến ăn uống, khí này cũng được sử dụng trong các bình kem chantilly.

Khí N2O có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Khí này có hiệu ứng nhà kính rất mạnh (gấp gần 300 lần so với CO2). Đây là khí phá hủy tầng ozone nhiều nhất. Theo 1 nghiên cứu gần đây của Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organization), khí này có nguồn gốc 60% từ tự nhiên (ví dụ như liên quan đến các vi sinh vật) và 40% từ các hoạt động của con người (các nguồn phân bón nông nghiệp).

Cơ chế tác dụng dược lý của N2O trong y khoa vẫn chưa hoàn toàn được hiểu rõ. Theo các nghiên cứu thì N2O can thiệp vào các đường truyền tín hiệu lên não. Khí này chặn 1 phần các kênh nhận tín hiệu như Niconitic, AMPA, GABA … Lấy ví dụ trường hợp cụ thể khí N2O tác động lên các tế bào GABA (Gamma Aminobutyric Acid) có chức năng kìm hãm những tế bào thần kinh gây buồn ngủ. Chất khí này cũng đồng thời can thiệp vào quá trình sản sinh ra các tế bào liên lạc thần kinh nội sinh như opioid peptide và serotonin - một loại hormone có khả năng tạo ra cảm giác hưng phấn và hạnh phúc. Chính việc giải phóng các tế bào liên lạc thần kinh nội sinh đã kìm hãm sự phát ra cảm giác đau đớn trong não và kích hoạt khả năng giảm đau.

RFI : Vậy tại sao khí cười lại được gọi là ma túy của người nghèo ? Đâu là những tác hại chính của việc lạm dụng khí cười ?

TS. Phạm Quốc Nghị : Đến nay, chưa có nghiên cứu y khoa nào chỉ rõ sự lệ thuộc vào khí cười, do đó khái niệm ma túy, chất gây nghiện vẫn còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, do giá thành rẻ (khoảng 25€ một lít khí, tương đương gần 400 lượt dùng), và các hiệu ứng kích thích giảm nhanh, nên nhiều người có xu hướng lạm dụng. Ngoài ra, các bình nhỏ khí N2O được rao bán tràn lan trên mạng, chẳng hạn trên các trang Amazon, Cdiscount, nên người dùng có thể mua bán dễ dàng.

Theo một báo cáo của tổ chức ANSES, Pháp, năm 2020 có 134 trường hợp ngộ độc ở Pháp liên quan đến khí cười, tăng nhiều so với 46 trường hợp thống kê vào năm 2019. Theo 1 nghiên cứu khác gần đây vào tháng 06/2022 của 1 tổ chức y tế thì số ca bệnh với các triệu chứng nặng liên quan đến khí cười tăng gấp 10 lần so với năm 2019.Điều đặc biệt là độ tuổi trung bình là 22 tuổi và có 10% số ca này là trẻ em. Một nửa các bệnh nhân khai báo là sử dụng khí cười hàng ngày.

Vào ngày 06/08/2022, tại Vitry-sur-Seine, ngoại ô Paris, một nam thanh niên tử vong do sử dụng khí cười dẫn đến suy tim.

Thông thường, hiệu ứng gây cười sẽ biến mất sau 2 phút sử dụng và các hiệu ứng phụ sẽ biến mất sau khi sử dụng khoảng 15 phút. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá liều, các hiệu ứng phụ này có thể kéo dài nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày. Các biểu hiện nhẹ bao gồm : buồn nôn, đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, mất tập trung, hoa mắt. Nặng hơn thì có nhầm lẫn mất phương hướng, khó nói và khó cử động, yếu cơ.

Khi sử dụng khí cười, thì có các nguy cơ chính sau : bị bỏng lạnh, nếu dùng khí trực tiếp từ bình (chính vì vậy, mọi người thường cho vào quả bóng bay để sử dụng), thiếu oxy nên có nguy cơ dẫn đến tử vong (như đã đề cập ở trên, trong y học thường trộn lẫn với oxy theo tỷ lệ 1/1 khi dùng để gây mê hoặc giảm đau), mất kiểm soát dẫn đến ngã và chấn thương, hoặc rất dễ gây tai nạn khi tham gia giao thông. Ngoài ra, nếu sử dụng liên tục thì sẽ dẫn đến các triệu chứng như giảm trí nhớ, chứng hoang tưởng, tụt huyết áp, rối loạn cương dương ở nam giới.

RFI : Pháp có chính sách gì để hạn chế tác hại của khí cười ?

TS. Phạm Quốc Nghị : Từ năm 2021, khí cười bị cấm bán cho trẻ em dưới 18 tuổi tại Pháp, ai vi phạm thì phải chịu mức phạt 3750 euro. Các chuyên gia đang đề nghị chính phủ cấm tiêu thụ khí này, ngoài mục đích y khoa.

Ngoài việc cấm bán hoặc tặng khí cười cho trẻ vị thành niên, nhà chức trách Pháp còn ra quy định phạt tiền 15.000 euro đối với những ai xúi giục, kích động trẻ vị thành niên lạm dụng mặt hàng tiêu dùng dinitơ oxít để đạt được các hiệu ứng thần kinh.

Thực ra, ngay từ năm 2018, Đài quan sát Pháp về chất gây nghiện và nạn nghiện ngập (OFDT) đã nhấn mạnh về nạn lạm dụng khí cười gia tăng, thế nhưng theo báo L’Union, những lời báo động của các cơ quan dường như vô ích : Đến năm 2021, tình hình vẫn không được cải thiện, thậm chí còn xấu đi, theo ghi nhận của Cơ quan quốc gia về an toàn y tế và thực phẩm ANSES và Cơ quan quốc gia về an toàn dược phẩm và sản phẩm y tế ANSM.  

Báo Le Point trích dẫn bác sĩ chuyên khoa thần kinh, Étienne Fortanier, bệnh viện Timone, thành phố Marseille, miền nam Pháp, theo đó từ giai đoạn phong tỏa chống dịch Covid-19 tại Pháp, việc sử dụng khí cười đã tăng bùng nổ đột biến và trở thành một vấn đề về sức khỏe cộng đồng. Các ghi nhận gửi đến các trung tâm chống độc (CAP) và các trung tâm thông tin và đánh giá về chứng lệ thuộc - chứng nghiện dược phẩm (CEIP-A) cũng xác nhận sự gia tăng rất rõ rệt các ca ngộ độc dinitơoxít trong năm 2020 ở giới trẻ. Tình hình nghiêm trọng đến mức Cơ quan Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Thực phẩm, Môi trường và Lao động (ANSES) của Pháp cũng đã phải đưa ra nhiều cảnh báo.

Bước ngoặt Covid-19

Về phía các địa phương, trước khi Quốc Hội thông qua đạo luật hồi năm 2021 có hiệu lực trong toàn quốc, thì chính quyền một số thành phố, chẳng hạn Aulnay-sous-Bois, ngoại ô phía bắc Paris, hồi năm 2019, khi thấy mức tiêu dùng khí này ở địa phương tăng vọt, đã ban hành lệnh cấm bán khí cười cho trẻ vị thành niên. Sévrine Maroun, trợ lý thị trưởng phụ trách an ninh của thành phố Aulnay-sous-Bois, ngoại ô phía bắc Paris, đã xác nhận với báo Le Point mỗi ngày họ thu gom được 600 ống kim loại chứa khí cười ​trong các bãi đỗ xe hoặc công viên (số liệu từ năm 2019, trước khi việc dùng khí cười được ghi nhận có sự gia tăng bùng nổ).

Ban đầu, nhà chức trách thành phố Aulnay-sous-Bois không hiểu những ống kim loại đó là gì. Nhờ các hiệp hội, họ mới biết đó là những ống khí cười mà giới trẻ nghiện sử dụng bởi nó có khả năng mang lại cảm giác sảng khoái, hưng phấn, vui vẻ cho người dùng, có thể khiến người ta bật cười và làm biến đổi giọng nói khi hít vào qua đường miệng, nên « khí cười » đặc biệt được thanh thiếu niên ưa chuộng trong các dịp hội hè, tụ tập vui chơi. Thành phố Marseille, miền nam Pháp, cũng ra quy định cấm tương tự như Aulnay-sous-Bois từ hồi năm 2020.

Mới đây, trong báo cáo hôm 18/01/2023, Cơ quan quốc gia Pháp về An toàn dược phẩm và các sản phẩm y tế về (ANSM) cho biết số ca bệnh nặng do dùng khí cười trong năm 2021 đã tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Điều đáng lo ngại hơn là giới trẻ không chỉ dùng khí cười trong các dịp vui chơi, hội hè, mà đã chuyển sang dùng thường xuyên, dài ngày. Theo La Croix, 47% số trường hợp được ghi nhận hít khí cười hàng ngày, so với tỉ lệ 34% hồi năm 2020. Có những thanh niên dùng tới vài trăm ống khí cười/ngày. Không chỉ số lần hít khí cười tăng, mà liều dùng mỗi lần cũng tăng.

Theo số liệu của cơ quan ANSM, biến chứng thần kinh vẫn là biến chứng được báo cáo nhiều nhất vào năm 2021 : 80% số ca. Nhiều biến chứng tim mạch mới cũng được ghi nhận. ANSM mới đây đã cho xuất bản một tài liệu dành cho các nhân viên y tế, giúp họ xác định các triệu chứng đặc hiệu của chứng ngộ độc khí cười và cách chăm sóc bệnh nhân.

Trong bối cảnh này, báo Người Paris (Le Parisien) hồi đầu năm nay 2023 cho biết chính quyền Paris đã cấm trẻ vị thành niên hít khí cười ở nơi công cộng, nếu vi phạm sẽ bị phạt 150 euro. Quy định bắt đầu có hiệu lực từ ngay mùa xuân - hè năm nay. Đến ngày 31/07, CNEWS thông báo Paris triển hạn lệnh cấm đến hết ngày 31/10.

Do nhu cầu tiêu dùng tăng quá mạnh và nhanh, chi phí bỏ ra thấp mà lợi nhuận lại cao, nên đã hình thành những băng đảng có tổ chức buôn bán, phân phối trái phép khí cười. Những ống khí cười, bóng cười có thể được các băng nhóm bán lậu cùng với các loại ma túy, chất gây nghiện khác, hoặc thuốc lá nhập lậu. Thậm chí còn xảy ra nạn trộm cắp, cướp bóc các xe tải vận chuyển hàng tấn khí cười, ví dụ vụ việc ở Sarcelles, tỉnh Val-d'Oise, vùng Paris vào cuối tháng 01/2022 : có 6 kẻ đã cuớp 2.000 thùng hàng mà tổng trị giá bán trên thị trường là 28.000 euro.

Hồi năm 2021, một cuộc điều tra được tiến hành trong vòng 3 tháng cuối năm 2021 đã cho phép cảnh sát phá dỡ một mạng lưới buôn lậu khí cười giữa Pháp và Hà Lan, và thu giữ 11 tấn khí cười ở vùng Lyon và Paris. Trong 6 tháng cuối năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, Pháp đã thu giữ tổng cộng 15 tấn hàng trái phép. Tuy nhiên, William Hippert, trợ lý phát ngôn viên của Cơ quan cảnh sát điều tra quốc gia của Pháp, vẫn lấy làm tiếc là hiện nay mới chỉ « rất ít vụ truy tố tội buôn lậu » khí cười.

Về phía các chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên khoa về cai nghiện, theo France Info ngày 18/03/2023, điều khiến họ lo ngại hơn cả không phải là ở chính khí cười hay các chất gây nghiện khác, mà là ở mối liên hệ giữa thanh thiếu niên với sản phẩm gây ảo giác đó : giới trẻ bấu víu vào các chất này để quên đi nỗi buồn chán. Quả thực, nhiều nghiên cứu trong những tháng qua đã cho thấy sự xuống cấp về sức khỏe tâm thần của giới trẻ tại Pháp, do tác động của các đợt phong tỏa chống Covid-19, nỗi bất an về tương lai, nỗi sợ hãi về tình trạng biến đổi khí hậu, chiến tranh Ukraina, lạm phát, khủng hoảng … Điều tra của OFDT cho thấy gần ½ giới trẻ Pháp cho biết họ bị rối loạn sức khỏe tâm thần.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.