Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp : Nan giải bài toán phạt cha mẹ để con lêu lổng đập phá

Đăng ngày:

Tình trạng đập phá, quấy rối dịp Quốc khánh Pháp 14/07 năm nay đã giảm đi rõ rệt so với năm trước nhờ lực lượng cảnh sát, hiến binh hùng hậu được huy động, 45.000 người mỗi tối 13 và 14/07/2023 trên cả nước. Chính phủ không muốn lặp lại tình trạng bạo động kéo dài khoảng một tuần sau vụ thiếu niên Nahel bị một cảnh sát bắn chết do không tuân lệnh dừng xe : Hơn 3.200 người đã bị bắt giam, trong đó 1/3 là thiếu niên, người trẻ nhất bị bắt mới có 11 tuổi.

Cảnh sát Pháp bị nhắm bắn bằng pháo hoa trong đêm thứ ba bạo động sau vụ thiếu niên Nahel bị cảnh sát bắn chết, Nanterre, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 30/06/2023.
Cảnh sát Pháp bị nhắm bắn bằng pháo hoa trong đêm thứ ba bạo động sau vụ thiếu niên Nahel bị cảnh sát bắn chết, Nanterre, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 30/06/2023. AP - Aurelien Morissard
Quảng cáo

Dù sau đó, tình hình lắng xuống nhưng trong cuộc họp trước 300 thị trưởng ngày 04/07, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng “không thể làm như không có chuyện gì xảy ra”. Theo ông, nguyên nhân là “khuôn khổ gia đình đã bị phá vỡ, bị tan rã”. Các vụ bạo loạn đều xảy ra vào ban đêm. Câu hỏi đặt ra là tại sao trẻ vị thành niên lại ở ngoài đường vào giờ đó ? Tại sao cha mẹ và gia đình không quản lý được con cái ? Ngoài việc kêu gọi “trách nhiệm” của các bậc phụ huynh, chính phủ tính đến hai khả năng : Phạt tài chính hoặc hình sự cha mẹ của những thiếu niên phạm tội hoặc cắt trợ cấp xã hội cho những gia đình đó.

Phạt tài chính hoặc hình sự cha mẹ của những thiếu niên phạm tội

Ngay sau những đêm bạo loạn đầu tiên, bộ trưởng Tư Pháp Eric Dupond-Moretti đã nhấn mạnh : “Những bậc phụ huynh không quan tâm đến con của họ và để chúng nhởn nhơ vào ban đêm mà biết rằng chúng sẽ đi đâu (…) thì họ có thể lĩnh án 2 năm tù và bị phạt 30.000 euro”. Theo ông, “nhà nước không chịu trách nhiệm nuôi dạy con cái. Nhà nước có thể hỗ trợ các bậc phụ huynh nhưng không thể thay thế họ”.

Trong công văn ngày 30/06 gửi đến các viện công tố, bộ trưởng Tư Pháp nêu rõ “mỗi lần các bậc phụ huynh có khả năng thi hành quyền cha mẹ mà họ không làm, thì sẽ chịu trách nhiệm hình sự”. Ví dụ, nếu cha mẹ không có mặt khi con bị triệu tập trước pháp luật thì có thể huy động đến lực lượng cảnh sát để dẫn họ đến, hoặc trực tiếp phạt họ, hoặc buộc họ phải theo một khóa giáo dục công dân.

Nhìn chung rất khó chứng minh mối quan hệ nhân - quả giữa việc trẻ vị thanh niên phạm tội và việc thiếu giáo dục từ cha mẹ, theo luật sư hình sự Florence Rouas, đoàn luật sư Paris. Do đó sẽ phải xem xét từng trường hợp tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình. Nếu bị quy trách nhiệm liên đới, các bậc phụ huynh phải bồi thường thiệt hại. Nếu họ có bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì hãng bảo hiểm sẽ bồi thường theo hạn định mức trần của hợp đồng. Tuy nhiên, hầu hết các vụ chỉ dừng ở mức đe dọa, cảnh cáo. Trong số khoảng 200 vụ truy tố các bậc phụ huynh hàng năm, phần lớn là về tội “không cho con đi học”.

Trả lời đài Franceinfo ngày 01/07, thẩm phán Jean-Pierre Rosenczveig, nguyên chủ tịch tòa án trẻ em Bobigny, nhận định :

“Bộ trưởng và tổng thống có lý khi kêu gọi người lớn phải có trách nhiệm hơn, nhưng áp dụng các án phạt đối với phụ huynh thì hơi giống quả bom nổ chậm. Khi anh kết án một phụ huynh ở tòa hình sự, anh biến họ thành tội phạm và người đó trở nên phạm pháp với chính đứa con của mình, mà lẽ ra người đó không phải là tội phạm. Nên đe dọa thì hơn, để buộc họ nhận thức được, để họ chú tâm nhiều hơn vào con cái, phải đồng hành với họ, nhưng không phải kết án họ theo đúng nghĩa mà phải gây dựng lại được uy quyền cha mẹ của họ”.

Vẫn theo thẩm phán Jean-Pierre Rosenczveig, cần phải tập trung vào 2/3 “những người biểu tình, gây bạo động hơn 18 tuổi. Đó là những thanh niên mà bố mẹ đã bất lực từ nhiều năm qua và để chúng tự tung tự tác… Chúng ta đang trả giá cho việc đã để tình trạng đó kéo dài suốt nhiều năm”.

Ngừng trợ cấp cho các gia đình có con phạm pháp

Ngoài biện pháp phạt tiền và bồi thường hậu quả, tổng thống Emmanuel Macron cũng nêu khả năng “trừng phạt về tài chính”, như “ngừng chuyển tiền trợ cấp gia đình”, nhưng phải xem xét từng trường hợp.

Biện pháp cắt trợ cấp gia đình đối với các bậc phụ huynh có con thường xuyên trốn học đã được thông qua năm 2010 dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy, nhưng bị người kế nhiệm François Hollande, thuộc đảng Xã Hội, bãi bỏ. Trong suốt giai đoạn vận động tái tranh cử năm 2012, ông Nicolas Sarkozy hứa sẽ áp dụng biện pháp này đối với cả thiếu niên phạm pháp. Từ đó, đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa - LR nhiều lần đề xuất dự thảo luật về vấn đề này ở Hạ Viện lẫn Thượng Viện, nhưng đều không thành.

Tuy nhiên, đề xuất “cắt các khoản trợ cấp gia đình” gây rất nhiều tranh cãi. Trước tiên là do không được áp dụng rộng rãi, nên chưa chứng minh được hiệu quả, theo giải thích trên đài RFI của nhà xã hội học Thomas Sauvadet, giảng viên Đại học Paris-Est Créteil, chuyên gia về bạo lực đô thị và hiện tượng băng đảng :

“Biện pháp này hiếm khi được áp dụng ở Pháp, chỉ có vài trường hợp và là những ca rất cá biệt, nên không có bất kỳ dữ liệu hoặc nghiên cứu nào về chủ đề này để đánh giá hiệu quả nhìn từ quan điểm chất lượng so với các nghiên cứu của tôi. Đúng là có nhiều trường hợp, trong một số gia đình, tiền trợ cấp không được dành cho con và được cha mẹ sử dụng hoàn toàn cho những hoạt động khác. Nhưng trừng phạt em gái vì tội của anh trai thì cũng là một rủi ro”.

Ngoài ra, biện pháp được cho là để thể hiện cứng rắn nhưng lại cũng có phần phi nhân bản. Hầu hết trẻ tham gia các vụ báo động xuất thân từ các khu phố bình dân, tập trung đông người nhập cư. Các khoản trợ cấp là “một phần trong nguồn thu nhập tối thiểu giúp các gia đình sinh sống”, theo ông François Bayrou, chủ tịch đảng Modem, một người thân cận với tổng thống Macron. Dân biểu Fabien Roussel, thuộc đảng Cộng Sản Pháp, cũng cho rằng “hủy các khoản trợ cấp và hỗ trợ xã hội sẽ đổ thêm khốn khó vào nghèo khổ”. Đây cũng là nhận định của nhà xã hội học Thomas Sauvadet :

“Có nhiều trường hợp đặc biệt. Ví dụ có những trường hợp người cha nhận tiền trợ cấp gia đình, nhưng lại không sống chung nhà. Các nhân viên xã hội đôi khi biết hoàn cảnh đó, trong trường hợp này thì dễ chứng minh là cha mẹ không sống cùng hoặc thỉnh thoảng có mặt. Cũng có những trường hợp người mẹ 2, 3 ngày mới về, anh chị em trong nhà tự chăm nhau. Trong trường hợp cha mẹ nhận tiền trợ cấp gia đình nhưng lại không có mặt ở nhà, không chăm sóc con, nên uy quyền của cha mẹ, mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ bị cắt đứt.

Một quyết định hợp lý trong các trường hợp khác có thể gây ra nhiều vấn đề kinh tế và đẩy một số bậc phụ huynh vào cảnh khó khăn hơn và như vậy sẽ ảnh hưởng đến tất cả các anh chị em trong gia đình”.

Một số địa phương đưa ra quyết định triệt để, chấp nhận bị chỉ trích, để đánh động ý thức tập thể. Ví dụ, thành phố Blanc-Mesnil, ở ngoại ô Paris, nơi có nhiều cơ sở công bị phá hủy trong các vụ bạo động, đã hủy sự kiện “Beach Mesnil” (Bãi biển Mesnil) được tổ chức hàng năm, để bù đắp phần nào cho các gia đình không thể đi nghỉ hè. Thành phố cũng hủy lễ bắn pháo hoa và dạ tiệc Ngày Quốc Khánh 14/07. “Số tiền tiết kiệm sẽ giúp chi trả thiệt hại do những kẻ bạo động gây ra”, dù chỉ bù được khoảng 1/5 thiệt hại, theo ông thị trưởng. Những vụ đập phá như vậy đã vượt qua khỏi khuôn khổ “nghịch dại”, theo ông Thomas Sauvadet :

“Chúng ta đối mặt với những vụ bạo động, những vụ tấn công vào tài sản công, nhắm vào người ở mức độ nghiêm trọng. Đó không còn đơn thuần là nghịch dại nữa. Vấn đề nằm ở chỗ là hiện tượng băng đảng, các mạng lưới buôn bán ma túy hoành hành ở nhiều khu phố, rất khó xử lý đối với các bậc phụ huynh. Có nghĩa là khi con em họ ra ngoài đường, chúng bị lôi vào một nhóm, kiểu băng đảng hay mạng lưới buôn bán. Rất khó cho cha mẹ kéo được con họ ra khỏi đó”.

40 thất bại trong chính sách hội nhập ?

Khu dân cư Picasso ở thành phố Nanterre, nơi bắt nguồn các vụ bạo động sau khi thiếu niên Nahel bị một cảnh sát bắn chết, nằm trong số những dự án còn được gọi là “chung cư ký túc xá” dành cho người nhập cư, được xây ở ven các thành phố lớn như Paris, Marseille, Lyon, Nice. Năm 1973, chính phủ chấm dứt những dự án nhà chọc trời, “ít phù hợp” với mong muốn, thậm chí là lối sống của người dân, nhưng cũng nhằm tránh “phân biệt xã hội” như ở Hoa Kỳ trong thập niên 1950-1960.

Những năm tiếp theo là hàng loạt kế hoạch để “tái hòa nhập xã hội các khu chung cư cao tầng đã xuống cấp ở 53 vùng ngoại ô, bằng cách cải thiện cảnh quan kiến ​​trúc, tiện nghi của những khu đó và phát triển đời sống xã hội trong các khu phố”, đầu tư phát triển giáo dục với kế hoạch “vùng giáo dục ưu tiên” (ZEP), hoặc dự án các doanh nghiệp đỡ đầu thanh niên ở những khu vực này trong cuộc sống hàng ngày, tìm việc làm, hoặc hội nhập qua con đường thể thao.

Dưới thời tổng thống Jacques Chirac, “kế hoạch Marshall các khu ngoại ô” đầy tham vọng được triển khai với mong muốn người dân các khu ngoại ô có thể hội nhập vào kết cấu kinh tế và xã hội của đất nước. Sau đó, “cảnh sát khu phố” được thành lập để lắng nghe, thấu hiểu những trăn trở của thanh niên khu bình dân. Mục đích thực sự là chống “bạo lực đô thị”. Nhưng lực lượng được coi là “cầu nối” giữa chính quyền và thanh niên bị xóa gần như hoàn toàn năm 2003 khi ông Nicolas Sarkozy làm bộ trưởng Nội Vụ.

Nhìn chung, những nỗ lực của các đời chính phủ Pháp vẫn không mang lại kết quả như mong muốn, điển hình là những vụ bạo loạn, đập phá, đối đầu giữa thanh niên ngoại ô và cảnh sát trong thời gian vừa qua. Năm 2023 lẽ ra Pháp kỉ niệm tròn 40 năm thực hiện kế hoạch hội nhập người nước ngoài. Theo báo mạng L’Orient-Le Jour của Liban, “Pháp gặp vấn đề nghiêm trọng về hội nhập dù không bị quá tải về người nhập cư như các đảng cánh hữu, cực hữu vẫn than phiền”. Một thanh niên da đen hoặc gốc Bắc Phi khó có cơ hội tuyển dụng như một người da trắng và thường bị cảnh sát kiểm tra hơn.

Tờ báo của Liban cho rằng vấn đề không phải do luật hay do các chính sách phân biệt mà là hệ quả của ít nhất ba yếu tố : sự xói mòn của mô hình Cộng hòa không còn hội nhập được người khác theo bản chất của chính họ, chứ không phải như người đó muốn trở thành ; sự thiếu suy nghĩ tập thể ; cảm giác khá phổ biến về việc liên hệ trực tiếp giữa thanh niên các khu bình dân với cảm giác bất an. 

Không phải chính phủ không làm gì, nhưng chưa hẳn là đã làm đủ để xóa bỏ những bất công đó.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.