Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp : "Tiếp tục nói" để nạn nhân chất độc da cam Việt Nam không bị quên

Đăng ngày:

Hơn 60 năm sau kể từ khi quân đội Mỹ rải hơn 80 triệu tấn thuốc diệt thực vật ở Việt Nam trong suốt một thập niên, các nạn nhân vẫn kiên trì đòi công lý. Sau khi Tòa án Evry chấp thuận bào chữa của 14 công ty bị kiện là « hành động theo lệnh và vì Nhà nước Hoa Kỳ » nên được « miễn trừ thẩm quyền », bà Trần Tố Nga đã kháng án. Theo dự kiến, đến tháng 07/2024, Tòa án Evry sẽ phải ra phán quyết về đơn kháng án này.

Ảnh minh họa chụp ngày 08/08/2012, Lê Văn Tam (áo trắng) bị thiểu năng và tàn tật do bố mẹ bị nhiễm chất độc da cam gần một căn cứ quân sự cũ của Mỹ trong khu sân bay Đà Nẵng, Trung tâm phục hồi chức năng, Đà Nẵng, Việt Nam.
Ảnh minh họa chụp ngày 08/08/2012, Lê Văn Tam (áo trắng) bị thiểu năng và tàn tật do bố mẹ bị nhiễm chất độc da cam gần một căn cứ quân sự cũ của Mỹ trong khu sân bay Đà Nẵng, Trung tâm phục hồi chức năng, Đà Nẵng, Việt Nam. AP - Maika Elan
Quảng cáo

Trong thời gian chờ đợi, các hiệp hội tại Pháp tiếp tục chung tay với bà Trần Tố Nga và hơn 4,8 triệu người dân Việt Nam bị nhiễm độc, trong đó hiện còn hơn 3 triệu người vẫn mang trong mình nhiều hệ quả. Ngày 01/06/2023, được sự hỗ trợ của thành phố Sète (miền nam Pháp) và hai hiệp hội Collectif Vietnam Dioxine và Hữu nghị Pháp-Việt ở Montpellier, hai hội Filomer và Comoedia đã chiếu bộ phim tài liệu Agent Orange, une bombe à retardement (Chất độc da cam, quả bom nổ chậm) của đạo diễn Hồ Thủy Tiên và Laurent Lindebrings, tiếp theo là buổi thảo luận với các nhà làm phim tại Montpellier và Marseille. Ngoài ra, một triển lãm về hậu quả do việc rải chất độc da cam ở Việt Nam từ năm 1961-1971 cũng được tổ chức đến ngày 12/06 để cho thấy « chất độc vô hình này, giờ không còn ai nhớ đến, nhất là thanh niên, vẫn chưa chấm dứt ».

Ông Hồ Hải Quang, anh trai của đạo diễn Hồ Thủy Tiên, là nhà sáng lập hội Orange Dihoxyn hoạt động tại đảo La Réunion (Pháp). Ngoài tham gia bộ phim tài liệu, ông tổ chức nhiều sự kiện chung tay gây quỹ với hiệp hội Collectif Vietnam Dioxin để giúp bà Trần Tố Nga theo đuổi vụ kiện. Ông đã dành cho RFI Tiếng Việt một buổi phỏng vấn tại trụ sở của đài.

Ông Hồ Hải Quang, người thành lập hội Orange Dihoxyn biểu diễn ca khúc do chính ông sáng tác về chất độc da cam tại Hà Nội năm 2011.
Ông Hồ Hải Quang, người thành lập hội Orange Dihoxyn biểu diễn ca khúc do chính ông sáng tác về chất độc da cam tại Hà Nội năm 2011. © Ho Hai Quang

RFI : Ngày 23/03/2023, ông thuyết trình tại hội thảo về « Chất độc da cam : Mỹ và các tội ác chiến tranh ở Việt Nam » do ông Salim Lamrani tổ chức tại Trường Nhân văn, Đại học La Réunion ở Saint-Denis. Chủ đề này được tiếp nhận như thế nào ở Réunion ?

Hồ Hải Quang : Thực ra, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo và chiếu phim ở đảo Réunion. Hội thảo hồi tháng 03 có lẽ là lần thứ 10 chúng tôi tổ chức ở Réunion. Theo tôi, đây cũng là một chủ đề rất quan trọng với người dân Réunion bởi vì hòn đảo cũng từng là thuộc địa và chất độc da cam là một vấn đề quốc tế cần được giải quyết. Hy vọng vấn đề đó sẽ được giải quyết, có thể là sang năm, có thể là sau này, tôi cũng không rõ. Nhưng vấn đề đó rất quan trọng không chỉ đối với người dân đảo Réunion mà còn đối với tất cả mọi người.

RFI : Ông là chủ tịch hội Orange Dihoxyn, ông cũng tham gia thực hiện một bộ phim tài liệu về những tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều bài viết về chất độc da cam và tổ chức hoặc đồng tổ chức nhiều hội thảo về sự kiện này hoặc quyên góp giúp các nạn nhân chất độc da cam. Liệu đó có phải là cách để tiếp tục nói về họ và để họ không bị lãng quên ?

Hồ Hải Quang : Tôi thành lập hội Orange Dihoxyn vào năm 2008 khi hiểu được các hậu quả của chất độc da cam. Và để hành động, chúng ta có thể làm nhiều việc. Lúc còn trẻ, tôi là nhạc sĩ nên tôi nghĩ rằng âm nhạc có thể là một yếu tố rất quan trọng trong việc truyền bá các ý tưởng. Cho nên tôi đã quy tụ quanh hội Orange Dihoxyn nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp nhất có thể và chúng tôi tổ chức các buổi biểu diễn. Trước buổi diễn, tôi giải thích vấn đề chất độc màu da cam là gì. Thường thì người ta đến nghe nhạc và cũng phát hiện ra vấn đề chất độc màu da cam. Nhiều người trong số họ đã tham gia hội và giúp hội vững mạnh hơn.

Nhân nói về những hội thảo và hòa nhạc được hội tổ chức, chúng tôi đã mời bà Trần Tố Nga đến đảo Réunion vào năm 2014, khi phiên tòa bắt đầu. Lúc đó, chúng tôi đã tổ chức một buổi hòa nhạc rất lớn. Tôi tin là Orange Dihoxyn là một hội đặc biệt ở chỗ chúng tôi sử dụng âm nhạc làm phương tiện quốc tế để phổ biến ý tưởng.

RFI : Nhân nói về bộ phim tài liệu Chất độc da cam, quả bom nổ chậm, ông đã đến Việt Nam để thực hiện bộ phim. Bộ phim đã tác động đến khán giả như thế nào ?

Hồ Hải Quang : Có hai câu hỏi ở đây. Bộ phim đã được thực hiện ra sao ? Và khán giả đã phản ứng như thế nào ? Bộ phim được quay với em gái tôi là Hồ Thủy Tiên. Chúng tôi cùng viết kịch bản. Phim được thực hiện thành ba phần. Có một phần quay ở Việt Nam, một phần ở Pháp và một phần ở Mỹ và Canada. Tôi tham gia vào phần tổ chức toàn bộ chuyến đi Canada và phỏng vấn nhiều cựu chiến binh Mỹ bị nhiễm chất độc da cam. Tôi cũng phỏng vấn các đồng nghiệp của mình là giáo sư đại học để biết ý kiến của họ về vấn đề chất độc da cam. Đó là phần thực hiện bộ phim.

Còn phim được cảm nhận như thế nào? Có thể nói đó là một cách truyền tải tuyệt vời. Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều buổi hòa nhạc nhưng đó cũng chỉ là một phương tiện đơn thuần. Còn để có được tranh luận sâu sắc hơn với công chúng thì phải làm phim. Thực ra là có hai bộ phim. Phim đầu tiên dài 54 phút được thực hiện với Hồ Thủy Tiên và được chiếu vào những dịp lớn. Tôi làm bộ phim thứ hai ngắn hơn nhiều, chỉ khoảng 15 phút. Khi khán phòng nhỏ hơn và khi khán giả cần trao đổi với tôi thì chúng tôi chiếu phim khoảng 15-20 phút. Trong bộ phim riêng này, tôi có xuất hiện với bà Tố Nga, trong lúc đề cập lần đầu tiên đến vấn đề chất độc da cam nhưng lúc đó phiên tòa chưa bắt đầu. 

Bà Trần Tố Nga, người khởi kiện 14 công ty cung cấp chất độc da cam cho chính phủ Mỹ rải xuống Việt Nam, cùng với một em bé nạn nhân chất độc da cam. Ảnh chụp từ video quảng cáo phim Agent Orange, une bombe à retardement (Chất độc da cam, quả bom nổ chậm) của đạo diễn Hồ Thủy Tiên và Laurent Lindebrings.
Bà Trần Tố Nga, người khởi kiện 14 công ty cung cấp chất độc da cam cho chính phủ Mỹ rải xuống Việt Nam, cùng với một em bé nạn nhân chất độc da cam. Ảnh chụp từ video quảng cáo phim Agent Orange, une bombe à retardement (Chất độc da cam, quả bom nổ chậm) của đạo diễn Hồ Thủy Tiên và Laurent Lindebrings. © Capture d'écran

RFI : Bà Trần Tố Nga đã kiện 14 công ty sản xuất và cung cấp chất diệt cỏ mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong chiến tranh. Ngày 10/05/2021, Tòa án Evry đã ra phán quyết bác đơn kiện của bà. Liệu vẫn còn có hy vọng vào một sáng kiến khác cho công lý, cho những nạn nhân Việt Nam ? Hội của ông, cũng như những hiệp hội khác, sẽ tiếp tục đưa ra những sáng kiến để theo đuổi cuộc đấu tranh này ?

Hồ Hải Quang : Trước tiên tôi thấy Tòa án Evry đã ra một phán quyết tồi vì cho rằng các công ty hóa chất ít nhiều bị chính phủ Mỹ ép buộc. Và nếu bị ép buộc, chúng tôi không thể tấn công họ. Nhưng nếu nhìn vào lịch sử việc rải chất độc da cam, chúng ta thấy là chiến dịch được bắt đầu vào năm 1961 do chính tổng thống Kennedy ra lệnh. Chỉ từ năm 1964, các công ty hóa chất bị buộc phải tuân theo lệnh của chính phủ Mỹ. Đúng là, họ có thể thoái thác trách nhiệm từ năm 1964 bởi vì luật quy định như vậy. Nhưng ít nhất phải kết tội họ về các vụ rải hóa chất từ năm 1961 đến 1964.

Vì những lập luận đó, tôi thấy Tòa án Evry đã không làm tròn trọng trách. Chúng tôi đang kháng án và phán quyết tiếp tục cho đơn kháng án này sẽ chỉ được công bố vào khoảng tháng 07/2024. Đã gần 10 năm chúng tôi theo đuổi vụ kiện và dĩ nhiên là rất tốn kém. Tôi hy vọng là Tòa án Evry sẽ cân nhắc lại vấn đề này và chí ít tính đến những vụ xảy ra trong những năm 1961-1964, vào giai đoạn đó không có gì bắt buộc các công ty hóa chất cung cấp chất làm rụng lá cho quân đội Mỹ. Và chỉ cần họ bị kết tội vì những vụ này.

RFI : Ông nói là phiên tòa đã kéo dài gần 10 năm và rất tốn kém. Hội của ông cũng như nhiều hội đoàn khác làm như nào để giúp bà Tố Nga theo đuổi vụ kiện và tiếp tục cuộc đấu tranh ?

Hồ Hải Quang : Ủy ban ủng hộ bà Nga có khoảng 10 hội. Mỗi hội đóng góp theo cách riêng cho chi phí vụ kiện vô cùng tốn kém này. Một số hội tổ chức bữa ăn tương ái, một số hội khác thì gây quỹ (crowdfunding) quyên góp tập thể. Hội Orange Dihoxyn chúng tôi tổ chức các buổi hòa nhạc và hội thảo. Và thường các buổi biểu diễn mang lại nhiều cho quỹ và tôi chuyển phấn lớn số tiền đó cho vụ kiện. Nhưng phải nói là từ lúc bùng dịch Covid-19, hội Orange Dihoxyn chúng tôi không thể tổ chức các buổi biểu diễn nên tôi quyết định dạy ghi ta vì tôi là nhạc sĩ. Số tiền thu được cũng được dành theo đuổi vụ kiện. 

RFI : Ngày 03/02/1994, tổng thống Mỹ Bill Clinton dỡ bỏ cấm vận mà Mỹ áp dụng với Việt Nam từ khi kết thúc chiến tranh, trong đó có một điều kiện là Mỹ từ chối mọi yêu cầu sửa chữa chiến tranh. Dù vậy, các cơ quan, tổ chức của Mỹ tài trợ nhiều chương trình nhân đạo ở Việt Nam. Ông nhận định như nào về những ý tưởng đó ?

Hồ Hải Quang : Tôi nghĩ đến hai điều. Trước tiên, Việt Nam cũng như Mỹ muốn ngăn chặn sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế, chính trị của Trung Quốc. Do đó Hà Nội cần tự vệ trước Trung Quốc. Còn Washington cũng muốn Bắc Kinh không thể bắt kịp họ. Trung Quốc có rất nhiều lợi ích và hiện diện thường trực ở Biển Đông, kể cả ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam khẳng định chủ quyền. Do đó, có thể thấy một kiểu thỏa thuận nào đó giữa Việt Nam và Mỹ để chống lại Trung Quốc. Theo tôi, đó là vấn đề cốt lõi, mang tính địa chính trị. 

RFI : Những hoạt động đó khẳng định Việt Nam và Hoa Kỳ nhất trí gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Hồ Hải Quang : Đúng vậy khép lại quá khứ nhưng tương lai là Hoa Kỳ sẽ không bao giờ chấp nhận bồi thường cho Việt Nam. Tại sao ? Bởi vì một lý do rất đơn giản, chỉ những bên bại trận mới bị buộc phải sửa chữa hậu quả. Chỉ có bên thua cuộc mới phải khắc phục hậu quả. Còn bên thắng cuộc thì không. Và họ sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ông Hồ Hải Quang, chủ tịch hội Orange Dyoxine, giảng viên Đại học La Réunion.


Bài hát được sử dụng trong tạp chí : Choeur pour le Vietnam, sáng tác và biểu diễn Hồ Hải Quang.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.