Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Nước Pháp và thách thức tái thúc đẩy dây chuyền sản xuất dược phẩm trong nước

Đăng ngày:

Ngày 13/06/2023, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong chuyến thăm một hãng dược tại tỉnh Ardèche, vùng Auvergne-Rhône-Alpes, đã thông báo kế hoạch tái thúc đẩy dây chuyền sản xuất dược phẩm ngay tại lãnh thổ Pháp, nhằm đối phó với tình trạng khan hiếm thuốc mang tính hệ thống và ngày càng gia tăng trong những năm qua ở Pháp, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài.

Ảnh chụp ngày 05/01/2023, tại Paris. Thuốc giảm đau, hạ sốt Doliprane, 1 trong những loại thuốc được dùng phổ biến tại Pháp.
Ảnh chụp ngày 05/01/2023, tại Paris. Thuốc giảm đau, hạ sốt Doliprane, 1 trong những loại thuốc được dùng phổ biến tại Pháp. © AFP - JOEL SAGET
Quảng cáo

Theo báo Le Figaro ngày 10/03/2023, từng là nước bào chế dược phẩm dẫn đầu Liên Âu trong giai đoạn 1995-2008, nay nước Pháp tụt xuống hàng thứ 4, sau Thụy Sỹ, Đức, Ý và đứng thứ 5 thế giới. Theo số liệu của Leem, tổ chức của các hãng dược phẩm hoạt động tại Pháp, năm 2018, Pháp có 271 cơ sở sản xuất thuốc, tập trung chủ yếu ở vùng Paris. Trong số hơn 300 loại thuốc được cấp phép ở Liên Âu giai đoạn 2016-2022, chỉ có 42 loại được bào chế tại Pháp, so với con số 112 của Đức.

« Đảo chiều lịch sử », tái dịch chuyển dây chuyền sản xuất dược phẩm về nước cũng là một trong chuỗi các kế hoạch của tổng thống Macron để tái công nghiệp hóa bảo đảm quyền tự chủ công nghiệp và công nghệ của đất nước, bởi tham vọng tái dịch chuyển về nước dây chuyền bào chế thuốc đã từng được đề cập đến trong kế hoạch đầu tư France 2030 của tổng thống Macron hồi tháng 10/2021.

Le Figaro ngày 13/06 cho biết chính phủ Pháp đã xác định một danh sách gồm 450 loại thuốc được xem là « thiết yếu » mà Pháp « không được phép yếu kém », « cần phải bảo đảm đây chuyền sản xuất trong những tháng tới, năm tới », trong số đó có 50 loại thuốc cực kỳ quan trọng phải được « tái dịch chuyển hoàn toàn » về Pháp.

Tham vọng « tiến nhanh hơn và mạnh hơn » về bào chế dược phẩm của tổng thống Macron diễn ra trong bối cảnh, một khảo sát của công ty nghiên cứu, tư vấn và dữ liệu BVA thực hiện cho France Assos Santé, Liên hiệp quốc gia các hiệp hội y tế tại Pháp, hồi tháng 03/2023 cho thấy có 37% người Pháp từng đối diện với tình trạng nhà thuốc thiếu thuốc khi họ đến mua.

Tổng thống Pháp Macron cảnh báo sẽ « còn những tình huống khẩn cấp khác trong những tháng, năm tới ». Quả thực, báo La Tribune cho biết sản xuất nhiều loại thuốc của Pháp, chẳng hạn thuốc kháng sinh, dược phẩm gây mê … phụ thuộc đến 60-80% vào nhập khẩu từ Trung Quốc, tỉ lệ này thậm chí lên đến 95% đối với các loại dược phẩm sinh học.

Để hiểu thêm về tình hình khan hiếm thuốc tại Pháp, cũng như những khó khăn của Pháp về tái dịch chuyển bào chế dược phẩm, hôm thứ Năm 22/06/2023, RFI tiếng Việt đã phỏng vấn bà Anaïs Francioni, phát ngôn viên của Đài quan sát tính minh bạch của các chính sách về dược phẩm của Pháp, OTMeds.

RFI : Do đâu mà chính quyền của tổng thống Macron lại có tham vọng tái thúc đẩy sản xuất thuốc ngay tại nước Pháp ?

Anaïs Francioni :Tham vọng tái thúc đẩy việc sản xuất dược phẩm ở Pháp xuất phát từ 3 yếu tố chính, đó là đại dịch Covid-19, tình trạng khan hiếm ngày càng tăng và sự lệ thuộc vào nhập khẩu. Đại dịch Covid-19 rõ ràng đóng một vai trò quan trọng vì giúp nhà chức trách hiểu rằng các nguy cơ về y tế và đại dịch đang hiện hữu và khó dự báo. Khi đó, người ta đã nhanh chóng cảm nhận được sự thiếu hụt tại các khoa hồi sức. Các bệnh viện đã phải phản ứng khẩn cấp để thích nghi với tình hình căng thẳng.

Trong khi đó, Trung Quốc đã buộc phải ngừng sản xuất tại các cơ sở sản xuất các dược chất chính, còn Ấn Độ thì buộc phải đóng cửa biên giới, không cho xuất khẩu hàng hóa. Mong muốn tái dịch chuyển sản xuất dược phẩm về Pháp phù hợp với sự cần thiết trong việc phản ứng nhanh chóng và hiệu quả với các tình huống thiếu thuốc, nhất là liên quan đến khủng hoảng y tế.

Về sự lệ thuộc vào nhập khẩu, Pháp đang ở trong một tình thế dễ bị tác động nặng nề. Có thể nói, trong bối cảnh quốc tế căng thẳng, với cuộc chiến kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ, thì việc sử dụng dược phẩm làm phương tiện đe dọa là một nguy cơ hoàn toàn có thể xảy ra. Hiện nay thì vẫn chưa, nhưng dĩ nhiên là sẽ có thể xảy ra trong các cuộc xung đột trong tương lai. Vì vậy, toàn bộ thách thức về chủ quyền y tế cũng là làm sao để có thể lường trước được nguy cơ đó và có thể bào chế các loại dược phẩm thiết yếu ngay tại Pháp, hoặc rộng hơn nữa là ở châu Âu.

RFI : Đâu là những loại thuốc đang khan hiếm tại Pháp ? Và tình trạng khan hiếm, căng thẳng về dược phẩm bắt đầu từ khi nào ?

Anaïs Francioni : Khi nói đến tình trạng thiếu hụt thuốc thì chúng ta cũng nên nhớ là tại Pháp nạn khan hiếm, thiếu hụt thuốc liên quan đến mọi loại thuốc điều trị bệnh. Đây không phải là điều mới xảy ra, nhưng nạn khan hiếm, thiếu hụt thuốc đã tăng mạnh kể từ đầu những năm 2000. Như vậy, điều thay đổi chỉ là về số lượng. Tính từ đầu năm 2022, có hơn 3.000 sản phẩm y tế mà nguồn cung gặp khó khăn hoặc hàng trong kho cạn kiệt, đây là mức cao và con số này đã tăng với tốc độ rất nhanh. Hồi năm 2014, tình hình căng thẳng hay thiếu hụt chỉ liên quan đến hơn 400 sản phẩm nhưng đến năm 2018 con số này lên tới hơn 800, theo số liệu của ANSM, Cơ quan An toàn Dược phẩm Quốc gia của Pháp.

Trong nội bộ Đài quan sát tính minh bạch của các chính sách dược phẩm, chúng tôi cũng đã tiến hành một cuộc điều tra về các báo động liên quan đến những dược phẩm chính trị bệnh từ tháng 04/2021 đến tháng 02/2023. Chủ yếu thì có 4 nhóm thuốc trị bệnh bị ảnh hưởng : dược phẩm trị bệnh thần kinh, các thuốc chống viêm nhiễm nói chung, các thuốc trong nhóm chống ung thư và điều hòa miễn dịch. Đây là những loại thuốc chống ung thư với mục đích làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của khối u. Và nhóm thứ tư là các chất dẫn xuất từ ​​máu.

RFI : Đâu là những lý do dẫn đến tình trạng thiếu, khan hiếm thuốc tại Pháp ?

Anaïs Francioni : Có nhiều lý do dẫn đến sự khan hiếm này. Trước hết là mức tiêu thụ của thế giới đã tăng. Kèm theo đó là sự lão hóa dân số. Ngoài ra, khả năng mua thuốc của các quốc gia mới nổi cũng đang gia tăng. Và dĩ nhiên là còn có sự bùng nổ các bệnh không lây nhiễm ở quy mô thế giới. Tiêu thụ của thế giới tăng thì lẽ ra sản xuất toàn cầu cũng phải tăng theo, nhưng sản xuất lại không thể theo kịp. Thế nên, chúng ta phải nhanh chóng thích ứng với những nhu cầu tiêu dùng này.

Về sản xuất, 80% nguyên liệu thô được sản xuất ở châu Á, chủ yếu là tại Ấn Độ và Trung Quốc. Chúng tôi cũng quan sát thấy rằng chính việc sản xuất tập trung dày đặc như vậy lại khiến các hoạt động rất dễ bị tác động và không ổn định. Tôi xin lấy một ví dụ minh họa : đối với Misoprostol, loại thuốc được sử dụng để phá thai, thì chỉ có một nhà máy bào chế nguyên liệu thô ở Anh và 2 nhà sản xuất để cung cấp cho toàn bộ hệ thống phân phối loại thuốc này ở Pháp. Thế nên, chỉ cần một trục trặc nhỏ trong dây chuyền sản xuất mang tính tập trung này là đủ để dẫn đến việc thiếu thuốc, và một cách rất nhanh, như từng xảy ra hồi mùa xuân vừa rồi. Từ góc độ chính sách công, có thể nói rằng chúng ta đã để mặc năng lực chăm sóc y tế thuận theo logic thị trường, logic lợi nhuận.

Có rất ít sự minh bạch trong việc hình thành giá thuốc và tài trợ mà các công ty dược phẩm nhận được từ Nhà nước. Mọi người cứ nói rằng giá các sản phẩm y tế cao là do có độc quyền về bằng sáng chế, do rủi ro mà các hãng dược phẩm phải gánh. Thế nhưng, khi tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi thấy rằng ở mọi nơi, mọi cấp độ đều có tài trợ của Nhà nước. Nhà nước dùng công quỹ để tài trợ một phần cho sáng chế và sản xuất các sản phẩm y tế. Thế rồi, có thể là các hãng lại bỏ bào chế một số loại thuốc mà không phải bồi thường, nhất là đối với những loại thuốc không mang lại nhiều lợi nhuận.

Thế nhưng, điều đó cũng không có nghĩa là giá cao sẽ khiến chúng ta có đầy đủ thuốc hơn. Có thể lấy ví dụ về Thụy Sĩ, nơi thuốc đắt hơn 48% so với ở Pháp nhưng tình trạng khan hiếm, thiếu hụt thuốc còn nghiêm trọng hơn. Vì vậy, vấn đề không phải là giá thuốc. Ngoài ra, đối với giá thuốc, thì một lần nữa xin nói là chúng ta mới có rất ít sự minh bạch về việc cấu thành giá thuốc. Nói tóm lại, những gì chúng ta vẫn làm như hiện nay, ở Pháp cũng như tại đa phần các nước châu Âu, đang góp phần vào việc làm tăng giá các sản phẩm y tế.

RFI : Pháp đã thụt lùi trên bảng xếp hạng các nước sản xuất dược phẩm lớn tại châu Âu và trên thế giới. Đâu là những nguyên nhân chính ?

Anaïs Francioni :Không có gì đáng ngạc nhiên, lý do chính khiến Pháp tụt hạng trong bảng xếp hạng các nước sản xuất thuốc là việc di dời một phần rất lớn các nhà máy sản xuất. Chiến lược của Pháp tập trung chủ yếu vào sáng chế hơn là vào sản xuất, thế nên Pháp không còn giữ được vị trí đầu bảng xếp hạng các nước sản xuất thuốc. Đây cũng là mô hình có từ lâu nay ở Liên Âu, nơi 40% dược phẩm và 80% nguyên liệu thô được nhập khẩu từ các nước ngoài khối.

Bên cạnh lý do chính là việc di dời sản xuất của các công ty tư nhân, còn có lý do khác : Nhà nước, nhất là các bệnh viện bỏ sản xuất thuốc, do các vấn đề ngân sách, dưới thời Martin Hirsch làm giám đốc AP-HP, Cơ quan quản lý các BV công Paris. Về vấn đề nói trên, một dự luật lớn đã một số dân biểu đảng Nước Pháp Bất Khuất trình bày hôm 21/06/2023, nhắm tới việc tạo một cơ quan Nhà nước về dược phẩm, cho phép lập kế hoạch y tế và hoạt động sản xuất dược phẩm công. Đa phần văn bản này dựa vào nghiên cứu của Đài quan sát về tính minh bạch của các chính sách về thuốc, dự kiến mang lại quyền kiểm soát tốt hơn đối với hoạt động của ngành dược phẩm, điều kiện được hưởng tài trợ công và bảo đảm tốt hơn tính minh bạch. Về lâu dài, những điều này có thể khiến Pháp có thể sản xuất nhiều thuốc hơn ngay trong nước.

RFI : Đâu là những thách thức, cản trở lớn đối với kế hoạch của tổng thống Pháp để tái dịch chuyển sản xuất dược phẩm về nước Pháp ?

Anaïs Francioni : Sản xuất tại Pháp, điều đó có nghĩa là gì ? Chúng ta không có thông tin về việc tái dịch chuyển về nước việc sản xuất các hoạt chất, nguyên liệu thô. Và chúng ta thực sự sẽ sản xuất những gì tại Pháp? Chúng tôi biết rõ rằng nếu không tăng sản xuất nguyên liệu thô, chúng ta sẽ không giải quyết được vấn đề thiếu hụt thuốc. Đó là một vấn đề mang tính cấu trúc. Chúng ta cần nguyên liệu để có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất. Do đó, trở ngại đầu tiên là khâu sản xuất nguyên liệu. Cần phải rõ ràng và phải có khả năng sản xuất nguyên liệu ở quy mô quốc gia hoặc châu Âu.

Tiếp theo, để việc tái dịch chuyển sản xuất về nước có hiệu quả, chúng ta cũng không được đặt cược mọi thứ vào khu vực tư nhân, phải cho phép các cơ sở công lập, đặc biệt là các bệnh viện, sản xuất một số sản phẩm y tế. Trước đây ở Pháp từng là như vậy và hiện nay ở một số nước cũng thế, đặc biệt là Brazil, một trong những ví dụ được biết đến nhiều nhất.

Điều cuối cùng là phải có khả năng phát triển một chiến lược của châu Âu về bào chế dược phẩm. Một mình nước Pháp thì sẽ không thành công trong việc sản xuất 450 loại thuốc trong danh sách, mà theo danh sách của Tổ Chức Y Tế Thế Giới thì có đến 577 loại. Cần phải có sự phối hợp và để làm được điều này, điều quan trọng nhất là các chính sách công của Pháp và Châu Âu phải dựa trên các yếu tố hợp lý, và dĩ nhiên là phải bảo đảm tính minh bạch ở các giai đoạn khác nhau trong lĩnh vực sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm y tế.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn bà Anaïs Francioni đã tham gia chương trình!

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.