Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Tại Pháp, đội cứu hộ tình nguyện vừa biểu tình vừa sơ cứu

Đăng ngày:

Có mặt trong hầu hết các cuộc biểu tình tại Pháp, đội cứu thương đường phố - Street Medic lựa chọn cách biểu tình của riêng mình. Làm tình nguyện, không được trả lương và tự trang bị đồ sơ cứu, các đôi Street Medic là những người đầu tiên có thể tiếp cận những người bị thương, trước khi nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp đến, nhất là trong bối cảnh bạo lực gia tăng giữa cảnh sát và một nhóm người biểu tình tại Pháp.

Đội cứu thương tình nguyện Street Medic tại Paris, Pháp, trong  ngày biểu tình phản đối cải cách hưu trí, 28/03/2023.
Đội cứu thương tình nguyện Street Medic tại Paris, Pháp, trong ngày biểu tình phản đối cải cách hưu trí, 28/03/2023. © Chi Phuong
Quảng cáo

Một người biểu tình chạy theo gọi một đội cứu thươnng đường phố : “Medic, Medic, tôi thấy bên kia có người bị thương, không biết ai đã đến đó chưa ?” Medic hay Street Medic, không phải là tên của riêng ai trong đội cứu hộ tình nguyện này, gồm bốn, năm cô gái trẻ này, mà là tên gọi chung của những người mặc áo trắng in chữ thập màu đỏ hoặc xanh, đội mũ bảo hộ, lưng đeo ba lô chứa đồ sơ cứu. Ngày nay, họ có mặt trong hầu hết các cuộc biểu tình tại Pháp. Những tình nguyện viên này thường đi theo nhóm từ 2 đến 5 người hoặc nhiều hơn, để mọi người dễ dàng nhận ra và thường là những nhóm độc lập.  

Với những đôi mắt quan sát nhạy bén, họ đánh giá tình hình nhanh chóng để lựa chọn vị trí di chuyển. Tại quảng trường Nation ở Paris, hôm 28/03 vừa qua, trong cuộc biểu tình phản đối cải cách chế độ hưu trí tại Pháp, ngay khi một đám người mặc đồ đen Black bloc - Hội Áo đen, che kín mặt, tiến gần cảnh sát, một số ném đất đá hoặc bất cứ thứ gì tìm được xung quanh. Đội cứu hộ cũng di chuyển theo hội Áo đen, thường đi phía trước đoàn tuần hành chính thức. Anh Guillaume, tình nguyện viên cứu thương từ hơn 3 năm qua, có mặt tại đây cho biết : “Chúng tôi đến gần hơn, bởi vì có nguy cơ xảy ra bạo lực, hoặc đám đông hỗn loạn, khả năng sẽ có người bị tấn công bằng dùi cui hoặc bị xịt hơi cay. Chúng tôi đến gần để hiểu rõ hơn tình hình xảy ra. Nếu không có gì thì chúng tôi sẽ đi chỗ khác. Chúng tôi cũng không tiến đến gần quá, trong trường hợp cảnh sát tấn công. Hơn nữa, không ai bắt buộc chúng tôi tiến gần quá, nếu muốn thì chúng tôi có thể đứng ở xa hơn.” 

 

Những người biểu tình bị thương được đội cứu hộ Street Medic sơ cứu, ngày 28/03/2023, Paris, Pháp.
Những người biểu tình bị thương được đội cứu hộ Street Medic sơ cứu, ngày 28/03/2023, Paris, Pháp. © Chi Phuong

 

Làm tình nguyện viên cứu thương vì bạo lực gia tăng

Không lâu sau đó, cảnh sát bắt đầu hành động, đồng loạt xông tới một nhóm người biểu tình. Một số người đã bị xô ngã, bị dẫm đạp lên, khi lực lượng an ninh di chuyển đột ngột. Một người đàn ông đã bất tỉnh. Một người khác trong lúc chạy đã bị vấp ngã, khiến chân bị thương. Đội cứu thương đường phố mà anh Guillaume tham gia đã nhanh chóng tiếp cận, sát trùng và cầm máu cho người đàn ông này.     

Cô Lux, 23 tuổi, một tình nguyện viên sơ cứu, đang theo khoá đào tạo trở thành y tá giải thích : “Chúng tôi biết rằng cảnh sát thường nhắm tới một số đối tượng, có thiết bị bảo hộ, mũ hay mặt nạ và che mặt để ẩn danh vì lý do nào đó, do vậy chúng tôi thường chọn đứng cạnh họ. Hiếm khi nào mà cảnh sát xịt hơi cay vào một gia đình có trẻ con. Vì bạo lực trong các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng và có một vấn đề lớn thường xuyên xảy ra đó là những người chuyên nghiệp, có đủ khả năng chữa trị, như là lính cứu hộ, thì họ lại không thể tiếp cận nơi có người bị thương vì bị lực lượng an ninh chặn đường. Do vậy tôi cho rằng rất quan trọng khi có người trong các cuộc biểu tình có thể sơ cứu những người bị thương.”   

Trở thành lính cứu thương đường phố không yêu cầu bằng cấp nào cả nhưng hầu hết đều đã trải qua một khoá đào tạo về sơ cứu. Họ có kiến thức và trình độ y khoa khác nhau. Một số có thể làm việc trong lĩnh vực y tế nhưng đa số là nghiệp dư, chứ không có đầy đủ kiến thức như các nhân viên y tế, bác sĩ hồi sức cấp cứu hoặc lính cứu hộ chuyên nghiệp. Những gì mà đội cứu thương đường phố làm, thường chỉ là những sơ cứu cơ bản, nếu tình hình nghiêm trọng hơn thì phải đợi nhân viên cứu hộ đến. Theo cô Lux, những sơ cứu này, có thể giúp người bị thương có thêm thời gian trong khi chờ đợi lính cứu hộ, như vậy, “ít nhất có thể tránh khỏi trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, bởi đến một lúc nào đó thì không thể tránh khỏi nguy cơ xảy ra tử vong vì các cuộc đụng độ bạo lực”. Cô Lux cho biết trước khi tiếp cận người bị thương đều phải hỏi ý kiến của họ trước, nếu họ vẫn còn tỉnh táo, cũng có một số người không muốn nhận sự giúp đỡ.  

Tự trang bị đồ sơ cứu cơ bản

Những tình nguyện viên y tế này không thuộc một tổ chức hay hiệp hội nào. Họ cũng không được tài trợ, tự mua các thiết bị y tế, đồ sơ cứu căn bản. Do vậy, trang phục cũng ba lô chứa đồ sơ cứu của mỗi người là khác nhau. Tình nguyện viên Guillaume cho biết, khi đến các cuộc biểu tình như là một Street Medic, thì trước tiên, cần phải có mũ bảo hộ, kính để tránh hơi cay và mặc áo bảo hộ : “Trong khi chờ đợi lính cứu hộ tới, thì trong ba lô, chúng tôi có gần như tất cả các đồ sơ cứu trong trường hợp bị bỏng, bị chấn thương nhẹ… Ở phía ngoài ba lô, tôi cất những đồ sơ cứu khẩn cấp, cầm máu. Một máy khử rung tim ngoài tự động (AED), không phải lần nào tôi cũng mang thiết bị này theo, mà tuỳ tình hình. Chẳng hạn như hôm nay thì tôi nghĩ có nguy cơ cao bạo lực xảy ra. Trong ngăn chính của túi, tôi để máy đo huyết áp, hay những đồ sơ cứu cho các vụ chấn thương, cố định một phần của cơ thể, ví dụ như để cố định xương tay chân hoặc cổ. Có một lần, một nhà báo đã bị một bình cứu hoả đập vào cổ, chúng tôi đã cố định giúp anh ta và đợi lính cứu hộ tới. Tôi cũng mang theo các loại băng gạc, hoặc các túi chườm đá lạnh và nước để rửa mắt nếu bị xịt hơi cay.”    

Tổ chức Quan sát tình nguyện viên y tế đường phố - Observatoire des Street-Medics (OSM) gồm một nhóm các nhà điều tra độc lập, quan sát và ghi chép lại số nạn nhân được các đội tình nguyện y tế tự do hỗ trợ, trong những vụ bạo lực của cảnh sát trong các cuộc biểu tình tại Pháp. Trong ngày biểu tình của liên công đoàn 28/03, trên website của mình, OSM ghi nhận 15 người bị thương, 5 người bị thương nặng và hơn 150 trường hợp khử hơi cay. Đây chỉ là số liệu được cung cấp bởi một số đội cứu hộ có liên lạc với tổ chức này.   

Vừa đi biểu tình, vừa sơ cứu

Tham gia vào các cuộc biểu tình với tư cách là Street Medic, hầu hết các tình nguyện viên đều ủng hộ hành động của công đoàn và có niềm tin chính trị riêng. Kể từ khi phong trào Áo vàng bắt đầu, trước tình trạng bạo lực gia tăng, ông Guillaume cũng như nhiều tình nguyện viên khác đã lựa chọn cách biểu tình của riêng mình. Ông cho rằng“ như vậy, tôi cảm thấy có ích hơn là chỉ đến có mặt tại cuộc biểu tình. Trong tuần thì công việc chính của tôi là kỹ sư. Hồi phong trào Áo vàng, tôi đến các cuộc biểu tình vào tất cả các thứ Bảy, còn hôm nay thì là thứ Năm nên tôi đình công. Khi mà chúng tôi đến làm tình nguyện viên ở các cuộc biểu tình thì đó cũng là sự kiện mà chúng tôi muốn biểu tình, chúng tôi có lựa chọn của riêng mình”.     

Một tình nguyện viên khác, Alexandre cũng trở thành Street Medic từ phong trào Áo Vàng và nói rằng anh chưa bao giờ dừng lại. Anh cho biết bản thân anh cũng là một Áo Vàng, trong cuộc biểu tình phản đối cải cách hưu trí vừa qua ở Paris, Alexandre nhận định rằng “giống như tất cả những người khác ở đây, tôi đến để bảo vệ tương lại của chúng tôi. Năm nay tôi 29 tuổi và tôi không biết liệu một ngày nào đó tôi có lương hưu hay không ?”.    

Một số khác thì chọn trung lập, như cô Lux: “Chúng tôi ở đây, mỗi người có niềm tin chính trị riêng, nhưng chúng tôi đến đây không phải là để bày tỏ niềm tin chính trị đó. Chúng tôi cũng không đến đây để đánh giá cách thức biểu tình, có người thì muốn nhảy múa để bày tỏ ý kiến của họ, những người khác thì phá cửa kính. Chúng tôi mang đồ bảo hộ như vậy, không phải là để đối đầu với cảnh sát hay hát những khẩu hiệu, giơ biểu ngữ phản đối. Chúng tôi ở đây là để bảo đảm rằng những người biểu tình có thể thực hiện hành động của họ mà không bị thương hoặc bị tử vong”.     

Trở thành một Street Medic trong các cuộc biểu tình không phải là mới, mà thực ra đã bắt đầu từ những năm 1960 tại Hoa Kỳ, trong các phong trào đòi quyền công dân của người Mỹ gốc Phi và phong trào phản chiến. Theo trang Marianne, các lính cứu thương đường phố xuất hiện ngày càng nhiều trong các phong trào biểu tình chống chủ nghĩa tư bản, chống toàn cầu hoá. Họ cũng xuất hiện tại nhiều phong trào xã hội như ở Hy Lạp, vào năm 2011, phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ. Tại Pháp, những tình nguyện viên này bắt đầu có mặt trong các cuộc biểu tình bảo vệ, chiếm dụng đất đai(ZAD), ở Notre-Dames-des-Landes, phản đối dự án xây sân bay ở vùng Loire-Atlantique, phía tây nước Pháp.     

Tuy nhiên sự xuất hiện của các lính cứu thương đường phố này không hoàn toàn nhận được những ý kiến tích cực, nhất là từ phía lực lượng an ninh. Trên La Croix, phụ trách công đoàn của lực lượng an ninh CRS cho biết những : “Street Medic làm gián đoạn hoạt động của cảnh sát, bởi chúng tôi cũng có những người dày dặn kinh nghiệm được đào tạo về sơ cứu”.  

Ngoài ra, vào năm 2019, theo France Info, một số đội cứu thương đường phố đã thu thập máu của những người biểu tình bị thương. Nhiều người đã bày tỏ ý kiến trái chiều. Sau đó, một trong những người tham gia vào việc lấy máu, bác sỹ Alexandre Samuel cho biết điều này là để bảo vệ chính những nạn nhân bị cảnh sát bạo lực, họ thu thập mẫu máu để kiểm tra xem liệu có tìm thấy chất cyanure, một chất hoá học độc hại (gây co giật, nhồi máu cơ tim, bất tỉnh…), có xuất hiện ở trong hơi cay mà cảnh sát sử dụng để trấn áp người biểu tình hay không. Trang báo Marianne thì nêu ra việc một số đội cứu thương tình nguyện, phân loại người bị thương, bày tỏ rõ lập trường chính trị : chống tư bản, chống phát xít, chống đàn áp, chống phân biệt chủng tộc, giới tính; khẳng định rằng từ chối sơ cứu cảnh sát hay những người thuộc lực lượng an ninh. Một vụ việc khác cũng đã thu hút sự chú ý của công luận Pháp vào năm ngoái, khi một người phụ nữ mặc đồ cứu hộ trong đội Street Medic đã tấn công một lính cứu hỏa đang dập một đám cháy và khẳng định muốn lặp lại những hành động bạo lực như hồi 2019, ám chỉ phong trào Áo Vàng.   

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.