Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp : Lợi nhuận bất hợp pháp cao, thiếu án xử mang tính răn đe, nạn xâm hại môi trường tăng mạnh

Đăng ngày:

Người dân Pháp ngày càng quan tâm đến các vấn đề môi trường sinh thái. Thế nhưng, các hành vi phạm tội nhắm vào môi trường trong những năm qua cũng ngày càng gia tăng. Ngay từ tháng 05/2022, theo thông cáo báo chí của Cơ quan thống kê về an ninh nội địa (SSMSI), số vụ xâm hại đến môi trường mà cảnh sát và hiến binh Pháp ghi nhận năm 2021 là 31.400 vụ, tăng 7% so với 5 năm trước đó. Tỉ lệ tăng trung bình là + 1,7%/năm trong giai đoạn 2016-2021.

Ảnh minh họa : Nhà máy hóa chất Butachimie ở Chalempe, miền đông Pháp. Ảnh chụp ngày 08/11/2022.
Ảnh minh họa : Nhà máy hóa chất Butachimie ở Chalempe, miền đông Pháp. Ảnh chụp ngày 08/11/2022. AP - Jean-Francois Badias
Quảng cáo

Khác với các hành vi phạm tội trong các lĩnh vực khác, các hành xi xâm phạm môi trường xảy ra chủ yếu ở vùng nông thôn : 9,3 vụ/10.000 dân so với tỉ lệ trung bình 4,5 trên toàn quốc. Theo bộ Nội Vụ Pháp, điều này cũng dễ giải thích, bởi đa phần các hành vi xâm hại môi trường cần có một không gian tự nhiên, như rừng, sông, các khu được bảo tồn, công viên quốc gia, thường thấy ở các xã nông thôn hoặc các thị trấn nhỏ.

Lãnh thổ hải ngoại Guyane ghi nhận tỉ lệ vi phạm về môi trường cao gấp 9 lần, chủ yếu liên quan đến khai khoáng trái phép. Còn các vùng ven Đại Tây Dương và Địa Trung Hải lại có tỉ lệ vi phạm liên quan đến rừng - khai thác rừng bất hợp pháp và không tuân thủ các quy định phòng cháy - cao nhất. Tuy nhiên, điểm tích cực là các vi phạm về khai thác rừng và khai khoáng trái phép trong 5 năm qua đã giảm 11%.

Đối với các cá nhân phạm tội, 86% là nam giới và hơn 50% là ở độ tuổi 30-59. Theo báo Le Parisien, điều có thể mang lại chút hy vọng cho tương lai là tỉ lệ giới trẻ 18-29 tuổi phạm tội về môi trường chỉ thấp bằng một nửa so với với độ tuổi 30-44 tuổi.

Theo thông cáo hôm 18/05/2022 của SSMSI, thuộc bộ Nội Vụ Pháp, 1/3 số vụ liên quan đến động vật, 25% liên quan đến khai thác rừng hoặc khai khoáng bất hợp pháp, 13% là các vi phạm quy định về săn bắn hoặc đánh bắt cá. Nói khái quát, nạn nhân lớn nhất của nạn phạm tội về môi trường là các địa điểm tự nhiên. Gần 45% số vụ vi phạm liên quan đến các hành vi khiến các nguồn tài nguyên thiên nhiên nghèo đi hoặc bị xuống cấp. Về các hành vi phạm tội liên quan đến quản lý rác thải và gây ô nhiễm môi trường, cho dù không chiếm tỉ lệ cao (chỉ 4% mỗi loại), nhưng điều đáng lo ngại là trong giai đoạn 2016-2021, các hành vi này đã tăng lần lượt 62% và gần 100%.

Báo chí Pháp thậm chí còn nói đến « mafia rác thải », « tội phạm có tổ chức » về rác thải. Chẳng hạn, hồi năm 2022, theo Le Figaro, nhà chức trách tỉnh Gard và Bouches-du-Rhone, miền nam Pháp, chỉ trong ngày thứ Hai 09/05 đã câu lưu 9 người trong đường dây đổ trộm 100.000 tấn rác vật liệu xây dựng (6 lần trọng lượng tháp Eiffel). Le Figaro trích dẫn hiệp hội Gestes propres, theo đó mỗi năm có không dưới 1 triệu tấn rác bị đổ bừa bãi trái phép.

Các phi vụ làm ăn kiểu này được xem là ít nguy cơ bị phát hiện nhưng mang lại nhiều mối lời cho những kẻ phạm tội, bởi việc xử lý rác thải đúng quy định có thể đòi hỏi những chi phí rất cao. Điều nguy hiểm là các loại rác độc hại nhiều khi bị đổ ra ngoài trời, thậm chí bị chôn vùi trong đất nông nghiệp, gây ô nhiễm đất, các nguồn nước ngầm và gây hại cho sức khỏe con người. Đáng lưu ý hơn nữa là một khi đã xảy ra, các tổn hại cho môi trường là rất khó khắc phục.     

Để hiểu hơn về sự gia tăng các hành vi gây tổn hại tới môi trường, RFI Tiếng Việt ngày 20/01/2023 phỏng vấn luật gia Anne Roques của Liên đoàn các Hiệp hội bảo vệ tự nhiên và môi trường của Pháp, France Nature Environnement (FNE).

RFI Tiếng Việt : Xin chào luật gia Anne Roques, bà có thể cho thính giả, độc giả của đài biết đâu là những hành vi vi phạm môi trường chính tại Pháp. Các vi phạm này có bị xét xử tại các tòa án hay không ?  

Luật gia Anne Roques : Các hành vi xâm hại môi trường là nguồn thu nhập do phạm tội cao thứ tư, sau ma túy, hàng giả và buôn người. Điều đó có nghĩa là đây là những vi phạm mang lại lợi nhuận. Hiện nay, tại Pháp, mỗi năm có khoảng 20.000 vụ kiện tụng về môi trường, nhưng chỉ có 5% trong số 20.000 vụ xâm phạm được ghi nhận này sẽ được đưa ra xét xử thực sự tại một tòa án.

Chính vì thế, chúng tôi nhận định rằng khả năng xét xử trước pháp luật các tội phạm trong các lĩnh vực khác cao gấp 2 lần so với các vi phạm về môi trường. Số các vụ xét xử tội phạm môi trường trước tư pháp như vậy là quá thấp. Liên đoàn France Nature Environnementmuốn việc xử lý hình sự về môi trường đúng mức hơn, và có tính răn đe hơn. Tuy nhiên, hiện nay, tư pháp thực sự thiếu các phương tiện để xử lý các vụ này và không ưu tiên giải quyết chúng.

RFI Tiếng Việt : Số vụ vi phạm môi trường tại Pháp tăng từ 5-6 năm nay. Bà giải thích thế nào về xu hướng gia tăng này ?

Luật gia Anne Roques : Đúng là có sự gia tăng. Tại sao lại như vậy ? Như tôi đã nói ở trên, các vụ vi phạm môi trường mang lại lợi nhuận bất hợp pháp hàng tỉ euro.Vì thế, khi thiếu các án xử mang tính răn đe, dĩ nhiên là các vụ phạm tội tăng, tỉ lệ tăng là 5-7%/năm theo số liệu mới nhất của chúng tôi. Cụ thể, đối với một doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, các biện pháp xử phạt không đủ nặng để có thể răn đe.

Thường thì việc vi phạm các quy định, làm ô nhiễm không khí mà chúng ta hít thở hay nguồn nước mà chúng ta uống, sẽ khiến họ thu lời được nhiều hơn. Chính vì thế, liên đoàn FNE đề nghị phải có những biện pháp xử phạt nặng hơn, và việc xử phạt phải được thực hiện nhiều hơn, để có thể bảo vệ tự nhiên và bảo vệ sức khỏe của người dân. Điều này là cấp thiết. 

RFI Tiếng Việt : Vậy theo bà, làm thế nào để cải thiện tình hình ?

Luật gia Anne Roques : France Nature Environnement là một tổ chức gồm nhiều hiệp hội tại Pháp. Chúng tôi thực sự có những đề xuất để cải thiện tình hình. Đề xuất trước hết là về tội danh phạm tội thực sự gây nguy hiểm cho môi trường. Có một đạo luật năm 2021 về tội danh gây nguy hiểm, nhưng đó chỉ là trên giấy tờ. Trên thực tế, các nhà lập pháp không có can đảm tạo ra một tội danh có thể được áp dụng, để có thể thực sự ngăn cản các vụ phạm tội. Các lợi ích kinh tế vẫn được coi là mối ưu tiên. Tình hình hiện nay như vậy không cho phép ngăn cản các vụ phạm tội. Cần nói rõ là, mỗi khi xảy ra hành vi gây hại cho môi trường thì sau đó đều rất khó khắc phục hậu quả. Chính vì thế, chúng tôi nhắm đến việc phòng ngừa.

Đề xuất thứ hai của France Nature Environnement, và ngày càng được nhiều tác nhân trong lĩnh vực tư pháp hình sự ủng hộ, đó là đề xuất theo đó trách nhiệm quyết định có xử phạt một doanh nghiệp gây ô nhiễm hay không sẽ không còn thuộc trách nhiệm của các tỉnh trưởng, bởi đôi khi các tỉnh trưởng vẫn ưu tiên các lợi ích kinh tế hơn là các lợi ích nói chung. Chúng tôi đề nghị là trách nhiệm này sẽ được giao cho một cơ quan hành chính độc lập, vốn dĩ có rất nhiều ở Pháp. Cơ quan này sẽ là người bảo đảm lợi ích chung và xử phạt ngay khi có thể, trên hết là để tránh ô nhiễm.

RFI Tiếng Việt : Về phía người dân, theo bà, họ có thể làm thế nào để góp phần cải thiện tình hình ?

Luật gia Anne Roques : Mỗi công dân đều có thể là một tình nguyện viên trong một hiệp hội thuộc liên đoànFrance Nature Environnement. FNE có các hiệp hội, hàng ngàn hiệp hội ở các cấp địa phương, cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia. Có các hiệp hội có tầm bao quát rất lớn về bảo vệ môi trường. Có những hiệp hội thì nhắm thực sự vào việc bảo vệ sức khỏe, bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường nước … Quý vị có thể hoạt động tình nguyện cho các hiệp hội này, vốn dĩ rất có ích ở cấp địa phương, cho phép quý vị có thể hiểu điều gì cụ thể đang thực sự diễn ra gần nơi mình sinh sống và có tác động đến môi trường.

Thứ hai là quý vị có thể tải về điện thoại ứng dụng có tên là Sentinelles de la nature. Ứng dụng này cho phép quý vị báo động về các trường hợp gây ô nhiễm, đổ rác thải trái bất hợp pháp, sử dụng trái phép thuốc trừ sâu diệt cỏ. Quý vị có thể báo động các vi phạm môi trường tại ứng dụng này, sau đó France Nature Environnement sẽ quản lý vụ việc.  

RFI Tiếng Việt : FNE có ghi nhận là trong thời gian qua tại Pháp đã có tiến triển trong việc giảm số vụ xâm hại môi trường ?

Luật gia Anne Roques : Rất tiếc trong vài năm qua chỉ có ít phương tiện được cung cấp để giảm số vụ xâm hại môi trường, nhưng chúng tôi thấy, chẳng hạn, các thẩm phán, hay xã hội dân sự,ngày càng có ý thức hơn về việc cần phải cấp cho tư pháp các phương tiện để xử phạt và ngăn cản các hành vi xâm phạm môi trường.

Hồi tháng trước, François Molins, tổng chưởng lý Tòa giám đốc thẩm đã công bố một báo cáo liên quan đến luật hình sự về môi trường và cũng như chúng tôi, họ yêu cầu là phải có thêm các phương tiện để có thể có thêm nhiều cuộc điều tra và truy tố ra trước tòa án. Cũng như chúng tôi, tổng chưởng lý nghĩ rằng tỉnh trưởng không phải quan chức quyết định các án phạt về môi trường, cần có các thẩm phán chuyên trách các vụ xử về môi trường, khiến các vụ án môi trường thu hút được sự chú ý nhiều hơn. 

Hồi tháng trước, nghiệp đoàn các thẩm phán đã thông qua biên bản ghi nhớ nhấn mạnh sự khẩn thiết cấp bách về sinh thái, các thẩm phán phải tích cực và đưa ra được nhiều phán quyết hơn trong các vụ về môi trường. Vì vậy, theo chúng tôi, ý thức đã được nâng cao hơn. Nhưng bây giờ, đã đến lúc chính phủ phải kiểm soát được tình trạng cấp thiết này và cải thiện tình hình.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn luật gia Annes Roques của Liên đoàn các Hiệp hội bảo vệ tự nhiên và môi trường của Pháp, France Nature Environnement (FNE).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.