Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Với chính phủ mới, kinh tế Anh Quốc bên bờ vực « suy thoái »

Đăng ngày:

Liệu chính phủ của tân thủ tướng Liz Truss có "sống sót" qua một mùa đông bất mãn, tương tự như bối cảnh khủng hoảng mùa đông năm 1979 ? Các chính sách của bà đưa ra chỉ như đổ thêm dầu vào lửa, không làm xoa dịu cuộc khủng hoảng kép kinh tế - xã hội tại Anh, mà thậm chí còn làm lung lay đảng cầm quyền Bảo Thủ. 

Người biểu tình mang hình nộm, hóa trang thành tân thủ tướng Anh Liz Truss, với tấm bảng phản đối giá năng lượng tăng cao, bên ngoài điện Birmingham, ngày 02/10/2022, nhân hội nghị thường niên của đảng Bảo Thủ tại Luân Đôn, Anh Quốc.
Người biểu tình mang hình nộm, hóa trang thành tân thủ tướng Anh Liz Truss, với tấm bảng phản đối giá năng lượng tăng cao, bên ngoài điện Birmingham, ngày 02/10/2022, nhân hội nghị thường niên của đảng Bảo Thủ tại Luân Đôn, Anh Quốc. AP - Jacob King
Quảng cáo

Ngay sau đại lễ quốc tang của Elizabeth Đệ Nhị kết thúc, nước Anh phải đối mặt với thực tế không mấy dễ dàng. Lạm phát tăng cao kỷ lục, lên đến 10 %, trong nhiều tháng. Đồng bảng Anh rớt giá xuống mức thấp lịch sử (1 bảng =1,07 đô la ngày 27/09 thay vì X1,37 đô la hồi giữa tháng 01/2022). Phong trào đình công bắt đầu từ tháng 8, tiếp diễn. Cuối tuần đầu tiên của tháng 10 vừa qua, hàng ngàn công nhân đường sắt đình công khiến hầu hết mạng lưới đường sắt của Anh Quốc bị tê liệt. Chỉ khoảng 11 % tàu còn hoạt động, một số nơi không có tàu nào chạy. Đây được coi là đợt đình công lớn của năm 2022, do công đoàn của các công ty khác nhau trong ngành phối hợp tổ chức đình công.   

Không chỉ lao động trong ngành đường sắt (khoảng 40 000) mà cả hàng trăm ngàn lao động khác làm việc tại bưu điện, các cảng công nghiệp hoặc trong các xí nghiệp lần lượt đình công. Sức mua giảm, giá năng lượng tăng cao (300 %), người lao động phản đối chính phủ của thủ tướng Liz Truss - yêu cầu “thắt lưng buộc bụng trong nước” để hỗ trợ cuộc chiến của Ukraina chống lại Nga. Những người biểu tình yêu cầu chính phủ tăng lương và có biện pháp đối phó với lạm phát. Trong cuộc biểu tình hôm 01/10, nhiều người mang hoá đơn tiền điện ra đốt. Phong trào “không trả tiền điện” – Don’t Pay, khởi đầu từ tháng 8 vẫn thu hút đông đảo người dân tham gia.    

Anh Quốc vẫn chưa hoàn toàn hồi phục từ đại dịch Covid-19, nay phải đối mặt cùng lúc với hàng loạt cuộc khủng hoảng về kinh tế, tiền tệ, xã hội. Trong trường hợp này, lẽ đương nhiên là lãnh đạo sẽ bị réo tên. Báo chí Anh trong những ngày qua không dễ dàng gì với tân thủ tướng Liz Truss, với những tựa như : “Liz Truss đã khiến Vương Quốc Anh đi đến bờ vực suy thoái như thế nào chỉ trong một tháng” _The guardian, “Kế hoạch tăng trưởng của Liz Truss (viển vông), không là gì khác ngoài một lọ thuốc ma thuật”_The Financial Times. “Chào mừng đến với Anh Quốc của Liz Truss, tất cả mọi người đình công _Politico.  

Từ khi nhậm chức, bà Liz Truss đã đưa ra một loạt kế hoạch nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng, mà một số được kế thừa từ chính phủ của cựu thủ tướng Boris Johnson. Thế nhưng hầu hết các chính sách đều gây tranh cãi, ví dụ như loại bỏ mức thuế cao nhất 45 % (đối với những người có thu nhập trên 150 nghìn bảng một năm). Bộ trưởng Tài Chính Anh đã thông thu hồi chính sách này hôm 03/10. Ngoài ra, còn có chính sách khác như thúc đẩy các khoản vay chính phủ để giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng cao, hay thúc đẩy nhập cư để đối phó với việc thiếu lao động. Theo thăm dò gần đây, khoảng 50 % dân Anh cho rằng Liz Truss nên từ chức. Niềm tin vào đảng Bảo Thủ cầm quyền đã sụt giảm, khiến đảng Lao Động lên ngôi. Một thăm dò khác do Yougov và The Times thực hiện, chỉ ra rằng đảng Lao Động Anh đang dẫn trước 33 điểm so với đảng Bảo Thủ trong ý định bầu cử với tỷ lệ 54% (đảng Lao Động) so với 21% (đảng Bảo Thủ). Khoảng cách giữa hai đảng còn lớn hơn cả chiến thắng lịch sử của đảng Lao Động năm 1997, dưới thời của Tony Blair.  

Về cuộc khủng hoảng tại Anh Quốc, RFI Tiếng Việt trao đổi với bà Erica Consterdine, giảng dạy tại đại học Lancaster, chuyên nghiên cứu về hoạch định chính sách công và quản trị công.  


Hiện Anh Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng với các cuộc đình công quy mô lớn, nếu kéo dài, có thể khiến Anh có nguy cơ suy thoái. Những gì đang xảy ra ở Anh hiện nay gợi lại cuộc khủng hoảng những năm 1980, dưới sự lãnh đạo của Bà đầm thép Margaret Thatcher. Kể từ khi bà Liz Truss lên nhậm chức, nhiều người trong giới học giả nhanh chóng so sách Truss với Thatcher vì chương trình tranh cử của bà. Vậy bà nhìn nhận thế nào về sự so sánh giữa hai bà thủ tướng ?  

Erica Consterdine : Đúng là giai đoạn hiện nay có những điểm tương tự với những năm 1980 như lạm phát cao, lãi suất tăng, bất đồng của giới lao động. Anh Quốc đang chuẩn bị đón một mùa đông đầy bất mãn khác (Winter of discontent, giống như mùa đông 1978-1979).    

Liz Truss và Margaret Thatcher đúng là có nhiều điểm chung trong tầm nhìn và tư duy lãnh đạo. Cả hai đều tin vào nền kinh tế thị trường tự do, quyền hạn của Nhà nước bị giới hạn. Thế nhưng, những kế hoạch mà chính phủ của Truss đưa ra gần đây cho thấy sự can thiệp đáng kể của Nhà nước như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp năng lượng, doanh nghiệp nói chung và hộ gia đình. Đây là khoản hỗ trợ lớn nhất trong lịch sử Anh Quốc. Về mặt này tôi cho rằng bà Liz Truss có những hành động khác những gì mà bà Thatcher làm. Trước kia Margaret Thatcher phải đối mặt với một nền kinh tế khác, đó là chấm dứt Thoả thuận sau chiến tranh  (Postwar Concensus) – đòi hỏi chi tiêu chính phủ cao nhằm quốc hữu hoá và đánh thuế cao, để có thể chuyển sang nền kinh tế tự do. Trong khi đó, nền kinh tế mà bà Truss thừa hưởng đã gần như tự do và cả thập kỷ mà kinh tế bị chững lại. Tân thủ tướng cũng hiểu được rằng để giải quyết khủng hoảng, sự can thiệp của Nhà nước là cần thiết, nhất là đối với một quốc gia tư bản.    

Trước các cuộc đình công quy mô lớn, chính phủ của Liz Truss gần đây đã tỏ ra muốn giới hạn quyền đình công để duy trì, ổn định nền kinh tế. Theo bà, liệu nữ thủ tướng có thể đối phó với công đoàn như những gì mà bà  Thatcher đã làm vào những năm 1980 : tước đi sức mạnh của công đoàn.     

Erica Consterdine : Tôi không chắc là Liz Truss cố gắng “chiến thắng công đoàn”. Nhưng theo tôi, kế hoạch của Truss là cố gắng quy các hoạt động của công đoàn và các hoạt động tập thể vào hành động bất hợp pháp, thông qua các bộ luật khác nhau.   

Tôi không nghĩ là bà ấy có kế hoạch thoả hiệp với công đoàn mà thay vào đó làm suy yếu vị thế của công đoàn và tính hợp pháp của tổ chức này. Liệu kế hoạch của bà có thành công hay không thì lại là một câu hỏi khác. Luật mà bà đưa ra, dường như có thể được thông qua, mặc dù số thành viên trong công đoàn không ngừng gia tăng từ năm 2017. Do đó, liệu Liz Truss có đánh bại công đoàn được hay không thì còn tuỳ thuộc vào các hoạt động của công đoàn đang và sắp diễn ra. Công đoàn trong các lĩnh vực công nghiệp hoặc các nhóm ngành khác nhau, liệu họ có cùng nhau hành động để giải quyết bất mãn, hay hành động riêng lẻ. Nếu như họ cùng nhau phối hợp đình công thì đây chắc chắn sẽ là một vấn đề nan giải. Công chúng Anh cũng đang nhận thức được rằng không thể tránh khỏi một giai đoạn hỗn loạn, có thể đang đến gần.    

Liên quan đến chính sách nhập cư, chính phủ của thủ tướng Liz Truss hôm 23/09 cho biết sẽ xem xét lại, nới lỏng chính sách nhập cư đối với lao động trong một số nhóm ngành để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Thông báo này được đưa ra vào lúc nhiều doanh nghiệp thiếu lao động do các luật về thị thực nhập cảnh hậu Brexit quá khắt khe, đặc biệt là đối với nhóm ngành không yêu cầu trình độ cao. Trong một tiểu luận về chính sách nhập cư của đảng Bảo Thủ, bà đã lập luận rằng đảng Bảo Thủ phải cân nhắc giữa lợi ích riêng của đảng, với đặc tính vì lợi ích quốc gia và chống nhập cư, và lợi ích của quốc gia – duy trì nguồn lực lao động. Vậy theo bà, đề xuất nới lỏng nhập cư của chính quyền Liz Truss liệu có được ủng hộ, nhất là vào thời điểm hiện nay, khi vị trí của đảng Bảo Thủ đang bị lung lay. Tín nhiệm của Liz Truss trong đảng có bị ảnh hưởng hay không ?   

Erica Consterdine : Với những chính sách thắt chặt nhập cư từ người tiền nhiệm và cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid- 19, không có gì đáng ngạc nhiên khi Liz Truss tính đến việc nới lỏng chính sách nhập cư. Trong chương trình tranh cử, bà đã đề cao tư tưởng “tự do di chuyển” để phát triển kinh tế và hứa hẹn hỗ trợ thị thực đối với lao động thời vụ trong một số lĩnh vực, ví dụ như trong nông nghiệp. Nếu những đề xuất của Liz Truss được thông qua, số người nhập cư tăng lên, tôi cho rằng điều này không ảnh hưởng đến tín nhiệm của bà và đảng Bảo Thủ. Dĩ nhiên, sẽ có những người trong đảng Bảo Thủ, những người ủng hộ Brexit và chống nhập cư lên tiếng phản đối, một số người cũng đã lên tiếng kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm tân thủ tướng. Tuy nhiên, hiện nay công chúng Anh ít quan tâm đến nhập cư hơn 10 năm trước, chủ đề này cũng ít bị chính trị hoá hơn. Vì ngay cả khi dưới thời David Cameron, với những chính sách khắt khe, số người nhập cư trong nhiệm kỳ của ông vẫn cao.   

Vậy theo bà, nước Anh sẽ ra sao trong nhiệm kỳ của Liz Truss ?   

Tôi nghĩ rằng, tầm nhìn của Liz Truss đó là hướng tới một loại mô hình kiểu Mỹ để có thể mở rộng, tăng cường các yếu tố của thị trường lao động tự do mà nền kinh tế Anh Quốc phụ thuộc vào. Như vậy, Anh Quốc sẽ có lực lượng lao động linh hoạt hơn, thế nhưng người lao động sẽ mất đi nhiều quyền lợi, giống như những gì được liệt kê trong cuốn Britannica Unchained – được soạn thảo bởi các nghị sỹ trong đảng Bảo Thủ. Liz Truss muốn làm giảm thiểu tối đa vai trò của Nhà nước mà thay vào đó là quyền của các tổ chức, định chế bên dưới. Những đường lối lãnh đạo như vậy có thể giúp kinh tế tăng trưởng, hoặc ngược lại là sự mở đầu của tình trạng trì trệ, giống như những gì xảy ra vào năm 2008. Dĩ nhiên liệu tầm nhìn của Liz Truss có đúng đắn hay không thì đây lại là một câu hỏi khác.   

 

Xin chân thành cảm ơn bà Erica Consterdine, đã dành thời gian chia sẻ với quý thính giả của RFI Tiếng Việt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.