Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Địa ngục Joseon: Giới trẻ Hàn Quốc và áp lực thành công

Đăng ngày:

Dịch Covid-19 ập tới kèm theo sự đóng băng của thị trường tuyển dụng Hàn Quốc làm cho giới trẻ Hàn Quốc nhận ra họ đang trở thành “thế hệ bị đánh mất” tại chính quê hương mình. Theo hãng tin Yonhap, số người thất nghiệp tại Hàn Quốc  đã đạt tới mức cao nhất trong khoảng 20 năm qua. Điều này làm người ta nhớ lại "Hell Joseon" (Địa ngục Hàn Quốc), cụm từ diễn tả sự bất lực của giới trẻ Hàn trước áp lực phải thành công trong xã hội.

Ảnh minh họa : Khách tham quan mặc trang phục truyền thống Hanbok của chụp ảnh tại Cung điện Gyeongbok, cung điện hoàng gia chính trong triều đại Joseon, ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 23/01/2019.
Ảnh minh họa : Khách tham quan mặc trang phục truyền thống Hanbok của chụp ảnh tại Cung điện Gyeongbok, cung điện hoàng gia chính trong triều đại Joseon, ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 23/01/2019. AP - Ahn Young-joon
Quảng cáo

“Hell Joseon” được ghép từ “Hell” (địa ngục) và “Joseon” (tên của triều đại độc lập kéo dài 518 năm của Hàn Quốc). Cụm từ này xuất hiện khoảng năm 2009 và được giới trẻ Hàn Quốc dùng khá phổ biến vào năm 2015.

Ảnh hưởng về xã hội

“Tại sao tôi lại sinh ra ở đây ?” là một câu hỏi được rất nhiều người trẻ thế hệ 8X, 9X tại Hàn Quốc sau khi xem xong bức biếm họa “bản đồ bán đảo lửa địa ngục” của @yakawaMiho. Bản đồ này mô phỏng việc sinh ra tại Hàn Quốc giống như mở cánh cửa đến với địa ngục, rồi sau đó sống một cuộc đời nô lệ ở đất nước này.

Một đứa trẻ sinh ra tại Hàn Quốc sẽ thường được chia ra làm hai nhóm. Nhóm “thìa vàng” là những đứa trẻ có bố mẹ giàu có, ở tầng lớp trên xã hội. Nhóm “thìa gỗ” hay “thìa đất” là nhóm được sinh ra từ những gia đình trung lưu đầy khủng hoảng và biến động tại Hàn Quốc. Những đứa trẻ này phải vất vả học tập suốt ngày đêm để vào được một trường đại học, phải vượt qua hàng loạt cuộc thi và chứng chỉ để có thể tìm được một công việc ổn định trong xã hội Hàn Quốc.

Trước đây, người trẻ tuổi tự coi mình là “thế hệ 3 không”, họ từ bỏ “hẹn hò, kết hôn sinh con”. Chỉ vài năm sau, một “thế hệ 5 không” ra đời, phải từ bỏ thêm việc “mua nhà và tìm kiếm việc làm”. Gần đây, “thế hệ 7 không” tuyên bố rằng họ từ bỏ luôn cả “các mối quan hệ hy vọng cá nhân”. Theo một khảo sát năm 2019, có tới 80% người trẻ cảm thấy cuộc sống địa ngục tại Hàn Quốc và 75% trong số đó muốn từ bỏ đất nước của mình.

Đối với anh Gyudong, nghiên cứu sinh tại đại học Deagu, “địa ngục Joseon" là có thật : “Thực sự cuộc sống hiện tại là quá áp lực với chính tôi và các bạn của tôi. Sau khi ra trường, tôi phải kiếm được một công việc và có thể phải sống như nô lệ với công việc ấy, nhưng nếu không kiếm được thì thực sự còn tệ hơn. Sau khi kết hôn thì tôi còn phải lo thêm cho gia đình, con cái và cuộc sống hôn nhân. Đôi lúc tôi cảm thấy bế tắc”.

Không tươi đẹp và hào nhoáng như những bộ phim truyền hình Hậu duệ mặt trời, hay Hạ cánh nơi anh, tất cả công dân nam Hàn từ 18 đến 35 tuổi đều phải dành từ 21 đến 24 tháng để sống và rèn luyện trong môi trường quân đội. Họ mất gần 2 năm tươi đẹp nhất của tuổi thanh xuân để cống hiến cho đất nước, ngoại trừ một số người có vấn đề sức khỏe, hoặc các vận động viên đạt được những thành tích cao trên thế giới.

Rất nhiều ca sĩ, diễn viên gần như mất hết ánh hào quang sau thời gian nhập ngũ. Những tên tuổi như Lee Min Hoo, Ji Chang Wook hay Bi-rain đều chật vật lấy lại ánh hào quang trên phim trường hay trên sân khấu sau khi xuất ngũ.

Còn với phụ nữ Hàn Quốc, họ ngày càng sợ lập gia đình. Họ không còn nghĩ rằng hôn nhân là điều một điều gì đó quan trọng nữa. Đối với một số muốn theo đuổi sự nghiệp riêng, họ cho rằng lấy chồng, sinh con sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp, và làm mất thời gian của bản thân.

Mặc dù Hàn Quốc là một quốc gia tiến bộ và phát triển, nhưng tư tưởng Khổng Giáo và gia trưởng vẫn ăn sâu vào niềm tin của các đấng mày râu Hàn Quốc. Điều này cũng khiến một số người phụ nữ Hàn Quốc không muốn lập gia đình vì bạo lực gia đình và sự thờ ơ của những người chồng “mama boy” của họ.

Jin-A, một phụ nữ trẻ đã tốt nghiệp đại học và đang tìm việc, nhận xét : “Hell Joseon là một vấn đề xã hội có thực tại Hàn Quốc, giới trẻ phải chịu quá nhiều áp lực trong cuộc sống này. Chính phủ cần phải có một luật, hoặc biện pháp nào đó hỗ trợ giới trẻ”.

Chị Songsil thì lại có một cái nhìn nhẹ hơn “mặc dù giá nhà đất tăng, nhưng nó không quá khó khăn như mọi người nghĩ” : 

“Tôi không thực sự đồng ý với “Hell Joseon”. Một số người nói chúng ta phải cố gắng quá nhiều cho cuộc sống. Và một số người thì nói chúng ta không thể hoàn thành quá nhiều công việc. Nhưng với tôi, tôi thấy chúng ta không phải đối mặt với quá nhiều vấn đề, và nền kinh tế thì đang phát triển tốt. Đương nhiên là có những người suy nghĩ rằng đây là địa ngục, vì giá nhà đất tăng hoặc bất bình đẳng trong kinh tế. Nhưng rất nhiều quốc gia khác phải đối mặt với những điều tồi tệ hơn”.

Ảnh hưởng văn hóa

Sức ép, quân đội và đời sống gia đình luôn là những đề tài được đầu tư trong phim ảnh Hàn Quốc. Gần đây, hai bộ phim nổi tiếng nhất miêu tả sự chênh lệch giàu - nghèo trong xã hội Hàn Quốc đã được sản xuất đó là Ký sinh Trùng (Parasite, 2019) và Thế hệ Itaewon (Itaewon Class, 2020). Trong hai bộ phim này, tác giả miêu tả cuộc sống của những tầng lớp “thìa đất” giống như một địa ngục, họ phải cố gắng học rồi thi, rồi lại học để cố gắng vươn lên trong xã hội.

Bộ phim Ký sinh trùng miêu tả những người cố gắng có được một vị trí trong xã hội thì trong họ vẫn bốc lên một “kiểu mùi”, cho dù họ có dùng các loại nước hoa hay thay đổi nước giặt thì vẫn toát ra. “Mùi” này được mô tả là mùi của người nghèo, mùi tích tụ trong thời gian sống ở những căn phòng bán hầm, nơi mà chỉ cần mở cửa sổ ra là đã “hít” bụi đường, những nơi luôn ẩm ướt, nấm mốc vào mùa mưa ở Hàn Quốc.

Mặt khác, bộ phim Thế hệ Itaewon lại miêu tả hành trình trả thù và con đường tình yêu của chàng trai họ Park, một trong những nhân vật sinh ra với chiếc “thìa đất” trong miệng, nhưng lại tràn đầy khí khái của một bậc chính nhân quân tử.

Cảm nhận của người Việt về xã hội Hàn Quốc

Để thích ứng với cuộc sống ở Hàn Quốc, những du học sinh, những công nhân xuất khẩu lao động, hay những cô dâu Việt tại Hàn Quốc bắt buộc phải thay đổi hầu hết những thói quen sinh hoạt khi còn ở Việt Nam. Mặc dù đã có một số trường hợp sinh viên, hay lao động việt đột tử trong lúc làm việc, nhưng phần đông học sinh, sinh viên và người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc có cảm nhận về áp lực cuộc sống nhẹ nhàng hơn những người bản địa.

Thủy, một nghiên cứu sinh Việt Nam ở Seoul, cảm thấy rằng cuộc sống trong phòng thí nghiệm nhẹ nhàng hơn so với ở xã hội ngoài kia : “Tôi nghĩ là giới sinh viên chỉ có đi học, cũng không có áp lực học tiếng. Môi trường làm việc cũng kín, chỉ có người Hàn trong lab với giáo sư thôi, không có rào cản về ngôn ngữ nên đỡ vất vả hơn. Các bạn khác phải đi làm ở ngoài để hỗ trợ cho việc học, như học tiếng và phải làm thêm ở ngoài thì chắc là sẽ vất vả hơn. Mình không thấy mình có vấn đề gì lắm”.

Chị Dung, nghiên cứu sinh tại đại học UST Hàn Quốc, cho rằng “có áp lực thì mới có kim cương” “Tôi thấy ở đâu cũng áp lực, ở Hàn Quốc hay ở Việt Nam thì tôi đều thấy áp lực, nhưng có áp lực thì mới có kim cương chứ. Ở Hàn Quốc, tôi cũng có thể chịu đựng được. Đúng là có áp lực thật, nhưng chẳng nghĩ vì áp lực quá mà đi nước khác. Tôi vẫn còn chịu đựng được, nên thấy vẫn bình thường”.

Còn Hương, cô gái Hải Phòng có một gia đình nhỏ tại Hàn nói rằng “rất khó để so sánh áp lực giữa người ngoại quốc và người bản địa” :

“Nói chung cuộc sống ở đâu cũng áp lực thôi. Không giống như dân bản địa, mình chỉ học một thời gian rồi mình về thì cuộc sống và chi tiêu của mình sẽ khác so với dân bản địa. Ví dụ ở đây mình là gia đình ngoại quốc, mình chỉ cần 1-2 triệu won (20-40 triệu VNĐ) là đã thấy ổn rồi, nhưng với người bản địa thì số tiền đó là không đủ”.

Hàn Quốc đã từng trải qua một quá khứ đói nghèo và lạc hậu, và để có được những bước chuyển mình để “cá chép hóa rồng”, họ phải đánh đổi rất nhiều thứ. Những thế hệ “pali pali” (nhanh lên, nhanh lên), những người công nhân, học sinh luôn nằm lòng câu nói “nine to nine” tức là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, là những người xây dựng lên một đế chế mới tự lực tự cường ở châu Á.

Mọi lựa chọn đều phải đánh đổi, nhưng liệu rằng đích đến của sự đánh đổi đấy có thực sự xứng đáng không lại tùy thuộc vào cảm nhận của từng người.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.