Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Khủng hoảng Covid-19 : Nạn nghèo khó và lòng hảo tâm của người Pháp

Đăng ngày:

Đại dịch Covid-19, kéo theo đó là những đợt phong tỏa kéo dài và khủng hoảng kinh tế, đã khiến cảnh sống nghèo khó, bấp bênh ngày càng trở nên nghiêm trọng đối với nhiều người dân Pháp. Thế nhưng, Covid-19 cũng là “dịp trắc nghiệm” bất ngờ về lòng hào phóng, tình đoàn kết, tương thân tương ái của của người Pháp.

Một điểm phân phát thực phẩm của hiệp hội Chữ Thập Đỏ, tại thành phố Hendaye, tỉnh Pyrénées-Atlantiques, Nouvelle-Aquitaine, Pháp.
Một điểm phân phát thực phẩm của hiệp hội Chữ Thập Đỏ, tại thành phố Hendaye, tỉnh Pyrénées-Atlantiques, Nouvelle-Aquitaine, Pháp. RFI/David Baché
Quảng cáo

Khi biện pháp phong tỏa thúc đẩy mong muốn “chia sẻ”

Biện pháp phong tỏa toàn quốc đột ngột hồi tháng 03 năm 2020 để đối phó vói sự lây lan ngoài tầm kiểm soát của virus corona đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh khó khăn, nhiều người lâm cảnh thất nghiệp, dồn nhiều gia đình vào cảnh sống dưới ngưỡng nghèo. Đến cuối năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, một lần nữa nước Pháp lại bị phong tỏa. Thế nhưng, điều bất ngờ là nước Pháp lại chứng kiến “người Pháp chưa bao giờ hào phóng như trong năm 2020”. Có thể nói lệnh phong tỏa đã làm gia tăng mong muốn được “sẻ chia” với cộng đồng.

Đài France Info ngày 20/05/2021 cho biết, chẳng hạn tại thành phố Lille, miền bắc nước Pháp, cho dù các khoản quyên góp vẫn không đủ để cung cấp thực phẩm cho 4.000 hộ gia đình sống phụ thuộc vào cứu trợ thực phẩm, nhưng các tình nguyện viên của hiệp Hội Chữ Thập Đỏ ghi nhận các khoản quyên tặng đã tăng 1/3 so với năm 2019, nhiều người lần đầu tiên quyên góp cho các hiệp hội thiện nguyện. Không những vậy, số người tham gia hoạt động tình nguyện cho Chữ Thập Đỏ chi nhánh Lille cũng đã tăng gấp đôi.

Đối với một số người dân ở Lille, tăng cường đóng góp, hỗ trợ người khó khăn là một hành động hợp với lẽ tự nhiên: “Chúng tôi thấy tình cảnh cùng khổ ngày càng nhiều. Thực sự rất đáng buồn. Điều đó tác động đến chúng tôi phần nào. Thực sự là chúng tôi có lòng cảm thông”; “Với tôi đó là điều tối thiểu cần làm : Nếu chúng ta có thể giúp đỡ những người sống ngay gần chúng ta thì đó quả thực là một ý tưởng hay”.

Theo đánh giá thường niên về các khoản quyên tặng cho những tổ chức thiện nguyện được công bố hôm 20/05/2021, con số trong năm 2020 đã tăng vọt, đạt mức kỷ lục tính từ năm 2004 tại Pháp. Các khoản quyên góp cho những tổ chức, hiệp hội từ thiện đã tăng gần 14% so với năm 2019, tương đương hơn 1 tỉ euro, mức tăng cao nhất tính từ 17 năm qua. Báo cáo không cho biết số người quyên tặng có nhiều hơn so với năm 2019 hay không, nhưng số tiền người dân quyên tặng mỗi lần thì cao hơn. Đại dịch cũng khiến phương thức quyên góp của người dân Pháp có nhiều thay đổi : đóng góp trực tuyến chiếm khoảng hơn ¼ tổng số tiền các tổ chức, hiệp hội từ thiện quyên góp được. Con số này như vậy đã tăng 72% trong vòng một năm.

Thế nhưng, người dân Pháp quyên tặng cho những nhóm đối tượng nào nhiều nhất? Theo báo cáo, cộng đồng đặc biệt giúp đỡ những người khó khăn nhất, chẳng hạn cứu trợ lương thực thực phẩm, giúp đỡ về chỗ ở. Riêng các khoản quyên tặng dành cho cứu trợ thực phẩm đã tăng 45%. Các hiệp hội từ thiện không liên quan đến khủng hoảng y tế cũng được hưởng sự hào phóng nói trên, chẳng hạn các hiệp hội bảo vệ động vật. Chỉ có điều, các hiệp hội văn hóa và thể thao thì lại ít được trợ giúp tài chính hơn so với năm 2019, chủ yếu là do các mạnh thường quân trong lĩnh vực này, thường là các doanh nghiệp, cũng gặp nhiều khó khăn, thất thu do đại dịch.  

Giới trẻ - nạn nhân đầu tiên của nạn nghèo khó

Điều đáng lo ngại là những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, như trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ nhà ở … cũng như sự đóng góp, lòng hảo tâm của cộng đồng không đủ để bù đắp cho những khó khăn chưa từng có do đại dịch gây ra.Trên thực tế, số người đăng ký trợ cấp thất nghiệp tại Pháp trong năm 2020 đã tăng thêm 270.000 người. Vào cuối năm 2020, hiệp hội cứu tế Restos du Coeur của Pháp ghi nhận số người đề nghị được cứu trợ đã tăng hơn 30% (chưa tính ở các vùng hải ngoại).  

Còn trên đài France Info ngày 22/05/2021, nhà báo Quentin Berichel cho biết : “Ví dụ đầu tiên là số người đề nghị được hưởng trợ cấp RSA (Revenu de Solidarité Active - một dạng trợ cấp cho người thu nhập thấp) tăng từ 1 năm nay. Quý vị thấy đấy, hiện giờ có hơn 2 triệu người Pháp hưởng trợ cấp RSA, con số này như vậy tăng gần 5% trong vòng 1 năm, nhưng từ khi khủng hoảng y tế nổ ra thì tình trạng bấp bênh đặc biệt ảnh hưởng tới những người trẻ tuổi.

Việc các quán bán đồ giải khát, nhà hàng hay rạp phim buộc phải đóng cửa đã khiến một số thanh niên mất công việc làm thêm mang lại thu nhập chủ yếu cho họ để trang trải chi phí học hành. Và kết quả là cứ 10 thanh niên thì có hơn 7 người thừa nhận trong giai đoạn xảy ra khủng hoảng y tế họ có nhiều khó khăn về tài chính, nhất là về các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Hơn một nửa số họ hiện giờ không được ăn uống đầy đủ và hơn 1/3 số phụ nữ trẻ thừa nhận không có đủ tiền để mua băng vệ sinh”.

Theo số liệu mới nhất của Viện Thống Kê Quốc Gia Pháp INSEE, tỉ lệ thất nghiệp của Pháp tăng 6,3% trong vòng 1 năm. Riêng ở giới trẻ, tỉ lệ thất nghiệp tăng thêm 8%. Còn theo báo cáo thường niên Đài quan sát tình hình bất bình đẳng công bố hôm 02/06/2021, tỉ lệ nghèo khó ở nhóm thanh niên 18-29 tuổi chưa bao giờ cao đến như vậy tính từ 15 năm qua. Đây là độ tuổi đặc biệt chịu nhiều tác động từ cuộc khủng hoảng y tế.

Lý do chủ yếu, theo Đài quan sát tình hình bất bình đẳng của Pháp, là dù hợp đồng lao động bị ngắt đột ngột do đại dịch, nhưng nhiều thanh niên ở lứa tuổi 18-29 tuổi lại chưa đủ thời gian đóng góp xã hội để có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo luật định. Theo Libération ngày 02/06/2021, Hội đồng quốc gia về chính sách đấu tranh chống đói nghèo đã gióng hồi chuông báo động về tình trạng giới trẻ Pháp đang ngày càng nghèo đi và trợ cấp xã hội cho thanh niên dưới 25 tuổi hiện giờ là không đủ để vực họ dậy.

Nhà báo Quentin Berichel cho biết thêm : “Trong số họ (những người trẻ tuổi), ngày càng có nhiều người phải ngủ tạm trên đường phố. Hiện giờ theo tổ chức hỗ trợ nhà ở cho người có hoàn cảnh khó khăn, Abée Pierre, 9% người vô gia cư là thanh niên dưới 25 tuổi nhưng vấn đề không có chỗ ở cố định cũng liên quan đến mọi lứa tuổi tại Pháp. Chính trong bối cảnh này, hôm qua (21/05) chính phủ thông báo kéo dài biện pháp hỗ trợ cho người vô gia cư đến cuối năm 2022. 43.000 chỗ ở được tạo thêm cách nay 1 năm cho người vô gia cư như vậy có thể vẫn được duy trì. Đây là một số liệu quan trọng, một biện pháp rất quan trọng, vì như chúng ta biết, hiện giờ có hơn 200.000 người vô gia cư tại Pháp đang sống trong các trung tâm đón tiếp hoặc các khu nhà trọ tạm thời được bố trí cho họ”.

Hố sâu bất bình đẳng xã hội

Trở lại với báo cáo ngày 27/05 của Viện Thống Kê Quốc Gia Pháp INSEE, toàn quốc hiện có khoảng 2 triệu người trong cảnh “bần hàn”, không đủ ăn, không có tiền mua quần áo mới, không dám bật lò sưởi vào mùa đông … Điều đáng lo ngại hơn nữa là theo các chuyên gia, một khi đã lâm vào cảnh “bần hàn” thì sẽ rất khó có cơ hội thoát ra. Theo nghiên cứu, chỉ có 13% số người trong cảnh cực kỳ túng bấn có thể khắc phục được khó khăn về tiền bạc, vật chất và cải thiện được đời sống xã hội sau 3 năm.

Ông Philippe Da Costa, một đại diện của Hội Chứ Thập Đỏ Pháp, trả lời phỏng vấn của đài France Info ngày 22/05, cho biết: “Trong các cơ sở ở các địa phương, chúng tôi thấy nhu cầu được cứu trợ của các sinh viên, người cao tuổi hay người không có việc làm đã tăng hơn 30%. Những người làm ăn buôn bán cũng đến gõ cửa xin giúp đỡ (…) Chúng tôi nhận thấy từ năm 2019 đến năm 2020, các hành động cứu tế khẩn cấp cũng như hoạt động tình nguyện khẩn cấp của chúng tôi đã phải tăng lên gấp 4 lần. Quý vị thấy đấy, ngày càng nhiều người cần được cứu trợ, và chưa bao giờ hiệp hội Chữ Thập Đỏ của Pháp lại cứu tế được nhiều như trong cuộc khủng hoảng lần này.”

Người giàu thì ngày càng giàu, người nghèo thì vẫn ngày càng thêm nghèo và ngày càng đông hơn. Đó là kết luận trong báo cáo thường niên Đài quan sát tình hình bất bình đẳng công bố hôm 02/06/2021. Trong số những người mới bị cuốn vào cảnh nghèo khó, có những người hành nghề tự do, buôn bán nhỏ lẻ, thợ thủ công, người làm việc theo hợp đồng ngắn hạn, lao động thời vụ, những người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức và sinh viên. Thế nhưng, tác động của đại dịch Covid-19 không chỉ được đo lường về tài chính, mà rất đa diện, sự bất bình đẳng không chỉ về tiền bạc, mà còn liên quan đến việc được học hành, những chấn động về tâm lý, tinh thần, sự tách biệt với xã hội …

Trong vòng 20 năm qua, những bất bình đẳng, sự chênh lệnh về mức sống tại Pháp không ngừng gia tăng. Đại dịch Covid-19 kéo dài suốt hơn một năm qua, với những hệ lụy của nó, chắc chắn đã và sẽ góp phần không nhỏ đào sâu hố ngăn cách giàu - nghèo trong xã hội Pháp. Nói như bà Fiona Lazaar, chủ tịch Hội đồng quốc gia về chính sách đấu tranh chống đói nghèo, cuộc khủng hoảng Covid-19 vừa bộc lộ tình trạng bất bình đẳng xã hội vừa làm nghiêm trọng thêm tình trạng này. Các tác giả của bản báo cáo vì thế đã cảnh báo về nguy cơ “bom nổ chậm” về mặt hội tại Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.