Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Giới luật sư Pháp Việt và hợp tác về bảo vệ môi trường

Đăng ngày:

Vào giữa tháng 7 vừa qua, một phái đoàn Pháp, trong đó có bà Valérie Verdier, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển, cùng với ông Bruno David, Chủ tịch bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia,  đã đến thăm Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động mới nhất trong khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực môi trường giữa hai nước Pháp và Việt Nam.  

Ảnh tư liệu: Đường phố Hà Nội vào giờ cao điểm ngày 06/03/2008. Thủ đô của Việt Nam là một trong những thành phố ô nhiễm không khí nặng nề nhất thế giới.
Ảnh tư liệu: Đường phố Hà Nội vào giờ cao điểm ngày 06/03/2008. Thủ đô của Việt Nam là một trong những thành phố ô nhiễm không khí nặng nề nhất thế giới. ASSOCIATED PRESS - Chitose Suzuki
Quảng cáo

Theo báo chí trong nước, trong cuộc gặp giữa phái đoàn Pháp với thứ trưởng bộ Tài Nguyên và Môi trường Việt Nam Lê Công Thành, bà Valérie Verdier cho biết, thời gian qua, nhiều chuyên gia của Viện nghiên cứu phát triển đã đến Việt Nam nghiên cứu lĩnh vực môi trường. Cũng trong buổi làm việc, các nhà nghiên cứu khoa học của phái đoàn Pháp bày tỏ mong muốn được tham gia hợp tác lâu dài với bộ Tài Nguyên và Môi trường, nhất là trong việc triển khai quan hệ Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) và các cam kết toàn cầu về ứng phó biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã tham gia. Chính phủ Pháp đã cam kết sẽ hỗ trợ 50 triệu đô la Mỹ cho các nước đang phát triển tham gia JETP, hướng tới các giải pháp năng lượng tái tạo và giảm phát thải khí nhà kính.

Trong công cuộc hợp tác Pháp-Việt về bảo vệ môi trường, nay cũng có sự tham gia của giới luật sư hai nước. Trong hai ngày 7 và 8/07/2023, tại khu Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đã diễn ra một cuộc hội thảo về môi trường quy tụ các luật sư và chuyên gia hai nước Việt Nam và Pháp. Trong số các luật sư Việt Nam dự hội thảo, có luật sư Hoàng Cao Sang, Văn phòng luật sư Hoàng Việt Luật, Sài Gòn. 

Trả lời RFI Việt ngữ, luật sư Hoàng Cao Sang cho biết về nội dung hội thảo: 

“Đó là những vấn đề liên quan đến môi trường, mà ở đây các chuyên gia nói nhiều về rác thải công nghệ như thiết bị máy tính, điện thoại, khí CO2 và cả đường truyền internet, cũng như việc tải các dữ liệu thông qua đường truyền này làm nhiệt độ tăng, dẫn đến biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến môi trường.

Đây là những rác thải của công nghệ cao do các nước phát triển họ tìm hiểu, rồi tìm cách hạn chế các loại ô nhiễm này. Ở Việt Nam thì chưa nghĩ đến những loại rác thải công nghệ mới này. Thường thì môi trường liên quan đến điều kiện cuộc sống và ý thức con mỗi con người, ở Việt Nam thì còn khó khăn, chưa phát triển và đặc biệt là người dân chưa được giáo dục nhiều ý thức về môi trường. Tôi nhận thấy hiện tại ở Việt Nam, người gây ra ô nhiễm môi trường cũng chưa biết mình vi phạm luật môi trường, và người bị xâm hại cũng chẳng biết mình bị xâm hại, dù điều này pháp luật đã quy định.

Vì vậy, buổi hội thảo này sẽ đóng góp vào ý thức về bảo vệ môi trường, đặc biệt là ô nhiễm của rác thải công nghệ mới.” 

Cũng theo luật sư Hoàng Cao Sang, trong hội thảo tại Quy Nhơn, phía luật sư Pháp đã trao đổi những kinh nghiệm về thi hành luật pháp trong vấn đề bảo vệ môi trường:  

“Các luật sư Pháp đưa ra các chính sách, các quy định của pháp luật của Pháp về môi trường như Luật REEN ngày 15/11/2021 nhằm giảm tác động đến môi trường của công nghệ kỹ thuật số ở Pháp; Chính sách khí hậu của Âu Châu; Nghĩa vụ đối với môi trường của các quốc gia; Sự tỉnh táo trong thời đại kỹ thuật số; Đòn bẩy cho các hành động pháp lý; Từ nhận thức đến hành động và đặc biệt là cải thiện điều kiện sống để người dân ý thức hơn về môi trường.

Đây là những bước sơ khởi ban đầu của các luật sư Pháp trao đổi về môi trường tại đây, nên họ chưa có những hỗ trợ cụ thể. Nhưng tôi tin rằng qua lần hội thảo này, họ sẽ có những bước tiếp theo để những vấn đề mà họ đưa ra trong buổi hội thảo này được đi vào thực tế. Sau buổi hội thảo, chúng tôi cũng đã đề nghị các luật sư Pháp hỗ trợ và hết hợp cho nhiều chương trình khác nhau sau này, và họ rất vui vẻ nhận lời. 

Đặc biệt, trong chương trình này có luật sư Ngô Thị Mỹ Hạnh và Giáo sư Trần Thành Vân là những người Pháp gốc Việt, những người trí thức thành công tại Pháp và họ luôn có tâm niệm đóng góp cho quê hương Việt Nam. Tôi tin rằng họ sẽ có nhiều hỗ trợ cho Việt Nam trong nhiều vấn đề.”

Trả lời RFI Việt ngữ, luật sư Ngô Thị Mỹ Hạnh, chủ tịch Hội Hợp tác Pháp lý Châu Âu Việt Nam, cho biết:

" Lần này là lần thứ ba chúng tôi đến thành phố Quy Nhơn vì hai nhà khoa học Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc, sáng lập viên hội "Gặp gỡ Việt Nam" năm 1993 và Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành, mời chúng tôi đến. Lần trước, khi đến Trung tâm tôi có gặp thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam. Họ có mời tôi đến nói về chính sách chống ô nhiễm từ các túi nhựa dùng một lần. Họ thấy các luật sư Pháp quan tâm đến vấn đề môi trường ở Việt Nam.

Lần này được hai nhà khoa học mời đến là cơ hội để các nhà khoa học và các luật gia gặp nhau. Chúng  tôi tổ chức hội thảo để đề cập đến thách thức môi trường và cải cách pháp lý. Nhà khoa học là Hà Dương Minh, cũng là gốc Việt, nói về chuyển đổi năng lượng. Các luật sư thì nói về chính sách về nước của châu Âu, về ô nhiễm tiếng ồn. Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh, chủ nhiệm đoàn luật sư Huế, cũng có phát biểu.

 Hai ngày hội thảo đó rất phong phú và mọi người đến đông đủ để chia sẽ và trao đổi với nhau về kinh nghiệm, ý kiến, thông tin. Tôi sẽ đăng những bài phát biểu của tất cả các chuyên gia trên trang mạng của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành, vì đấy là nơi mà họ tập trung mỗi năm."

Cũng theo lời luật sư Ngô Thị Mỹ Hạnh, Quy Nhơn, với Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành, sẽ nơi lý tưởng để phát triển các giải pháp cho môi trường:

" Chúng tôi dự trù sẽ tiếp tục các chương trình thông tin sao cho người dân Việt Nam và các công ty đều có ý thức để tránh và giảm bớt ô nhiễm ở Việt Nam, tiến đến một môi trường xanh và tránh những thảm nạn như lũ lụt, nước dâng cao ở vùng sông Cửu Long.

Chúng tôi nghĩ là ở Quy Nhơn có nhiều cơ hội những giải pháp cho môi trường, vì ở đấy, hai nhà khoa học Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc đã thành lập ra một trung tâm khám phá khoa học độc nhất ở Việt Nam. Nên khai thác trung tâm khoa học đó và mỗi khi có thể được thì cho học sinh, sinh viên, người dân đến Quy Nhơn, cũng như các đoàn trao đổi quốc tế đến để giúp ý kiến, kinh nghiệm cho Việt Nam".

Kinh nghiệm của các luật sư Pháp càng cần thiết trong bối cảnh Việt Nam còn gặp nhiều vấn đề trong việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, theo luật sư Hoàng Cao Sang: 

“Về cơ bản, Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam cũng đã có những quy định để bảo vệ môi trường, nhưng vẫn chưa chi tiết hóa các trường hợp cụ thể, hoặc có quy định nhưng không áp dụng được bởi những vướng mắc của luật khác. Chính vì các vướng mắc đó nên pháp luật không đi vào cuộc sống được. Đơn giản như tiếng ồn. Ở Việt Nam đi đâu cũng thấy tiếng ồn. Tiếng ồn từ các công trình của các doanh nghiệp, và tiếng ồn của cả các cá nhân gây ra trong cuộc sống hàng ngày.

Có một số trường hợp không chịu được tiếng ổn mà người ta phải vác súng, vác dao bắn/đâm chết người gây ra tiếng ồn, nhưng có mấy ai bị xử phạt vì gây ra tiếng ồn đâu. Hoặc xả khí/rác thải khắp nơi nhưng có mấy doanh nghiệp bị xử phạt đâu?

Bên cạnh những doanh nghiệp Việt Nam, còn có những tập đoàn lớn của nước ngoài vào đầu tư cũng xả thải ra môi trường, nhưng rất ít khi bị phát hiện và rất ít khi bị xử phạt.

Thứ nữa là mức phạt chưa nghiêm, nên việc xả thải của các doanh nghiệp/người dân vẫn tiếp diễn, bất chấp các quy định của pháp luật.

Ngoài vấn đề luật pháp, tôi còn cho rằng phải cải thiện và nâng cấp điều kiện sống, phải phát triển lên thì mới hạn chế được việc gây ảnh hưởng đến môi trường."  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.