Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Cấm chiếu Barbie, Việt Nam có phản ứng thái quá ?

Đăng ngày:

Những người hâm mộ Barbie tại Việt Nam sẽ không thể đến rạp xem một trong những bộ phim Hollywood được mong đợi nhất mùa hè này. Phim Barbie đã bị cấm chiếu vì có sử dụng hình ảnh đường lưỡi bò - một yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông, gây tranh chấp ở Đông Nam Á từ nhiều năm qua.  

Ảnh chụp màn hình trong trailer phim Barbie do hãng Warners Bro sản xuất
Ảnh chụp màn hình trong trailer phim Barbie do hãng Warners Bro sản xuất © Warner Bro
Quảng cáo

“Ai kiểm soát Biển Đông trong thế giới của búp bê Barbie ?” là câu hỏi mà Politico đặt ra, Barbie đã bị cuốn vào vòng xoáy địa chính trị trước thông tin Việt Nam cấm chiếu bộ phim của hãng Warner Bros. Cụ thể, hôm 03/07/2023, báo chí trong nước đưa tin Cục trưởng Cục Điện Ảnh Vi Kiến Thành xác nhận cấm trên toàn lãnh thổ Việt Nam phim Barbie “vì có chứa hình ảnh đường lưỡi bò”. Bản đồ thế giới, với những nét chì màu sắc của trẻ con và một số đường đứt đoạn, chỉ xuất hiện chưa đầy 2 giây trong trailer của phim Barbie. Yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc, không chỉ gây tranh chấp chủ quyền với Việt Nam mà cả với Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan, đã bị Tòa trọng Tài La Haye bác bỏ vào năm 2016, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982.

Phim Barbie, quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như Margot Robbie, Ryan Gosling,… kể về cô búp bê Barbie, sống ở Barbie Land, bị đuổi khỏi vùng đất này vì có ngoại hình không hoàn hảo. Không còn nơi nào để đi nên cô đã quyết định rời khỏi thế giới của mình để đến khám phá sự thật của vũ trụ - thế giới của con người, đi tìm hạnh phúc của mình. Ngay sau thông báo cấm chiếu, tất cả lịch chiếu phim, các áp phích quảng cáo phim Barbie đã bị dỡ bỏ tại các rạp chiếu phim Việt, bất chấp lời giải thích từ hãng sản xuất Warner Bros., cho rằng bản đồ đó chỉ là “những hình ảnh do trẻ con vẽ nguệch ngoạc bằng chì màu, và không đưa ra bất cứ tuyên bố (về chủ quyền nào)”.  

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, Phạm Thu Hằng khẳng định với báo chí rằng “việc quảng bá, sử dụng các sản phẩm, ấn phẩm có 'đường 9 đoạn', là vi phạm các quy định và không được chấp nhận tại Việt Nam”.  

Phản ứng của Hà Nội không phải đơn lẻ, Phillipines cũng xem xét cấm chiếu bộ phim này. Vụ việc đã thu hút sự chú ý của công luận trong nước và quốc tế, về một bộ phim Mỹ, được cho là “quảng cáo” yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển tranh cãi.  

Trang DailyMail của Anh trích dẫn lời của thượng nghị sĩ Ted Cruz về vụ việc, cho rằng ê kíp làm phim của đạo diễn Greta Gerwig “cố xoa dịu đảng Cộng Sản Trung Quốc”. Phát ngôn viên của thượng nghị sĩ Hoa Kỳ khẳng định “Trung Quốc muốn kiểm soát những gì mà người Mỹ nhìn, nghe, và cả suy nghĩ của họ, tận dụng thị trường điện ảnh khổng lồ ở Trung Quốc để ép buộc các công ty Mỹ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc, giống như cách mà nhà sản xuất phim Barbie đã làm với bản đồ…” 

Trong mục tạp chí Việt Nam tuần này, RFI đã phỏng vấn chuyên gia Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Úc, ông cũng từng giảng dạy tại Học viện Quốc Phòng Úc.


RFI : Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, nhưng vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa hai nước làng giềng vẫn tồn tại từ nhiều năm qua. Gần đây, vài ngày sau khi thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc chuyến thăm  tại Trung Quốc, Việt Nam đã thông báo cấm chiếu phim Barbie của Hollywood vì có bản đồ chỉ ra yêu sách đường lưỡi bò. Theo ông, ý nghĩa thực sự của vụ việc này là gì  ? 

Carl Thayer: Nếu chúng ta nhìn lại xa hơn, tính đến cả chuyến thăm của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc vào năm ngoái. Trong cả hai chuyến thăm của ông Trọng và ông Phạm Minh Chính, vấn đề về Biển Đông là một trong những chủ đề thảo luận chính. Việt Nam đã phải chịu áp lực từ Trung Quốc vào năm 2017, 2018, 2019, 2020, và đã phải nhượng bộ, từ bỏ hợp đồng với công ty khai thác dầu khí Repsol hay công ty dầu khí của Nga trên Biển Đông. Sau đó, tình hình có bớt căng căng thẳng, nhưng năm nay, Trung Quốc đúng là đã gia tăng áp lực, tăng cường hoạt động trên Biển Đông, gần như hàng ngày. Do vậy, Việt Nam đang làm cách tốt nhất về mặt ngoại giao để khiếu nại Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng phải xét đến mối quan hệ quyền lực giữa hai bên.   

Việt Nam lo ngại rằng yêu sách của Trung Quốc - một vấn đề khá nhạy cảm, có thể bị làm ngơ và có thể được chấp nhận một cách tự nhiên. Trong công pháp quốc tế, có một điều gọi là sự ưng thuận ( acquiescence), là khi một nước cố áp đặt một yêu sách nào đó, yêu cầu các nước khác không đến khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền. Nếu không ai khiếu nại và làm như những gì được yêu cầu, điều này có nghĩa là họ đồng thuận với tuyên bố đó. Và nước đó, trong trường hợp này là Trung Quốc, có quyền để kiểm soát khu vực này.  

RFI : Phản ứng của Việt Nam có tác dụng gì hay không, đối với đối nội và đối ngoại ?  

Carl Thayer: Năm 2003, Việt Nam đã thông qua chính sách vừa đấu tranh, vừa hợp tác. Việc cấm chiếu phim là một hành động đấu tranh, dù nhỏ, để cho mọi người thấy là Việt Nam chống lại sự gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông, chống lại một yêu sách bị tuyên bố là bất hợp pháp theo công pháp quốc tế. Theo tôi, trong bối cảnh nội bộ tại Việt Nam thì đây là một hành động quan trọng mà chính quyền Hà Nội phải làm.  

Tuy nhiên, theo tôi, cấm chiếu phim Barbie là một phản ứng thái quá của Việt Nam, nhưng tôi có thể hiểu rằng nó giống như một vết thương đã đóng vảy rồi lại bị cậy ra. Là một chuyên gia, khi nhìn vào tấm bản đồ, tôi ngay lập tức thấy rằng bản đồ sử dụng trong phim có đường 9 đoạn, nhưng tôi cho rằng phần lớn mọi người trên thế giới không nhận ra điều này. Bộ phim không có thông điệp chính trị nào và Barbie cũng không liên quan đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, cô ấy cũng không đi thăm các mỏ dầu ở Biển Đông.  

Đối với việc cấm phim Barbie, phản ứng thái quá này phản tác dụng, vì ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhiều người vốn đã mong chờ phim ra mắt, thì nay ngày càng nhiều người muốn đi xem phim đó và hỏi rằng họ đang tranh cãi về vấn đề gì ?  

Trung Quốc sẽ không phải nói gì và chỉ ngồi đằng sau xem tất cả các tranh cãi đó. Vấn đề là không phải do chính phủ Trung Quốc hay một cơ quan nào đó của Bắc Kinh sản xuất ra bản đồ này. Họ không bán bản đồ có đường lưỡi bò cho tất cả các rạp chiếu phim trên thế giới, và không tuyên rằng : vì ai đã xem phim có bản đồ đó nên phải chấp nhận sự kiểm soát của Trung Quốc.  

RFI : Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc không chỉ xâm phạm lãnh hải của Việt Nam mà của các nước trong khu vực như Brunei, Philiipines,…Liên quan đến việc kiểm duyệt sách báo và các ấn phẩm giải trí có chứa hình đường 9 đoạn, phải chăng Việt Nam là nước cứng rắn nhất. Philippines gần đây cũng đưa ra ý định cấm chiếu phim Barbie. Ông đánh giá như thế nào về phản ứng của các nước trong khu vực ?  

Carl Thayer: Về phía Philippines, tôi nghĩ rằng đó là trường hợp đặc biệt vì dưới sự lãnh đạo của tổng thống Marcos, Philippines cũng như Việt Nam, đã có phản ứng mạnh mẽ trong việc chống lại sự đe doạ và quấy rối từ phía Trung Quốc, cứng rắn hơn nhiều so với chính phủ của Duterte trước đó. Việt Nam và Philippines là đối tác chiến lược nhưng quan hệ hai bên lại không được tốt đẹp như những gì được mong đợi. Sự cứng rắn của hai nước trong vấn đề với Trung Quốc là một cách thể hiện sự đoàn kết. Về phía Indonesia, đây là một trường hợp rất thú vị vì ngay từ ban đầu, quan điểm của Indonesia là : không tranh cãi với ai cả vì Indonesia đúng luật. Malaysia thì có phần yên ắng. Brunei là nước im lặng nhất. Vào năm 2009, hay 2019, 2020, nhiều nước đã khiếu nại về đường 9 đoạn, Malaysia là nước đầu tiên đệ trình bổ sung lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc, Việt Nam, Indonesia cũng theo sau, Brunei chỉ có bộ Ngoại Giao đưa ra tuyên bố. Trường hợp của Philippines khá thú vị. Vào năm 2009, khi Trung Quốc lần đần đưa ra những yêu sách về đường 9 đoạn, Việt Nam và Malaysia đã đệ trình một khiếu nại chung, Philippines đã phản đối khiếu nại đó vì Việt Nam và Philippines có những tranh chấp lãnh hải chưa được giải quyết. Còn giữa Việt Nam và Indonesia, hai nước mới chỉ mới đạt  đồng thuận về ranh giới đường biển cách nay vài tháng.   

Các quốc gia Đông Nam Á không muốn gây chiến một cách không cần thiết về bộ phim của Mỹ. Vụ việc này không giống như là hồi năm 2009, khi Trung Quốc lập bản đồ và đệ trình yêu sách của mình lên Liên Hiệp Quốc, mà tất cả các nước phải phản đối.  

RFI : Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam cấm chiếu phim của Hollywood, nhưng tại sao vụ việc này lại được một số chính sách của Hoa Kỳ và  truyền thông quốc tế quan tâm đến vậy ? 

Carl Thayer: Truyền thông quốc tế quan tâm đến vấn đề này vì có liên quan đến địa chính trị, liên quan đến Trung Quốc. Báo chí nhân dịp này giải thích về yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc… Đối với các quốc gia, hoặc chính trị gia không ủng hộ chế độ Cộng Sản, họ chỉ coi đây là một phần trong chính sách kiểm duyệt. Có những thứ bị kiểm duyệt nghiêm trọng hơn, như về các văn bản chính trị hay quyền con người hay tự do, nhưng lần này chỉ là một sản phẩm thương mại.  

Báo chí quốc tế không có ý định chọn phe nhưng họ coi lệnh cấm của Cục điện Ảnh Việt nam là lệnh cấm từ chính phủ Việt Nam. Khi mà búp bê Barbie được đặt cạnh bản đồ gây tranh cãi, nhiều tờ báo muốn thu hút sự chú ý, đã đem Việt Nam làm trò cười vì có phản ứng thái quá, như thể là Barbie đang chiến đấu với Việt Nam. 


Gần đây, không chỉ riêng phim Barbie bị cấm chiếu vì đường lưỡi bò, chuyến lưu diễn của Black Pink, nhóm nhạc đình đám Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đã có nguy cơ bị hủy vì có sử dụng bản đồ có chứa đường 9 đoạn. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.