Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Sách Pháp tìm chỗ đứng trong lòng độc giả Việt Nam

Đăng ngày:

Độc giả Việt Nam không còn xa lạ với những tên tuổi lớn của nền văn học cổ điển và đương đại Pháp Annie Ernaux, Modiano, Pierre Lemaître, Marc Levy, Guillaume Musso, Frédéric Beigbeder, Françoise Sagan, Daniel Pennac, Romain Gary… Gần đây, việc nhà văn Marc Levy được chào đón nồng nhiệt tại thành phố Hồ Chí Minh thể hiện phần nào sự quan tâm đó của độc giả Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ.

Bìa sách Hoàng tử bé (Le Petit Prince) của Antoine de Saint-Exupéry, do NXB Nhã Nam phát hành tại Việt Nam.
Bìa sách Hoàng tử bé (Le Petit Prince) của Antoine de Saint-Exupéry, do NXB Nhã Nam phát hành tại Việt Nam. © Nhã Nam
Quảng cáo

Độc giả Việt Nam : Fan của văn học Pháp

Có thể thấy, sách văn học Pháp không còn chỉ gói trong những tác phẩm kinh điển như Những người khốn khổ, Tấm da lừa, Ba chàng lính ngự lâm hay Hoàng tử bé... Trả lời RFI Tiếng Việt, anh Nguyễn Xuân Minh, phụ trách bản quyền công ty Nhã Nam, nhận xét :

“Do ảnh hưởng văn hóa từ những năm 1930-1945 đến nay - đó là cả một quá trình dài - cho nên độc giả Việt Nam tiếp nhận sách Pháp khá là cởi mở, đặc biệt là các tác phẩm văn chương kinh điển đã được độc giả Việt Nam đón nhận từ thời những năm 1930-1945. Ví dụ, Ba chàng lính ngự lâm đã được Nguyễn Văn Vĩnh dịch. Sau đó có cả một truyền thống dịch văn học Pháp: Balzac, Hugo đều đã được dịch rất là lâu rồi. Độc giả Việt Nam đã có cả một quá trình dài tiếp xúc với văn chương Pháp, cho nên việc xuất bản sách văn học Pháp tại Việt Nam không quá là khó khăn”.

Theo thống kê của Viện Pháp tại Hà Nội, trong khoảng 10 năm gần đây, số đầu sách Pháp được chuyển nhượng bản quyền cho xuất bản Việt Nam đã tăng hơn gấp năm lần : từ 50 tác phẩm trong năm 2011 lên thành 266 trong năm 2020 và đỉnh điểm là năm 2017 với 335 tác phẩm. Đây là kết quả của một hành trình dài, bắt đầu từ năm 1990, với Chương trình hỗ trợ xuất bản Nguyễn Văn Vĩnh (PAP) của đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Mục đích là “trợ giúp các nhà xuất bản Việt Nam thực hiện một chính sách dài hạn trong việc xuất bản các ấn phẩm bằng tiếng Pháp, tiếng Việt hoặc song ngữ của các tác giả Pháp trong nhiều lĩnh vực (văn học, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kĩ thuật, thanh thiếu niên, văn hóa nghệ thuật, v.v..)”.

Nhưng nhìn chung, theo đánh giá của anh Nguyễn Xuân Minh, những mảng sách khác của Pháp vẫn khá kén độc giả và gặp không ít khó khăn để xuất bản ở Việt Nam :

“Ngoài sách văn học, Pháp còn có rất nhiều dòng sách khác, cả một thị trường lớn, như sách nuôi dạy con, sách về khoa học phổ thông, sách khoa học cho thiếu nhi, truyện tranh “bande dessinée”. Đối với những dòng sách này, ở Việt Nam thường có những mối quan tâm riêng, khác nhau. Ví dụ dòng sách nuôi dạy con, hiện nay độc giả Việt Nam sẽ hơi thiên về của Nhật hay của Hàn Quốc vì có sự tương đồng văn hóa. Về dòng sách tranh của Pháp nói riêng và của châu Âu nói chung, ở Việt Nam cũng khá khó khăn khi tiếp cận độc giả trẻ. Các bố mẹ trẻ hay mua sách tranh album của Hàn Quốc hay Nhật Bản - đây là một dòng sách được quảng cáo rất mạnh, hoặc sách tranh của Trung Quốc vì giá thành rẻ hơn và các nhà xuất bản Việt Nam cũng sẽ ưu tiên vì phí bản quyền thấp.

Ngoài ra, còn có một dòng sách đặc biệt của Pháp và châu Âu mà hiện nay cũng tương đối khó khăn để xuất bản ở Việt Nam, đó là truyện tranh “bande dessinée”, bởi vì thường mọi người có quan niệm truyện tranh là truyện tranh của Nhật Bản hoặc của Hàn Quốc hay Trung Quốc. Truyện tranh châu Âu có một thời gian rộ lên là Lucky Luck hay Marsupilami hoặc Tintin, rất là nổi. Tuy nhiên, sau một thời gian, làn sóng truyện tranh châu Âu, Pháp và Bỉ đã lắng xuống.

Mặc dù tôi thấy ở Pháp rất phát triển, cho dù là tiểu thuyết hay sách khoa học, đều có thể chuyển thể thành truyện tranh “bande dessinée”, nhưng sang đến Việt Nam thì tương đối khó khăn khi xuất bản dòng sách này. Thứ nhất là do chi phí bản quyền khá cao. Thứ hai là chi phí in mầu, chất lượng cao, đẹp như sách gốc thì cũng rất cao và dẫn đến giá thành cao. Thứ ba là độc giả Việt Nam chưa có thói quen tiếp nhận và đọc dòng sách này nhiều. Đó là ba khó khăn khi chúng tôi muốn giới thiệu lại dòng truyện tranh của Pháp, Bỉ, châu Âu đến với độc giả Việt Nam”.

Hỗ trợ xuất bản để đưa sách Pháp đến với độc giả Việt

Trong hơn 30 hoạt động, chương trình PAP đã hỗ trợ kinh phí xuất bản khoảng 500 tác phẩm dịch từ tiếng Pháp, trung bình khoảng 15 đầu sách mỗi năm. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng tại một đất nước mà lượng độc giả Pháp ngữ vẫn còn hạn chế. Chương trình chú trọng đến chất lượng bản dịch, khuyến khích các nhà xuất bản trả thù lao xứng đáng cho những dịch giả có trình độ. Một số dịch giả Việt Nam (dịch một tác phẩm được chương trình hỗ trợ) có thể được tài trợ một khóa làm việc tại Pháp 2-3 tháng.

Về hợp tác với các nhà xuất bản Việt Nam dịch sách Pháp, chương trình PAP hỗ trợ tài chính đến 50% một dự án dịch (chi phí in ấn, phí bản quyền, dịch thuật), giúp đỡ những nhà xuất bản này chuyên môn hóa bằng cách xác lập chính sách xuất bản và tôn trọng quyền tác giả. Nhiều nhà xuất bản Việt Nam dịch sách Pháp được mời sang dự hội chợ sách tại Pháp để tìm hiểu thị trường, thăm các nhà xuất bản đối tác tại Pháp và gặp gỡ với bộ phận bản quyền.

Đầu tháng 12/2022, một phái đoàn gồm năm nhà xuất bản ở Hà Nội đã tham dự Hội chợ sách báo trẻ Montreuil (30/11-05/12) trong khuôn khổ chương trình này. Chị Vũ Thị Quỳnh Liên, nhà xuất bản Kim Đồng, đánh giá cao sự năng động của Chương trình hỗ trợ xuất bản Nguyễn Văn Vĩnh :

“Ngoài việc hỗ trợ các nhà xuất bản Việt Nam được tham dự những chương trình như này, còn có rất nhiều chương trình hỗ trợ khác, ví dụ hỗ trợ về phí bản quyền hoặc hỗ trợ - mà tôi nghĩ là rất thiết thực - đưa các tác giả Pháp sang Việt Nam giao lưu với độc giả Việt Nam. Hoạt động đó là một sự tương tác, hỗ trợ ngược lại cho các nhà xuất bản rất lớn, vì các nhà xuất bản đã mua bản quyền và xuất bản sách tại Việt Nam, sau đó độc giả lại được tương tác trực tiếp với tác giả, tôi cho rằng đó là hoạt động rất hữu ích.

Ngoài ra, Viện Pháp còn có rất nhiều chương trình đào tạo về dịch thuật. Tôi đánh giá các hoạt động của Viện Pháp là rất tổng quan, vì từ gốc là giới thiệu các tác phẩm Pháp, sau đó đào tạo người dịch, tiếp theo là hỗ trợ phần tổ chức các sự kiện, triển lãm sách hoặc ra mắt các buổi đọc sách tại thư viện Pháp và mời tác giả đến giao lưu. Tôi đánh giá là tại Việt Nam, Viện Pháp là một trong những viện tích cực nhất trong các hoạt động hỗ trợ về xuất bản và văn hóa”.

Chị Phạm Bích Ngọc, nhà xuất bản Thế Giới, thích thêm về Chương trình hỗ trợ xuất bản Nguyễn Văn Vĩnh :

“Tùy từng chương trình xuất bản của từng năm, Viện Pháp sẽ hỗ trợ mời tác giả của chính quyển sách đó sang giao lưu với độc giả Việt Nam. Đặc biệt nhất là có chương trình “Ngày hội Sách châu Âu”, được tổ chức vào trung tuần tháng 5 hàng năm. Pháp đóng góp rất quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà xuất bản có sách Pháp được giới thiệu tại ngày hội văn hóa đó, ví dụ tổ chức sự kiện ra mắt sách, trưng bày sách, giao lưu với độc giả và có các buổi tọa đàm.

Đó là hoạt động rất thiết thực bởi vì không có những hoạt động đó thì sách của Pháp sẽ không thể nào có thể có được sự lan tỏa rộng như thời gian vừa qua. Đặc biệt trong đại dịch, Viện Pháp còn hỗ trợ chúng tôi làm những sự kiện trực tuyến khi không mời được tác giả sang. Những công việc đó là sự động viên vô cùng lớn và vô cùng giá trị đối với công việc xuất bản sách của chúng tôi nói riêng, cũng như phát triển văn hóa nói chung và hợp tác hữu nghị giữa hai Nhà nước”.

Từ dịch sách đến quảng bá văn hóa Pháp

Tại sao lại là dịch sách ? Phòng Sách của Viện Pháp giải thích là “các tác phẩm dịch có vai trò đặc biệt khi số lượng độc giả có khả năng đọc sách bằng tiếng Pháp tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Việc dịch các tác phẩm Pháp sang tiếng Việt cũng giúp các tác phẩm này tiếp cận đến một lượng công chúng rộng rãi hơn”.

Ngoài ra, thông qua những chương trình tham dự hội chợ sách tại Pháp, các nhà xuất bản Việt Nam còn có thể học kinh nghiệm tổ chức sự kiện tương tự, phát triển thú vui, đam mê đọc sách tới độc giả ở Việt Nam. Chị Quỳnh Liên, nhà xuất bản Kim Đồng, cho biết tiếp :

“Việc được đến Hội chợ Sách là cơ hội rất tốt vì ngoài có thể được xem, nhìn chung mặt bằng sách Pháp như thế nào, thì còn được xem, chứng kiến những hoạt động tương tác giữa nhà xuất bản với bạn đọc, mà ở đây là các bạn đọc thiếu nhi. Và đúng là có rất nhiều điều mà chúng tôi thấy có thể học tập được, ví dụ những chương trình đọc sách rất linh hoạt, có khi chỉ là một góc nhỏ thôi, nhưng có những tác giả đến đọc sách hay ký tặng, hoặc có những góc sáng tạo để cho các em tự vẽ tranh. Nói chung là rất thoải mái, nằm ngồi, bò lê bò toài. Phải nói là ở Việt Nam không có nhiều hoạt động như thế”.

Đối với chị Bích Ngọc, người nhiều lần tham dự hội chợ sách tại Pháp, có thể học tập về cách tổ chức quy mô cũng như sự đa dạng về hệ thống đề tài của hội chợ sách :

“Tôi thấy họ thay đổi đề tài một cách rõ rệt. Ngoài việc tương đồng với xu thế của thời cuộc, nó còn thể hiện truyền thống rất nhân văn của nước Pháp. Và hệ thống đề tài sách khoa học xã hội nhân văn, tuy dành cho trẻ em nhưng thể hiện sự phong phú đến người lớn cũng cần học tập, cũng như những nhà làm sách cần phải suy nghĩ lại về cách thức, đề tài làm sao để cho không những chỉ dành cho trẻ em mà còn là sách dành cho gia đình, cho các bậc phụ huynh cũng như trong nhà trường.

Chúng tôi cũng thấy mừng vì các nhà xuất bản của Pháp tổ chức được một hội chợ quy mô. Dĩ nhiên các nhà xuất bản đến là để bán sách, nhưng có sự giao lưu mà tôi thấy rất xúc động, vì sách gần như đến tận tay độc giả, dù nhỏ tuổi nhất. Ngược lại, độc giả mọi lứa tuổi có thể tiếp xúc với các nhà văn, có thể là các thần tượng của họ bấy lâu nay. Đó là một cách làm mà chúng tôi phải học tập rất nhiều”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.