Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Phát triển điện hạt nhân: Tìm con đường thích hợp cho Việt Nam

Đăng ngày:

Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), mà bộ Công Thương vừa trình lên chính phủ vào tháng 10 năm ngoái, vẫn chưa nói đến khả năng phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Nhưng trong nước ngày càng có nhiều chuyên gia năng lượng kiến nghị chính phủ nên tính đến việc khởi động lại các dự án nhà máy điện hạt nhân mà Việt Nam đã đề ra cách đây hơn 10 năm, rồi sau đó đã hủy bỏ. 

Mô hình lò phản ứng hạt nhân VVER-1200 của Nga, sẽ được trang bị cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, tại triển lãm điện hạt nhân quốc tế, Hà Nội, Việt Nam, ngày 26/10/2012.
Mô hình lò phản ứng hạt nhân VVER-1200 của Nga, sẽ được trang bị cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, tại triển lãm điện hạt nhân quốc tế, Hà Nội, Việt Nam, ngày 26/10/2012. AFP - HOANG DINH NAM
Quảng cáo

Vấn đề phát triển điện nguyên tử, hiện được xem là một nguồn năng lượng “zero carbon”, càng được đặt ra cấp thiết, sau khi tại hội nghị COP 26, Việt Nam cam kết sẽ đạt đến trung hòa carbon (net zero) vào năm 2050. Trong điều kiện hiện nay, có lẽ chỉ có điện nguyên tử mới có thể giúp Việt Nam vừa thực hiện được cam kết nói trên, vừa đáp ứng được nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng cùng với đà phát triển kinh tế. 

Dừng thực hiện Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc Hội thông qua ngày 25/11/2009, gồm 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, công suất mỗi nhà máy khoảng 2.000 MW. Theo dự kiến quy hoạch phát triển điện lực quốc gia lúc đó, nhà máy điện hạt nhân 1 và 2 sẽ được khởi công vào năm 2020. Tuy nhiên, đến tháng 11/2016, Quốc hội đã biểu quyết dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân “vì lý do kinh tế”. Như vậy là dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận đã bị “treo” từ đó đến nay  và chắc là sẽ không bao giờ được thực hiện: Tháng 11 vừa qua, chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu chính phủ sớm bỏ quy hoạch các dự án nhà máy điện ở Ninh Thuận để thay vào đó là phát triển khí thiên nhiên hóa lỏng ( LNG ). 

Theo báo chí trong nước, khi giải thích lý do vì sao Dự thảo Quy hoạch điện VIII chưa nói đến việc phát triển điện hạt nhân, đại diện Bộ Công Thương cho rằng điện hạt nhân đòi hỏi vốn đầu tư và chi phí vận hành khá lớn,nên có giá thành sản xuất điện cao, không thể cạnh tranh được với các loại hình sản xuất điện truyền thống và các loại hình sản xuất năng lượng tái tạo trong tương lai gần. 

Đúng là theo các chuyên gia về năng lượng, việc phát triển điện hạt nhân khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với các nguồn điện khác, vì nó đòi hỏi Việt Nam phải làm chủ được công nghệ, người Việt Nam phải trực tiếp vận hành, rồi còn phải xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng, đào tạo nguồn nhân lực cho các nhà máy điện nguyên tử.

Nhưng tiêu thụ điện năng và năng lượng nói chung của Việt Nam đang tăng nhanh cùng với đà tăng trưởng kinh tế, mức tăng trong những năm qua là khoảng 9-10% mỗi năm. Nguy cơ thiếu hụt năng lượng là hoàn toàn có thể xảy ra, nếu không phát triển được những nguồn năng lượng thay thế. Việt Nam hiện đang phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo ( điện Mặt trời, điện gió ), nhưng trong tương lai rồi cũng sẽ phải tính đến việc khởi động lại chương trình phát triển điện hạt nhân.

Kiến nghị xem xét điện hạt nhân

Vào tháng 7 năm ngoái, trang web của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã đăng một bản kiến nghị của Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, kêu gọi  Quốc hội, Chính phủ “xem xét vấn đề điện hạt nhân trong Quy hoạch phát triển”.

Các tác giả bản kiến nghị ghi nhận: “ Mặc dù mức độ tiêu thụ điện năng còn ở mức thấp, nhưng việc phát triển nguồn điện hiện nay của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Trong 30 năm qua Việt Nam hầu như đã khai thác hết các tiềm năng về thuỷ điện; khai thác than không đủ cấp cho các nhà máy nhiệt điện than hiện có, nhập khẩu than đang tiếp tục tăng. Theo xu thế hiện nay, cần phải hạn chế nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than do phát thải khí nhà kính và gây ô nhiễm môi trường.”

Bản kiến nghị này cũng ghi nhận năng lượng tái tạo đang phổ biến hiện nay, tuy nhiên cũng có một số hạn chế, chẳng hạn như sản lượng điện thấp, không thể cung cấp điện liên tục, không ổn định, nên ảnh hưởng lớn đến hệ thống điện… 

Cho nên, các tác giả bản kiến nghị đề nghị Ủy ban Thường vụ báo cáo Quốc Hội cho phép tiếp tục các công tác quy hoạch điện hạt nhân, quy hoạch địa điểm và chương trình đào tạo nhân lực của chương trình điện hạt nhân, đồng thời đề nghị thủ tướng xem xét giữ lại hai địa điểm đã được quy hoạch và khảo sát tại Ninh Thuận cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân (Phước Dinh và Vĩnh Hải).

Vậy thì đến khi nào thì Việt Nam có thể bắt đầu chương trình phát triển điện hạt nhân? Trả lời RFI Việt ngữ ngày 28/12/2021, giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, cho biết: 

Hiện nay, vì chưa có thông báo chính thức nào của Việt Nam về chuyện này, cho nên tôi chỉ phát biểu ý kiến cá nhân với tư cách một người làm trong ngành này lâu năm nhất ở Việt Nam. Để tham gia vào vấn đề chống biến đổi khí hậu, có nhiều phương án và Việt Nam đã hứa sẽ từ bỏ điện than và sẽ thay đó bằng năng lượng khác. Cũng có một số người nói điện hạt nhân là một giải pháp. Tôi thì nghĩ là cho đến năm 2035, vẫn có thể nghĩ đến giải pháp điện hạt nhân, nhưng điện hạt nhân gì, công nghệ nào, loại lò gì? Đó là vấn đề cần phải bàn luận.”

Lò phản ứng công suất thấp: Thích hợp cho Việt Nam

Như vậy, con đường nào là thích hợp cho Việt Nam trong chiến lược phát triển điện hạt nhân trong tương lai? Theo ý kiến của giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, Việt Nam không nên trở lại với những dự án nhà máy điện hạt nhân công suất lớn như Nga và Nhật đã dự kiến xây dựng ở Việt Nam: 

“Có thể đặt vấn đề khởi động lại chương trình điện hạt nhân, nhưng theo tôi không phải điện hạt nhân theo kiểu ta đã làm với Nhật và Nga trước đây. Ngay cả Pháp là một quốc gia làm chủ được công nghệ điện hạt nhân, gọi là công nghệ hạt nhân thế hệ 3+, thế mà tổng thống Macron cũng đã nói là bây giờ Pháp nên chuyển sang nghiên cứu công nghệ lò phản ứng công suất thấp. 

Lò phản ứng mà Pháp xây dựng ở Pháp cũng như ở Phần Lan có công suất lên tới 1.500 Mw. Các lò mà Nga và Nhật đã dự định xây dựng ở Việt Nam là trên 1.000 Mw. Đó là những đơn vị có công suất rất lớn. Do đó sẽ  có những khó khăn kèm theo. Cho nên, tổng thống Pháp và một số nước khác khuyến khích đầu tư vào các lò công suất thấp, tiện lợi hơn rất nhiều và không đặt ra những vấn đề gay gắt như các lò công suất lớn.

Theo tôi, các lò công suất lớn thế hệ 3+ có triết lý rất tốt, đó là làm cho an toàn gần như là tuyệt đối, nhưng trên thực tế nó lại vi phạm những triết lý khác, đó là sử dụng năng lượng nhiều quá. Ví dụ như lò thế hệ 3+ yêu cầu nhà lò phải thật là rắn chắc đến mức mà giả sử có một máy bay đâm thẳng vào đỉnh lò thì cũng không sao cả. Muốn xây một lò như thế thì phải bỏ ra rất nhiều bê tông, cốt sắt, không thật sự cần thiết, trong khi xác suất một máy máy bay đâm vào đó thì rất là thấp, không biết bao giờ mới xảy ra! Ấy là tôi chưa kể đến những công nghệ khác cũng không cần thiết. Cho nên tôi rất tán thành việc đi theo con đường xây các lò công suất thấp.”

Các lò phản ứng công suất thấp này có những ưu điểm như thế nào, giáo sư Phạm Duy Hiển giải thích:

“Các lò công suất bé được lắp theo module, tức là ở nhà máy người ta xây các module, rồi chở thẳng các module đó đến. Như vậy là ta không trải qua giai đoạn làm việc ở hiện trường, những khâu mà có thể dẫn đến những sai sót, gây mất an toàn. Ngoài ra, yêu cầu về việc chọn địa điểm và những thứ khác không gắt gao như đối với các lò công suất lớn. 

Vì vậy, nếu như Việt Nam tính đến năm 2030-2035 sẽ có các lò phản ứng mới thì tôi nghĩ là phải theo hướng đó. Theo hướng đó có cái lợi ở chỗ à hiện nay nhiều nước đang đổ vào nghiên cứu các lò công suất bé, bắt đầu từ nước Mỹ. Từ thời tổng thống Obama, ông ấy đã phê duyệt chương trình này rồi.

Tuy nhiên, hiện nay lò công suất bé lắp theo module chương được thương mại hóa, bởi vì cũng phải có một thời gian nhất định. Đến khi được thương mại hóa thì các lò này sẽ được sản xuất rất nhiều để bán cho các nước và giá thành sẽ hạ xuống. Tôi nghĩ là đến năm 2035 là có thể tính đến những chuyện như thế.

Ngoài ra, đã có rất nhiều phương án xây các lò phản ứng công suất bé. Ví dụ như Bill Gates cũng đã có kế hoạch đầu tư vào các lò như thế. Một điểm rất quan trọng nữa đó là nó sẽ giải quyết vấn đề các nhiên liệu đã cháy. Nếu không giải quyết được một cách lâu dài  vấn đề nhiên liệu đã cháy thì không thể phát triển điện hạt nhân một cách an toàn được. Hướng mà Bill Gates đang theo đuổi là hướng giải quyết được vấn đề an toàn. 

Nếu khởi động lại chương trình điện hạt nhân, thì theo ý tôi là Việt Nam không nên tiếp tục các con đường cũ,sử dụng các công nghệ của Nga và Nhật thế hệ 3+. Cứ chờ đến khoảng năm 2035, công nghệ lò phản ứng công suất bé, có thể lắp theo module, hay các công nghệ như Bill Gates đang theo đuổi sẽ tiện lợi cho Việt Nam rất nhiều.”

Đề xuất của Ủy ban Kinh tế Quốc Hội

Trước mắt, việc có nên khởi động lại chương trình hạt nhân hay không vẫn tiếp tục gây tranh cãi, nhất là kể từ tháng 5 vừa qua, trong báo cáo giám sát về việc thực hiện Nghị quyết 31 năm 2016 của Quốc Hội ( về việc dừng chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ), Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội kiến nghị Việt Nam xem xét phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tiếp theo để "góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế độc lập, tự chủ và bảo đảm an ninh hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát". Tuy nhiên, Ủy ban cho rằng "cần có đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng". Trước mắt, Ủy ban Kinh tế Quốc Hội đề nghị "cần có chủ trương của Đảng và từ đó tính toán quy hoạch điện hạt nhân và nghiên cứu tái khởi động dự án ở Ninh Thuận vào thời điểm thích hợp”. 

Họ đề nghị chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi có quyết định chính thức. Bởi thực tế, theo Ủy ban việc chọn địa điểm xây dựng nhà máy đưa vào quy hoạch là "quá trình lâu dài, tuân thủ quy định chặt chẽ và rất tốn kém".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.