Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Việt Nam - Canada : Tăng cường hợp tác để đối phó cùng một đối thủ

Đăng ngày:

Canada là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 14 tại Việt Nam tính đến tháng 11/2021 với 231 dự án trị giá 4,81 tỷ đô la. Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Canada trong khối ASEAN.

Ảnh tư liệu: Thủ tướng Canada Justin Trudeau (P) và thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp song phương bên lề hội nghị cấp cao G7 ngày 10/06/2018 ở thành phố Québec, Canada.
Ảnh tư liệu: Thủ tướng Canada Justin Trudeau (P) và thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp song phương bên lề hội nghị cấp cao G7 ngày 10/06/2018 ở thành phố Québec, Canada. AP - Jacques Boissinot
Quảng cáo

Từ vài năm gần đây, Canada hướng đến Việt Nam như một nhân tố năng động giữ vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương đang từng bước được Ottawa định hình. Hà Nội cũng có thêm được ủng hộ từ một nước phương Tây để đối phó với những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Có thể nói năm 2018 đánh dấu bước ngoặt trong chính sách về Ấn Độ-Thái Bình Dương của Canada. Từ né tránh đề cập những tranh chấp ở Biển Đông, chính phủ của thủ tướng Trudeau đã chỉ trích đích danh Trung Quốc và thường xuyên điều chiến hạm đi qua những vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương đòi hết chủ quyền để “cho thấy sự ủng hộ của Canada đối với các đối tác và đồng minh thân cận nhất của chúng ta, về an ninh và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp” (1).

Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly được chính phủ ủy nhiệm “phát triển và thực hiện một chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương toàn diện mới nhằm tăng cường quan hệ đối tác về ngoại giao, kinh tế và quốc phòng”. Tuy nhiên, được nghiên cứu từ khoảng hai năm nay nhưng rất ít thông tin về chiến lược này được tiết lộ, theo trang Radio-Canada ngày 29/01/2022. Giới chuyên gia sốt ruột cảnh báo : “Nếu không có chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, Canada sẽ không tham gia vào quá trình thảo các điều luật. Điều đó có nghĩa là Canada có thể bị thiệt vì những điều luật do các nước khác đề ra”. (2)

Canada đang tăng tốc để bù lại thời gian bỏ lỡ trong việc định hình chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, nơi được cho sẽ chiếm đến hơn một nửa GDP toàn cầu vào năm 2040. Trong chiến lược này, Việt Nam được đánh giá là một nhân tố năng động. Điều này giải thích cho hàng loạt sự kiện gặp gỡ, hợp tác song phương từ quốc phòng đến thương mại giữa Việt Nam và Canada trong những năm 2020 và 2021, theo nhận định của giáo sư Eric Mottet, đại học Công Giáo Lille (Pháp) khi trả lời RFI Tiếng Việt.

 

Giáo sư Eric Mottet, trường Đại học Công giáo Lille (Pháp), từng giảng dạy tại Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Québec ở Montréal (UQAM), Canada.
Giáo sư Eric Mottet, trường Đại học Công giáo Lille (Pháp), từng giảng dạy tại Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Québec ở Montréal (UQAM), Canada. © RFI Tiếng Việt / Eric Mottet

 

RFI : Từ vài năm nay gần đây, Canada đã thay đổi hoàn toàn lập trường về những tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và ngày càng tỏ ra quan tâm hơn đến khu vực này. Đâu là những lý do giải thích cho sự thay đổi của Ottawa ?

G.S. Eric Mottet : Đúng là Hải Quân Hoàng Gia Canada ngày càng hiện diện thường xuyên hơn ở eo biển Đài Loan và Biển Đông. Rõ ràng là sự hiện diện này ngày càng nhiều hơn so với trước đây, vì phải nói rằng Hải Quân Canada tương đối vắng bóng trong khu vực trong những năm qua. Việc này được giải thích phần nào qua việc chính quyền Ottawa đang suy nghĩ đến một chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương nên quan sát xem Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ làm gì về mặt an ninh trong khu vực này.

Canada cân nhắc xem chiến lược của họ ở Thái Bình Dương sẽ ra sao và đi đến kết luận là cần hiện diện quân sự, kể cả lực lượng hải quân, tại các vùng biển ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Điều này cũng giúp Canada thoát khỏi thế kẹt trong xung đột với Trung Quốc, kéo dài nặng nề suốt 3 năm. Canada hy vọng bằng cách nào đó lấy lại thế bình thường trong quan hệ với Trung Quốc. Và để đi đến sự bình thường hóa này, chính quyền Ottawa cho rằng phải hiện diện thường xuyên hơn về mặt hàng hải ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, và đặc biệt là ở Biển Đông.

RFI : Ông nói là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Canada rất căng thẳng trong những năm qua. Nhưng liệu sự hiện diện thường xuyên hơn ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông, có làm gia tăng thêm căng thẳng ?

G.S. Eric Mottet : Không vì Canada đã củng cố lập trường của họ. Trong suốt 3 năm, các sự kiện liên quan đến Hoa Vi và hai công dân Michael Spavor và Kovrig bị giam giữ ở Trung Quốc đã khiến quan hệ song phương trở nên phức tạp. Trong thời gian dài, Canada đã không biết phải làm thế nào với vấn đề này.

Hiện giờ, cả hai ông Michael đã về nước, mối quan hệ song phương dịu đi một chút. Nhưng ngược lại, Canada vẫn khá bất bình về cách Trung Quốc xử lý tình hình đó, nên phải tỏ ra cứng rắn hơn, hung hăng hơn một chút và thể hiện rằng Canada là một nước có thể sẽ hiện diện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, sẽ triển khai một chiến lược đối với khu vực này. Vì thế Canada sẽ hoạt động nhiều hơn ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trong tương lai.

RFI : Hà Nội có thể đóng vai trò như thế nào trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Canada ?

G.S. Eric Mottet : Tôi nghĩ là chiến lược của Hà Nội, nhìn một cách rộng hơn, nằm trong chiến lược của khối ASEAN. Đối với tất cả các bên đang nghiên cứu đến chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, dù là Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản, Úc hay Ấn Độ, đều coi ASEAN là nhân tố trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của họ. Việt Nam là một thành viên có vai trò lớn trong ASEAN về mặt kinh tế, chính trị và ngoại giao, nên dĩ nhiên các nước trên cũng phải dựa vào Việt Nam.

Trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Ottawa, mối quan hệ giữa Việt Nam và Canada sẽ dựa trên các thỏa thuận đã có, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giúp đơn giản hóa trao đổi kinh tế giữa hai nước. Ngoài ra, cũng có thể thấy là Việt Nam sẽ trở thành một điểm tựa chiến lược ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương cho Canada. Mối quan hệ song phương này còn dựa vào cộng đồng người Việt sinh sống ở Canada, cũng như việc Việt Nam là một đất nước đang trỗi dậy mà hiện cả thế giới đang hướng tới.

Ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương có hai nước rất được chú ý đến là Indonesia và Việt Nam. Các bên hướng đến khu vực này đều chú ý đến Việt Nam, một quốc gia sẽ nằm hoàn toàn trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Canada.

RFI : Ngày 07/07/2021, Tham vấn Quốc phòng Việt Nam-Canada đã diễn ra ở Hà Nội. Sau đó, Canada đã mở Văn phòng thường trực Tùy viên Quốc phòng ở Hà Nội. Việt Nam sẽ có được những lợi ích gì khi tăng cường quan hệ với Canada về quốc phòng và kinh tế, trong đó phải kể đến việc Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2022 mà cả Việt Nam và Canada cùng tham gia ?

G.S. Eric Mottet : Về mặt an ninh, có được sự ủng hộ của Ottawa trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông là điều rất tích cực đối với Việt Nam vì Canada là một nhân tố có trọng lượng, là một nước phương Tây cũng nằm trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương dù ban đầu Canada ít thể hiện về vấn đề này nhưng giờ thì tỏ rõ hơn.

Ngoài ra, đúng là chúng ta thấy Canada đã tăng cường quan hệ đối tác với các nước và thể chế cấp vùng ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc Phòng Canada đã đến dự Hội thảo Quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội tháng 11/2020. Ông cũng tham gia nhiều diễn đàn quốc phòng với các nước ASEAN. Hiện giờ, Canada có một tùy viên quân sự ở Việt Nam và một ở Malaysia. Có thể thấy là Việt Nam được Canada nhắm đến là nơi phải thành lập văn phòng tùy viên quân sự và cùng nghiên cứu để ra được một thỏa thuận cụ thể hóa nghị định thư về kế hoạch an ninh (được hai bộ trưởng Quốc Phòng ký năm 2019). Ngoài ra, Hải Quân Canada cũng đã ghé thăm cảng Cam Ranh, miền trung Việt Nam vào tháng 06/2021. Đây là sự kiện đầu tiên kể từ nhiều năm qua. Nhìn chung, có thể thấy là Việt Nam và Canada xích lại gần nhau nhiều hơn về mặt an ninh.

Còn về lĩnh vực thương mại, đừng quên rằng Việt Nam là đối tác thương mại chính của Canada trong khối ASEAN. Chính quyền Ottawa cũng thể hiện mong muốn từng bước ưu tiên Việt Nam là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng, kể cả thông qua việc nhập khẩu nông sản, thực phẩm hoặc hợp tác về các vấn đề liên quan đến giáo dục, công nghệ, thông tin và truyền thông… Có thể thấy là cả hai nước đang gia tăng quan hệ kinh tế song phương.

Tôi muốn nhắc lại lần nữa rằng Canada coi Việt Nam là một nước trong ASEAN, trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, cần phải dựa vào trong tương lai, vừa về mặt an ninh, vừa về thương mại và kinh tế.

RFI : Có thể thấy là Canada vẫn một mình tiến hành các hoạt động vì tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông hoặc đưa ra nhiều tuyên bố chống lại các hành động đơn phương gây thêm căng thẳng ở trong vùng. Tại sao Canada không tham gia tuần tra chung với Mỹ trong khuôn khổ FONOP ?

G.S. Eric Mottet : Đúng là Canada không tham gia các chiến dịch vì tự do lưu thông hàng hải FONOP của Mỹ. Khi biết một chút về chính sách đối ngoại của Canada, chúng ta biết là đối với Ottawa, điều quan trọng là phải duy trì được chính sách, gọi là “lành mạnh” đối với chính sách của Mỹ. Họ sẽ không sao chép hay tham gia một cách triệt để vào mọi sáng kiến, kể cả về an ninh, của Hoa Kỳ. Ottawa chọn con đường riêng, độc lập với Washington, nên không tham gia các chiến dịch của Mỹ.

Nhưng hiện tại, ở Ottawa đang diễn ra một cuộc tranh luận về việc tại sao Canada không tham gia và tại sao Canada nên tham giam vào chiến dịch FONOP do Hoa Kỳ chỉ huy ở Biển Đông. Hiện giờ, Ottawa vẫn chưa có câu trả lời chính thức nhưng dường như chính quyền Ottawa không muốn gây bất đồng. Thực ra là giữa Canada và Hoa Kỳ vẫn tồn tại bất đồng về ngả lưu thông ở phía tây bắc : Washington coi đó là tuyến đường hàng hải quốc tế, trong khi Ottawa khẳng định tuyến đường đó thuộc chủ quyền của họ. Và vì đã có một số tranh chấp hàng hải, Canada không muốn tham gia và tạo thêm tiền lệ với Mỹ.

Tiếp theo, tôi cho rằng mối quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh vẫn còn nhiều khúc mắc, có thể vì thế mà Canada không muốn đối đầu thêm với Trung Quốc vì cần nhắc lại là quan hệ song phương vẫn rất xấu và không được cải thiện nhiều cho lắm. Theo tôi, Canada không muốn “đổ thêm dầu vào lửa” trong mối quan hệ vốn đã rất phức tạp và vẫn chưa thấy lối thoát. Ngoài ra, cũng cần phải biết là 70% người dân Canada ác cảm về Trung Quốc. Tôi nghĩ là Ottawa không muốn làm trầm trọng thêm quan điểm này trong dân chúng.

RFI Tiếng Việt xin trân thành cảm ơn giáo sư Eric Mottet, trường đại học Công Giáo Lille tại Pháp. 

*****

(1) Theo tài liệu của chính phủ Canada liên quan đến chuyến hải hành năm 2020 của chiến hạm NCSM Ottawa ở Biển Đông được trang The Diplomat trích ngày 12/06/2021.

(2) L’Indo-Pacifique et le grand rattrapage d’Ottawa, Radio-Canada, 29/01/2022.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.