Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Melancholia - Những U Sầu giải thoát

Đăng ngày:

Chắc hẳn khán giả yêu điện ảnh chẳng còn xa lạ với những siêu phẩm Hollywood về đề tài thảm họa hay diệt vong của nhân loại. Đầy ắp sự sắp đặt hoành tráng, hình ảnh và kĩ xảo tuyệt mỹ, những bộ phim đó chiếm trọn niềm háo hức và mong chờ của người xem trên toàn thế giới mỗi lần công chiếu.

Diễn viên Kirsten Dunst chụp ảnh với giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho bộ phim Melancholia trong lễ trao giải tại LHP quốc tế lần thứ 64, ở Cannes, Pháp, ngày 22/05/2011.
Diễn viên Kirsten Dunst chụp ảnh với giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho bộ phim Melancholia trong lễ trao giải tại LHP quốc tế lần thứ 64, ở Cannes, Pháp, ngày 22/05/2011. ASSOCIATED PRESS - Joel Ryan
Quảng cáo

Tuy nhiên, được mệnh danh là “tác phẩm hay nhất về Ngày tận thế”, thì người ta đã chỉ gọi tên một bộ phim mà thôi, đó là “Melancholia” - con đẻ của đạo diễn, kiêm biên kịch Lars von Trier. Phim là sự kết hợp giữa các nhà sản xuất Đan Mạch, Thụy Điển, Pháp và Đức, ra mắt vào năm 2011 và đã làm mưa làm gió tại hầu hết tất cả các giải thưởng danh giá trên toàn Châu Âu.  

Là một nhà làm phim với phong cách điện ảnh cực đoan, bản thân Lars von Trier đã từng nhận định “Mỗi bộ phim nên như một viên đá trong giầy”. Đừng hi vọng sẽ tìm thấy những điều bình thường trong phim của ông. Tất cả các tác phẩm thậm chí khiến cho người xem có thể bị sốc, bị ám ảnh và ghim vào trong lòng những ác mộng mà rất lâu sau đó họ mới có thể tự giải thoát. Ở “Melancholia” người ta không thấy những cảnh ầm ĩ, những đổ vỡ náo loạn hay những hành động cứu rỗi thế giới. Sự vụn gẫy của Trái đất và tâm lý của những nhân vật trong đó đến một cách lặng lẽ, len lỏi vào từng tế bào, day dứt, đay nghiến đau khổ và rồi chấm dứt như nó vốn phải như thế.

Đặc biệt, ấn tượng, ám ảnh là những gì mà “Melancholia” là đại diện. Bỗng một ngày, nhân loại biết rằng có một hành tinh sẽ va vào trái đất. Nó có thể sẽ đi chệch qua hoặc sẽ đâm sầm vào chúng ta và tất cả sẽ biến mất. Cũng có những hoảng hốt, những trốn chạy, nhưng điều mới lạ mà bộ phim mang lại lại chính là sự đối mặt, thậm chí có phần mãn nguyện mong chờ của một trong hai nhân vật chính của phim. Trong khi Clair, người chị gái, giống như phần lớn mọi người, sợ hãi, hoảng loạn trước nguy cơ diệt vong thì Justine, cô em trẻ trung lại hoàn toàn ngược lại. Điều gì khiến cô gái thành đạt và xinh đẹp này phản ứng như vậy? Sự lạc quan, niềm tin vào “thế giới mới nào đó sau khi chết”… hay… chỉ là nỗi chán chường cùng cực giữa một cuộc sống tồi tệ bên dưới cái vỏ đẹp đẽ đang diễn ra xung quanh cô?

Trái đất mệt mỏi và xấu xa

Justine đã nói câu ấy khi hai chị em tranh luận về thảm họa. Tại sao? Bởi vì bao quanh cô là những sự thật trần trụi của một thế giới mà ở đó, con người cư xử với nhau vô cùng tồi tệ.

Xuất hiện trong trang phục cô dâu và đang trên đường tới lễ cưới của mình, Justine đã phì cười, tỏ ra thoải mái lúc chiếc xe Limousine mất tới hàng tiếng đồng hồ mà vẫn không thể vượt qua lối rẽ nhỏ trong khi chồng cô thì vô cùng khó chịu.

Đã bị trễ so với kế hoạch khiến quan khách phải chờ rất lâu song Justine vẫn chạy vào chuồng ngựa để báo tin vui với Abraham, chú ngựa yêu quý của cô, rằng cô chuẩn bị về nhà chồng và họ sẽ phải xa nhau.

Là một cô gái trẻ thành đạt, vô cùng được trọng dụng và trân quý khi chính Sếp của Justine đã phải đứng lên phát biểu trong đám cưới về tài năng của cô.

Được chị gái và người anh rể giàu có tổ chức cho một đám cưới trong mơ giữa căn biệt thự sang trọng bao gồm cả sân golf rộng lớn.

Justine thấy gì ở sự diệt vong? Ngày tận thế đáng mong chờ đến thế ư, với một người con gái có thể nói là đang hạnh phúc vô bờ bến?

Không, cái bề nổi ấy không thể cứu vãn những sụp đổ đang ngày một lớn dần lên trong Justine. Nếu như người ta không để ý kĩ những gì Lars von Trier sắp đặt, hẳn người ta sẽ hoàn toàn lạc lối trong một tiếng đồng hồ chỉ loanh quanh giữa đám quan khách, giữa câu chuyện gia đình của hai chị em và cả hành động ân ái của Justine với anh chàng ngoài 20 tuổi đang thử việc trong công ty ngay trên bãi cỏ trước mặt ngôi biệt thự. Một đám cưới dài dằng dặc như thể sẽ không bao giờ kết thúc. Sự mệt mỏi rệu rã bao phủ Justine. Cô bỏ mặc tất cả mọi người, một mình chạy lên phòng tắm, ngâm mình trong bồn, rất lâu. Cái đám cưới ấy, nó giống như màn tra tấn kinh khủng nhất với cô gái tưởng như đang hạnh phúc nhất.

Sếp của Justine thật ra chỉ muốn ép cô làm việc ngay trong đám cưới. Ông ta mang theo cậu thanh niên đang thử việc, bắt cậu ta phải bám theo Justine chỉ vì đang cần một câu khẩu hiệu cho một chiến dịch quảng cáo. John, chồng của Clair, thì luôn miệng khoe khoang những gì phải làm, số tiền mà anh ta đã phải chi cho đám cưới và muốn Justine phải theo ý mình. Bố mẹ Justine cãi nhau trước mặt quan khách. Sự hằn học của người mẹ đau khổ vì hôn nhân tan vỡ và người cha thì nông cạn hời hợt ham vui hai tay hai cô bồ trẻ.

Tất cả khiến Justine có một nỗi sợ, đến mức cô không thể đi vững và gần như đổ gục. Chiếc váy cưới trở thành gánh nặng còn đôi giầy đẹp đẽ dưới chân thì khiến cô đau đớn cùng cực. Niềm vui nằm ở đâu trong cuộc đời cô?

Toàn bộ hình ảnh ở phần một của phim mang tên “Justine” là những hình ảnh động, chống chếnh giống như những cảm xúc của cô với hiện tại. Hoàn toàn không chắc chắn vào điều gì, ngay cả đám cưới của mình, ngay cả tình yêu của mình với Micheal – người mà cô sắp phải sống chung một đời.     

Melancholia còn có nghĩa là U sầu. Phải chăng, điều mà Lars von Trier muốn nói tới ở đây chính là những sầu muộn của cuộc sống hiện tại là nguyên nhân dẫn tới sự diệt vong? Con người đã và đang và sẽ làm cho nhau đau khổ, đem đến những sự thất vọng và chán chường, chính là đem đến Ngày tận thế của chính con

Cái hang ma thuật

Trái ngược với Justine, Clair là một phụ nữ chỉn chu, dường như hoàn hảo. Cô có gia đình hạnh phúc, John – chồng cô – là nhà khoa học, Leo – cậu con trai bé nhỏ ngoan ngoãn và cuộc sống thừa mứa về vật chất. Vẻ như Clair sống bên ngoài những bận tâm về cha mẹ, những mâu thuẫn nội tại sẵn có rất nhiều năm để toàn tâm toàn ý cho gia đình nhỏ của mình. Cho nên, sự diệt vong của thế giới là điều khủng khiếp không thể chấp nhận. John mang lại cho Clair sự bình yên, hoàn toàn tin tưởng rằng Melancholia chỉ đi lướt qua Trái đất cho tới khi nó bất ngờ vòng lại và Clair phát hiện ra chồng đã tự tử trong chuồng ngựa. Bình tĩnh không ngờ trước cái chết ấy, tuy nhiên, Clair vẫn không khỏi hoảng loạn khi nghĩ tới kết cục đang đến. Cô định bụng cùng Leo chạy trốn. Nhưng họ sẽ phải chạy đi đâu? Nơi nào là nơi an toàn vào lúc này? Điều gì cần phải làm khi tất cả sắp kết thúc? Hoảng loạn hay bình tâm đón chờ điều tất yếu?

Justine đã khiến chị gái hiểu rằng đây là lúc họ cần ở bên nhau. Clair chỉ nghĩ tới những ly rượu vang, còn Justine, cô nắm tay Leo, cố gắng gạt bỏ nỗi sợ hãi mà mẹ thằng bé vừa gieo vào lòng nó. “Bố nói không có chỗ nào để trốn”. Khi Leo thảng thốt thốt lên câu ấy thì Justine đã nhắc tới cái hang ma thuật của hai cô cháu, nơi mà chắc chắn họ sẽ an toàn. Những phút cuối cùng bên nhau, họ đi nhặt nhạnh vài cành cây khô trong rừng, dựng lên một túp lều và cả ba cùng chui vào đó. Tay trong tay. Đối mặt với hành tinh Melancholia màu xanh rực rỡ đang ùa tới…

Thiết bị mà Leo, con trai của Clair nghĩ ra để đo khoảng cách của Melancholia tới trái đất – đơn giản chỉ là một cái que buộc vào một vòng tròn – mang tính biểu tượng sâu sắc. Việc người ta tì cái que vào ngực mình và chĩa vòng tròn về phía hành tinh U sầu sống như cái cách người ta nhìn nhận nó. Đối với mỗi người, hành tinh đó là gì? Cuộc sống không chỉ có niềm vui và hạnh phúc mà nó còn nhuốm màu sắc của những nỗi buồn, những ưu tư. Ta sẽ đối mặt với chúng như thế nào? Bằng vào tất cả sự cảm thông của mình hay là cố gắng để gạt bỏ nó, chối từ nó?   

Người ta bỗng nhớ lại 8 phút đầu tiên của phim khi mà Lars von Trier sử dụng hoàn toàn hình ảnh quay chậm những con chim đang rơi và trái đất bị bao phủ bởi tro tàn. Tất cả dường như dừng lại, trôi thật chậm như để giây phút cuối cùng còn mãi. Tất cả là sự thật ào đến, những sợ hãi, hoảng loạn và cuối cùng là chấp nhận sự kết thúc một cách thật nhẹ nhàng. 

Justine và Clair và Leo, ba người, tay trong tay, ngồi giữa túp lều ma thuật được làm bằng những cành cây khô cong queo, để cho màu xanh đầy ma lực của hành tinh mang tên U sầu giải thoát đi mọi nỗi U sầu đang đeo bám họ. Có thể có một thế giới khác, cũng có thể không… nhưng sự hết thúc, biết đâu, lại luôn là một sự khởi đầu! Và cái hang ma thuật là nơi mà ở đó, tâm hồn tiếp tục được nuôi dưỡng bằng những cảm thông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.