Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

« Cuộc đính hôn lâu dài » : Những sắc màu tương phản khó phai

Đăng ngày:

Không lâu sau tác phẩm điện ảnh kinh điển “Cuộc đời tươi đẹp của Amélie Poulain”, đạo diễn Jean Pierre Jeunet, một lần nữa, lại đạt tới những thành công vang dội cùng “Cuộc đính hôn lâu dài” vào năm 2004 với 12 đề cử César (giành 4 giải) và 2 đề cử Oscar.

Diễn viên Pháp Audrey Tautou thủ vai nữ chính trong bộ phim “Cuộc đính hôn lâu dài” của đạo diễn Jean-Pierre Jeunet, bộ phim đươc 12 đề cử César (giành 4 giải) và 2 đề cử Oscar hồi năm 2004.
Diễn viên Pháp Audrey Tautou thủ vai nữ chính trong bộ phim “Cuộc đính hôn lâu dài” của đạo diễn Jean-Pierre Jeunet, bộ phim đươc 12 đề cử César (giành 4 giải) và 2 đề cử Oscar hồi năm 2004. REUTERS /Jean-Paul Pelissier
Quảng cáo

Bộ phim được liệt vào dạng chủ đề lãng mạn chiến tranh, hư cấu một câu chuyện về sự tìm kiếm gần như tuyệt vọng của một người phụ nữ trẻ tên Mathilde với chồng chưa cưới của cô là Manech, người có thể đã bị giết chết trong thời gian chiến tranh thế giới thứ I, ngay trước trận Somme. Để rồi từ những tìm hiểu và điều tra của Mathilde, rất nhiều sự thật, nhiều cảnh huống về cuộc chiến và cả số phận những người trong và ngoài cuộc được phơi bày.

Dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Sebastien Japrisot, xuất bản năm 1991, nhưng “Cuộc đính hôn lâu dài” đã tạo nên một dấu ấn riêng, gần như đứng độc lập được với tác phẩm gốc, bởi bức tranh đặc sắc mà Jeunet đã vẽ nên. Trong suốt hơn 2 tiếng đồng hồ, người xem như được chiêm ngưỡng một tuyệt phẩm với đầy những sắc màu tưởng như tương phản, nhưng lại vô cùng đồng điệu và hòa quyện vào nhau. Bộ phim với khối lượng nhân vật khá nhiều, vặn xoắn, các tình tiết thay đổi liên tục, đưa đẩy khán giả từ phán đoán này tới phán đoán khác, lúc vui, lúc buồn cùng hành trình đi tìm người yêu của Mathilde để rồi cuối cùng, tất cả thở phào khi, như một câu chuyện cổ tích, nó đã có một Happy Ending đúng nghĩa.

Chiến tranh nhuốm màu đen tối     

Cho dù ở đâu hay vào thời điểm nào hay đối với bất cứ dân tộc nào thì chiến tranh luôn mang màu sắc đen tối nhất. Mở đầu phim, Jeunet đã đẩy người xem tới chiến trường Bingo Crépuscale ác liệt, với hình ảnh xác một người lính bị xé làm nhiều mảnh, với mưa bùn ngập ngụa, khói của khí độc và năm người lính Pháp đang trên đường bị đưa đi xử tử. Họ bị buộc tội đào ngũ. Đó là một người thợ mộc đa tình, một anh thợ hàn thẳng tính luôn muốn thức tỉnh người khác rời khỏi cuộc chiến, một nông dân dũng cảm cứng cỏi nhất, một gã ma cô thành thị giỏi lừa đảo dối trá và cuối cùng là Manech, anh chàng mới bước qua tuổi 20, làm nghề đánh chuông ở nhà thờ. Tất cả họ đều, một cách vô tình hay cố ý, làm mình bị thương để rời khỏi cuộc chiến càng nhanh càng tốt. Cái cuộc chiến mà với họ và với cả những người khác là thứ nhuốm màu tối thẫm vô vọng, là những bữa ăn như cám heo và là thân thể đồng đội nổ tung reo rắc khắp các chiến hào.

Nhưng họ không bị xử tử như một quân nhân, mà lại bị đẩy ra ngoài nơi mà người ta gọi là “No man’s land”, là vùng đất ranh giới giữa hai chiến tuyến của Pháp và Đức. Sĩ quan cấp trên của họ, Lavrouye, cảm thấy vui vẻ hơn, nếu họ bị quân Đức săn đuổi và bắn nổ tung như pháo hoa. Lại thêm một dải màu đen được phơi bày ở đây, đó chính là sự phi nhân đạo trong một bộ phận những người cầm đầu, những kẻ ăn trên ngồi trốc, chưa từng ra trận, chưa từng chịu cơn đói khổ cùng cực và cái chết cận kề, ngay cả khi cuộc chiến đang ở vào giai đoạn khốc liệt nhất.

Cũng chính là Lavrouye đã xé đi quyết định tha bổng của tổng thống dành cho năm người lính khốn khổ ngay sau đó, đẩy họ vào tận cùng tuyệt vọng. Chẳng có một lý do chính đáng nào được đưa ra cho hành động của vị sĩ quan này, ngoài câu “thích thì làm”.        

Đau đớn nhất là biết bao mưu mô toan tính để thoát khỏi cuộc chiến đều không thành, kể cả khi, bạn thân của anh chàng thợ mộc Bastoche sẵn sàng đưa vợ mình vào tay Bastoche, cố gắng để vợ có thai đứa con thứ 6 và anh ta sẽ được trở về nhà. Nhưng người vợ không những không có thai mà trớ trêu thay, cô còn nảy sinh tình cảm với Bastoche và phản bội chồng theo đúng nghĩa. Cuộc chiến đã khiến cho những mất mát của họ không chỉ là mất đi một phần cơ thể, mà còn là một phần của trái tim với biết bao tổn thương ghi dấu mãi mãi.

Màu xanh hi vọng

Xen lẫn vào giữa những tối đen ấy là vài giây phút lóe lên màu xanh hi vọng, dù còn yếu ớt nhưng đủ để khán giả có thể nhìn thấy sự Yêu thương. Đó là lúc Manech được đầu bếp của đội “phục vụ” món bánh mì tẩm mật ong nướng cùng bát chocolate trắng thượng hạng trước khi bị đẩy ra vùng đất “No man’s land”. Là lúc ngay giữa cuộc chiến căng như dây đàn, máy bay địch lượn vòng vòng trên trời và những nòng pháo chĩa thẳng về phía quân đội Pháp, Manech vẫn kiên nhẫn khắc lên cái cây duy nhất còn đứng vững giữa chiến trường ba chữ M, có nghĩa là “Mathilde cưới Manech”. Khát khao được trở về, khát khao Yêu và Được Yêu có lẽ là động lực vô hình giúp chàng trai trẻ vượt qua tất cả những gì là điên cuồng nhất của cuộc chiến. 

Để rồi, một màu xanh thật sự tràn qua phủ lên thứ rêu hi vọng, khi Mathilde nhận được tin Manech đã chết và cô hoàn toàn không tin vào điều đó. Đến đây, khán giả cảm thấy một Amélie Poulain khác, cũng với vai diễn tuyệt vời của nữ diễn viên Audrey Tautou, nàng thơ của điện ảnh Pháp, trong vai một đứa trẻ mồ côi có tật nói chuyện một mình và một bên chân tập tễnh vì hậu quả của bệnh bại liệt. Vẫn với đôi mắt to, long lanh, sáng bừng hi vọng, Mathilde chưa bao giờ ngưng tin tưởng là Manech còn sống. Cô giữ vững niềm tin ấy ngay cả khi hết thảy mọi người đều cho rằng anh đã chết và những việc cô đang làm là vô nghĩa.

Mathilde dốc đến những đồng tiền cuối cùng mà cha mẹ để lại cho mình để đi khắp nước Pháp tìm tung tích những người có thể kết nối câu chuyện của chồng chưa cưới, thậm chí thuê cả thám tử tư giỏi nhất ở Paris. Niềm tin mãnh liệt ấy đã lan tỏa khiến cho nhiều người cảm thông và muốn giúp cô hơn.

Trên chặng đường tìm kiếm của Mathilde, biết bao nhiêu mặt tối của cuộc chiến, cũng là bao nhiêu thân phận người đàn bà được phơi bày. Người bị chồng đẩy vào tay bạn thân và cuối cùng trở thành ngoại tình. Người vì khao khát trả thù mà lần lượt giết những kẻ đã gián tiếp, hoặc trực tiếp hại chết người tình của mình như là Tina Lambordi, bạn gái của tay ma cô thành thị, để rồi sau đó phải đối mặt với án tử hình bị chém đầu. Thông qua những câu chuyện này, người ta thấy rất rõ ràng chiến tranh không chỉ ác liệt ở trên chiến trường, mà nó còn len lỏi vào cuộc sống, biến chúng trở nên tồi tệ ở bất cứ phương diện nào.

Những bước chân tập tễnh của Mathilde đi tới đâu là gieo màu xanh hi vọng tới đó. Càng nhiều người hi vọng thì cơ hội Manech của cô còn sống lại càng tăng lên. Có những lúc tưởng như cô sẽ gục ngã khi vị thám tử đưa tới thông tin về ngôi mộ có đề tên Manech, khi nhiều nhân chứng nói đã chứng kiến cái chết của anh, nhưng không, số phận vẫn mỉm cười với Mathilde bởi cô vẫn gắng gượng đứng lên và nỗ lực tìm kiếm không ngừng nghỉ.

Màu vàng yêu đương tràn ngập

Gam màu sắc chủ đạo của “Cuộc đính hôn lâu dài” là màu vàng của yêu thương ấm nồng. Phần lớn trong hơn 2 tiếng đồng hồ, ngoài những trường đoạn trên chiến trường, bộ phim trải một màu vàng óng ả như mật ong, tươi sáng, đầy hi vọng và đẹp đẽ. Tình Yêu đã đem đến cho Manech sự tự tin và những suy nghĩ tích cực nhất. Trong lúc mọi người đều cảm thấy tồi tệ khi sắp bị vứt ra vùng ranh giới giữa quân Pháp và Đức, thì chàng trai trẻ 20 tuổi này lại vừa ăn bữa ăn ngon lành cuối cùng, vừa nói rằng anh sẽ về nhà sau buổi hành quyết.

Nếu chú ý, khán giả sẽ thấy chiếc găng tay mà Manech được đồng đội tặng, chiếc găng tay len màu đỏ với những chấm trắng li ti được anh đeo vào bên tay phải. Đó là bàn tay Manech đã dùng để đặt lên bầu ngực Mathilde trong cái đêm đầu tiên họ ở với nhau trên ngon hải đăng. Bàn tay anh giữ chặt và cảm nhận trái tim cô. Manech vẫn tâm sự với đồng đội rằng “tim cô ấy đập trong bàn tay em”, có lẽ vì thế mà anh muốn chiếc găng tay sẽ giữ ấm cho nó, để mãi lưu giữ trái tim và tình yêu của Mathilde dành cho mình.

Hai người như là một đôi thanh mai trúc mã, thân thiết từ nhỏ cho tới lớn và dành cả tình cảm cho nhau. Họ chỉ biết đến nhau. Tình yêu lúc này như một liều thuốc thần kì để giữ cho Manech sống sau khi trúng một loạt đạn từ phía quân Đức và mắc cả chứng viêm phổi nặng. Hành trình tìm kiếm Manech của Mathilde và hành trình cố gắng giành giật sự sống của Manech đã được Tình Yêu đưa lối. Còn gì có thể mạnh mẽ hơn những xúc cảm vẫn luôn được nuôi dưỡng và nâng niu?

Chắc là không cần phải nhắc tới những gì Mathilde và Manech dành cho nhau khi gặp lại sau bao trắc trở, hi vọng rồi lại thất vọng rồi lại hi vọng. Chỉ biết là dù có bị mất trí nhớ hoàn toàn, thậm chí phải học đọc và viết từ đầu thì Manech vẫn nói một câu khi anh nhìn thấy Mathilde. “Em có đau khi bước đi không?” - câu nói mà anh đã nói lần đầu tiên khi anh thấy Mathilde tập tễnh trên đôi chân đã teo vì bại liệt ngày còn thơ bé, đứa lên 9, kẻ lên 10.

Thế là đủ hiểu, tất cả sẽ lại nở hoa, kết trái. Tất cả sẽ lại là một màu xanh hi vọng và vàng óng ả yêu đương, là dấu ấn khó phai trong mỗi chúng ta.      

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.