Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Những kẻ bên lề - Sự hoàn hảo của những mảnh đối lập

Đăng ngày:

Vào năm 2011, khi chính phủ Pháp ban hành chính sách “thắt lưng buộc bụng”, người dân phải vất vả hơn trong việc bươn chải kiếm sống thì bộ phim Những kẻ bên lề (Les Intouchables) xuất hiện như cơn mưa giữa sa mạc, làm dấy lên niềm tin vào cuộc sống, vào tình yêu đời, yêu người đẹp đẽ và tươi sáng.

“Những kẻ bên lề” đã đạt giải César dành cho nam diễn viên xuất sắc nhất, Omar Sy, trong vai Driss.
“Những kẻ bên lề” đã đạt giải César dành cho nam diễn viên xuất sắc nhất, Omar Sy, trong vai Driss. © Flickr - Brian Dys Sahagun
Quảng cáo

Có lẽ vì vậy mà chỉ sau thời gian công chiếu không dài, bộ phim đã lập kỉ lục ở phòng vé, trở thành tác phẩm đạt doanh thu cao thứ nhì mọi thời đại tại Pháp, chỉ sau “Welcome to the Sticks” - phát hành năm 2008. “Những kẻ bên lề”, một bộ phim tâm lý - hài, đã đạt rất nhiều giải thưởng danh giá, mà trong đó, phải kể đến giải César dành cho nam diễn viên xuất sắc nhất, Omar Sy, trong vai Driss. Anh là diễn viên gốc Phi đầu tiên được nhận giải thưởng này.    

Nơi lòng thương hại không có chỗ đứng

Cảnh mở đầu của “Những kẻ bên lề” thật quá rộn rã và ấn tượng, khi những chiếc xe hơi chậm rãi trôi thì cuộc đua xe của Driss với cảnh sát lại như là đánh dấu sự sống mới đang trỗi dậy. Cái vô tư đầy sức sống của anh chàng trẻ trung ấy gần như đối lập với sự mệt mỏi rệu rã hiện ra trên gương mặt Philippe, người đàn ông tật nguyền ngồi ghế bên, dù đã tỏ ra hào hứng hùa theo trò đùa vô thưởng vô phạt đầy ngẫu hứng của cậu tài xế.

Truyện phim được lật lại từ buổi tuyển nhân viên phục vụ của Philippe, đại gia giàu có, có thể nói là “bơi trong biển tiền”, nhưng lại bị tai nạn trong một cuộc chơi dù lượn và bị liệt hoàn toàn. Tất cả những người tới tham gia buổi phỏng vấn đều đưa ra những lý do nghe có vẻ chính đáng, hầu hết vẫn là cố gắng chứng tỏ sự thương hại, lòng trắc ẩn gượng ép của họ với ông chủ tật nguyền đáng thương. Và Driss chắc chắn đã gây ấn tượng với Philippe bởi vì anh tới là để bị từ chối. Driss chỉ vào đó xin cho đủ ba chữ kí để nhận tiền trợ cấp, không hơn.

Óc hài hước, sự bất cần và cái nhìn hoàn toàn bình thường mà Driss dành cho Philippe đã khiến anh dễ dàng lọt vào mắt xanh của ông chủ khó tính. Bị mẹ tống ra khỏi căn hộ chật hẹp cũ mèm vì đã không cùng bà nuôi nấng dạy dỗ các em, lại được Philippe thách đố xem có thể trụ nổi hai tháng trong vai người chăm sóc riêng cho ông không, Driss chấp nhận dọn về căn biệt thự của Philippe và bắt đầu công việc mới của mình.

Ban đầu, Philippe nhận Driss, đơn giản là vì ông ghét cảm giác bị người khác thương hại, nhưng có vẻ, ẩn sâu trong quyết định đó, ông đã nhìn thấy một chút tia sáng lóe lên từ cậu thanh niên đang bế tắc trong cuộc sống nhưng vẫn đầy hào hứng và hài hước này.

Hai nửa đối lập

Vậy là, hai mảnh đối lập ghép vào nhau. Một doanh nhân thành đạt, có trí tuệ nhưng lại không thể thụ hưởng được những nhu cầu căn bản của con người sau một biến cố quá lớn. Một kẻ thất nghiệp tới từ khu ổ chuột đầy rẫy tệ nạn. Nhưng họ có chung một nỗ lực, đó là cùng đang cố gắng sống sót đầy mạnh mẽ. Đây, có lẽ, cũng là lý do hai biên kịch kiêm đạo diễn của phim, đã lấy tên phim là “Những kẻ bên lề”. Dù xuất thân khác nhau, tiền tài và địa vị khác nhau nhưng cả hai đều là những kẻ bị “gạt” ra khỏi cuộc sống bình thường.  

Những chi tiết hài hước nho nhỏ xuất hiện đơn giản không chỉ để thấy sự làm quen với công việc mới, môi trường mới của Driss. Thật ra, đó là những cái bản chất bên trong anh chàng dường như chưa lớn này. Những thói sống ích kỉ, vô tâm, cục cằn, tự phụ, không biết chăm sóc hay quan tâm tới người khác, mà từ đầu phim đã thấy rất rõ ràng, khi Driss bỏ bê gia đình, để một mình mẹ nuôi phải chăm lo đàn em và khi trở về chỉ là một quả trứng sô-cô-la làm quà đền đáp, thậm chí đó còn là quả trứng ăn cắp của Philippe.

Thế nhưng, rõ ràng, người ta bắt đầu thấy nửa đối lập từ Driss phát tác khi những trò của anh lại đem lại không khí khác cho cuộc sống vốn đầy nguyên tắc, mẫu mực và nhàm chán của Philippe. Sự vô tư và thiếu cảm thông của Driss dường như đã được đặt đúng chỗ. Nó khiến cho Philippe cảm thấy mình rõ ràng được đối xử đúng nghĩa “một người bình thường” hơn là một kẻ phải trả tiền cho bao kẻ khác chỉ để đổi lấy sự thương hại. Và điều kì lạ hơn cả là cái lấp lánh ẩn sâu của Driss, nhờ có Philippe, mà bộc lộ rõ ràng hơn. Vào cái đêm Philippe bị khó thở, Driss đã ở cạnh ông, đặt bàn tay ấm áp lên gương mặt ông, áp khăn lạnh vào trán ông và đưa ông ra đường đi dạo vào lúc 4 giờ sáng. Lần đầu tiên Philippe hút cỏ. Lần đầu tiên họ nói với nhau những câu chuyện mà có lẽ ít khi thổ lộ với ai.

Hai nửa gặp nhau, bổ trợ và bù trừ cho nhau. Đâu cần phải là hai kẻ đang yêu để có thể trở thành một nửa còn lại của người kia. Họ, giống như số 1, đứng trên Top của thế giới, và kẻ kia là số 0, hoàn toàn không có gì, lại được đưa đến với nhau. Rõ ràng, tính bù trừ của họ đã tạo cho chính họ một sức hút mạnh mẽ. Philippe với tầm kiến thức sâu rộng của mình đã đem đến cho Driss những trải nghiệm mới, từ cách sống thượng lưu, cho tới cách cảm nhận các tác phẩm nghệ thuật, tới những bản giao hưởng đẹp đẽ, tới trò dù bay của giới siêu giàu và thậm chí là bộ vest đầu tiên trong đời.

Còn Driss, với trải nghiệm của một cậu nhóc kiên cường xuất thân từ khu ổ chuột, lại cho Philippe một chút mạo hiểm, quá khích, những trải nghiệm đơn giản thường nhật như Mát-xa Yoni, hút cỏ, lái siêu xe đua với cảnh sát, hay đặc biệt hơn nữa là cách giáo dục con cùng với cả sự tận tâm và nghiêm khắc cần có, điều mà sau này, chính Driss cũng rút ra bài học để dạy dỗ các em của mình. Hơn thế, Driss còn cho Philippe đủ can đảm để gặp mặt cô bạn gái mà ông cùng cô đã viết tâm thư cho nhau suốt 6 tháng liền.

Cuộc sống là một món quà

Mặc dù bề ngoài tỏ ra là một người cứng cỏi, mạnh mẽ, chống lại số phận, nhưng sự thật, Philippe lại luôn tự cảm thấy thương hại chính mình. Vì thế mà ông bỏ qua tất cả những người tới đăng tuyển làm nhân viên chăm sóc ông. Ông ghét bị thương hại, ghét cái cảm giác nhìn thấy mình bé mọn trong mắt người khác, vì từ nhỏ, ông đã được dạy là “đi tè lên những kẻ khác” như một lần ông tâm sự với Driss. Ngay cả lúc gửi ảnh cho cô bạn gái qua thư, Philippe cũng gửi bức ảnh của cái thời “ông là chính mình”, trước khi ông bị tai nạn. Philippe hoàn toàn mất tự tin vào bản thân, không dám nghĩ có ai đó lại có thể yêu ông được nữa nếu không phải vì những tài khoản của ông ở ngân hàng. Philippe né tránh buổi gặp đầu tiên với cô bạn dù đã cất công hẹn gặp và rủ Driss đi chơi dù bay.

Hẳn tới đây, khán giả có thể cảm thấy rùng mình. Không phải vì ớn lạnh hay sợ sệt, mà trái lại, đó là cái rùng mình đầy khoan khoái, xúc động mạnh mẽ. Sự kết hợp giữa hình ảnh hai nhân vật lướt bay trên không trung và ca khúc “Feeling Good” cất lên như là chìa khóa mở tung cánh cửa kìm hãm của cả Driss và Philippe. Người xem cảm thấy tự do. Tự do với một người tàn phế như Philippe và tự do với Driss, kẻ luôn kẹt giữa thế giới dưới đáy xã hội của mình.

Cuộc sống là một món quà. Và rõ ràng, món quà dành cho Driss là sự thay đổi nơi chính con người anh. Thay đổi ở cái cách anh yêu cầu tài xế không đậu xe ở trước cửa nhà Philippe, hay ở cái cách anh cùng cậu em trai đi đón mẹ nuôi ở tàu điện ngầm, cùng nhau xách đồ cho bà. Không đao to búa lớn, không cầu kì, tầm vóc của một con người là điều có thể biến chuyển như thế.

Nhiều khán giả hẳn đã không cầm được nước mắt ở trường đoạn cuối phim, khi Driss sắp xếp cuộc hẹn cho Philippe với “người tình trong thư” của ông. Đó là món quà mà cuộc đời dành cho Philippe khi ông đã không ngần ngại trao gửi tình cảm và sự quan tâm của ông tới Driss, một người cùng khổ hơn mình.

Âm nhạc là một thành công lớn trong “Những kẻ bên lề”. Những giai điệu piano đượm buồn, sâu lắng, khi trầm khi bổng, cùng những bản giao hưởng cổ điển và những điệu pop trẻ trung sôi động đã dẫn dắt mạch truyện của phim thật vô cùng duyên dáng. Và ở vào phút cuối, người ta có thể nhoẻn cười, ngồi lặng, để cảm xúc dâng lên từ từ trong tim cho đến khi Driss đi hết khuôn hình biển trời thênh thang lộng gió.

Thành công mà “Những kẻ bên lề” gặt hái được có lẽ một phần do bộ phim được làm dựa trên một câu chuyện có thật. Không đi sâu vào các chi tiết nặng nề đau thương, không đẩy tình huống đến tận cùng đỉnh điểm của tranh đấu, phim tràn ngập tính hài, dí dỏm, nhẹ nhàng nhưng gợi nên những bài học nhân cách sâu sắc, mang đến sự lạc quan, nghị lực và niềm tin yêu cuộc sống cho người xem, nhất là khi nhìn vào nụ cười rạng rỡ vô tư của hai nhân vật. Hai biên kịch, kiêm đạo diễn của phim, là Olivier Nakache và Éric Toledano đã làm được một việc vô cùng tuyệt vời, đó là đem tới niềm tin cho khán giả, rằng trong mỗi chúng ta ai cũng có lòng trắc ẩn và đâu đó ngoài kia vẫn tồn tại những câu chuyện khó tin nhưng có thật.

Miễn là chúng ta còn có đủ niềm tin vào cuộc sống và tiếp tục nuôi dưỡng nó.             

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.