Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Kim Ki Duk - Cánh cửa hạnh phúc từ những con đường đau khổ

Đăng ngày:

Cuối tháng 12 năm 2020, chúng ta vừa nói lời từ biệt với Kim Ki Duk, một nhà đạo diễn điện ảnh tài ba người Hàn Quốc. Có thể nói, Kim Ki Duk là điểm nhấn mạnh mẽ của điện ảnh Châu Á trong tổng thể bức tranh nhiều màu sắc của nền điện ảnh thế giới.

Đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki Duk đoạt Sư tử vàng với bộ phim "Pieta - Thánh nữ bác ái", Liên hoan phim Venise lần thứ 69, ngày 08/09/2012.
Đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki Duk đoạt Sư tử vàng với bộ phim "Pieta - Thánh nữ bác ái", Liên hoan phim Venise lần thứ 69, ngày 08/09/2012. REUTERS/Tony Gentile
Quảng cáo

Kim Ki Duk qua đời ở tuổi 59 tại Latvia trong một chuyến công tác do nhiễm virus Sars-Cov2. Gia tài ông để lại không chỉ là rất nhiều giải thưởng danh giá tại các liên hoan phim lớn trên Thế giới mà còn là triết lí sâu xa ẩn bên dưới những thước phim vô cùng độc và dị, thông qua sự dằn vặt, nỗi khổ đau, thù hận, bạo lực, cuộc sống cùng cực vật vã toát lên từ nhân vật cũng như các tác phẩm mà ông sáng tạo.

Trong các tác phẩm của Kim Ki Duk, gọi là “tuyệt tác” thì có thể nhắc tới hai bộ phim “Xuân, hạ, thu, đông… rồi lại Xuân” (sản xuất năm 2003) và “Pieta” (sản xuất năm 2012). Cả hai bộ phim cùng gây tranh cãi, vì nội dung cũng như hình ảnh rất khốc liệt, mạnh bạo. Hành trình của các nhân vật trong hai tác phẩm này dường như đều đạt đến tận cùng của sự độc ác, dằn vặt, đày ải, đau đớn nhưng cuối cùng, lại vươn tới Hạnh phúc theo ý nghĩa riêng của họ.  

 Vòng tròn sự sống

“Xuân, hạ, thu, đông… rồi lại Xuân” được chia làm 5 giai đoạn, tương ứng với 4 mùa trong năm và một mùa Xuân quay lại. Mỗi giai đoạn cách nhau một khoảng thời gian nhất định, kể về quãng đời của một chú tiểu sống trong ngôi chùa đẹp ở giữa biển hồ cùng với sư phụ của chú.

Xuân - là khi mọi sự sống bắt đầu, chú tiểu cùng sư phụ sống yên lành bên biển hồ bình lặng. Những trò chơi quái ác một cách vô tâm của chú khiến sư phụ không hài lòng.

Hạ - là khi chú đã trưởng thành. Ngôi chùa mở cửa đón khách, cũng là lúc bao nhiêu uẩn khúc, dục vọng cuộc đời xâm lấn chốn thiền tu. Chú tiểu rời bỏ chùa để đi theo tiếng gọi tình yêu.

Thu - là cái giá phải trả cho những sai lầm tiếp nối. Chú đã giết chết người yêu vì bị cô ta phản bội.

Đông - là khát vọng hoàn lương của chú tiểu sau khi thụ án tù vì tội giết người và lại trở về chùa.

Rồi mùa Xuân khác lại tới - một người đàn bà xa lạ đem theo một đứa bé tới chùa và bỏ nó lại đó.  

Vòng tròn của sự sống trong “Xuân, hạ, thu, đông… rồi lại Xuân” giống như “Sinh, lão, bệnh, tử… rồi lại sinh”. Một chú tiểu nhỏ tuổi với những trò chơi độc ác một cách vô tâm đã phải sống với nỗi dằn vặt vì tội ác của mình đến suốt cuộc đời. Khi chú lớn lên, cái khát khao dục vọng rất “Đời” đẩy chú ra khỏi chùa và trả lại cho chú một tình yêu bị phản bội. Con người ta sinh ra, vốn là “Nhân chi sơ tính bản thiện”, lại bị lòng Tham lam, Si mê, Sân hận khiến cho trở nên mù quáng, thúc đẩy và nuôi dưỡng sự mung muội, ngu si. Rồi, như một điều tất yếu, xuân đến, hạ sang, thu về, đông tới, con người xoay vần qua biết bao nhiêu sai lầm tiếp nối nhau, để cuối cùng, vẫn tìm đường trở về với lương thiện như chú tiểu ngày nào trở về với ngôi chùa xưa cũ.

Lúc chú bước chân quay đầu thì sư phụ chú đã tự vẫn từ lâu ngay tại ngôi chùa của hai thầy trò. Cái chết của sư phụ chú giống như nỗ lực cuối cùng mà Ông mong muốn làm, ấy là lấy sự Thiện tâm để tưới tắm cho tâm hồn đã bị vấy bẩn của học trò.

Hình ảnh vị sư, lúc này là chú tiểu đã lớn, kéo lê phiến đá đeo sau lưng, tay ôm bức tượng Phật trèo lên đỉnh núi chính là hình ảnh con người bị ám ảnh với sai lầm của mình cả cuộc đời nhưng bởi họ đã nhận thức được sai lầm, đã tự tìm cách sửa chữa nó nên cuối cùng, họ vẫn tìm được hạnh phúc. Ấy vậy mà sau mùa đông giá lạnh, một mùa xuân lại tới, cuộc đời lại tiếp tục xoay vần theo cách riêng của nó, lại có những con người mới và những sai lầm mới y hệt những sai lầm cũ.

“Bao giờ thì loài người tỉnh ngộ” có vẻ là câu hỏi lớn mà Kim Ki Duk đặt ra qua trường đoạn cuối cùng của phim, khi một chú tiểu khác lại xuất hiện ở chùa với những trò chơi độc ác như chú tiểu nhỏ năm nào. Đó là trò buộc đá vào thân thể những con vật yếm thế nhỏ bé rồi ngồi ngắm nhìn xem chúng sẽ quằn quại ra sao. Cái kết mà như không kết của bộ phim đã thực sự gây nên nỗi ám ảnh cho người xem.

Có được Hạnh phúc là Mất hay Được ?

Cánh cửa hạnh phúc tiếp tục được nhìn qua lăng kính rất khác thông qua “Pieta”, bộ phim thứ 18 trong sự nghiệp Điện ảnh của Kim Ki Duk.

Nếu “Xuân, hạ, thu, đông… rồi lại Xuân” được coi là phim đầu tiên tạo ấn tượng mạnh mẽ về cái tên Kim Ki Duk thì “Pieta” lại được nhiều nhà phê bình cho rằng đây là tác phẩm thành công cuối cùng chấm dứt chuỗi “chiến công” bất bại của ông. Một người mẹ chỉ hạnh phúc khi trả thù được cho con trai mình bằng một cách không giống ai, đó là đem trao gửi hạnh phúc cho kẻ thù đã giết con mình. Bà tự nhận là người mẹ đã bị thất lạc từ rất lâu của kẻ sát nhân, chăm sóc, quan tâm, bám riết hắn. Ban đầu, hắn cũng chối bỏ bà nhưng hận thù trong lòng người mẹ quá lớn đã biến thành một tình yêu kỳ lạ, bao bọc, chở che, vây quanh kẻ giết người.

Sau khi đã thay đổi được tâm tính kẻ thủ ác, bà đã tự vẫn, để lại cho hắn biết bao băn khoăn đau khổ. Hạnh phúc là đây ư ? Khi hắn chạm tới hạnh phúc, khi hắn sắp không còn là một kẻ cho vay nặng lãi độc ác, khi hắn không còn sẵn sàng hành hạ, tra tấn người khác, khi hắn biết quan tâm, biết yêu thì hắn lại mất tất cả ? Hành trình sống của hắn, cho đến sau khi biết tới hạnh phúc, hóa ra lại là hành trình đau khổ nhất, dằn vặt nhất.

Vậy có được Hạnh Phúc là hạnh phúc, hay mất đi Hạnh Phúc mới là hạnh phúc ? Người mẹ đã gieo vào trong hắn tình yêu, lòng trắc ẩn, sưởi ấm trái tim lạnh giá của hắn, để sau này, khi hắn phát hiện ra bà chính là mẹ của người mà hắn đã giết, cái rã rời của một Hạnh Phúc bị đánh tráo đã khiến hắn sụp đổ, không cách nào cứu vãn.

Hành trình đau khổ của bà mẹ, là trao gửi Hạnh Phúc cho kẻ thù, cuối cùng đã đem lại sự giải thoát cho bà, đã đánh gục kẻ tưởng như không thể đánh gục, đã đem lại cho bà một hạnh phúc đích thực.

Hình ảnh mạnh bạo đến rùng mình cuối cùng mà Kim Ki Duk dùng tới trong bộ phim là hình ảnh kẻ sát nhân tự buộc mình vào chiếc xe để cho nó kéo lê đi như muốn dùng nỗi đau thể xác để khỏa lấp những cào cấu giằng xé đau đớn trong tâm hồn hắn. Đó là cái giá phải trả cho kẻ đã cướp lấy hạnh phúc của người khác.

Gã phù thủy điện ảnh

Người ta gọi Kim Ki Duk là “Gã phù thủy điện ảnh” hẳn cũng là vì những lý do đó. Phim của ông thuận theo tự nhiên nhưng cũng đánh tráo cảm xúc của người xem, mạnh mẽ đầy nhục dục, nhưng cũng nặng tính triết lí sâu sa. Nó luôn đặt ra những vấn đề giàu tính khơi gợi, khiến người xem phải ngẫm nghĩ, sau đó tự tìm câu trả lời của riêng mình.

Chính vì vậy, khán giả đến với phim Kim Ki Duk thường chia làm hai luồng rõ rệt. Luồng thứ nhất chỉ xem được ít trường đoạn là quay mặt đứng lên. Luồng thứ hai sẽ ngồi lại, nghiền ngẫm những điều mà ông muốn gửi gắm.

Kim Ki Duk từng nói ông không muốn làm phim giống những người khác. Phải chăng vì thế mà phim của ông dù đầy rẫy bạo lực, dục vọng nhưng cuối cùng lại chạm tới mọi cảm xúc tột bậc của khán giả ? Sự ra đi đột ngột của Kim Ki Duk cũng giống như cái kết trong hầu hết các tác phẩm của ông … Như một cuộc dạo chơi không bao giờ có hồi kết. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.