Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Nga và những thay đổi trong học thuyết răn đe hạt nhân

Đăng ngày:

Ngày 25/03/2023, tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Matxcơva sẽ triển khai vũ khí nguyên tử « chiến thuật » tại Belarus. Đây không phải là lần đầu tiên Nga nói đến việc dùng vũ khí hạt nhân kể từ khi xảy ra xung đột Ukraina từ hơn một năm qua. Một số nhà nghiên cứu tại Pháp nhận định những tuyên bố này nằm trong chiến lược « đe dọa hạt nhân », một phần trong học thuyết răn đe hạt nhân của Nga.

Nga ngày 20/04/2022 thông báo thử tên lửa đạn đạo Sarmat.
Nga ngày 20/04/2022 thông báo thử tên lửa đạn đạo Sarmat. AP
Quảng cáo

Liên Xô – Hoa Kỳ và cán cân khủng bố hạt nhân

Ngược dòng thời gian, tháng 8/1949, dưới thời Stalin, Liên Xô thử quả bom hạt nhân đầu tiên RDS-1, có sức mạnh tương đương với quả bom hạt nhân mà Hoa Kỳ thả xuống thành phố Nagasaki bốn năm về trước.

Chỉ trong vòng 9 năm, từ năm 1953 đến năm 1962, thời điểm xảy ra khủng hoảng tên lửa Cuba, số đầu đạn hạt nhân của Liên Xô tăng vọt từ 120 lên 3.222, để rồi đạt đỉnh 45 ngàn đầu đạn năm 1986, năm xảy ra tai nạn hạt nhân Tchernobyl. Con số này nhiều hơn của Mỹ gấp hai lần.

Khi Vladimir Putin lên cầm quyền năm 2000, số đầu đạn hạt nhân của Liên Bang Nga giảm xuống còn 21 ngàn và theo ước tính hiện tại, Nga có khoảng 5.400 đầu đạn hạt nhân, con số cao nhất trong số 9 cường quốc hạt nhân hiện nay.

Nhưng trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, cán cân khủng bố hạt nhân dựa trên thế mạnh ngang bằng và nguy cơ hủy diệt lẫn nhau giữa hai bên. Việc cả Washington và Matxcơva đều tin rằng một cuộc tấn công hạt nhân sẽ dẫn đến những vụ trả đũa lẫn nhau, cuối cùng chỉ có thể đi đến sự hủy diệt hoàn toàn, đã cho phép loại trừ khả năng xảy ra một cuộc đối đầu trực diện giữa hai đại cường.

Về điểm này, Olivier Zajec, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, đại học Jean Moulin – Lyon 3, trả lời phỏng vấn Le Figaro (07/10/2022), nhận xét thêm :

« So với thời Liên Xô, ở đây có khía cạnh về lượng. Nước Nga có ít đầu đạn hạt nhân hơn nhiều so với thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Trong suốt giai đoạn này, Liên Xô đánh giá cao vũ khí hạt nhân bằng cách sử dụng chúng trong các diễn ngôn, kể cả về mặt chính trị và quân sự. Hơn nữa Liên Xô thời kỳ đó từng cam kết không bao giờ sử dụng chúng trước tiên trong một xung đột. Giờ thì Nga từ bỏ chính sách không là bên sử dụng đầu tiên, một chính sách cường quốc, có thể nói mang tính thống trị. »

Làm thế nào giải thích cho sự thay đổi đó ? Mọi việc có lẽ bắt nguồn từ Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (IDS) do tổng thống Ronald Reagan đưa ra năm 1983, từ bỏ học thuyết cán cân sợ hãi, đoạn tuyệt với hệ thống đáp trả hạt nhân tức thì. Nhưng chương trình IDS của Mỹ, ngoài việc phát triển một hệ thống lá chắn tên lửa bảo vệ Hoa Kỳ trước một cuộc tấn công hạt nhân của Liên Xô, còn nhằm mục đích bóp nghẹt nền kinh tế của Liên Xô đang gặp khó khăn.

Hạt nhân bù đắp cho sự yếu kém về vũ khí quy ước

Liên Xô tan rã tháng 12/1991. Nước Nga mới hình thành tuyên bố từ bỏ cam kết « không là bên đầu tiên sử dụng » vũ khí hạt nhân trong học thuyết quân sự năm 1993. Chính sách răn đe hạt nhân khi ấy được xem như là một phương tiện bù đắp cho sự yếu kém về vũ khí quy ước, liên quan đến những thiếu sót về năng lực, và được ông Vladimir Putin tiếp tục duy trì trong những năm đầu cầm quyền.

Đến cuối thập niên 1990, nhiều chuyên gia Nga bắt đầu nhắm đến một khái niệm mới : Tấn công hạt nhân hạn chế, được thực hiện với sự hỗ trợ của vũ khí chiến thuật tầm ngắn trong khuôn khổ một « cuộc chiến tranh hạt nhân có giới hạn ». Lập trường này vào năm 2010 đã được một chuyên gia Nga nổi tiếng, Yuri Fedorov, cổ vũ, cho rằng quân đội Nga có thể sử dụng hạn chế vũ khí hạt nhân nhằm ngăn ngừa, hay chặn đứng một cuộc tấn công từ các lực lượng quy ước vượt trội hơn.

Lập trường này sau đó đã được Nga ghi vào học thuyết quân sự năm 2014. Theo đó, Nga không chỉ nhắm đến việc tấn công hạt nhân trả đũa, mà rất có thể sẽ đánh phủ đầu trước tiên nếu sự sống còn của nước Nga bị đe dọa, và/hay như những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt được sử dụng chống lại Nga hay một đồng minh của Nga.

Lợi ích của chúng là gì ? Loại vũ khí này có thể sử dụng được trên chiến trường mà không lo nhận lãnh một đòn trả đũa hủy diệt từ kẻ thù, đồng thời có thể gây ra những thiệt hại cho phép giảm leo thang và chấm dứt xung đột.

Cũng trên báo Le Figaro, Olivier Zajec giải thích tiếp :

« Nguyên lý của vũ khí hạt nhân chiến thuật, về mặt lý thuyết, đó là tăng dần khả năng hủy diệt nguyên tử và người ta hy vọng có thể thu được những lợi thế trên bình diện chính trị và quân sự. Chúng ta đang chứng kiến sự trở về của điều mà người ta gọi là "thuyết chiến thắng hạt nhân". Đó là lý do tại sao người ta cho là chiến thuật.

Ngày nay, người ta cho rằng có những "quốc gia đạo tặc" ngày càng đặt cược nhiều vào việc một số cường quốc không thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Đại khái, "có một hành động gây hấn, chuyện đang xảy ra ở rất xa, chưa đáng để sử dụng tấn công hạt nhân".

Thế là họ không sử dụng năng lực hạt nhân. Và do vậy, những "quốc gia đạo tặc"có thể lợi dụng điều đó. Một số chuyên gia, chiến lược gia, hay quốc gia, từ vài năm gần đây, đánh giá rằng tạo tính chính đáng cho khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật có hỏa lực thấp hơn có thể giúp khôi phục khả năng răn đe ».

Theo nhận định của Céline Marangé, chuyên gia về Nga, Ukraina và Trung Á, Viện Nghiên cứu Chiến lược trường Quân Sự Pháp, trong một bài tham luận đăng trên Tạp chí Quốc Phòng (số mùa hè năm 2017), cú hích dẫn đến những thay đổi lớn trong học thuyết răn đe hạt nhân của Nga là cuộc chiến tại Gruzia năm 2008. Cuộc xung đột này đã làm lộ rõ những yếu kém lớn về năng lực quân đội. Nga cần phải củng cố uy tín lực lượng chính quy và chính sách răn đe hạt nhân.

Và hai thay đổi lớn quan trọng này đã được ông Valery Guerassimov, tham mưu trưởng, thứ trưởng Quốc Phòng Nga, trình bày trong một bài viết đăng năm 2013. Một mặt, các phương tiện phi quân sự được nâng cao vai trò và việc gây ảnh hưởng từ xa mà không cần tiếp xúc với địch thủ trở thành một phương cách chính để đạt các mục tiêu chiến đấu và tác chiến. Mặt khác, phổ biến sử dụng các loại vũ khí có độ chính xác cao và tích cực đưa vào trong quân đội các loại vũ khí được thiết kế dựa trên những nguyên tắc vật lý mới và các hệ thống rô-bốt hóa.

Vũ khí hạt nhân : Từ răn đe phòng thủ đến dọa dẫm

Xuất phát từ hai ghi nhận này, giới chức Nga đã phát triển một chiến lược dựa trên sự tác động ảnh hưởng và gây bất ổn chính trị, cũng như răn đe và dọa dẫm chiến lược. Chính trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây mà hạt nhân của Nga được khoác thêm một tầm quan trọng mới. Vũ khí nguyên tử được sử dụng để bù đắp cho sự yếu thế tương đối của lực lượng quy ước của Nga so với các lực lượng của NATO và trong tiềm tàng là với Trung Quốc.

Cũng theo nhà nghiên cứu Céline Marangé, điểm mới trong học thuyết răn đe của Nga, hay đúng hơn là sự trở về với kiểu luận điệu của Nikita Khrouchtchev, đó là hạt nhân giờ được sử dụng để đe dọa đối thủ và chứng tỏ sự trở lại của cường quốc Nga. Đó là những gì tổng thống Putin hay nhiều nhân vật quan trọng Nga thường hay nhắc đến ngay từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraina tháng 12/2013 và ngay sau ngày sáp nhập bán đảo Crimée : Dọa biến Hoa Kỳ thành tro bụi phóng xạ (3/2014), đặt lực lượng hạt nhân trong tình trạng báo động (3/2015).

Trước đó, quân đội Nga còn mô phỏng tấn công hạt nhân Vacxava (2009), mô phỏng tấn công hạt nhân Thụy Điển (2013), hay tăng cường tuần tra do thám có trang bị vũ khí hạt nhân… Bên cạnh những hành động này, quân đội Nga còn triển khai nhiều loại vũ khí hạt nhân chiến thuật gần biên giới với Liên Hiệp Châu Âu, như lắp đặt tên lửa đạn đạo Iskander lưỡng dụng tại Crimée, Kaliningrad và vùng quân sự phía Tây của Nga.

Về điểm này, chuyên gia về quốc phòng Olivier Zajec tại Lyon, đưa ra một số phân tích :

 «Trên thực tế, ngân sách dành cho quốc phòng của Nga là tương đối hạn chế. Hiện nay, mức ngân sách hàng năm là khoảng 70 tỷ đô la, trong khi đó Mỹ dành đến 770 tỷ đô la. Rõ ràng nước Nga chỉ là một tiểu cường quốc trên bình diện ngân sách. Những năm gần đây, Nga không thể tự cho phép mình mua hết tất cả, do vậy họ buộc phải chọn lựa. Chúng ta cũng đã thấy rõ tình trạng kém hiệu quả của quân đội Nga ở Ukraina.

Ngược lại, các loại vũ khi hạt nhân, vũ khí có độ chính xác cao, những loại vũ khi mới là những ưu tiên. Ở đây, chúng ta có nguy cơ nhìn thấy vũ khí hạt nhân được xem như là một giải pháp để bù đắp quá mức cho điểm yếu của lực lượng quy ước Nga, nhất là trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraina, đang diễn ra tại những vùng giáp với biên giới Nga ».

Như để khẳng định cho tầm nhìn chiến lược này, năm 2018, đích thân tổng thống Vladimir Putin đã hãnh diện tiết lộ những loại vũ khí « bất bại » mới mà Nga đang trang bị cho quân đội : Những tên lửa siêu thanh có thể điều khiển để tránh đòn phản công ; drone lặn khó phát hiện dù chỉ cách bờ biển đối thủ vài km, hay tên lửa SARMAT, còn được gọi là « Satan 2 », có tầm bắn vô giới hạn.

Một điều chắc chắn là, những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga, ngoài việc chứng minh khả năng đổi mới công nghệ của Matxcơva trong lĩnh vực này, Nga còn đạt được một mục tiêu khác : Chứng tỏ cho Washington thấy rằng Nga đang qua mặt Mỹ trong công nghệ vũ khí hạt nhân và nước này đang triển khai những công nghệ tiên tiến. Do đó, Nga còn xa mới bị xem như là một cường quốc hạt nhân hạng hai. Tóm lại, Nga vẫn là một thách thức nghiêm trọng cho sức mạnh Hoa Kỳ.

Chuyên gia Olivier Zajec kết luận : « Nga đã bảo vệ được vị thế cường quốc hạt nhân. Nước Nga vẫn là một cường quốc hạt nhân đáng tin cậy. Đó là lý do vì sao ngày nay các lãnh đạo phương Tây vẫn tỏ ra thận trọng trước Nga ! »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.